Bài 7: Nước Mĩ | Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Chương 4: Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 - 2000) - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 12 Nâng cao - Bài 7


Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Mĩ bước sang giai đoạn phát triển mới với tiềm lực kinh tế – tài chính và lực lượng quân sự to lớn. Dựa vào đó, các giới cầm quyền Mĩ theo đuổi mưu đồ thống trị toàn thế giới và nô dịch các quốc gia – dân tộc trên hành tinh.

I – NƯỚC MĨ TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1973

1. Sự phát triển kinh tế

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Mĩ phát triển mạnh mẽ.

Trong khoảng nửa sau những năm 40, tổng sản phẩm quốc dân tăng trung bình hằng năm là 6%. Sản lượng công nghiệp Mĩ chiếm tới hơn một nửa sản lượng công nghiệp toàn thế giới (hơn 56% năm 1948). Sản xuất nông nghiệp tăng 27% so với trước chiến tranh. Năm 1949, sản lượng nông nghiệp Mĩ bằng 2 lần sản lượng của 5 nước Anh, Pháp, CHLB Đức, Italia và Nhật Bản cộng lại. Mĩ có hơn 50% tàu bè đi lại trên mặt biển, 3/4 dự trữ vàng của thế giới (khoảng 24,6 tỉ USD, năm 1949) và nền kinh tế Mĩ chiếm gần 40% tổng sản phẩm kinh tế thế giới.

Trong khoảng 20 năm sau chiến tranh, Mĩ trở thành trung tâm kinh tế – tài chính lớn nhất thế giới. Sở dĩ kinh tế Mĩ có được sự phát triển và sức mạnh to lớn như vậy là do một số yếu tố sau : 1 – Lãnh thổ Mĩ rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu khá thuận lợi. 2 – Mĩ có nguồn nhân lực dồi dào, trình độ kĩ thuật cao. 3 – Mĩ tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai muộn hơn, tổn thất ít hơn so với nhiều nước khác. Hơn nữa, Mĩ còn lợi dụng chiến tranh để làm giàu, thu lợi nhuận từ buôn bán vũ khí, 4 – Mĩ là nước khởi đầu cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại của thế giới. Việc áp dụng thành công những thành tựu của cuộc cách mạng này đã cho phép Mĩ nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và điều chỉnh hợp lí cơ cấu sản xuất. 5 – Trình độ tập trung tư bản và sản xuất ở Mĩ rất cao. Các tổ hợp công nghiệp – quân sự, các công ti, và tập đoàn tư bản lũng đoạn Mĩ (như Giênêran Môtơ, Pho, Rốccơpheolơ...) có sức sản xuất, cạnh tranh lớn và hiệu quả ở cả trong và ngoài nước. 6 – Các chính sách và biện pháp điều tiết của Nhà nước có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế Mĩ phát triển.

2. Thành tựu khoa học – kĩ thuật

Mĩ đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại.

hinh-anh-bai-7-nuoc-mi-3054-0

Hình 25. Trung tâm Hàng không vũ trụ Kennơđi

Trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nhà khoa học nổi tiếng của thế giới đã di cư sang Mĩ. Đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu khoa học ở Mĩ rát lớn.

Mĩ là một trong những nước đi đầu trong các lĩnh vực chế tạo công cụ sản xuất mới (máy tính điện tử, máy tự động), vật liệu mới (pôlime, vật liệu tổng hợp), năng lượng mới (năng lượng nguyên tử, nhiệt hạch), sản xuất vũ khí (bom nguyên tử, bom khinh khí, tên lửa đạn đạo), chinh phục vũ trụ (đưa người lên Mặt Trăng năm 1969, thám hiểm sao Hoả) và đi đầu cuộc "cách mạng xanh" trong nông nghiệp v.v...

Những thành tựu đó không chỉ thúc đẩy kinh tế Mĩ phát triển mà còn có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới.

3. Tình hình chính trị – xã hội

Mĩ là nước cộng hoà liên bang theo chế độ tổng thống. Hai đảng Dân chủ và Cộng hoà thay nhau cầm quyền.

Về đối nội, từ năm 1945 đến đầu những năm 70, nước Mĩ đã trải qua 5 đời tổng thống (từ H. Truman đến R. Níchxơn), mỗi tổng thống đều đưa ra một chương trình cải cách những vấn đề xã hội.

Tổng thống H. Truman triển khai "chương trình cải cách công bằng" ; Đ. Aixenhao quan tâm phát triển hệ thống xa lộ toàn liên bang và tiến hành những cải cách quan trọng về giáo dục ; G. Kennơđi tiến hành việc tu chính (lần thứ 23) Hiến pháp theo hướng tiến bộ hơn ; L. Giônxơn đưa ra chương trình "xã hội vĩ đại" với cuộc chiến chống đói nghèo ; R. Níchxơn triển khai chính sách mới về lương, giá cả, phân bổ lại ngân sách ; thông qua các đạo luật về bảo vệ môi trường, về sự an toàn của sản phẩm tiêu dùng v.v...

Mặt khác, trong bối cảnh của Chiến tranh lạnh, cũng như đứng trước phong trào đấu tranh của nhân dân Mĩ, chính sách đối nội của các chính quyền Mĩ là tập trung duy trì, bảo vệ và phát triển chế độ tư bản Mĩ.

Luật Táp – Háclây (1947) mang tính chất chống công đoàn rõ rệt ; sự hoành hành của “chủ nghĩa Mác Cácti" đầu những năm 50 rất tiêu biểu cho xu hướng chống cộng sản ở Mĩ.

Tuy là nước tư bản phát triển, là trung tâm kinh tế – tài chính của thế giới, khoa học – kĩ thuật phát triển, mức sống của người dân được nâng cao, nhưng nước Mĩ vẫn chứa đựng nhiều mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội.

Từ năm 1945 đến năm 1973, kinh tế Mĩ đã trải qua ít nhất là 7 lần khủng hoảng hoặc suy thoái. Thâm hụt ngân sách, nợ nần, lạm phát, phá sản, thất nghiệp, phân hoá giàu nghèo v.v... vẫn là những vấn đề không dễ khắc phục. Nhiều vụ bê bối chính trị lớn ở Mĩ đã xảy ra như vụ ám sát Tổng thống Kennơđi (1963), vụ tiết lộ Tài liệu mật Lầu năm góc (1971), vụ Oatoghết buộc Tổng thống Níchxơn từ chức (1974) V.V...

Trong bối cảnh đó, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, các cuộc đấu tranh vì hoà bình, dân chủ và dân sinh vẫn diễn ra mạnh mẽ.

Năm 1963, phong trào đấu tranh của người da đen chống phân biệt chủng tộc bùng lên mạnh mẽ, thu hút 25 triệu người tham gia, lan rộng ra 125 thành phố (mạnh nhất là ở Điforoi). Từ năm 1969 đến năm 1973, những cuộc đấu tranh của người da đỏ cũng diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Việt Nam đã làm cho nước Mĩ bị chia rẽ sâu sắc.

Về đối ngoại, với tiềm lực về kinh tế và quân sự to lớn, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ đã triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng bá chủ thế giới. Tháng 3 – 1947, trong diễn văn đọc trước Quốc hội Mĩ, Tổng thống H. Truman đã công khai nêu lên "Sứ mệnh lãnh đạo thế giới tự do chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản".

Chiến lược toàn cầu của Mĩ được triển khai qua nhiều học thuyết cụ thể như : Học thuyết Truman và chiến lược "Ngăn chặn" ; Học thuyết Aixenhao và chiến lược "Trả đũa ồ ạt" ; Học thuyết Kennơđi và chiến lược "Phản ứng linh hoạt" ; Học thuyết Níchxơn và chiến lược "Ngăn đe thực tế" v.v...

Mặc dù các chiến lược cụ thể mang những tên gọi khác nhau, nhưng chiến lược toàn cầu của Mĩ nhằm thực hiện 3 mục tiêu chủ yếu : một là, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới xoá bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội trên thế giới ; hai là, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, phong trào chống chiến tranh, vì hoà bình, dân chủ trên thế giới ; ba là, khống chế, chi phối các nước tư bản đồng minh của Mĩ. Để thực hiện các mục tiêu chiến lược trên đây, chính sách cơ bản của Mĩ là dựa vào sức mạnh, trước hết là sức mạnh quân sự và kinh tế.

Mĩ đã khởi xướng cuộc Chiến tranh lạnh trên phạm vi thế giới, dẫn đến tình trạng đối đầu căng thẳng với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Mĩ trực tiếp gây ra hoặc tiếp tay cho nhiều cuộc chiến tranh và bạo loạn, lật đổ ở nhiều nơi trên thế giới, tiêu biểu là việc tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954 – 1975) và dính líu vào cuộc chiến tranh ở Trung Đông.

Tháng 2 – 1972, Tổng thống Mĩ R. Níchxơn sang thăm Trung Quốc, mở ra một thời kì mới trong quan hệ giữa hai nước. Năm 1979, quan hệ ngoại giao giữa Mĩ và Trung Quốc được thiết lập. Tháng 5 – 1972, R. Níchxơn tới thăm Liên Xô, thực hiện sách lược hoà hoãn với hai nước lớn để chống lại phong trào đấu tranh cách mạng của các dân tộc.

