Nội Dung Chính
(Trang 35)
Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý những vấn đề sau: • Cái nhìn đa chiều về nhân vật Nguyễn Hoàng – người gắn liền với sự nghiệp mở cõi về phía Nam, khẳng định chủ quyền đất nước. • Những đặc sắc nghệ thuật của truyện lịch sử được thể hiện trong văn bản: tạo dựng bối cảnh, xây dựng cốt truyện, khắc hoạ nhân vật, sử dụng ngôn ngữ kể chuyện,... • Tình cảm, thái độ đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử mà tác phẩm gợi lên trong em. |
Minh sư
------------------
Trích, THÁI BÁ LỢI
------------------
Vào năm Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng gần tròn tám mươi tuổi, ông lên Hải Vân để vào Quảng Nam. Suốt chặng đường lên đèo ông chỉ phải nằm cảng hai lần còn thì ngồi trên lưng ngựa. Người lính hầu dắt ngựa đi trên những đoạn đường mòn gập ghềnh cheo leo giữa các bờ đá. Phải đổi ngựa hai lần và gần một ngày ông mới lên được tới đỉnh.
Hôm ấy trời nắng yếu, lưng chừng núi có mây phủ, còn trên đỉnh có sương mù Đoan Quốc công ngồi trên một phiến đá chờ cả canh giờ mà sương vẫn chưa tan. Gần cuối ngày nhờ có làn gió tây thổi từ trên núi xuống đẩy mây ra biển làm nắng cứng hơn nhìn rõ vịnh biển dưới chân núi và một vùng đất bằng rộng rãi chói chang nắng ấm ở phương Nam. Vì vùng đất phương Nam rộng rãi này mà vua Lê Thánh Tông gọi đó là Quảng Nam. Nhưng trời chưa trong hẳn, những đám mây nhẹ cứ sà vào đỉnh núi rồi lại kéo đi làm phong cảnh lúc ẩn lúc hiện trong mây. Càng về chiều, gió càng thổi mạnh, trời trở lạnh. Nguyễn Hoàng và đoàn tuỳ tùng của ông đêm nay sẽ nghỉ lại trên đỉnh núi. Có sao đâu vì ông thường thích ngủ nghỉ ở nơi cao ráo. Cái lạnh thấu xương trên đỉnh núi đã có đống lửa và những tấm chăn ấm mà đoàn ngựa thồ chở lên.
------------------------
Minh sư: người thầy sáng suốt. Tiểu thuyết Minh sư tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Đoàn Quốc công Nguyễn Hoàng - người mở đầu cho triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Nguyễn Hoàng thuộc dòng dõi họ Nguyễn ở Thanh Hoá - bề tôi có thế lực của nhà Lê. Cha của ông là Nguyễn Kim bị chính con rể là Trịnh Kiểm đầu độc để thâu tóm quyền lực. Khi thế lực của Trịnh Kiểm lớn mạnh, Nguyễn Hoàng là đối tượng mà Trịnh Kiểm có ý định trừ khử. Năm 1558, để tránh thảm hoạ cho gia tộc Nguyễn trước âm mưu của Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng đã xin vua Lê Anh Tông, được sự đồng ý của Trịnh Kiểm, vào trấn thủ Thuận Hoá. Ngỡ tống khứ được một địch thủ, Trịnh Kiểm không ngờ đã giao cho Nguyễn Hoàng cả một cõi riêng. Với tài thao lược và ý chí lớn lao, Nguyễn Hoàng đã yên định một vùng đất rộng lớn và mở mang bờ cõi đất nước về phía Nam. Đoạn trích này thuộc phần cuối của cuốn tiểu thuyết, kể lại chuyến công du đầu tiên của Nguyễn Hoàng đến Quảng Nam – vùng đất dưới quyền cai quản của ông.
Thái Bá Lợi: sinh năm 1945, quê ở Nghệ An, là nhà văn quân đội, có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh. Tác phẩm của Thái Bá Lợi thể hiện một cái nhìn mới mẻ về hiện thực, một lối viết giản dị nhưng sinh động, dễ đi vào lòng người. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Vùng chân Hòn Tàu (1978). Họ cùng thời với những ai (1981), Minh sư (2010)....
(Trang 36)
Quây quần bên đống lửa quanh Đoan Quốc công đêm nay vẫn là những con người đã cùng sống chết với ông mấy chục năm qua, nhưng không còn đầy đủ nữa. Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, Luân Quận công Tống Phước Trị lần lượt qua đời. Thân vương Mạc Cảnh Huống vào vùng Trà Kiệu Quảng Nam giúp rập công việc trong đó. Các con trai lớn của ông là Hà, Hán, Thành, Diễn đã mất sớm trong chiến trận và tật bệnh. Con thứ năm Cẩm Quận công Hải đang làm con tin ở triều đình ngoài Đông Đô. Chỉ còn con thứ sáu Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên đang cùng ông vào Quảng Nam chuyến này [...] Phạm Dữ cùng nhiều tướng khác, nhiều người không còn trẻ nữa thì vẫn quanh ông, cùng với cái thân già này nhọc nhằn cáng đáng việc nước. [..]
Đoan Quốc công nói với quần thần:
- Sáng mai bọn ta sẽ xuống núi đi vào vùng đất rộng rãi phía Nam. Trong đó lành dữ đều có cả, đang chờ bọn ta. Tuy ta kiêm Tổng trấn Quảng Nam đã hơn ba mươi năm nhưng sự sâu sát thì chưa nhiều bằng Thuận Hoá, công lao khai khẩn, an dân là của các ông đang ngồi quanh ta đây. Nhiều năm nay, triều đình ngoài Đông Đô, dân chúng các nơi đều coi xứ Thuận Quảng này có chính trị khoan hoà, pháp luật công bằng, quân lệnh nghiêm túc nhờ mọi người cố gắng nên tàn quân nhà Mạc cùng các đảng cướp khác không dòm ngó được, dân trong xứ đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, dân không trộm cắp, cửa ngoài không phải đóng. Đó là người ngoài nhìn vào. Còn bọn ta ở trong lòng Thuận Quảng, ta phải biết rận trong chăn [...]
Đoàn tuỳ tùng tuân lệnh Đoan Quốc công ai về chỗ nấy, chui vào những cải lán dụng tạm quanh các đống lửa. Có khoảng mười đống lửa bập bùng trên đỉnh Hải Vân đêm nay. Đoan Quốc công không thấy buồn ngủ, ông ngồi bên đống lửa uống trà. Khi mọi người đã vào giấc, ông mới đứng dậy dạo một vòng quanh nơi hạ trại. Trăng hạ tuần đang nhô lên từ biển dát ánh bạc lung linh. Những đám mây bay lững thững trên đầu làm bầu trời đầy sao lúc mờ lúc tỏ. Đoan Quốc công cất bước nhẹ nhàng để không làm quân sĩ thức giấc. Ông nghe có tiếng nói chuyện thì thào bên một mô đá. Ông lặng lẽ đi về phía ấy.
Hai người lính gác chống kiếm đứng bên nhau. Gió tây quất từng cơn lạnh ngắt. Bước chân của Đoan Quốc công tới càng gần, tiếng thì thầm nghe càng rõ.
Một người lính nói:
– Quốc công năm nay đã gần tám mươi rồi mà vẫn chưa được nghỉ ngơi. Ngài còn dẻo sức lắm, bữa qua còn xuống ngựa đi bộ một đoạn xa. Chắc là Quốc công cầm quân cho đến ngày nhắm mắt.
Người lính kia góp vào:
– Mình phận lính tráng hiểu sao được tính toán của ngài. Lần này vào Quảng Nam có công tử Nguyên cùng đi, nghe nói ngài sẽ giao công tử trấn thủ Quảng Nam. Ngài là bậc kiệt hiệt , mỗi bước đi đều tính toán kĩ càng chứ đâu hồ đồ như bọn ta. Khi ngài
Kiệt hiệt: tài giỏi, xuất chúng.
(Trang 37)
rời triều đình vào đây hơn bốn mươi năm trước đã tính cho ngày nay rồi. Mà ngày ấy Quốc công mới trên ba mươi tuổi. Thật là kì đặc, tính được thời vận như thần.
– Tôi không nghĩ vậy.
– Ông nghĩ sao?
– Chẳng có tính toán gì đâu. Chẳng qua Quốc công sợ bị Trịnh Kiểm giết, tìm đường chạy thoát thân vào đây, gặp đất rộng thì mở thôi.
Đoạn Quốc công đã nghe hết câu chuyện, ông đi thụt lùi để hai người lính không nhận ra mình. Một mảnh rêu dưới chân làm ông trượt ngã. Hai người lính giật mình vội thổi bùi nhùi đốt đuốc lên. Họ nhận ra người vừa đang lóp ngóp bò dậy là Đoan Quốc công. Bó đuốc trong tay họ run bần bật. Đoan Quốc công trấn an họ:
– Không sao đâu. Tắt đuốc đi đừng làm động quân sĩ đang ngủ. Hai anh hãy đi với
ta tới đống lửa uống trà.
Hai người lính lại càng run hơn. Miệng họ lắp bắp không nói ra thành tiếng. Họ như hai cái bóng mất hồn theo sau Đoan Quốc công đến đống lửa có cái lán của ông.
– Đừng run. Hãy ngồi xuống đây nói tiếp câu chuyện còn dở ấy cho ta nghe. Ta biết nghe mà, các anh đừng sợ.
Hai người lính vẫn chưa hết run, chắp tay vái Đoan Quốc công lia lịa:
– Chúng con có tội, chúng con có tội, xin ngài xá cho.
– Tội phước chưa nói ở đây, các anh nói chuyện tiếp đi, nhưng nói nhỏ nhỏ thôi để quân sĩ nghỉ.
Hai người lính nhận được cái nhìn hồn hậu của Đoan Quốc công, họ đã dần định thần. Họ đã hiểu chắc mình không bị tội chém vì khi quân, nhưng lời vẫn lúng búng trong miệng không nói ra được. Đoan Quốc công khêu cho đống lửa cháy to hơn:
– Các anh không nói thì ta nói vậy. Các anh có tội là dám nói sau lưng ta. Nhưng đúng là ta sợ chết mà thoát thân vào xứ này. Nào ta có nghĩ ngay được chuyện mở cõi như giờ đâu. Nhưng gặp vận mà không làm là có tội. Cũng như các anh quý mến ta cho ta một bữa ăn khi đang đói, nếu ta tham lam đòi ăn thật nhiều, hoặc khinh khi các anh chê bữa ăn dở thì hai tội ấy như nhau. Các anh đã nhắc ta biết một sự thật mà ta có thể quên thì đó là minh sư của ta. Không phải chỉ có nhiều người gần gũi ta, những người nói điều hợp với lòng ta mà ngay cả những người nói điều trái ý ta, [...] họ đều là những bậc thầy sáng suốt của ta, ta tri ân họ vì họ đã dạy ta nhiều điều. Đó là lời nói thực lòng, các anh hãy tin ta, không có gì phải sợ sệt cả. Để phạt tội nói chuyện người sau lưng, các anh phải uống trà với ta chờ sáng
(Thái Bả Lợi, Minh sư, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010, tr. 407 – 414)
Khi quân: coi thường vua.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn