Trang 54
Yêu cầu cần đạt:
• Nêu được quy định của pháp luật lao động về: hợp đồng lao động, tiền lương và thưởng, bảo hiểm xã hội.
• Phân tích, đánh giá được hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật lao động trong các tình huống đơn giản thường gặp liên quan tới hợp đồng lao động, tiền lương và thưởng, bảo hiểm xã hội nêu được ý kiến thuyết phục trong thảo luận, tranh luận về một số vấn đề đang đặt ra trong đời sống liên quan đến hợp đồng lao động, tiền lương và thưởng, bảo hiểm xã hội.
• Tích cực, chủ động vận động mọi người xung quanh thực hiện tốt pháp luật lao động về hợp đồng lao động, tiền lương và thưởng, bảo hiểm xã hội.
Trang 55
MỞ ĐẦU
Quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, thưởng và bảo hiểm xã hội là không thể thiếu trong pháp luật lao động, vì đó là căn cứ pháp lí làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật giữa các chủ thể cụ thể trong lĩnh vực lao động.
Em hãy đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:
Chị T làm nghề thợ may tại nhà. Sau khi có một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở gần nhà đi vào hoạt động, chị nộp hồ sơ đăng kí tuyển dụng làm thợ may trong doanh nghiệp đó và đã trúng tuyển. Chị và Giám đốc doanh nghiệp đã thoả thuận kí kết hợp đồng lao động, trong đó quy định rõ mức lương mà chị được hưởng, công việc mà chị phải đảm nhiệm và một số quyển, nghĩa vụ khác của hai bên.
Em hãy cho biết những nội dung mà theo em là cần phải có trong hợp đồng lao động nói trên.
KHÁM PHÁ
1. Một số quy định cơ bản của pháp luật về hợp đồng lao động
a) Khái niệm hợp đồng lao động
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
1️⃣ Bộ luật Lao động năm 2019
Điều 13. Hợp đồng lao động (trích)
1. Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
2️⃣ Chị M (25 tuổi), giao kết hợp đồng với Công ty S trong đó có một số điều khoản sau: công việc phải làm: may quần áo xuất khẩu; mức lương: 8 000 000 đồng/tháng; thời hạn hợp đồng: 12 tháng; địa điểm làm việc: Công ty S; chị M phải hoàn thành công việc đã cam kết trong hợp đồng theo sự phân công, điều hành của người quản lí trực tiếp được giao quyền; Công ty S phải bảo đảm việc làm và thực hiện đầy đủ những điều đã cam kết trong hợp đồng; thanh toán đầy đủ, đúng hạn các chế độ và quyền lợi của chị M.
Theo em, hợp đồng do chị M kí kết với Công ty S có phải là hợp đồng lao động không? Vì sao?
Trang 56
b) Hình thức của hợp đồng lao động
Em hãy đọc thông tin, trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
1️⃣ Bộ luật Lao động năm 2019
Điều 14. Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 2 bản, người lao động giữ 1 bản, người sử dụng lao động giữ 1 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 1 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.
Điều 162. Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình (trích)
1. Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
2️⃣ Chị H mời bà C (50 tuổi) là họ hàng xa ở quê ra làm giúp việc cho gia đình với mức lương 6 000 000 đồng/tháng nhưng hai bên chỉ thoả thuận về mức lương, quyền và nghĩa vụ khác của mỗi bên bằng lời nói mà không bằng văn bản.
3️⃣ Ông P là chủ xưởng sản xuất thủ công, nhận Q (17 tuổi) làm thợ phụ trong 10 ngày với tiền công là 2 000 000 đồng nhưng chỉ thoả thuận về công việc và tiền công với nhau bằng lời nói mà không bằng văn bản.
Câu hỏi
1/ Theo em, thoả thuận làm giúp việc giữa chị H và bà C có phải là hợp đồng lao động hợp pháp không? Vì sao?
2/ Thoả thuận về công việc giữa ông P và Q có phải là hợp đồng lao động không? Vì sao?
c) Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
Em hãy đọc thông tin, trường hợp dưới đây để trả lời câu hỏi:
1️⃣ Bộ luật Lao động năm 2019
Điều 15. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
2. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thoả ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Trang 57
2️⃣ Khi đọc được thông báo tuyển dụng lao động của Doanh nghiệp X, thấy mình có đủ điều kiện dự tuyển nên anh P đã nộp hồ sơ xin việc tại doanh nghiệp. Sau khi nhận được Giấy báo trúng tuyển, anh đã trực tiếp đến thoả thuận và giao kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp.
