Bài 15: Cảm ứng ở thực vật | Giải bài tập Sinh học 11 | Chương 2: Cảm Ứng Ở Sinh Vật - Lớp 11 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Giải bài tập Sinh học 11 - Bài 15


Mở đầu trang 90 Sinh học 11: Thực vật đứng yên hay vận động? Chúng mở rộng không gian sống, tìm kiếm dinh dưỡng và hướng đến các điều kiện sinh thái thích hợp bằng cách nào?

Lời giải:

- Thực vật có đời sống cố định (đứng yên).

- Chúng mở rộng không gian sống, tìm kiếm dinh dưỡng và hướng đến các điều kiện sinh thái thích hợp bằng cách vận động các cơ quan, bộ phận của thực vật. Một số vận động có thể quan sát thấy như leo giàn của tua cuốn, uốn cong của rễ thân non, nở hoặc khép của cánh hoa, phản ứng cụp lá,…

Dừng lại và suy ngẫm (trang 90)

Câu hỏi trang 90 Sinh học 11: Lấy một số ví dụ về cảm ứng ở thực vật thể hiện vai trò tận dụng nguồn sống trong điều kiện môi trường bất lợi.

Lời giải:

Một số ví dụ về cảm ứng ở thực vật thể hiện vai trò tận dụng nguồn sống trong điều kiện môi trường bất lợi:

- Cây bàng rụng lá vào mùa đông để hạn chế tình trạng thoát hơi nước trong điều kiện hanh khô của mùa đông.

- Khí khổng của cây xương rồng mở ra vào ban đêm và đóng lại vào ban ngày để hạn chế tình trạng thoát hơi nước trong điều kiện nóng hạn của vùng sa mạc.

- Cây ưa sáng đặt ở cạnh cửa sổ có ngọn cây mọc nghiêng về hướng cửa sổ để thu nhận được ánh sáng chiếu từ một phía.

- Trong rừng, các cây thân leo bám vào cây thân gỗ lớn để leo lên trên cao để thu nhận được ánh sáng phía trên tầng rừng.

- Khi có côn trùng tiếp xúc, các lông tuyến của cây gọng vó phản ứng lại bằng cách uốn cong, giữ chặt và tiêu hoá con mồi để thu nhận nguồn chất dinh dưỡng nitrogen trong điều kiện môi trường sống thiếu nitrogen.

Dừng lại và suy ngẫm (trang 95)

Câu hỏi 1 trang 95 Sinh học 11: Lập bảng phân biệt các hình thức hướng động ở thực vật về tác nhân gây ra vận động, đặc điểm và vai trò của mỗi hình thức.

Lời giải:

Bảng phân biệt các hình thức hướng động ở thực vật về tác nhân gây ra vận động, đặc điểm và vai trò:

Hình thức hướng động Tác nhân gây ra Đặc điểm Vai trò
Hướng sáng Ánh sáng Là phản ứng sinh trưởng của cây đối với ánh sáng: Ngọn thân hoặc cành của cây luôn sinh trưởng hướng đến nguồn ánh sáng (hướng sáng dương). Đảm bảo cho cây nhận được nhiều ánh sáng cung cấp cho quang hợp.
Hướng hóa Chất hoá học như chất khoáng, chất hữu cơ, hormone thực vật, chất độc,... Là phản ứng sinh trưởng của cây đối với các chất hóa học: Rễ cây luôn sinh trưởng hướng đến nguồn chất dinh dưỡng (hướng hóa dương) và sinh trưởng tránh xa kim loại nặng, chất độc trong đất (hướng hóa âm). Đảm bảo cho cây lấy được các chất dinh dưỡng cần thiết cung cấp cho các hoạt động sống của cây.
Hướng nước Nước Là một trường hợp đặc biệt của hướng hóa: Rễ cây sinh trưởng hướng đến nguồn nước (hướng nước dương). Đảm bảo cho cây lấy được đủ lượng nước cần thiết cung cấp cho các hoạt động sống của cây.
Hướng trọng lực Trọng lực (lực hút của Trái Đất) Là phản ứng sinh trưởng của cây đối với trọng lực: Đỉnh rễ sinh trưởng theo hướng của trọng lực (hướng trọng lượng dương), còn chồi đỉnh sinh trưởng ngược hướng của trọng lực (hướng trọng lượng âm). Đảm bảo bộ rễ đâm sâu xuống đất giúp cây được cố định và tìm kiếm được nguồn nước, khoáng cho cây.
Hướng tiếp xúc Tác động cơ học (tiếp xúc) đến từ một phía. Là phản ứng sinh trưởng của cây đối với tác động cơ học đến từ một phía; thường gặp ở thực vật thân leo và thân bò. - Giúp cây leo vươn lên cao để có nhiều không gian và nguồn sáng cho sự sinh trưởng của cây.

Câu hỏi 2 trang 95 Sinh học 11: Kẻ và hoàn thành bảng về các hình thức ứng động ở thực vật vào vở theo mẫu dưới đây:

hinh-anh-bai-15-cam-ung-o-thuc-vat-3657-0

Lời giải:

Các hình thức ứng động ở thực vật:

Kiểu ứng động Khái niệm Nguyên nhân Cơ chế Ví dụ
Ứng động sinh trưởng Là những vận động xuất hiện do tốc độ sinh trưởng và phân chia tế bào không đều ở các cơ quan, bộ phận đáp ứng, dưới tác động của các kích thích không định hướng của môi trường. Tác nhân gây ứng động sinh trưởng có thể là nhiệt độ, ánh sáng,… mang tính chu kì (chu kì ngày đêm hay chu kì mùa). Tác nhân nhiệt độ, ánh sáng mang tính chu kì (ngày đêm, mùa) tác động lên chồi cây làm thay đổi tương quan hàm lượng giữa các hormone, gây kích thích hoặc ức chế sinh trưởng của chồi cây, hoặc tác động lên mặt trên và mặt dưới của hoa làm phân bố lại hormone dẫn đến sự tăng trưởng khác nhau của mặt trên và mặt dưới của hoa, làm hoa nở hoặc khép.

Hoa bồ công anh nở ra khi có ánh sáng và cụp lại lúc chạng vạng tối.

Vận động ngủ, thức của chồi cây theo mùa ở cây bàng, cây phượng.

Ứng động không sinh trưởng Là những vận động thuận nghịch do sự biến đổi sức trương nước của cơ quan, bộ phận đáp ứng hoặc do xuất hiện sự lan truyền của kích thích trong các tế bào, mô chuyển hoá dưới tác dụng của các tác nhân cơ học, hoá học. Tác nhân gây ứng động không sinh trưởng có thể là tác nhân cơ học hay hoá học. Tác nhân kích thích (cơ học, hóa học) tác động lên thụ thể trên màng tế bào của bộ phận tiếp nhận kích thích, sau đó kích thích được truyền đến tế bào của bộ phận đáp ứng làm hoạt hoá các bơm ion (K+, Cl-,…), qua đó làm thay đổi sức trương nước của bộ phận đáp ứng, dẫn đến phản ứng cụp lá ở cây trinh nữ hay sự đóng mở của khí khổng.

Hiện tượng cụp lá ở cây trinh nữ.

Hiện tượng bắt mồi ở cây gọng vó và cây bắt ruồi.

Dừng lại và suy ngẫm (trang 96)

Câu hỏi trang 96 Sinh học 11: Nêu một số ví dụ khác về việc vận dụng hiện tượng hướng động, ứng động trong thực tiễn sản xuất.

Lời giải:

Một số ví dụ khác về việc vận dụng hiện tượng hướng động, ứng động trong thực tiễn sản xuất:

- Ứng dụng của tính hướng sáng, trồng xen canh cây ưa sáng và cây ưa bóng, dùng đèn ánh sáng nhân tạo,… để tăng năng suất cho cây trồng.

- Ứng dụng của tính hướng hóa, bón phân nông cho cây có rễ chùm, bón phân sâu cho cây có rễ cọc.

- Sử dụng biện pháp bảo quản khô để kéo dài thời gian ngủ của nhiều loại hạt giống như lúa, ngô, đỗ, lạc,…

- Tăng thời gian chiếu sáng ở thanh long, cúc, mía,… để điều khiển quá trình ra hoa.

Luyện tập và vận dụng (trang 96)

Câu hỏi 1 trang 96 Sinh học 11: Dựa trên cơ chế hướng động, giải thích về phản ứng hướng trọng lực dương của rễ cây trong hình 15.5 dưới tác động của auxin.

hinh-anh-bai-15-cam-ung-o-thuc-vat-3657-1

Lời giải:

Phản ứng hướng trọng lực dương của rễ cây trong hình được giải thích như sau:

- Khi đặt rễ cây nằm ngang, do tác động của trọng lực, dẫn đến sự phân bố không đều của auxin ở 2 phía của rễ, trong đó, nồng độ auxin phía dưới cao hơn phía trên của rễ.

- Do các tế bào rễ có độ nhạy cảm cao hơn đối với auxin so với các tế bào ở thân dẫn đến sự phân bố nhiều auxin ở phía dưới gây ra sự ức chế sinh trưởng của các tế bào rễ phía dưới, ngược lại, phía trên ít auxin nên sinh trưởng nhanh hơn. Kết quả rễ cây cong xuống dưới (cùng chiều trọng lực).

Câu hỏi 2 trang 96 Sinh học 11: Cho các hiện tượng sau: đóng mở của khí khổng, nở hoa của cây mười giờ, leo giàn của cây thiên lí. Các hiện tượng trên thuộc hình thức cảm ứng nào? Giải thích.

Lời giải:

- Hiện tượng “đóng mở của khí khổng” thuộc kiểu ứng động không sinh trưởng. Vì hiện tượng này là vận động thuận nghịch do sự biến đổi sức trương nước của khí khổng dưới tác dụng của các tác nhân kích thích không định hướng như nhiệt độ, cường độ ánh sáng, độ ẩm không khí, gió,…

- Hiện tượng “nở của cây mười giờ” thuộc kiểu ứng động sinh trưởng. Vì hiện tượng này xảy ra do tốc độ sinh trưởng và phân chia tế bào không đều ở mặt trên và mặt dưới của hoa làm cho hoa nở hoặc khép dưới tác dụng của các tác nhân kích thích không định hướng mang tính chu kì như nhiệt độ, ánh sáng,…

- Hiện tượng “leo giàn của cây thiên lí” thuộc kiểu hướng động (hướng tiếp xúc). Vì hiện tượng này là phản ứng sinh trưởng của cây đối với tác động cơ học (tiếp xúc) đến từ một phía.

Câu hỏi 3 trang 96 Sinh học 11: Tại sao trong quy trình làm rau mầm, người ta thường che tối khoảng 2 – 3 ngày đầu khi hạt mới nảy mầm?

Lời giải:

Trong quy trình làm rau mầm, người ta thường che tối khoảng 2 – 3 ngày đầu khi hạt mới nảy mầm vì: Khi che tối, auxin được tổng hợp nhiều hơn thúc đẩy cây mầm vươn dài, tăng chiều cao nhanh chóng. Nhờ đó, rút ngắn được thời gian gieo trồng rau mầm.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 15: Cảm ứng ở thực vật | Giải bài tập Sinh học 11 | Chương 2: Cảm Ứng Ở Sinh Vật - Lớp 11 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Giải bài tập Sinh học 11

  1. Chương 1: Trao Đổi Chất Và Chuyển Hóa Năng Lượng Ở Sinh Vật
  2. Chương 2: Cảm Ứng Ở Sinh Vật
  3. Chương 3: Sinh Trưởng Và Phát Triển Ở Sinh Vật
  4. Chương 4: Sinh Sản Ở Sinh Vật
  5. Chương 5: Mối Quan Hệ Giữa Các Quá Trình Sinh Lí Trong Cơ Thể Sinh Vật Và Một Số Ngành Nghề Liên Quan Đến Sinh Học Cơ Thể

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.