Bài 8: Tây Âu | Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Chương 4: Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 - 2000) - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 12 Nâng cao - Bài 8


Sau khi khôi phục nền kinh tế bị tàn phá do chiến tranh, các nước Tây Âu đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với những thay đổi to lớn, mà nổi bật là sự liên kết kinh tế – chính trị của các nước trong khu vực.

I – TÂY ÂU TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1950

Chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại cho các nước Tây Âu nhiều hậu quả nặng nề.

Nhiều thành phố, nhà máy, bến cảng, khu công nghiệp, đường giao thông bị tàn phá. Hàng triệu người chết, mất tích hoặc bị tàn phế. Nước Đức bị lục lượng Đồng minh chiếm đóng và chia cắt. Ở Pháp, năm 1945 sản xuất công nghiệp chỉ bằng 38% và nông nghiệp chỉ bằng 50% so với năm 1938 ; Italia tổn thất khoảng 1/3 của cải quốc gia.

Tuy nhiên, với sự cố gắng của từng nước và viện trợ của Mĩ trong khuôn khổ "Kế hoạch Mácsan", đến khoảng năm 1950, nền kinh tế của hầu hết các nước tư bản Tây Âu đã cơ bản phục hồi, đạt mức trước chiến tranh.

Về chính trị, tuy các nước Tây Âu có những thể chế khác nhau như quân chủ lập hiến (Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan v.v...) hoặc cộng hoà (Pháp, Đức, Italia v.v...) nhưng đều theo chế độ đại nghị (một viện hoặc hai viện), đều là nền thống trị của giai cấp tư sản. Ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội và đối ngoại của các nước Tây Âu là củng cố chính quyền, ổn định tình hình chính trị – xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi nền kinh tế. Về đối ngoại, các nước Tây Âu liên minh chặt chẽ với Mĩ trong cuộc Chiến tranh lạnh đối đầu với Liên Xô và các nước XHCN, đồng thời tìm cách quay trở lại cai trị các thuộc địa cũ của mình.

Ở Pháp, ngay sau chiến tranh, có 5 đảng viên cộng sản giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ, nhưng giai cấp tư sản Pháp đã tìm mọi cách gạt bỏ họ. Chính phủ Công đảng ở Anh thi hành chính sách loại trừ những người cộng sản ra khỏi quân đội, xí nghiệp và các cơ quan nhà nước. Năm 1947, Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo ở Italia gây ra cuộc khủng hoảng chính trị để đẩy những người cộng sản ra khỏi chính phủ. Những hành động trên nhằm đáp ứng điều kiện của Mĩ để được nhận viện trợ theo kế hoạch Mácsan.

Nhiều nước Tây Âu như Anh, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha, Bỉ, Hà Lan v.v... đã tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (khối quân sự NATO – thành lập năm 1949) do Mĩ đứng đầu. Pháp tiến hành xâm lược trở lại Đông Dương ; Anh trở lại Miến Điện, Mã Lai ; Hà Lan trở lại Inđônêxia v.v... Năm 1949, trên phần lãnh thổ Tây Đức đã thành lập Nhà nước CHLB Đức (trong khi ở phần lãnh thổ phía đông thành lập Nhà nước CHDC Đức). Sự tồn tại hai nhà nước Đức và chia đôi thành phố Béclin (Tây Béclin và Đông Béclin) làm cho nước Đức trở thành một tâm điểm đối đầu ở châu Âu giữa hai cực Xô – Mĩ.

Tóm lại, từ năm 1945 đến năm 1950, với sự viện trợ của Mĩ, các nước tư bản Tây Âu đã cơ bản ổn định và phục hồi về mọi mặt, trở thành lực lượng đối trọng với khối XHCN Đông Âu vừa mới hình thành.

Hãy cho biết khái quát về tình hình kinh tế và chính trị ở Tây Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945 – 1950).

II – TÂY ÂU TỪ NĂM 1950 ĐẾN NĂM 1973

1. Sự phát triển kinh tế và khoa học – kĩ thuật

Sau giai đoạn phục hồi (1945 – 1950), từ những năm 50 đến đầu những năm 70, nền kinh tế của các nước tư bản chủ yếu ở Tây Âu đều có sự phát triển nhanh.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế Pháp giai đoạn này là 5%. Đến đầu thập niên 70, Pháp trở thành cường quốc công nghiệp thứ năm trên thế giới, đứng đầu châu  u về sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp CHLB Đức có nền kinh tế ở vị trí thứ ba (sau Mĩ, Nhật Bản) ; Anh có nền công nghiệp đúng thứ tư trong thế giới tư bản.

Điều đáng chú ý là quá trình liên kết khu vực ở Tây Âu ngày càng diễn ra mạnh mẽ với sự hình thành Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC – 1957), sau trở thành Cộng đồng châu Âu (EC – 1967).

Từ đầu thập kỉ 70 trở đi, Tây Âu đã trở thành một trong ba trung tâm kinh tế – tài chính lớn của thế giới (cùng với Mĩ và Nhật Bản). Các nước tư bản chủ yếu ở Tây Âu như Anh, Pháp, CHLB Đức, Italia, Thụy Điển, Phần Lan v.v... đều có nền khoa học – kĩ thuật phát triển cao, hiện đại.

Sở dĩ các nước Tây  u phát triển kinh tế nhanh như vậy là do một số yếu tố sau : 1 – Các nước này đã phát triển và áp dụng thành công các thành tựu của cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. 2 – Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc quản lí, điều tiết, thúc đẩy nền kinh tế. 3 – Các nước tư bản ở Tây  u đã tận dụng tốt các cơ hội bên ngoài để phát triển như nguồn viện trợ của Mĩ, tranh thủ được giá nguyên liệu rẻ từ các nước thuộc thế giới thứ ba, hợp tác có hiệu quả trong khuôn khổ của Cộng đồng châu  u (EC) v.v...

2. Tình hình chính trị

Về chính trị, giai đoạn 1950 – 1973 đánh dấu sự tiếp tục phát triển của nền dân chủ tư sản ở Tây Âu, đồng thời cũng ghi nhận những biến động đáng chú ý trên chính trường nhiều nước trong khu vực.

Ở Pháp, trong những năm tồn tại của nền Cộng hoà thứ tư (1946 – 1958) đã thay đổi tới 25 nội các, từ năm 1958 thiết lập nền Cộng hoà thứ năm do tướng Đờ Gôn làm Tổng thống. Phong trào đấu tranh của 80 vạn sinh viên, học sinh, công nhân, viên chức Pari tháng 5 – 1968 đã góp phần buộc Tổng thống Đờ Gôn phải từ chức (4 – 1969). Ở CHLB Đức, năm 1968, Đảng Cộng sản ra hoạt động công khai. Ở Italia, năm 1960, phái hữu trong Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo đã sử dụng lực lượng cảnh sát cùng các tổ chúc phát xít mới âm mưu tiến hành một cuộc đảo chính phản động. Quần chúng đã lập chướng ngại vật trên đường phố, tổ chức tổng bãi công góp phần làm thất bại cuộc đảo chính này. Tính chung từ năm 1945 đến năm 1995, ở Italia có tới 54 chính phủ thay nhau cầm quyền.

Về đối ngoại, trong khuôn khổ của Chiến tranh lạnh và trật tự thế giới hai cực Ianta, từ năm 1950 đến năm 1973, nhiều nước tư bản Tây Âu một mặt vẫn tiếp tục chính sách liên minh chặt chẽ với Mĩ, mặt khác đã nỗ lực mở rộng hơn nữa quan hệ đối ngoại.

Chính phủ một số nước Tây Âu ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Việt Nam ; ủng hộ Ixraen trong các cuộc chiến tranh chống các nước A Rập. CHLB Đức đã gia nhập khối NATO (tháng 5 – 1955), trở thành tâm điểm quan trọng của Mĩ và phương Tây trong cuộc đối đầu căng thẳng với Liên Xô và phe XHCN. Nhiều vùng lãnh thổ và hải cảng của Italia trở thành nơi đồng các căn cứ quân sự quan trọng của Mĩ.

Nhưng Pháp lại có những động thái khác. Trong thập niên 60, chính quyền của Tổng thống Đờ Gôn đã phản đối việc trang bị vũ khí hạt nhân cho CHLB Đức phản đối Mĩ xâm lược Việt Nam ; chú ý phát triển quan hệ với Liên Xô và các nước XHCN khác. Đặc biệt, năm 1966 Pháp đã rút ra khỏi Bộ Chỉ huy NATO, và yêu cầu rút trụ sở NATO cùng tất cả các căn cứ quân sự và quân đội Mĩ ra khỏi lãnh thổ nước Pháp. Các nước khác như Thuỵ Điển, Phần Lan,... cũng phản đối cuộc chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam.

Trong giai đoạn 1950 – 1973, chủ nghĩa thực dân cũ của Anh, Pháp, Hà Lan đã sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới.

– Phân tích những yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế của Tây Âu từ năm 1950 đến năm 1973.

– Nêu những nét chính trong tình hình chính trị ở Tây Âu giai đoạn 1950 – 1973.

III – TÂY ÂU TỪ NĂM 1973 ĐẾN NĂM 1991

1. Tình hình kinh tế

Do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới, cũng như Mĩ và Nhật Bản, từ năm 1973 nhiều nước tư bản chủ yếu ở Tây Âu lâm vào . suy thoái và khủng hoảng hoặc phát triển không ổn định kéo dài đến đầu thập kỉ 90.

Từ năm 1973 đến năm 1992, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm ở Pháp thực tế giảm xuống còn 2,4% đến 2,2% ; năm 1991, kinh tế Anh tăng trưởng âm (−1,8%). Số người thất nghiệp ở Italia năm 1983 là 2,5 triệu người (chiếm hơn 10% lực lượng lao động) và ở CHLB Đức năm 1989 là 3 triệu người.

Tuy vẫn là một trong ba trung tâm kinh tế – tài chính lớn của thế giới, nhưng kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu gặp không ít khó khăn. Sự phát triển thường diễn ra xen kẽ với suy thoái, khủng hoảng và lạm phát, thất nghiệp. Tây Âu luôn gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ phía Mĩ, Nhật Bản và các nước công nghiệp mới (NICs). Quá trình "liên hợp hoá" Tây Âu trong khuôn khổ của Cộng đồng châu Âu (EC) vẫn còn nhiều khó khăn và trở ngại.

2. Tình hình chính trị – xã hội

Chính trường Tây  u có phần ổn định hơn so với giai đoạn 1945 – 1973. Nhưng bên cạnh sự phát triển, xã hội Tây Âu vẫn bộc lộ những mặt trái của nó. Sự phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn.

Ở Anh, tầng lớp giàu chiếm chưa đầy 1% dân số nhưng lại nắm trong tay gần 50% số tư bản, 100 công ti lớn kiểm soát tới 50% sản phẩm công nghiệp. Ở CHLB Đức, nhóm các nhà tư bản giàu có chỉ chiếm 1,7% dân số, nhưng chiếm hữu tới 70% tư liệu sản xuất.

Các tệ nạn xã hội như hối lộ, tham nhũng, bạo lực, ma tuý vẫn thường xuyên xảy ra, trong đó tội phạm maphia rất điển hình ở Italia. Còn ở CHLB Đức, tỉnh thần bài ngoại, bài Do Thái và các tổ chức phát xít mới vẫn tồn tại và hoạt động ; các vấn đề sắc tộc và tôn giáo lại nảy sinh rất phức tạp ở Anh liên quan đến đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành cũng như phong trào đòi độc lập ở Bắc Ailen.

Về mặt đối ngoại, tháng 11 – 1972, hai nước Đức kí Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức, theo đó, CHLB Đức và CHDC Đức cam kết tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của nhau, không đe doạ và xâm phạm lẫn nhau. Tiếp đó, các nước Tây Âu tham gia Định ước Henxinki (1975) về an ninh và hợp tác châu Âu. Tháng 11 – 1989, bức tường Béclin bị phá bỏ, sau đó không lâu, nước Đức đã tái thống nhất (3 – 10 – 1990). Trong năm 1991, 12 nước thành viên EC đã kí Hiệp ước Maxtrích đánh dấu bước chuyển từ Cộng đồng châu Âu (EC) sang Liên minh châu Âu (EU).

– Hãy trình bày sự không ổn định về kinh tế ở các nước tư bản chủ nghĩa Tây Âu giai đoạn 1973 – 1991.

– Nêu những nét chính trong tình hình chính trị – xã hội Tây Âu giai đoạn 1973 – 1991.

IV – TÂY ÂU TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2000

1. Tình hình kinh tế

Bước vào đầu thập kỉ 90, nền kinh tế nhiều nước Tây Âu đã trải qua một đợt suy thoái ngắn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh năm 1991 là –1,8%, năm 1992 là –0,8% ; của Italia năm 1993 là –0,9% ; của CHLB Đức năm 1993 là −1,6%.

Tuy nhiên, từ khoảng năm 1994 trở đi, kinh tế Tây Âu bắt đầu phục hồi và phát triển trở lại. Năm 2000, mức tăng trưởng của kinh tế Pháp là 3,8% ; Anh là 3,8% ; Đức là 2,9% và Italia là 3,0%. Tây Âu vẫn là một trong ba trung tâm kinh tế – tài chính lớn nhất thế giới. Đến giữa thập niên 90, chỉ riêng 15 nước thành viên EU có số dân tổng cộng 375 triệu người, GDP hơn 7 000 tỉ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng sản phẩm công nghiệp của thế giới với gần 50% giá trị xuất khẩu và hơn 50% các nguồn tư bản.

Các nước Tây Âu có nền khoa học – kĩ thuật hiện đại ; đạt nhiều thành tựu về văn hoá, giáo dục, văn học, nghệ thuật, thể thao.

hinh-anh-bai-8-tay-au-3055-0

Hình 26. Tổng thống Pháp Míttơrăng và Nữ hoàng Anh Êlidabét II cắt băng khánh thành đường hầm qua eo biển Măngsơ (6 – 5 – 1994)

2. Tình hình chính trị – xã hội

Về đối nội, tình hình các nước Tây Âu trong thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XX cơ bản là ổn định. Nhưng chính sách đối ngoại của các nước này lại có sự điều chỉnh quan trọng trong bối cảnh Chiến tranh lạnh đã kết thúc, trật tự thế giới hai cực Ianta tan rã. Quá trình liên kết của các thành viên EU trở nên chặt chẽ hơn. Nếu như Anh vẫn duy trì liên minh chặt chẽ với Mĩ, thì Pháp và Đức đã trở thành những đối trọng với Mĩ trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Tuy nhiên, tất cả các nước Tây Âu đều chú ý mở rộng quan hệ quốc tế, không chỉ với các nước tư bản phát triển khác mà còn cả với các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, khu vực Mĩ Latinh cũng như với các nước Đông Âu và SNG.

Dù vậy, chủ nghĩa tư bản hiện đại ở Tây Âu vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa giải quyết được như sự cách biệt ngày càng lớn giữa một số ít người cực giàu với số đông người sống dưới mức nghèo khổ, tình trạng thất nghiệp lan tràn. Các tệ nạn xã hội cùng sự suy thoái của đạo đức và lối sống v.v... vẫn là những căn bệnh tồn tại dai dẳng ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại. Từ sau ngày 11 – 9 – 2001, những vụ khủng bố của các lực lượng Hồi giáo cực đoan luôn đe doạ nền an ninh của nhiều nước Tây Âu.

– Sự phục hồi, phát triển và vị trí kinh tế của Tây Âu trong thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XX được thể hiện như thế nào ?

– Nêu những nét cơ bản trong chính sách đối ngoại của các nước Tây Âu từ năm 1991 đến năm 2000.

V – LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU)

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với xu thế toàn cầu hoá, khuynh hướng liên kết khu vực diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tiêu biểu là quá trình hình thành và phát triển của Liên minh châu Âu (EU).

Qua một quá trình chuẩn bị, theo sáng kiến của Pháp, ngày 18 – 4 – 1951, sáu nước Tây Âu (gồm Pháp, CHLB Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan, Lúcxămbua) đã thành lập "Cộng đồng than – thép châu Âu" (ECSC) nhằm phối hợp đảm bảo việc sản xuất và tiêu thụ than, thép của các nước thành viên.

Sau đó, ngày 25 – 3 – 1957, sáu nước này lại kí Hiệp ước Rôma thành lập "Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu" (EURATOM) và "Cộng đồng kinh tế châu Âu" (EEC). Đến ngày 1 – 7 – 1967, ba tổ chức trên đã được hợp nhất lại thành "Cộng đồng châu Âu" (EC). Tháng 12 – 1991, các nước thành viên EC đã kí tại Hà Lan bản Hiệp ước Maxtrích, có hiệu lực từ 1 – 1 – 1993, đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU).

hinh-anh-bai-8-tay-au-3055-1

Hình 27. Lễ kí Hiệp ước Rôma (25 – 3 – 1957)

Tù 6 nước ban đầu, đến năm 1995, EU đã phát triển thành 15 nước thành viên. Cụ thể là kết nạp thêm : Anh, Đan Mạch, Ailen (1973) ; Hi Lạp (1981) ; Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha (1986) ; Áo, Phần Lan, Thụy Điển (1995). Năm 2004, EU kết nạp thêm 10 nước ; đến năm 2007, thêm 2 nước là Rumani và Bungari, nâng số thành viên lên 27 quốc gia.

EU ra đời không chỉ nhằm hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực kinh tế, tiền tệ mà còn liên minh trong lĩnh vực chính trị (như xác định luật công dân châu Âu, chính sách đối ngoại và an ninh chung, Hiến pháp chung v.v...).

Cơ cấu tổ chức của EU gồm 5 cơ quan chính là Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Toà án châu Âu. Ngoài ra còn có một số uỷ ban chuyên môn khác.

hinh-anh-bai-8-tay-au-3055-2

Hình 28. Lược đồ các nước thuộc Liên minh châu Âu

Tháng 6 – 1979 đã diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đầu tiên. Tháng 3 – 1995, bảy nước EU huỷ bỏ sự kiểm soát đối với việc đi lại của công dân các nước này qua biên giới của nhau. Ngày 1 – 1 – 1999, đồng tiền chung châu Âu (EURO) đã được phát hành và ngày 1 – 1 – 2002, chính thức được sử dụng ở nhiều nước EU, thay cho các đồng bản tệ.

Như vậy, EU đã trở thành tổ chức liên kết chính trị – kinh tế vào hàng lớn nhất hành tinh, chiếm khoảng hơn 1/4 GDP của toàn thế giới.

Quan hệ Việt Nam – EU được chính thức thiết lập năm 1990, từ đó mối quan hệ này ngày càng phát triển trên cơ sở hợp tác toàn diện.

Nêu những sự kiện chính trong quá trình hình thành và phát triển của Liên minh châu Âu (EU).

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Trình bày khái quát sự phát triển của các nước Tây Âu qua các giai đoạn.

2. Vì sao nói Liên minh châu Âu là tổ chức liên kết khu vực lớn nhất trên thế giới ?

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 8: Tây Âu | Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Chương 4: Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 - 2000) - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

  1. Chương 1: Sự Hình Thành Trật Tự Thế Giới Mới Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1945 - 1949)
  2. Chương 2: Liên Xô Và Các Nước Đông Âu (1945 - 1991). Liên Bang Nga (1991 - 2000)
  3. Chương 3: Các Nước Á, Phi và Mĩ Latinh (1945 - 2000)
  4. Chương 4: Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 - 2000)
  5. Chương 5: Quan Hệ Quốc Tế (1945 - 2000)
  6. Chương 6: Cách Mạng Khoa Học - Công Nghệ Và Xu Thế Toàn Cầu Hóa
  7. Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1919 Đến Năm 1930
  8. Chương 2: Việt Nam Từ Năm 1930 Đến Năm 1945
  9. Chương 3: Việt Nam Từ Năm 1945 Đến Năm 1954
  10. Chương 4: Việt Nam Từ Năm 1954 Đến Năm 1975
  11. Chương 5: Việt Nam Từ Năm 1975 Đến Năm 2000

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.