Bài 14: Phong Trào Dân Tộc Dân Chủ Ở Việt Nam Từ Năm 1919 Đến Năm 1925 | Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1919 Đến Năm 1930 - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 12 Nâng cao - Bài 14


Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, dưới ảnh hưởng của tình hình quốc tế và cuộc khai thác thuộc địa, phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam diễn ra sôi nổi với sự tham gia của các giai cấp và tầng lớp xã hội, có nội dung, hình thức tổ chức đấu tranh mới.

I – HOẠT ĐỘNG CỦA PHAN BỘI CHÂU, PHAN CHÂU TRINH VÀ MỘT SỐ NGƯỜI VIỆT NAM SỐNG Ở PHÁP

1. Hoạt động của Phan Bội Châu

Sau những năm bôn ba hoạt động ở Nhật Bản và Trung Quốc không thành công, Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam (1913), đến cuối năm 1917 mới được trả tự do. Từ sự thất bại và thời cuộc sau chiến tranh thế giới, Phan Bội Châu, tuy vẫn nặng lòng yêu nước song đã không thể tiếp tục tìm được phương lược cứu nước đúng đắn. Viên Toàn quyền Pháp Anbe Xarô tìm cách dụ dỗ, mua chuộc, nhưng đã bị Phan Bội Châu khước từ.

Giữa lúc đó, ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười và sự ra đời của nước Nga Xô viết đã bắt đầu đến với ông như một luồng ánh sáng mới. Cảm tình với nước Nga Xô viết, cuối năm 1920, Phan Bội Châu dịch ra chữ Hán cuốn Điều tra chân tướng Nga La Tư của một tác giả Nhật Bản, viết Truyện Phạm Hồng Thái, ngợi ca tinh thần yêu nước, hi sinh anh dũng của người thanh niên họ Phạm.

Tháng 6 – 1925, trong khi chưa thể thay đổi được tổ chức, thay đổi phương lược đấu tranh thích hợp với biến chuyển mới của đất nước và thời đại thì Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt tại Thượng Hải (Trung Quốc) đưa về nước, kết án tù rồi đưa về an trí ở Huế. Từ đó trở đi, trong hoàn cảnh một người tù bị giam lỏng, Phan Bội Châu không thể tiến theo nhịp bước đấu tranh mới của dân tộc.

2. Hoạt động của Phan Châu Trinh và một số người Việt Nam trên đất Pháp

Nước Pháp là nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống và hoạt động cho phong trào dân tộc của Việt Nam. Sau khi ra khỏi nhà tù Côn Đảo, Phan Châu Trinh sang Pháp (1911) tiếp tục hoạt động. Ông có quan hệ với Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng hoạt động ở Pháp.

Vào đầu năm 1922, Phan Châu Trinh đến Mácxây. Nhân dịp vua Khải Định sang dự Hội chợ thuộc địa để khuếch trương "công lao khai hoá" của Pháp, Phan Châu Trinh viết Thất điều thư vạch ra 7 tội đáng chém của Khải Định. Phan Châu Trinh còn tổ chức diễn thuyết lên án chế độ quân chủ và quan trường ở Việt Nam ; tiếp tục hô hào "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh"...

Tháng 6 – 1925, Phan Châu Trinh về nước. Mặc dù sức khoẻ đã yếu, ông vẫn tiếp tục hoạt động, đả phá chế độ quân chủ, đề cao dân quyền. Nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên rất mến mộ và hưởng ứng hoạt động của Phan Châu Trinh.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhiều Việt kiều tại Pháp đã tham gia hoạt động như chuyển tài liệu, sách báo tiến bộ về nước. Một số thuỷ thủ Việt Nam đã hoạt động trong Hội Liên hiệp thuộc địa. Nhiều trí thức và lao động Việt Nam ở Pháp đã tập hợp trong các tổ chức yêu nước. Năm 1925, Hội những người lao động trí óc Đông Dương ra đời.

Một số thanh niên, sinh viên yêu nước xuất thân trong các gia đình địa chủ, tư sản lập ra Đảng Việt Nam độc lập, xuất bản báo Tái sinh. Đảng có một số chi bộ ở Pari và các tỉnh lân cận, còn ở trong nước thì không có vì thiếu chỗ dựa.

Nêu những hoạt động yêu nước của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong những năm 1920 – 1925.

II – HOẠT ĐỘNG CỦA TƯ SẢN, TIỂU TƯ SẢN VÀ CÁC CUỘC ĐẤU TRANH CỦA CÔNG NHÂN VIỆT NAM

1. Hoạt động của tư sản và tiểu tư sản

Ra đời trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp, giai cấp tư sản Việt Nam vốn nhỏ yếu về kinh tế và thường xuyên bị tư sản nước ngoài cạnh tranh, chèn ép. Năm 1919, tư sản Việt Nam đã tổ chức cuộc tẩy chay tư sản Hoa kiều (1919) ở một số tỉnh và thành phố như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... Ở Hà Nội có cuộc vận động người Việt Nam chỉ mua hàng của người Việt Nam.

Năm 1923, địa chủ và tư sản Việt Nam đấu tranh chống tư bản Pháp độc quyền cảng Sài Gòn, độc quyền xuất cảng lúa gạo Nam Kì. Giai cấp tư sản đã dùng báo chí để bênh vực quyền lợi cho mình trong cuộc đấu tranh chống độc quyền.

Một số tư sản và địa chủ lớn ở Nam Kì (đại biểu là Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long...) đã lập ra Đảng Lập hiến (1923). Cơ quan ngôn luận của Đảng Lập hiến là tờ Diễn đàn Đông Dương và tờ Tiếng dội An Nam. Khi được thực dân Pháp nhượng bộ cho ít quyền lợi (như cho tham gia Hội đồng Quản hạt Nam Kì), họ lại thoả hiệp với chúng.

Ngoài Đảng Lập hiến ở trong Nam, còn có nhóm Nam phong của Phạm Quỳnh và nhóm Trung Bắc tân văn của Nguyễn Văn Vĩnh ở ngoài Bắc. Phạm Quỳnh cổ vũ cho thuyết "quân chủ lập hiến", còn Nguyễn Văn Vĩnh đề cao tư tưởng "trực trị".

Tầng lớp tiểu tư sản trí thức (gồm sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, học sinh và giáo viên các trường, viên chức, nhà văn, nhà báo, v.v...) sôi nổi đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ.

Vào đầu những năm 20, đã có nhiều thanh niên yêu nước sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm đường cứu nước, trong đó có Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Công Viễn v.v... Năm 1923, họ lập ra tổ chức Tâm tâm xã.

Để phát huy ảnh hưởng, gây tiếng vang thức tỉnh đồng bào trong nước, Tâm tâm xã cử Phạm Hồng Thái thực hiện mưu sát Toàn quyền Đông Dương Méclanh (Merlin) ở Sa Diện (Quảng Châu) ngày 19 – 6 – 1924. Sự việc không thành, Phạm Hồng Thái đã anh dũng hi sinh trên dòng Châu Giang. Tiếng bom Phạm Hồng Thái đã nhóm tiếp ngọn lửa chiến đấu, khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta, nhất là thanh niên. Sự kiện lịch sử đó tuy nhỏ nhưng "như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân"(1).

Một số tổ chức chính trị như Việt Nam nghĩa đoàn, Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên được thành lập (đại biểu là Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Nguyễn An Ninh v.v...), với nhiều hoạt động phong phú và sôi động (mít tinh, biểu tình, bãi khoá, v.v...). Nhiều tờ báo tiến bộ lần lượt ra đời. Báo tiếng Pháp có Chuông rè, An Nam trẻ, Người nhà quê; báo tiếng Việt có Hữu thanh, Tiếng dân, Đông Pháp thời báo, Thực nghiệp dân báo... Họ lập ra một số nhà xuất bản tiến bộ như Nam đồng thư xã (Hà Nội), Cường học thư xã (Sài Gòn), Quan hải tùng thư (Huế)...

(1) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Văn nghệ, H., 1956, tr. 67.

Trong phong trào yêu nước dân chủ công khai hồi đó có một số sự kiện nổi bật như cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả Phan Bội Châu (1925), các cuộc truy điệu, để tang Phan Châu Trinh (1926). Riêng ở Sài Gòn, đám tang Phan Châu Trinh đã thu hút khoảng 14 vạn người tham dự.

2. Các cuộc đấu tranh của công nhân

Những năm đầu sau chiến tranh, các cuộc đấu tranh của công nhân tuy còn lẻ tẻ và tự phát nhưng đã nói lên ý thức giai cấp đang phát triển nhanh chóng, làm cơ sở cho các tổ chức và phong trào chính trị cao hơn về sau. Ngay từ năm 1920, công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn đã thành lập Công hội (bí mật) do Tôn Đức Thắng đứng đầu.

Các cuộc đấu tranh của công nhân và thuỷ thủ Pháp trên các tàu Pháp ghé vào các cảng Hải Phòng (1919) và Sài Gòn (1920), cũng như các cuộc đấu tranh của công nhân và thuỷ thủ Trung Quốc tại các cảng lớn Hương Cảng, Áo Môn, Thượng Hải (1921), đã góp phần cổ vũ, động viên công nhân Việt Nam hăng hái đấu tranh.

Năm 1922, công nhân và viên chức các cơ sở công thương của tư nhân ở Bắc Kì đòi chủ tư bản người Pháp phải cho họ nghỉ ngày chủ nhật có trả lương. Cùng năm đó, còn có cuộc bãi công của công nhân các nhà máy dệt, rượu, xay xát gạo ở Nam Định, Hà Nội, Hải Dương v.v... Tháng 8 – 1925, thợ máy xưởng Ba Son tại cảng Sài Gòn không chịu sửa chữa chiến hạm Misơlê của Pháp trước khi chiến hạm này chở lính sang tham gia đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Trung Quốc. Cuộc bãi công nổ ra với yêu sách đòi tăng lương 20% và phải cho những công nhân mất việc làm được trở lại làm việc. Sau 8 ngày bãi công, nhà chức trách Pháp đã phải chấp nhận tăng lương 10% cho công nhân. Cuộc bãi công Ba Son thắng lợi, đánh dấu bước tiến mới của phong trào công nhân Việt Nam.

Nêu những hoạt động của tư sản, tiểu tư sản và các cuộc đấu tranh của công nhân trong những năm 1920 _ 1925.

III – HOẠT ĐỘNG CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC

Sau những năm bôn ba hầu khắp các châu lục trên thế giới, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp (1917), gia nhập Đảng Xã hội Pháp vì đây là tổ chức chính trị duy nhất ở Pháp theo đuổi lí tưởng của Đại Cách mạng Pháp : Tự do, Bình đẳng, Bác ái và đấu tranh vì quyền lợi cho các nước thuộc địa.

Ngày 18 – 6 – 1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Tất Thành với tên gọi mới là Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Vécxai bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Bản Yêu sách đòi Chính phủ Pháp và các nước đồng minh thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam.

Bản Yêu sách gồm 8 điểm như sau :

1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị

2. Cải cách nền pháp lí ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người châu Âu xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận ;

4. Tự do lập hội và tự do hội họp

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương,

6. Tự do học tập, thành lập các trường kĩ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ ;

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật ;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Bản Yêu sách không được Hội nghị Vécxai chấp nhận. Sự thật đó cho thấy những lời tuyên bố của các nhà chính trị đế quốc về quyền tự do, dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc, mà điển hình là chương trình 14 điểm của Tổng thống Mĩ Uynxơn chỉ là trò lừa bịp các dân tộc nhỏ yếu. Vì vậy, "muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình"(1).

Giữa tháng 7 – 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I. Lênin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Luận cương của Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản.

Ngày 25 – 12 – 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tua. Người đã đứng về phía đa số đại biểu bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Nguyễn Ái Quốc trở thành đảng viên cộng sản, đồng thời là một trong những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

(1) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr. 36.

Từ đây, Nguyễn Ái Quốc càng tích cực hoạt động và tiếp tục học tập, nghiên cứu lí luận cách mạng dân tộc ở thuộc địa theo con đường cách mạng vô sản để truyền bá về Việt Nam.

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng với một số người yêu nước của Angiêri, Marốc, Tuynidi... lập ra Hội Liên hiệp thuộc địa ở Pari nhằm tập hợp những người dân thuộc địa sống trên đất Pháp, nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế của thuộc địa để soi sáng cho cuộc đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân các nước thuộc địa. Cơ quan ngôn luận của Hội là báo Người cùng khổ do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Người còn viết nhiều bài cho các báo Nhân đạo (của Đảng Cộng sản Pháp), Đời sống công nhân (của Tổng Liên đoàn lao động Pháp)... và đặc biệt là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925).

hinh-anh-bai-14-phong-trao-dan-toc-dan-chu-o-viet-nam-tu-nam-1919-den-nam-1925-3061-0

Hình 35. Toàn cảnh Đại hội Tua (Pháp) năm 1920

Tháng 6 – 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời nước Pháp sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Nông dân (10 – 1923) và được bầu vào Ban chấp hành Hội. Người ở lại Liên Xô, vừa nghiên cứu, học tập vừa viết bài cho báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên Xô, tạp chí Thư tín Quốc tế của Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (1924), Nguyễn Ái Quốc trình bày lập trường, quan điểm của mình về vị trí chiến lược của cách mạng các nước thuộc địa, về mối quan hệ giữa phong trào công nhân ở các nước đế quốc với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, về vai trò và sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân ở các nước thuộc địa.

Ngày 11 – 11 – 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) để trực tiếp đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức cách mạng, truyền bá lí luận cách mạng giải phóng dân tộc vào Việt Nam. Sự chuyển biến về kinh tế, xã hội và giai cấp ở Việt Nam, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đã tạo điều kiện để "Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi"(1).

Những tác phẩm và bài viết của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 20 của thế kỉ XX đã hình thành hệ thống quan điểm lí luận về cách mạng giải phóng dân tộc và phát triển xã hội theo xu hướng tiến hoá của thời đại, được trực tiếp truyền bá vào Việt Nam, đã thúc đẩy phong trào dân tộc phát triển.

Nêu những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đến năm 1924.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nhận xét về lực lượng tham gia, mục tiêu và hình thức đấu tranh của phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam trong những năm 1919 – 1925.

2. Quá trình chuyển biến của Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản đã diễn ra như thế nào ?

 

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 14: Phong Trào Dân Tộc Dân Chủ Ở Việt Nam Từ Năm 1919 Đến Năm 1925 | Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1919 Đến Năm 1930 - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

  1. Chương 1: Sự Hình Thành Trật Tự Thế Giới Mới Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1945 - 1949)
  2. Chương 2: Liên Xô Và Các Nước Đông Âu (1945 - 1991). Liên Bang Nga (1991 - 2000)
  3. Chương 3: Các Nước Á, Phi và Mĩ Latinh (1945 - 2000)
  4. Chương 4: Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 - 2000)
  5. Chương 5: Quan Hệ Quốc Tế (1945 - 2000)
  6. Chương 6: Cách Mạng Khoa Học - Công Nghệ Và Xu Thế Toàn Cầu Hóa
  7. Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1919 Đến Năm 1930
  8. Chương 2: Việt Nam Từ Năm 1930 Đến Năm 1945
  9. Chương 3: Việt Nam Từ Năm 1945 Đến Năm 1954
  10. Chương 4: Việt Nam Từ Năm 1954 Đến Năm 1975
  11. Chương 5: Việt Nam Từ Năm 1975 Đến Năm 2000

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.