Phong trào đấu tranh của nhân dân Mĩ là một trong những nguyên nhân buộc chính quyền Mĩ phải có những nhượng bộ có lợi cho quần chúng. Trước thắng lợi của nhân dân Việt Nam và chịu sức ép của phong trào phản chiến ở Mĩ, chính quyền Níchxơn phải kí Hiệp định Pari (1973) chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam và rút hết quân về nước.

– Tại sao trong khoảng 20 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ trở thành trung tâm kinh tế – tài chính lớn nhất thế giới ?

– Nêu những nét chính trong chính sách đối ngoại của Mĩ từ năm 1945 đến năm 1973.

II – NƯỚC MĨ TỪ NĂM 1973 ĐẾN NĂM 1991

1. Tình hình kinh tế và khoa học – kĩ thuật

Năm 1973, do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới, kinh tế Mĩ lâm vào một cuộc khủng hoảng và suy thoái, kéo dài tới năm 1982.

Năng suất lao động trung bình hằng năm từ năm 1974 đến năm 1981 giảm xuống còn 0,43%. Tỉ lệ lạm phát năm 1973 – 1974 tù 9% lên 12% và đến năm 1976 là 40% ; đồng đôla đã phải phá giá hai lần.

Từ năm 1983 trở đi, kinh tế Mĩ phục hồi và phát triển trở lại, nhưng cũng chỉ ở tốc độ trung bình so với Tây Âu và Nhật Bản. Tuy vẫn là nước đứng đầu thế giới về sức mạnh kinh tế – tài chính, nhưng tỉ trọng của kinh tế Mĩ giảm sút nhiều so với trước.

Cuối những năm 80, Mĩ chỉ chiếm 23% tổng sản phẩm kinh tế thế giới. Các ngành công nghiệp như luyện thép, dệt bị suy thoái, ngành công nghiệp ô tô chao đảo vì cuộc cạnh tranh với các công ti chế tạo ô tô của Nhật Bản.

Khoa học – kĩ thuật Mĩ tiếp tục phát triển, nhưng ngày càng bị cạnh tranh ráo riết bởi Tây Âu, Nhật Bản.

2. Tình hình chính trị – xã hội

Về đối nội, từ năm 1974 đến năm 1991, nước Mĩ đã trải qua bốn đời tổng thống, từ G. Pho đến G. Busơ (cha). Sự thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã tác động lớn đến nước Mĩ. Tháng 9 – 1974, Tổng thống G. Pho ra lệnh ân xá cho cựu Tổng thống Níchxơn (vì vụ Oatơghết), khoan hồng đối với những người đào ngũ và trốn quân dịch trong thời kì chiến tranh Việt Nam. Trong thập niên 80, Mĩ thực hiện Học thuyết kinh tế Rigân, đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nước Mĩ vẫn tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn.

Về đối ngoại, sau thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, các chính quyền Mĩ vẫn tiếp tục triển khai chiến lược toàn cầu và theo đuổi Chiến tranh lạnh. Đặc biệt với Học thuyết Rigan và chiến lược "Đối đầu trực tiếp", Mĩ tăng cường chạy đua vũ trang, can thiệp vào các công việc quốc tế ở hầu hết các địa bàn chiến lược và điểm nóng trên thế giới.

Từ giữa những năm 80, Mĩ và Liên Xô đều điều chỉnh chính sách đối ngoại. Xu hướng đối thoại và hoà hoãn ngày càng chiếm ưu thế trên thế giới. Tháng 12 – 1989, Mĩ và Liên Xô đã chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh, mở ra thời kì mới trên trường quốc tế. Cùng với điều đó, Mĩ và các nước phương Tây cũng ra sức tác động vào quá trình khủng hoảng, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ XHCN ở các nước Đông  u và Liên Xô (1989 – 1991). Mĩ cũng đã giành được thắng lợi trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh chống Irắc (1990 – 1991).

Trình bày những nét lớn về tình hình kinh tế và chính trị – xã hội Mĩ thời kì 1973 – 1991.

III – NƯỚC MĨ TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2000

1. Tình hình kinh tế, khoa học – kĩ thuật và văn hoá

Bước vào những năm đầu tiên của thập kỉ 90, kinh tế Mĩ lại lâm vào một đợt suy thoái nặng nề. Tuy nhiên, trong hai nhiệm kì cầm quyền của Tổng thống B. Clinton (từ tháng 1 – 1993 đến tháng 1 – 2001), kinh tế Mĩ đã có sự phục hồi và phát triển trở lại. Mĩ vẫn là nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới.

GDP của Mĩ năm 2000 là 9 765 tỉ USD, bình quân GDP đầu người là 34 600 USD. Nước Mĩ tạo ra 25% giá trị tổng sản phẩm của toàn thế giới và có vai trò chi phối trong hầu hết các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) v.v...

Khoa học – kĩ thuật của Mĩ vẫn tiếp tục phát triển với đội ngũ các chuyên gia đông nhất thế giới.

Tính chung, Mĩ chiếm tới 1/3 số lượng bản quyền phát minh sáng chế của toàn thế giới. Mĩ dẫn đầu về số lượt người nhận giải Nôben (286/755, tính đến năm 2003).

Tính đa văn hoá là nét nổi bật trong nền văn hoá Mĩ. Mặc dù mới trải qua hơn 200 năm phát triển, Mĩ đã đạt được nhiều thành tựu văn hoá rất đáng chú ý.

Mĩ có kinh đô điện ảnh Hôliút và giải thưởng Ôxca rất uy tín. Trong văn học, Mĩ được 11 giải Nôben (chỉ thua Pháp). Mĩ là một trong những cường quốc thể thao hàng đầu thế giới. Về âm nhạc, giải Grammy có tiếng vang và ảnh hưởng quan trọng đến nhạc trẻ toàn thế giới.

2. Tình hình chính trị – xã hội

Về đối nội, chính quyền B. Clinton "cố gắng ứng dụng ba giá trị : cơ hội, trách nhiệm cộng đồng để vượt qua những thử thách". Theo đó, chính quyền cố gắng tạo cơ hội thêm nhiều việc làm, mở rộng thị trường và tập trung đầu tư cho con người ; đồng thời đòi hỏi việc nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, của chính phủ và của toàn xã hội trên cơ sở đoàn kết cộng đồng gia đình, láng giềng, dân tộc.

Về đối ngoại, trong bối cảnh Chiến tranh lạnh kết thúc, trật tự thế giới mới chưa định hình, ở thập kỉ 90 Mĩ đã triển khai chiến lược "Cam kết và mở rộng" với ba trụ cột chính là : 1 – Bảo đảm an ninh với một lực lượng quân sự mạnh và sẵn sàng chiến đấu cao. 2 – Tăng cường khôi phục và phát triển tính năng động và sức mạnh nền kinh tế Mĩ. 3 – Sử dụng khẩu hiệu "dân chủ" như một công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Mĩ vẫn lãnh đạo và chi phối khối quân sự NATO ; Mĩ cùng Liên hợp quốc và các cường quốc khác bảo trợ cho tiến trình hoà bình ở Trung Đông, nhưng vẫn có sự thiên vị đối với Ixraen ; Mĩ đã ủng hộ việc kí kết Hiệp định hoà bình Pari về Campuchia (1991)... Nhưng Mĩ vẫn duy trì các căn cứ quân sự và quân đội ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Với sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học – kĩ thuật vượt trội, trong bối cảnh Liên Xô tan rã, Mĩ có tham vọng thiết lập một trật tự thế giới "đơn cực", trong đó Mĩ là siêu cường duy nhất đóng vai trò chi phối và lãnh đạo. Tuy nhiên, thế giới không chấp nhận một trật tự do Mĩ đơn phương sắp đặt. Vụ khủng bố ngày 11 – 9 – 2001 cho thấy nước Mĩ cũng rất dễ bị tổn thương và chủ nghĩa khủng bố sẽ là một trong những yếu tố dẫn đến sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mĩ khi bước vào thế kỉ XXI.

Mĩ bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 11 – 7 – 1995.

– Hãy nêu những nét chính về tình hình kinh tế, khoa học – kĩ thuật của Mĩ từ năm 1991 đến năm 2000.

– Những mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mĩ dưới thời Tổng thống B. Clinton là gì ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Sự phát triển kinh tế của Mĩ từ năm 1945 đến năm 2000 diễn ra như thế nào ?

2. Nêu những nét chính trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mĩ từ năm 1945 đến năm 2000.

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 7: Nước Mĩ | Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Chương 4: Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 - 2000) - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

  1. Chương 1: Sự Hình Thành Trật Tự Thế Giới Mới Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1945 - 1949)
  2. Chương 2: Liên Xô Và Các Nước Đông Âu (1945 - 1991). Liên Bang Nga (1991 - 2000)
  3. Chương 3: Các Nước Á, Phi và Mĩ Latinh (1945 - 2000)
  4. Chương 4: Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 - 2000)
  5. Chương 5: Quan Hệ Quốc Tế (1945 - 2000)
  6. Chương 6: Cách Mạng Khoa Học - Công Nghệ Và Xu Thế Toàn Cầu Hóa
  7. Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1919 Đến Năm 1930
  8. Chương 2: Việt Nam Từ Năm 1930 Đến Năm 1945
  9. Chương 3: Việt Nam Từ Năm 1945 Đến Năm 1954
  10. Chương 4: Việt Nam Từ Năm 1954 Đến Năm 1975
  11. Chương 5: Việt Nam Từ Năm 1975 Đến Năm 2000

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.