Theo em, việc giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp trên có phù hợp với nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng của pháp luật? Vì sao?
d) Chủ thể tham gia kí kết hợp đồng lao động
Em hãy đọc thông tin, trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
1️⃣ Bộ luật Lao động năm 2019
Điều 18. Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động (trích)
1. Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể uỷ quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.
Hợp đồng lao động do người được uỷ quyền kí kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ kí của từng người lao động.
3. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền theo quy định của pháp luật,
b) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên
b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
d) Người lao động được những người lao động trong nhóm uỷ quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.
Trang 58
Điều 145. Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc (trích)
1. Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:
a) Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
2. Người sử dụng lao động chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ theo quy định tại khoản 3 Điều 143 của Bộ luật này.
3. Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
2️⃣ Chị N là chủ xưởng may đã nhận M (14 tuổi) làm phụ việc với mức lương 2 000 000 đồng/tháng, nuôi ăn và cho ở ngay tại xưởng, hai bên giao kết hợp đồng lao động với nhau bằng văn bản.
Câu hỏi
Theo em, hợp đồng làm phụ việc giữa chị N và M có phù hợp với quy định của pháp luật về chủ thể tham gia kí kết hợp đồng lao động không? Vì sao?
d) Nội dung của hợp đồng lao động
Em hãy đọc thông tin, trường hợp sau để trả lời câu hỏi.
1️⃣ Bộ luật Lao động năm 2019
Điều 21. Nội dung hợp đồng lao động (trích)
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
Trang 59
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động,
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp,
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kĩ năng nghề.
2️⃣ Anh T (22 tuổi) kí hợp đồng lao động với một người chủ thầu xây dựng. Trong hợp đồng này có ghi mức lương của anh là 5 000 000 đồng/tháng nhưng không có các điều khoản quy định về ki hạn, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Câu hỏi
Theo em, hợp đồng lao động giữa anh T với chủ thầu xây dựng có phù hợp với quy định của pháp luật không? Vì sao?
g) Chấm dứt hợp đồng lao động
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và trả lời câu hỏi:
1️⃣ Bộ luật Lao động năm 2019
Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (trích)
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
8. Người lao động bị xử lí kỉ luật sa thải
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.
11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.
Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng
Trang 60
c) ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thoả thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 6 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Trang 61
Khi sức khoẻ của người lao động bình phục thi người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
c) Do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này
đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác;
e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lí do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên;
g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
d) Đối với một số ngành, nghề đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện quy định của Chính phủ.
3. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.
Điều 37. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trang 62
2️⃣ Ông A (giám đốc một doanh nghiệp tư nhân) đã kí kết hợp đồng lao động với những người lao động của doanh nghiệp trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, mức lương của người lao động và thời hạn của hợp đồng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên ông A đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với một số người lao động trong doanh nghiệp mà không thông báo trước và không bồi thường thiệt hại cho họ theo quy định của pháp luật lao động. Vì thế, ông A đã bị những người này kiện ra Toà án.
3️⃣ Bà M kí hợp đồng lao động với Công ty K loại không xác định thời hạn. Sau khi làm việc được 5 năm thì bà đủ tuổi nghỉ hưu.
Câu hỏi
1/ Theo em, vì sao ông A bị một số người lao động kiện ra Toà án?
2/ Khi đủ tuổi nghỉ hưu, bà M có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty K mà không báo trước không? Vì sao?
Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động là tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản, song cũng có thể bằng lời nói trong trường hợp do luật định. Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Chủ thể tham gia kí kết hợp đồng lao động gồm người sử dụng lao động và người lao động có đủ điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật. Nội dung hợp đồng lao động phải có đủ những thông tin cơ bản về người sử dụng lao động, người lao động, quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên tham gia kí kết hợp đồng. Hợp đồng lao động chấm dứt trong những trường hợp do pháp luật quy định. |
2. Một số quy định cơ bản của pháp luật về tiền lương và thưởng
a) Quy định về tiền lương
Em hãy đọc thông tin, trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
1️⃣ Bộ luật Lao động năm 2019
Điều 90. Tiền lương (trích)
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thoả thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trang 63
Điều 94. Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động uỷ quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
2️⃣ Ông P kí hợp đồng làm nhân viên bảo vệ cho Công ty M. Trong hợp đồng có ghi: mức lương: 7 000 000 đồng/tháng; phụ cấp: theo quy định của Công ty.
3️⃣ Anh A là nhân viên bán hàng của Siêu thị B với mức lương 6 000 000 đồng/ 1 tháng. Tuy nhiên, siêu thị này chỉ trả cho anh 90% mức lương bằng tiền mặt, còn lại 10% thì trả bằng một số loại hàng của siêu thị mà không thoả thuận trước với anh.
Câu hỏi
1/ Đối với trường hợp 2, tiền lương của ông P là 7 000 000 đồng/tháng là đúng hay sai? Vì sao?
2/ Đối với trường hợp 3, cách thức trả lương cho người lao động của Siêu thị B có phù hợp với nguyên tắc trả lương do pháp luật lao động quy định không? Vì sao?
b) Quy định về thưởng
Em hãy đọc thông tin, trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
1️⃣ Bộ luật Lao động năm 2019
Điều 104. Thường ăn nhất tài sản hoặc bằng các hình
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Nhân dịp Tết Nguyên đán, Doanh nghiệp C đã thưởng cho người lao động của Doanh nghiệp mỗi người một tháng lương cơ bản, 10 kg gạo tẻ, 5 kg gạo nếp và một bộ quần áo.
Theo em, hình thức thưởng mà Doanh nghiệp C áp dụng đối với người lao động của doanh nghiệp có phù hợp với quy định của pháp luật không? Vì sao?
Trang 64
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thoả thuận để thực hiện công việc. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động. |
3. Một số quy định cơ bản của pháp luật lao động về bảo hiểm xã hội
Em hãy đọc thông tin và trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
1️⃣ Bộ luật Lao động năm 2019
Điều 168. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.
2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường
hợp hai bên có thoả thuận khác.
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kì trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Chị M kí hợp đồng lao động với Công ty N, mức lương 10 000 000 đồng/tháng. Chị M đã làm việc tại Công ty N được 20 năm.
1/ Theo em, theo quy định của pháp luật lao động thì hằng năm Công ty N và chị M phải nộp những loại bảo hiểm nào? Vì sao?
2/ Theo em, trong trường hợp chị M nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì Công ty N có phải nộp bảo hiểm xã hội cho chị M nữa không? Vì sao?
Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia các loại bảo hiểm theo quy định của pháp luật. |
Trang 65
LUYỆN TẬP
1. Em hãy cho biết các ý kiến sau đúng hay sai. Vì sao?
a. Khi ki kết hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động có thể tự do thoả thuận về mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
b. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội là những nội dung không bắt buộc phải có trong một hợp đồng lao động cụ thể.
c. Người lao động chỉ có nghĩa vụ mà không có quyền trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
2. Em hãy đọc các trường hợp sau và trả lời câu hỏi:
a. Mặc dù còn gặp khó khăn về tài chính trong sản xuất kinh doanh, song Giám đốc Doanh nghiệp P vẫn ra quyết định thanh toán đầy đủ tiền lương hằng tháng cho người lao động trong doanh nghiệp theo đúng các điều khoản của hợp đồng lao động. Hành vi của Giám đốc doanh nghiệp P có phải là thực hiện pháp luật lao động không ? Vì sao?
b. Giám đốc Công ty K ra quyết định thưởng cho người lao động trong Công ty mỗi người một tháng lương cơ bản và một bộ dụng cụ gia đình khi Công ty hoàn thành kế hoạch sản xuất của năm trước thời hạn.
Hành vi của Giám đốc Công ty K là thực hiện quy định của pháp luật lao động về vấn đề gì? Vì sao?
c. Doanh nghiệp C không đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội mặc dù hằng tháng vẫn thu tiền bảo hiểm xã hội của người lao động trong Doanh nghiệp.
Hành vi của Doanh nghiệp C có vi phạm pháp luật lao động không? Vì sao?
3. Em hãy tư vấn cho chị N cách thức để có thể chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty X trong trường hợp sau:
Chị N là người lao động trong Công ty X. Do được bạn giới thiệu cho một việc làm mới với mức lương hấp dẫn hơn so với mức lương nhận được ở Công ty X. Chị N muốn chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty X để nhận việc làm mới.
VẬN DỤNG
Em và nhóm học tập sưu tầm hợp đồng lao động và cho biết những điều khoản cơ bản, bắt buộc cần phải có. Theo em, nếu thiếu một trong các điều khoản đó thì hợp đồng có hiệu lực không? Vì sao?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn