Nội Dung Chính
Vừa ra khỏi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, các quốc gia bị lôi cuốn vào tình trạng đối đầu của cuộc Chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường Mĩ và Liên Xô, thậm chí có lúc như bên bờ của một cuộc chiến tranh thế giới mới. Tình hình đó đã trở thành nhân tố chủ yếu tác động và chi phối các quan hệ quốc tế trong hơn bốn thập kỉ của nửa sau thế kỉ XX.
I – MÂU THUẪN ĐÔNG – TÂY VÀ SỰ KHỞI ĐẦU CỦA CHIẾN TRANH LẠNH
Từ liên minh cùng nhau chống phát xít, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hai cường quốc Liên Xô và Mĩ nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu, dần dần đi tới tình trạng chiến tranh lạnh.
Trước hết, đó là sự đối lập về mục tiêu và chiến lược giữa hai cường quốc. Liên Xô chủ trương duy trì hoà bình, an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới. Ngược lại, Mĩ ra sức chống phá Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào cách mạng nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Mĩ hết sức lo ngại ảnh hưởng to lớn của Liên Xô cùng những thắng lợi của các cuộc cách mạng dân chủ nhân dân ở các nước Đông u, đặc biệt là sự thành công của cách mạng Trung Quốc với sự ra đời nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống thế giới, trải dài từ Đông Âu tới phía đông châu Á.
Nhưng cũng sau chiến tranh, Mĩ đã vươn lên thành một nước tư bản giàu mạnh nhất, vượt xa các nước tư bản khác, nắm độc quyền vũ khí nguyên tử. Mĩ tự cho mình có quyền lãnh đạo thế giới – như Tổng thống Truman công khai tuyên bố : Ngày nay Hoa Kì là một quốc gia mạnh, không có một quốc gia nào mạnh hơn... Điều đó có nghĩa là với sức mạnh như thế, chúng ta (Mĩ) có nghĩa vụ nắm quyền lãnh đạo thế giới.
Sự kiện được xem là khởi đầu cho chính sách chống Liên Xô, gây nên tình trạng chiến tranh lạnh của Mĩ là thông điệp của Tổng thống Truman tại Quốc hội Mĩ ngày 12 – 3 – 1947. Trong đó, Tổng thống Mĩ khẳng định : Sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn đối với nước Mĩ và đề nghị viện trợ khẩn cấp 400 triệu USD cho hai nước Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì.
Đó là "Học thuyết Truman" với nội dung quan trọng là xác lập hơn nữa mối quan hệ của Mĩ với châu u nhằm : 1– Củng cố các chính quyền thân phương Tây và đẩy lùi phong trào đấu tranh yêu nước ở Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì 2– Biến hai nước Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì thành những căn cứ tiền phương chống Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông u ; 3– Gạt bỏ ảnh hưởng của Anh có từ trước ở Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì. Như thế, học thuyết Truman là một sự tập hợp lực lượng của Mĩ nhằm phản ứng trước những thắng lợi và ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội ở châu Âu.
Hai là, vào đầu tháng 6 – 1947, Mĩ đề ra "Kế hoạch Mácsan" với khoản viện trợ khoảng 17 tỉ USD để giúp các nước Tây u phục hồi nền kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh. Mặt khác, qua kế hoạch này, Mĩ còn nhằm tập hợp các nước Tây u vào liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước Đông u. Việc thực hiện "Kế hoạch Mácsan" đã tạo nên sự phân chia đối lập về kinh tế và chính trị giữa các nước Tây u tư bản chủ nghĩa và các nước Đông u xã hội chủ nghĩa.
Ba là, ngày 4 – 4 – 1949, Mĩ thành lập khối quân sự – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tại thủ đô Oasinhtơn, Mĩ và 11 nước phương Tây (Anh, Pháp, Canada, Italia, Bỉ, Hà Lan, Lúcxămbua, Đan Mạch, Na Uy, Aixơlen, Bồ Đào Nha) đã kí Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương chính thức thành lập NATO ; sau này thêm Hi Lạp (2 – 1952), Thổ Nhĩ Kì (2 – 1952), CHLB Đức (5 – 1955), Tây Ban Nha (5 – 1982)(1).
Đây là liên minh quân sự lớn nhất của các nước tư bản phương Tây do Mĩ cầm đầu nhằm chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Ngay sau khi Hiệp ước NATO được phê chuẩn, Mĩ đã kí hàng loạt các hiệp định tay đôi với các nước thành viên về việc sử dụng vũ khí và thiết lập các căn cứ quân sự của Mĩ trên lãnh thổ các nước này.
Để khôi phục đất nước sau chiến tranh, tháng 1 – 1949, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế, thực hiện sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước XHCN.
(1) Từ sau Chiến tranh lạnh, tháng 3 – 1999, NATO kết nạp thêm 3 nước (Ba Lan, Hunggari và Séc) ; đến tháng 4 – 2004 mở rộng thêm 7 nước (Bungari, Extônia, Lítva, Látvia, Rumani, Slovakia, Slovênia).
Tháng 5 – 1955, Liên Xô và các nước Đông Âu (Anbani, Ba Lan, Hunggari, Bungari, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Rumani) đã thành lập Tổ chức Hiệp ước Vácsava, một liên minh chính trị – quân sự mang tính chất phòng thủ của các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu.
Sự ra đời của NATO và Tổ chức Hiệp ước Vácsava là những sự kiện đánh dấu sự xác lập của cục diện hai cực, hai phe. Chiến tranh lạnh đã bao trùm cả thế giới.
– Nội dung chính của học thuyết Truman là gì ?
– Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Tổ chức Hiệp ước Vácsava được hình thành và gây hậu quả như thế nào đối với tình hình thế giới ?
II – SỰ ĐỐI ĐẦU ĐÔNG – TÂY VÀ CÁC CUỘC CHIẾN TRANH CỤC BỘ
Tình hình trên cho thấy : Chiến tranh lạnh là cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai phe – phe tư bản chủ nghĩa do Mĩ cầm đầu và phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô làm trụ cột. Chiến tranh lạnh đã diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực, từ chính trị, quân sự đến kinh tế, văn hoá – tư tưởng... ngoại trừ sự xung đột trực tiếp bằng quân sự giữa hai siêu cường quốc. Tuy không nổ ra một cuộc chiến tranh thế giới, nhưng trong gần nửa thế kỉ của Chiến tranh lạnh, thế giới luôn nằm trong tình trạng căng thẳng, nhiều cuộc chiến tranh cục bộ đã diễn ra ở một số khu vực như Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Trung Đông.
1. Cuộc phong toả Béclin (1948) và Bức tường Béclin (1961)
Trái với những thoả thuận tại các hội nghị Ianta và Pốtxđam (1945) về một giải pháp thống nhất nước Đức, ngày 23 – 2 – 1948, tại Luân Đôn, các nước Mĩ, Anh, Pháp đã cùng nhau đề ra một quy chế về tương lai cho việc hợp nhất ba khu vực chiếm đóng của họ. Liên Xô kịch liệt phản đối. Để trả đũa cho việc thoả thuận riêng rẽ này, ngày 31 – 3 – 1948, Liên Xô quyết định phong toả, kiểm soát tất cả các mối liên hệ giữa các khu vực Tây Béclin với Tây Đức.
Tình hình châu u trở nên căng thẳng. Các nước Tây Âu phải tổ chức cầu hàng không để duy trì việc tiếp tế cho Tây Béclin. Cuộc phong toả Béclin của Liên Xô kéo dài hơn 1 năm, được chấm dứt vào ngày 12 – 5 – 1949, sau khi cùng ngày các nước phương Tây bãi bỏ việc ngăn chặn buôn bán giữa các khu vực Tây và Đông Béclin.
Vào năm 1961, vấn đề nước Đức lại trở nên căng thẳng. Đó là, trước tình trạng di cư ồ ạt từ Đông Đức sang Tây Đức gây nên nhiều khó khăn, không ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội ở Đông Đức, đêm 12 – 8 – 1961, Chính phủ CHDC Đức đã xây dựng một bức tường với dây kẽm gai ngăn cách hai khu vực Đông và Tây Béclin. Từ đó, việc qua lại giữa hai khu vực ở Béclin bị đình chỉ, quan hệ giữa hai nhà nước Đức càng đối đầu quyết liệt.
2. Cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp (1945 - 1954)
Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp đã quay trở lại tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Cuộc chiến bùng nổ từ Sài Gòn (9 – 1945), tới tháng 12 – 1946 lan rộng trên toàn cõi Đông Dương.
Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, nhân dân ba nước Đông Dương đã kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập. Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công (1 – 10 – 1949), cuộc kháng chiến của Việt Nam có điều kiện liên lạc và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1950, Mĩ viện trợ cho Pháp và can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Chiến tranh Đông Dương ngày càng chịu sự tác động của hai phe.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7 – 5 – 1954) của quân dân Việt Nam, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương đã được triệu tập với sự tham gia của các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc, Mĩ, Anh và các bên tham chiến là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Pháp... Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương (21 – 7 – 1954) đã công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Cuộc chiến ở Đông Dương đã chấm dứt, nhưng Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự.
Hiệp định Giơnevơ đánh dấu thắng lợi của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia, nhưng mặt khác cũng phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai phe. Đại biểu Mĩ ra tuyên bố không chịu sự ràng buộc của Hiệp định nhằm chuẩn bị cho sự xâm lược sau này.
3. Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953)
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, theo thoả thuận giữa các Đồng minh, quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Bắc bán đảo Triều Tiên, quân đội Mĩ chiếm đóng miền Nam, lấy vĩ tuyến 38 làm giới tuyến phân chia tạm thời. Năm 1948, hai chính quyền được thành lập riêng rẽ là Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) ở phía Nam và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở phía Bắc, được Mĩ và Liên Xô bảo trợ cho mỗi bên.
Ngày 25 – 6 – 1950, quân đội CHDCND Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38, mở cuộc tấn công quy mô tương đối lớn xuống phía nam.
Sau gần ba tháng tấn công, tới 13 – 9 – 1950, quân đội CHDCND Triều Tiên đã chiếm 95% đất đai và 97% dân số Hàn Quốc. Trước tình hình đó, Mĩ đã huy động toàn bộ lực lượng ở Viễn Đông đổ bộ vào cảng Nhân Xuyên (15 – 9 – 1950) dưới danh nghĩa "quân đội Liên hợp quốc", sau đó vượt qua vĩ tuyến 38, đánh chiếm miền Bắc, tiến tới sông Áp Lục giáp Trung Quốc. Tháng 10 – 1950, Quân chí nguyện Trung Quốc tiến vào Triều Tiên "kháng Mĩ, viện Triều". Quân đội Triều – Trung đã đẩy lùi quân Mĩ khỏi Bắc vĩ tuyến 38. Sau đó, chiến sự tiếp diễn ở khu vực vĩ tuyến 38.
Sau hơn ba năm chiến tranh, với những tổn thất nặng nề của cả hai bên, ngày 27 – 7 – 1953, Hiệp định đình chiến được kí kết giữa Trung Quốc – Triều Tiên với Mĩ – Hàn Quốc. Theo đó, vĩ tuyến 38 vẫn là ranh giới quân sự giữa hai miền Bắc, Nam Triều Tiên. Cuộc chiến tranh Triều Tiên là sự đụng đầu trực tiếp đầu tiên giữa hai phe, không phân thắng bại.
4. Cuộc khủng hoảng Caribê (1962)
Sau khi cách mạng Cuba thắng lợi, Mĩ không ngừng chống phá công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân Cuba. Tháng 10 – 1962, tình hình trở nên căng thẳng nghiêm trọng do "cuộc khủng hoảng Caribê".
Trước sự đe doạ xâm lược của Mĩ, mùa hè 1962, hai Chính phủ Liên Xô và Cuba thoả thuận : Liên Xô xây dựng căn cứ tên lửa đạn đạo tầm trung trên lãnh thổ Cuba để giúp Cuba bảo vệ nền độc lập, an ninh của mình.
Lấy cớ an ninh nước Mĩ bị đe doạ, tối 22 – 10 – 1962 Tổng thống Mĩ Kennơđi lên án những hoạt động quân sự của Liên Xô tại Cuba, thông báo quyết định của Chính phủ Mĩ là phong toả bằng hải quân quanh Cuba, gửi tối hậu thư đòi Liên Xô dỡ bỏ và rút tên lửa về nước. Cả thế giới lo lắng về nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Cuối cùng, ngày 26 – 10, hai bên đã thoả thuận : Liên Xô rút tên lửa và cam kết không đưa tên lửa trở lại Cuba ; Mĩ cam kết không xâm lược Cuba. Cuộc khủng hoảng kết thúc, nhưng quan hệ Mĩ – Cuba vẫn tiếp tục căng thẳng.
5. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mĩ (1954 – 1975)
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, Mĩ đã nhanh chóng thay thế Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ. Nhưng mưu đồ của Mĩ đã vấp phải ý chí quật cường và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam.
Chiến tranh Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất phản ánh mâu thuẫn giữa hai phe. Nhưng cuối cùng, mọi chiến lược chiến tranh của Mĩ đều bị phá sản. Tháng 1 – 1973, Hiệp định Pari được kí kết. Theo đó, Mĩ cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút quân khỏi Việt Nam, cam kết không dính líu hoặc can thiệp về quân sự đối với nước ta.
Hình 31. Bức tường ở Oasinhtơn ghi tên lính Mĩ chết ở Việt Nam
Đế quốc Mĩ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược sang Lào và Campuchia. Nhân dân ba nước Đông Dương đoàn kết tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. đến năm 1975 giành thắng lợi hoàn toàn.
Tóm lại, trong thời kì Chiến tranh lạnh, hầu như mọi cuộc chiến tranh hoặc xung đột quân sự ở các khu vực trên thế giới, với những hình thức và mức độ khác nhau, đều liên quan tới sự đổi đầu giữa hai cực Xi — Mĩ.
– Nêu tóm tắt nội dung các cuộc chiến tranh cục bộ đã xảy ra từ năm 1945 đến năm 1975.
– Từ những sự kiện trong bài, em có nhận xét gì về chính sách đối ngoại của Mĩ ?
III – XU THẾ HOÀ HOÃN ĐÔNG – TÂY VÀ CHIẾN TRANH LẠNH CHẤM DỨT
Mặc dù Chiến tranh lạnh vẫn tiếp diễn, nhưng từ đầu những năm 70 xu hướng hoà hoãn Đông – Tây đã xuất hiện với những cuộc gặp gỡ thương lượng Xô – Mĩ.
Trên cơ sở những thoả thuận Xô – Mĩ, ngày 9 – 11 – 1972, hai nước Đức – Cộng hoà Dân chủ và Cộng hoà Liên bang – đã kí kết tại Bon Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức.
Theo đó, hai bên phải tôn trọng không điều kiện chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như của các nước châu u trên đường biên giới hiện tại. Hai bên thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện, bình thường trên cơ sở bình đẳng, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hoà bình và sẽ tự kiềm chế việc đe doạ bằng vũ lực hay sử dụng vũ lực.
Cũng trong năm 1972, hai siêu cường Liên Xô, Mĩ đã thoả thuận về việc hạn chế vũ khí chiến lược và ngày 26 – 5 kí Hiệp ước về việc hạn chế hệ thống phòng chống tên lửa (ABM), sau đó là Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược(1) (gọi tắt là SALT − 1).
Hiệp ước ABM quy định : Liên Xô và Mĩ mỗi nước chỉ được xây dựng hai hệ thống ABM với mỗi hệ thống có 100 tên lửa chống tên lửa. Sau đó, trong năm 1974 hai nước lại thoả thuận mỗi nước chỉ có một hệ thống ABM. Với hai hiệp ước này, từ giữa những năm 70 đã hình thành thế cân bằng chiến lược giữa Liên Xô và Mĩ về lực lượng quân sự nói chung và về vũ khí hạt nhân chiến lược nói riêng.
Cuối năm 2001, Mĩ đơn phương rút khỏi Hiệp ước ABM ; điều này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới về vũ khí hạt nhân.
Đầu tháng 8 – 1975, 33 nước châu u cùng Mĩ và Canađa đã kí kết Định ước Henxinki, khẳng định những nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia như bình đẳng, chủ quyền, sự bền vững của đường biên giới, giải quyết hoà bình các tranh chấp... nhằm bảo đảm an ninh châu u và sự hợp tác giữa các nước về kinh tế, khoa học và kĩ thuật, bảo vệ môi trường v.v...
Định ước Henxinki năm 1975 đánh dấu sự chấm dứt tình trạng đối đầu giữa hai khối nước tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa ở châu u, đồng thời tạo nên một cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh ở châu lục này.
Cùng với các sự kiện trên, từ đầu những năm 70, hai siêu cường Xô – Mĩ đã tiến hành những cuộc gặp cấp cao, nhất là từ năm 1985 khi Goócbachốp lên cầm quyền ở Liên Xô. Hầu như hằng năm đều diễn ra các cuộc gặp gỡ giữa nguyên thủ hai nước – Goócbachốp và Rigân, sau là Goócbachốp và Busơ (cha). Nhiều văn kiện hợp tác về kinh tế và khoa học – kĩ thuật đã được kí kết giữa hai nước, nhưng trọng tâm là những thoả thuận về thủ tiêu tên lửa tầm trung ở châu Âu, cắt giảm vũ khí chiến lược cũng như hạn chế cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước.
(1) Vũ khí tiến công chiến lược được hiểu là tên lửa vượt đại châu có tầm bắn xa hơn 5 500 km, máy bay ném bom có tầm hoạt động tương tự và tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa tầm xa.
Tháng 12 – 1989, trong cuộc gặp không chính thức tại đảo Manta (Địa Trung Hải), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Goócbachốp và Tổng thống Mĩ Busơ đã chính thức cùng tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh.
Sở dĩ hai siêu cường Xô – Mĩ tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh vì : Một là, cuộc chạy đua vũ trang kéo dài hơn bốn thập kỉ đã làm cho cả hai nước quá tốn kém và bị suy giảm thế mạnh trên nhiều mặt so với các cường quốc khác. Hai là, sự vươn lên mạnh mẽ của Đức, Nhật Bản và Tây Âu... đã đặt ra nhiều khó khăn và thách thức to lớn. Các nước này đã trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với Mĩ. Còn Liên Xô lúc này nền kinh tế ngày càng lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.
Do vậy, hai cường quốc Liên Xô và Mĩ đều cần phải thoát khỏi thế đối đầu để ổn định và củng cố vị thế của mình.
Chiến tranh lạnh chấm dứt đã mở ra chiều hướng và những điều kiện giải quyết hoà bình các vụ tranh chấp, xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới.
Ở Ápganixfan, Liên Xô và Mĩ đã thoả thuận giải quyết cuộc xung đột với việc quân đội Liên Xô rút ra khỏi Ápganixfan.
Tháng 10 – 1991, Hiệp định về một giải pháp chính trị toàn bộ ở Campuchia đã được kí kết tại Pari. Nhờ đó, cuộc xung đột kéo dài hơn một thập kỉ với những tội ác diệt chủng của chế độ Khơme đỏ đã chấm dứt. Những triển vọng tốt đẹp đã mở ra để xây dựng một nước Campuchia mới. Mối quan hệ giữa các nước trong khu vực được cải thiện nhằm xây dựng một Đông Nam Á hoà bình và ổn định,
Ở Tây Nam Phi, quân đội Nam Phi và quân tình nguyện Cuba đều rút khỏi Namibia. Ngày 21 – 3 – 1990, Cộng hoà Namibia tuyên bố độc lập.
Tuy vậy, tình trạng Chiến tranh lạnh chỉ thực sự kết thúc sau khi Liên bang Xô viết tan rã, trật tự hai cực không còn nữa.
Trình bày và phân tích những sự kiện chứng tỏ xu thế hoà hoãn giữa hai siêu cường Liên Xô và Mĩ ; giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.
IV – THẾ GIỚI SAU CHIẾN TRANH LẠNH
Sau nhiều năm trì trệ và khủng hoảng kéo dài, tới những năm 1989 – 1991 chế độ xã hội chủ nghĩa đã bị sụp đổ ở các nước Đông Âu và Liên bang Xô viết. Ngày 28 – 6 – 1991, Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) tuyên bố giải thể. Sau đó, ngày 1 – 7 – 1991, Tổ chức Hiệp ước Vácsava chấm dứt hoạt động. Với "cực" Liên Xô tan rã, hệ thống thế giới của các nước xã hội chủ nghĩa không còn tồn tại, Trật tự thế giới hai cực Ianta đã sụp đổ. Thế "hai cực" của hai siêu cường không còn nữa, Mĩ là "cực" duy nhất còn lại. Phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Âu và châu Á đã bị mất, ảnh hưởng của Mĩ cũng bị thu hẹp ở nhiều nơi.
Từ sau năm 1991 đầy biến động, tình hình thế giới đã diễn ra những thay đổi to lớn và phức tạp.
Một là, trật tự thế giới hai cực đã sụp đổ nhưng trật tự thế giới mới lại đang trong quá trình hình thành.
Dư luận thế giới cho rằng phải nhiều năm nữa mới có thể hình thành một trật tự thế giới mới theo xu hướng đa cực, nhiều trung tâm với sự vươn lên, đua tranh mạnh mẽ của các cường quốc như Mĩ, Liên minh châu u, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc.
Hai là, sau Chiến tranh lạnh, hầu như các quốc gia đều điều chỉnh chiến lược phát triển, tập trung vào phát triển kinh tế.
Ngày nay, kinh tế đã trở thành trọng điểm của quan hệ quốc tế, nền tảng căn bản để xây dựng sức mạnh thực sự của mỗi quốc gia.
Ba là, sự tan rã của Liên Xô đã tạo cho Mĩ một lợi thế tạm thời. Giới cầm quyền Mĩ ra sức thiết lập trật tự thế giới một cực để Mĩ làm bá chủ thế giới.
Mặc dù ngày nay Mĩ có một lực lượng kinh tế – tài chính, khoa học – kĩ thuật và quân sự vượt trội so với tất cả các quốc gia, nhưng giữa tham vọng to lớn làm bá chủ thế giới và khả năng hiện thực của Mĩ là một khoảng cách không nhỏ. Nhiều sự kiện diễn ra trên thế giới gần đây đã chứng tỏ điều đó.
Bốn là, sau Chiến tranh lạnh, hoà bình thế giới được củng cố, nhưng ở nhiều khu vực tình hình lại không ổn định với những cuộc nội chiến, xung đột quân sự đẫm máu kéo dài.
Những cuộc xung đột đã xảy ra ở bán đảo Bancăng, một số nước châu Phi và Trung Á. Nguyên nhân chính là do những mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo và tranh chấp lãnh thổ đã bùng lên dữ dội, khi mâu thuẫn hai cực Đông – Tây không còn nữa.
Bước sang thế kỉ XXI, với sự tiến triển của xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển, các dân tộc hi vọng về một tương lai tốt đẹp của loài người. Nhưng cuộc tấn công khủng bố bất ngờ vào nước Mĩ ngày 11 – 9 – 2001 đã mở đầu cho một thời kì biến động lớn trong tình hình thế giới.
Chỉ trong một thời gian ngắn, toà nhà Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) bị đổ sụp, hàng nghìn dân thường thiệt mạng, tổn thất vật chất lên tới hàng chục tỉ USD.
Sự kiện 11 – 9 đã đặt các quốc gia – dân tộc đứng trước những thách thức của chủ nghĩa khủng bố đầy tệ hại với những nguy cơ khó lường. Nó đã gây ra những tác động to lớn, phức tạp đối với tình hình chính trị thế giới và các quan hệ quốc tế.
Với xu thế phát triển của thế giới từ cuối thế kỉ XX – đầu thế kỉ XXI, ngày nay các quốc gia – dân tộc vừa đứng trước những thời cơ phát triển thuận lợi, vừa phải đối mặt với những thách thức vô cùng gay gắt.
Hãy nêu những biến đổi chính của tình hình thế giới sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Hãy tìm chọn những sự kiện tiêu biểu của thời kì Chiến tranh lạnh.
2. Trình bày các xu thế phát triển của thế giới sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt. Liên hệ với công cuộc Đổi mới ở nước ta.
PHẦN ĐỌC THÊM
... Thế kỉ XXI sẽ tiếp tục có nhiều biến đổi. Khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Toàn cầu hoá kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia ; xu thế này đang bị một số nước phát triển và các tập đoàn kinh tế tư bản xuyên quốc gia chi phối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh. Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn. Thế giới đứng trước nhiều vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết nếu không có sự hợp tác đa phương như : bảo vệ môi trường, hạn chế sự bùng nổ về dân số, đẩy lùi những dịch bệnh hiểm nghèo, chống tội phạm quốc tế...
Trong một vài thập kỉ tới, ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới. Nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố còn xảy ra ở nhiều nơi với tính chất phức tạp ngày càng tăng. Hoà bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, phản ánh đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập, dân chủ, dân sinh, tiến bộ và công bằng xã hội sẽ có những bước tiến mới. Khu vực Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương sau khủng hoảng tài chính – kinh tế có khả năng phát triển năng động nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định.
Những nét mới ấy trong tình hình thế giới và khu vực tác động mạnh mẽ đến tình hình nước ta. Trước mắt nhân dân ta có cả cơ hội lớn và thách thức lớn.
(Đảng Cộng sản Việt Nam,
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX,
NXB Chính trị quốc gia, H., 2001, tr. 64 – 66)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn