Bài 3: Trung Quốc Và Bán Đảo Triều Tiên | Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Chương 3: Các Nước Á, Phi và Mĩ Latinh (1945 - 2000) - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Lịch sử 12 Nâng cao - Bài 3


Khu vực Đông Bắc Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai có những biến đổi to lớn : sự ra đời của nước Cộng hoà Nhân dân (CHND) Trung Hoa và hai nhà nước trên bán đảo Triều Tiên. Các quốc gia này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

I – TRUNG QUỐC

Trung Quốc là nước rộng thứ ba thế giới (sau Nga và Canađa) với diện tích gần 9,6 triệu km2 và dân số đông nhất thế giới với 1,26 tỉ người (năm 2000).

1. Sự thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và thành tựu 10 năm đầu xây dựng chế độ mới (1949 – 1959)

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân phiệt Nhật, ở Trung Quốc đã diễn ra cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản, kéo dài hơn 3 năm (1946 – 1949).

Ngày 20 – 7 – 1946, Tưởng Giới Thạch chính thức phát động cuộc nội chiến chống Đảng Cộng sản. Từ tháng 7 – 1946 đến tháng 6 – 1947, Quân giải phóng Trung Quốc thực hiện chiến lược phòng ngự tích cực. Sau giai đoạn này, Quân giải phóng chuyển sang phản công, tiến vào các vùng do Quốc dân đảng kiểm soát. Bằng ba chiến dịch lớn (Liêu – Thẩm, Hoài – Hải, Bình – Tân) từ cuối năm 1948 đến đầu năm 1949, Quân giải phóng đã loại khỏi vòng chiến đấu 1 540 000 tên địch, lực lượng chủ lực của địch bị tổn thất nghiêm trọng. Ngày 23 – 4 – 1949, Nam Kinh, thủ phủ của chính quyền Tưởng Giới Thạch, được giải phóng.

Cuối năm 1949, cuộc nội chiến kết thúc, toàn bộ lục địa Trung Quốc được giải phóng. Tập đoàn Tưởng Giới Thạch thất bại, phải rút chạy ra Đài Loan. Ngày 1 – 10 – 1949, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chính thức được thành lập, đứng đầu là Chủ tịch Mao Trạch Đông.

hinh-anh-bai-3-trung-quoc-va-ban-dao-trieu-tien-3050-0

Hình 9. Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa

Thắng lợi này đã chấm dứt hơn 100 năm nô dịch của đế quốc, xoá bỏ tàn dư phong kiến, đưa nước Trung Hoa bước vào kỉ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự kiện này đã tạo điều kiện nối liền chủ nghĩa xã hội từ châu  u sang châu Á và ảnh hưởng sâu sắc tới phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, nhiệm vụ trọng tâm của nhân dân Trung Quốc là đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, phát triển kinh tế – xã hội, văn hoá và giáo dục.

Từ năm 1950, nhân dân Trung Quốc bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, tiến hành những cải cách quan trọng : cải cách ruộng đất và hợp tác hoá nông nghiệp, cải tạo công – thương nghiệp tư bản tư doanh ; tiến hành công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hoá, giáo dục...

Đến cuối năm 1952, công cuộc khôi phục kinh tế đã kết thúc thắng lợi.

Từ năm 1953, Trung Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên (1953 – 1957). Nhờ nỗ lực lao động của toàn dân và sự giúp đỡ của Liên Xô(1), kế hoạch 5 năm đã được hoàn thành thắng lợi. Bộ mặt đất nước Trung Quốc có nhiều thay đổi rõ rệt.

Trong những năm 1953 – 1957, 246 công trình đã được xây dựng và đưa vào sản xuất ; đến năm 1957, sản lượng công nghiệp tăng 140%, sản lượng nông nghiệp tăng 25% (so với năm 1952). Các ngành công nghiệp nặng như chế tạo cơ khí, luyện kim, điện lực, khai thác than,... phát triển nhanh. Trung Quốc đã tụ sản xuất được 60% số máy móc cần thiết. Văn hoá, giáo dục có những bước tiến lớn. Đời sống nhân dân được cải thiện.

(1) Liên Xô đã viện trợ cho Trung Quốc hơn 6 tỉ rúp, trên 1000 hạng mục công trình, trong đó có 374 công trình đặc biệt lớn.

Về đối ngoại, Trung Quốc thi hành chính sách ngoại giao tích cực nhằm củng cố hoà bình và thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới. Địa vị quốc tế của Trung Quốc được nâng cao.

hinh-anh-bai-3-trung-quoc-va-ban-dao-trieu-tien-3050-1

Hình 10. Đoàn đại biểu Trung Quốc do Thủ tướng Chu Ân Lai (bên phải) dẫn đầu đến dự Hội nghị Bǎngdung (Indônêxia)

Ngày 14 – 2 – 1950, Trung Quốc kí với Liên Xô "Hiệp ước hữu nghị, đồng minh và tương trợ Trung – Xô" và nhiều hiệp ước kinh tế, tài chính khác ; phái Quân chí nguyện sang giúp nhân dân Triều Tiên chống Mĩ (1950 – 1953) ; giúp đỡ nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp ; ủng hộ các nước A, Phi và Mĩ Latinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ; năm 1955, tham gia Hội nghị các nước Á – Phi ở Băngđung (Indônêxia).

Ngày 18 – 1 – 1950, Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

2. Trung Quốc trong những năm không ổn định (1959 – 1978)

Về đối nội, từ năm 1959, Trung Quốc lâm vào tình trạng không ổn định kéo dài tới 20 năm (1959 – 1978) trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Khởi đầu là việc đề ra và thực hiện đường lối "Ba ngọn cờ hồng" ("Đường lối chung", "Đại nhảy vọt", "Công xã nhân dân") với mong muốn nhanh chóng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Trung Quốc thực hiện cuộc Đại nhảy vọt" bằng việc phát động toàn dân làm gang thép, với mục tiêu là nhanh chóng đưa sản lượng thép lên gấp 10 lần chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1958 – 1962). Sau 4 tháng, 11 triệu tấn thép đã ra lò, nhưng hầu hết chỉ là phế loại.

Các hợp tác xã được ghép lại thành "Công xã nhân dân" tổ chức theo lối quân sự hoá, mọi sinh hoạt kinh tế, xã hội đều được bao cấp. Sản xuất nông nghiệp giảm sút, nhiều nơi bị mất mùa.

Hậu quả là từ năm 1959, trong cả nước nạn đói diễn ra trầm trọng, đời sống nhân dân khó khăn, sản xuất ngưng trệ, đất nước không ổn định.

Những khó khăn về kinh tế đã dẫn tới biến động về chính trị. Năm 1959, Lưu Thiếu Kì được cử làm Chủ tịch nước, Mao Trạch Đông chỉ giữ cương vị Chủ tịch Đảng Cộng sản. Trong nội bộ ban lãnh đạo Trung Quốc đã bộc lộ sự bất đồng gay gắt về đường lối, nổ ra cuộc đấu tranh giành quyền lực, đỉnh cao là cuộc "Đại cách mạng văn hoá vô sản" (1966 – 1976).

Bằng việc huy động hàng chục triệu thanh thiếu niên được gọi là "tiểu tướng" Hồng vệ binh đến đập phá các cơ quan Đảng, chính quyền, cơ sở văn hoá, đưa ra đấu tố, truy bức, nhục hình nhiều nhà cách mạng lão thành và nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, cuộc "Đại cách mạng văn hoá vô sản" đã để lại nhiều hậu quả hết sức nghiêm trọng về mọi mặt đối với nhân dân Trung Quốc.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời (9 – 1976), trên toàn đất nước bắt đầu chiến dịch đấu tranh chống lại "Bè lũ bốn tên"(12). Trung Quốc dần dần đi vào ổn định.

Về đối ngoại, Trung Quốc ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mĩ xâm lược của nhân dân Việt Nam cũng như cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Á, Phi và Mĩ Latinh. Cũng trong thời kì này, đã xảy ra những cuộc xung đột ở biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ (1962), giữa Trung Quốc với Liên Xô (1969). Tháng 2 – 1972, Tổng thống Mĩ R. Níchxơn sang thăm Trung Quốc, mở đầu quan hệ mới theo chiều hướng hoà dịu giữa hai nước.

3. Công cuộc cải cách  mở cửa (từ năm 1978)

Tháng 12 – 1978, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vạch ra đường lối mới do Đặng Tiểu Bình khởi xướng, mở đầu cho công cuộc cải cách kinh tế – xã hội. Đường lối này được nâng lên thành Đường lối chung qua Đại hội XII (9 – 1982), đặc biệt là Đại hội XIII (10 – 1987) của Đảng : lấy phát triển kinh tế làm trung tâm ; kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản (con đường xã hội chủ nghĩa, chuyên chính dân chủ nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông) ; tiến hành cải cách và mở cửa, chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa linh hoạt hơn, nhằm hiện đại hoá và xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, với mục tiêu biến Trung Quốc thành quốc gia giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

Thực hiện đường lối cải cách, đất nước Trung Quốc đã có những biến đổi căn bản.

(1) Bốn uỷ viên Bộ Chính trị : Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên và Trương Xuân Kiều là những người cầm đầu cuộc "cách mạng văn hoá".

Sau 20 năm (1979 – 1998), nền kinh tế Trung Quốc có bước tiến nhanh chóng, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trung bình hằng năm trên 8%, đạt giá trị 7 974 tỉ nhân dân tệ, đứng hàng thứ 7 thế giới. Năm 2000, GDP của Trung Quốc vượt qua ngưỡng nghìn tỉ đôla Mĩ (USD), đạt 1 080 tỉ USD (tương đương gần 9 000 tỉ nhân dân tệ). Cơ cấu tổng thu nhập trong nước theo khu vực có sự thay đổi lớn, từ chỗ lấy nông nghiệp làm chủ yếu, thì đến năm 2000 thu nhập nông nghiệp chỉ chiếm 16%, trong khi đó công nghiệp và xây dựng tăng lên tới 51%, dịch vụ 33%. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt : Từ năm 1978 đến năm 1997, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đã tăng từ 133 lên 2 090 nhân dân tệ ; ở thành thị từ 343 lên 5 160 nhân dân tệ.

Khoa học – kĩ thuật, văn hoá và giáo dục Trung Quốc đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Năm 1964, Trung Quốc thủ thành công bom nguyên tử. Chương trình thám hiểm không gian được thực hiện từ năm 1992. Tù tháng 11 – 1999 đến tháng 3 – 2003, Trung Quốc đã phóng với chế độ tự động 4 con tàu "Thần Châu" và ngày 15 – 10 – 2003, tàu "Thần Châu 5 cùng nhà du hành Dương Lợi Vĩ đã bay vào không gian vũ trụ. Với sự kiện này, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Nga, Mĩ) có fầu cùng với con người bay vào vũ trụ.

Trong lĩnh vực đối ngoại, Trung Quốc có nhiều thay đổi. Năm 1979, Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Mĩ. Từ những năm 80 của thế kỉ XX, Trung Quốc đã bình thường hoá quan hệ với Liên Xô, Mông Cổ, Inđônêxia,... mở rộng hợp tác với nhiều nước trên thế giới.

Sau sự kiện quân đội Trung Quốc mở cuộc tiến công biên giới phía Bắc Việt Nam (2 – 1979), quan hệ hai nước xấu đi. Tháng 11 – 1991, hai nước đã bình thường hoá quan hệ ngoại giao.

hinh-anh-bai-3-trung-quoc-va-ban-dao-trieu-tien-3050-2

Hình 11. Cầu lớn Nam Phố, Thượng Hải

Trung Quốc đã thu hồi chủ quyền đối với Hồng Công (7 – 1997) và Ma Cao (12 – 1999). Những vùng đất này trở thành khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

4. Lãnh thổ Đài Loan

Lãnh thổ Đài Loan gồm đảo Đài Loan và một số đảo nhỏ xung quanh(1), là một bộ phận lãnh thổ Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của CHND Trung Hoa.

Năm 1949, chính quyền của Quốc dân đảng bị thất bại, phải chạy ra Đài Loan. Trong những năm 50, Đài Loan tiến hành khôi phục kinh tế, đồng thời thực hiện hai "kế hoạch 5 năm xây dựng kinh tế", nhờ đó đã đạt được một số thành tựu bước đầu. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn còn nhiều khó khăn : vật giá chưa ổn định, tỉ lệ thất nghiệp cao, tài chính vẫn phải dựa vào Mĩ.

Bước sang những năm 60, chính quyền Đài Loan tiến hành nhiều cải cách kinh tế, chính trị, xã hội, kêu gọi đầu tư, mở những khu chế xuất lớn, đưa ra chiến lược kinh tế "hướng về xuất khẩu". Nền kinh tế phát triển năng động. Trong vòng ba thập niên xây dựng và phát triển, Đài Loan được coi là một trong những "con rồng" ở Đông Á với mức tăng trưởng kinh tế trung bình 8,5%/năm. Một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế là giáo dục và khoa học – kĩ thuật rất được coi trọng.

– Hãy nêu sự thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và ý nghĩa của sự kiện này.

– Trình bày những thành tựu chính của Trung Quốc trong 10 năm đầu xây dựng chế độ mới.

– Nội dung cơ bản của đường lối cải cách và những thành tựu chính của Trung Quốc từ sau năm 1978 là gì ?

– Lập niên biểu các sự kiện chính của lịch sử Trung Quốc trong thời kì xây dựng đất nước từ năm 1949 đến năm 2000.

II – BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Triều Tiên bị chia thành hai miền, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới tạm thời. Theo thoả thuận của Hội nghị Ianta, quân đội Liên Xô đóng ở phía Bắc Triều Tiên, còn phía Nam là quân đội Mĩ. Trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh lạnh, việc thành lập chính phủ chung không được thực hiện. Sau cuộc tổng tuyển cử (5 – 1948), ngày 15 – 8 – 1948 ở khu vực phía Nam Triều Tiên, Nhà nước Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) được thành lập. Ngày 9 – 9 năm đó, ở phía Bắc, Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) ra đời.

(1) Đài Loan có diện tích 35 980 km2, dân số 22,3 triệu người (năm 2000).

Cuối năm 1948, quân đội Liên Xô rút khỏi miền Bắc. Giữa năm 1949, quân đội Mĩ rút khỏi miền Nam. Ngày 25 – 6 – 1950, cuộc chiến tranh giữa hai miền bùng nổ và kéo dài hơn 3 năm (1950 – 1953).

Sau 3 tháng chiến tranh, ngày 15 – 9 – 1950, "Quân đội Liên hợp quốc" do Mĩ chỉ huy đã đổ bộ vào cảng Nhân Xuyên giúp đỡ Hàn Quốc. Ngày 25 – 10 năm đó, Quân chí nguyện Trung Quốc tiến vào miền Bắc hỗ trợ cho CHDCND Triều Tiên. Đến đầu mùa hè năm 1951, lực lượng hai bên dừng lại ở vĩ tuyến 38.

Ngày 27 – 7 – 1953, tại Bàn Môn Điếm, Hiệp định đình chiến được kí kết giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên và vẫn lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới quân sự. Hai miền Triều Tiên bước vào thời kì hoà bình và xây dựng.

hinh-anh-bai-3-trung-quoc-va-ban-dao-trieu-tien-3050-3

Hình 12. Lễ kí Hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm (7 – 1953)

1. Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên

Sau chiến tranh, nhân dân miền Bắc đã tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau khi hoàn thành trước thời hạn kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế (1954 – 1956), CHDCND Triều Tiên đã thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn và thu được nhiều thành tựu lớn : hoàn thành điện khí hoá trong cả nước, nền công nghiệp nặng (sản xuất ô tô, máy kéo, toa xe, đầu máy xe lửa và nhiều thiết bị khác) đã đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội trong nước. Cơ sở hạ tầng phát triển. Thủ đô Bình Nhưỡng có hệ thống tàu điện ngầm, giao thông thuận tiện và nhiều toà nhà chọc trời với ba bốn chục tầng.

Nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên mang tính kế hoạch hoá tập trung cao độ. Đất nông nghiệp được tập thể hoá, các ngành công nghiệp do nhà nước quản lí. Công nghiệp nặng được chú trọng, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng. Mặc dù việc mở cửa thị trường đã được tuyên bố từ năm 1995, nhưng kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Đất nước vẫn phải đối mặt với nạn khan hiếm lương thực.

Văn hoá, giáo dục có bước tiến đáng kể. Năm 1949, Triều Tiên hoàn thành xoá nạn mù chữ. Chính phủ thi hành chương trình giáo dục 10 năm bắt buộc và miễn phí.

2. Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc)

Tình hình kinh tế – xã hội Hàn Quốc trong những năm sau chiến tranh vô cùng khó khăn, chính trị không ổn định. Năm 1961, GDP bình quân theo đầu người chỉ đạt 82 USD, ngang với các nước nghèo ở châu Á và châu Phi. Nhưng từ thập kỉ 60 trở đi, kinh tế Hàn Quốc từng bước có những thay đổi lớn : từ nước nghèo nàn, lạc hậu, sau ba thập niên phát triển, Hàn Quốc trở thành một trong bốn "con rồng kinh tế" ở châu Á(1) với tỉ lệ tăng trưởng GDP hằng năm đạt từ 7% – 10% (1970-1990).

Sau 6 kế hoạch 5 năm (1962 – 1991), tổng sản phẩm quốc dân (GNP) tăng 140 lần, từ 2,3 tỉ USD (1962) lên 329,8 tỉ USD (1992). Thu nhập bình quân theo đầu người từ 87 USD (1962) lên 7 527 USD (1992) và 9 438 USD (1999) gấp 7 lần Ấn Độ, hơn 13 lần CHDCND Triều Tiên. Cơ cấu kinh tế biến đổi làm thay đổi diện mạo nền kinh tế truyền thống. Trong thời gian 1962 – 1998, nông nghiệp từ chỗ chiếm 36,6% GNP, chỉ còn 5% ; công nghiệp tăng từ 14,4% lên 45% ; dịch vụ tù 24,1% lên 50%.

Hàn Quốc có nền công nghiệp phát triển, nền nông nghiệp tiên tiến, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, xã hội thông tin cao.

hinh-anh-bai-3-trung-quoc-va-ban-dao-trieu-tien-3050-4

Hình 13. Biểu đồ thu nhập quốc dân tính theo đầu người của Hàn Quốc

(1) Bốn "con rồng kinh tế" của châu Á là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công và Xingapo.

Hệ thống đường cao tốc ngày càng phát triển với 1 996 km (1998), mạng lưới tàu điện ngầm ở thủ đô đứng thứ 6 trên thế giới. Hàn Quốc có 31,7 triệu máy điện thoại các loại trên tổng số 47 4 triệu dân (1998).

Từ năm 1993, Hàn Quốc bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế nhằm mục tiêu sớm tham gia vào câu lạc bộ các nước công nghiệp phát triển. Năm 1997, cùng với một số nước Đông Nam Á, Hàn Quốc phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ rất nặng nề. Tuy vậy, nền kinh tế của Hàn Quốc vẫn được xếp vào thứ 11 trên thế giới và đã tiếp cận với các quốc gia phát triển.

Giáo dục ở Hàn Quốc là lĩnh vực được đánh giá cao trong nền văn hoá Hàn Quốc, được coi là chìa khoá của sự thành công. Hàn Quốc thực hiện chế độ học tập bắt buộc trong 6 năm, từ 6 đến 12 tuổi.

3. Quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên

Sau chiến tranh Triều Tiên, vào những thập kỉ 50 và 60, Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên ở trong tình trạng đối đầu. Từ những năm 70 trở đi, quan hệ giữa hai miền có sự thay đổi, chuyển dần sang đối thoại. Năm 1990, vấn đề đối thoại Nam – Bắc có bước đột phá mới : sau nhiều cuộc gặp gỡ, các nhà lãnh đạo cấp cao của hai bên đã đi đến nhất trí "xoá bỏ tình trạng đối lập về chính trị và quân sự giữa hai miền Nam – Bắc, tiến hành giao lưu và hợp tác nhiều mặt". Ngày 13 – 6 – 2000, hai nhà lãnh đạo cao nhất là Tổng thống Kim Tê Chung (Hàn Quốc) và Chủ tịch Kim Châng In (CHDCND Triều Tiên) đã gặp gỡ ở Bình Nhưỡng và kí hiệp định hoà hợp giữa hai quốc gia, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai miền. Quá trình hoà hợp và thống nhất bán đảo Triều Tiên tuy có tiến triển nhưng còn lâu dài, khó khăn và phức tạp.

– Tình hình bán đảo Triều Tiên từ năm 1945 đến năm 1953 diễn ra như thế nào ?

– Qua hình 13, hãy giải thích vì sao năm 1998 thu nhập quốc dân tính theo đầu người của Hàn Quốc bị giảm sút ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Từ năm 1945 đến năm 2000, cách mạng Trung Quốc trải qua những giai đoạn phát triển nào ? Nêu tóm tắt nội dung của từng giai đoạn.

2. Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc đã ra đời như thế nào ? Quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên có những biến chuyển gì từ những năm 70 đến năm 2000 ?

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 3: Trung Quốc Và Bán Đảo Triều Tiên | Lịch Sử 12 (Nâng Cao) | Chương 3: Các Nước Á, Phi và Mĩ Latinh (1945 - 2000) - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

  1. Chương 1: Sự Hình Thành Trật Tự Thế Giới Mới Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1945 - 1949)
  2. Chương 2: Liên Xô Và Các Nước Đông Âu (1945 - 1991). Liên Bang Nga (1991 - 2000)
  3. Chương 3: Các Nước Á, Phi và Mĩ Latinh (1945 - 2000)
  4. Chương 4: Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 - 2000)
  5. Chương 5: Quan Hệ Quốc Tế (1945 - 2000)
  6. Chương 6: Cách Mạng Khoa Học - Công Nghệ Và Xu Thế Toàn Cầu Hóa
  7. Chương 1: Việt Nam Từ Năm 1919 Đến Năm 1930
  8. Chương 2: Việt Nam Từ Năm 1930 Đến Năm 1945
  9. Chương 3: Việt Nam Từ Năm 1945 Đến Năm 1954
  10. Chương 4: Việt Nam Từ Năm 1954 Đến Năm 1975
  11. Chương 5: Việt Nam Từ Năm 1975 Đến Năm 2000

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.