Bài 1: Đọc | Ngữ Văn 8 - Tập 1 | Bài 2: VẺ ĐẸP CỔ ĐIỂN - Lớp 8 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Bài 1: Đọc


(Trang 38)

Túi thơ chứa hết mọi gian sơn

(Nguyễn Trãi)

GIỚI THIỆU BÀI HỌC

• Có thể nói, nền văn hoá, văn học của một dân tộc là mạch nguồn sâu xa nuôi dưỡng trí tuệ, tâm hồn con người. Vì vậy, hiểu biết, đón nhận và gìn giữ những di sản tinh thần của ông cha là trách nhiệm thiêng liêng với cộng đồng và với bản thân mỗi chúng ta.

• Đến với những bài thơ Đường luật trong bài học này, em sẽ được khám phá những vẻ đẹp cổ điển đặc sắc của nền văn học dân tộc. Các tác giả đã sử dụng thể thơ Đường luật một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo để ngợi ca cảnh sắc quê hương xứ sở và thể hiện bản sắc tâm hồn Việt. Văn bản thông tin kết nối về chủ đề giúp em hiểu thêm về di sản tinh thần của ông cha qua một hình thức sinh hoạt văn hoá độc đáo.

YÊU CẦU CẦN ĐẠT

• Nhận biết được một số yếu tố thi luật của thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt Đường luật như: bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối.

• Nhận biết và phân tích được tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua văn bản.

• Hiểu được đặc điểm và tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ, từ tượng hình, từ tượng thanh.

• Viết được bài văn phân tích một tác phẩm văn học: nêu được chủ đề; dẫn ra và phân tích được tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm.

• Trình bày được ý kiến về một vấn đề xã hội.

• Biết yêu quý, trân trọng những giá trị văn hoá, văn học truyền thống.

(Trang 39)

Đọc

------------------------

TRI THỨC NGỮ VĂN

Thơ Đường luật

Thơ Đường luật là thuật ngữ chỉ chung các thể thơ được viết theo quy tắc chặt chẽ (luật) định hình từ thời nhà Đường (Trung Quốc), gồm hai thể chính là bát cú Đường luật và tứ tuyệt Đường luật, trong đó thất ngôn bát cú (mỗi câu thơ có 7 tiếng, mỗi bài thơ có 8 câu) được xác định là dạng cơ bản nhất. Bài thơ Đường luật có quy định nghiêm ngặt về hoà thanh (phối hợp, điều hoà thanh điệu), về niêm, đối, vần và nhịp. Ngôn ngữ thơ Đường luật rất cô đọng, hàm súc; bút pháp tả cảnh thiên về gợi và ngụ tình; ý thơ thường gắn với mối liên hệ giữa tình và cảnh, tĩnh và động, thời gian và không gian, quá khứ và hiện tại, hữu hạn và vô hạn,...

Thất ngôn bát cú Đường luật

• Về bố cục: Bài thơ thất ngôn bát cú gồm bốn cặp câu thơ, thường tương ứng với bốn phần: đề (triển khai ý ẩn chứa trong nhan đề), thực (nói rõ các khía cạnh chính của đối tượng được bài thơ đề cập), luận (luận giải, mở rộng suy nghĩ về đối tượng), kết (thâu tóm tinh thần của cả bài, có thể kết hợp mở ra những ý tưởng mới). Khi đọc hiểu, cũng có thể vận dụng cách chia bố cục bài thơ thành hai phần: bốn câu đầu, bốn câu cuối hoặc sáu câu đầu, hai câu cuối.

• Về niêm và luật bằng trắc: Bài thơ phải sắp xếp thanh bằng, thanh trắc trong từng câu và cả bài theo quy định chặt chẽ. Quy định này được tính từ chữ thứ 2 của câu thứ nhất: nếu chữ này là thanh bằng thì bài thơ thuộc luật bằng, là thanh trắc thì bài thơ thuộc luật trắc. Trong mỗi câu, các thanh bằng, trắc đan xen nhau đảm bảo sự hài hoà, cân bằng, luật quy định ở chữ thứ 2, 4, 6; trong mỗi cặp câu (liên), các thanh bằng, trắc phải ngược nhau. Về niệm, hai cặp câu liền nhau được “dính” theo nguyên tắc: chữ thứ 2 của câu 2 và câu 3, câu 4 và câu 5, câu 6 và câu 7, câu 1 và câu 8 phải cùng thanh.

• Về vần và nhịp: Bài thơ thất ngôn bát cú chỉ gieo một vần là vần bằng ở chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8; riêng vần của câu thứ nhất có thể linh hoạt. Câu thơ trong bài thất ngôn bát cú thường ngắt theo nhịp 4/3.

• Về đối: Bài thơ thất ngôn bát cú chủ yếu sử dụng phép đối ở hai câu thực và hai câu luận.

Tứ tuyệt Đường luật

Mỗi bài thơ tứ tuyệt Đường luật có bốn câu, mỗi câu có năm chữ hoặc bảy chữ. Về bố cục, bài thơ tứ tuyệt thường triển khai theo hướng: khởi (mở ý cho bài thơ), thừa (tiếp nối, phát triển ý thơ), chuyển (chuyển hướng ý thơ), hợp (thâu tóm ý tứ của toàn bài). Về luật thơ, bài thơ tứ tuyệt cơ bản vẫn tuân theo các quy định như ở bài thơ thất ngôn bát cú nhưng không bắt buộc phải đối.

(Trang 40)

Biện pháp tu từ đảo ngữ

Đảo ngữ là biện pháp tu từ được tạo ra bằng cách thay đổi vị trí thông thường của các từ ngữ trong câu nhằm nhấn mạnh đặc điểm (màu sắc, đường nét,...), hoạt động, trạng thái của sự vật, hiện tượng, gợi ấn tượng rõ hơn hoặc bộc lộ cảm xúc của người viết (người nói).

Từ tượng hình và từ tượng thanh

Từ tượng hình là từ gợi tả dáng vẻ, trạng thái của sự vật; từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên hoặc con người. Các từ tượng hình, từ tượng thanh có giá trị gợi hình ảnh, âm thanh và có tính biểu cảm, làm cho đối tượng cần miêu tả hiện lên cụ thể, sinh động.

VĂN BẢN ĐỌC

VĂN BẢN 1. Thu điếu (Nguyễn Khuyến)

VĂN BẢN 2. Thiên Trường vãn vọng (Trần Nhân Tông)

VĂN BẢN 3. Ca Huế trên sông Hương (Hà Ánh Minh)

VĂN BẢN 1

TRƯỚC KHI ĐỌC

Em yêu thích mùa nào trong năm? Liệt kê một số từ ngữ em muốn dùng để miêu tả vẻ đẹp của mùa đó.

ĐỌC VĂN BẢN

Thu điếu

(Mùa thu câu cá)

----------------

NGUYỄN KHUYẾN

----------------

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

(Thơ văn Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu giới thiệu, NXB Văn học, Hà Nội, 1971, tr 107)

Hình dung

Hình dáng, màu sắc, âm thanh, chuyển động của sự vật.

Theo dõi

Những hình ảnh thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ.

(Trang 41)

SAU KHI ĐỌC

• Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) quê ở xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông đỗ đầu cả ba kì(1) thi nên thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Thơ Nguyễn Khuyến thể hiện tình cảm thiết tha gắn bó với quê hương và ẩn chứa tâm sự yêu nước cùng nỗi u uẩn trước thời thế. Đặc biệt, Nguyễn Khuyến đã đưa cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống thân thuộc, bình dị của làng quê vào trong thơ một cách tự nhiên, tinh tế. Ngòi bút tả cảnh của ông vừa chân thực vừa tài hoa; ngôn ngữ thơ giản dị mà điêu luyện.

• Nguyễn Khuyến sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm nhưng đóng góp lớn nhất của ông là ở thơ Nôm, trong đó nổi tiếng nhất là chùm ba bài thơ mùa thu: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm.

hinh-anh-bai-1-doc-8668-0

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Chỉ ra đặc điểm thi luật (bố cục, niêm, luật bằng trắc, vần, nhịp, đối) của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ Thu điếu.

2. Giải thích ý nghĩa của nhan đề bài thơ. Chỉ ra mối liên hệ giữa nhan đề và hai câu đề.

3. Bức tranh thiên nhiên mùa thu được tái hiện ở những khoảng không gian nào? Nhận xét về trình tự miêu tả những khoảng không gian đó.

4. Phân tích các từ ngữ miêu tả hình dáng, màu sắc, âm thanh, chuyển động, của các sự vật; từ đó hãy khái quát những nét đẹp điển hình của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện trong bài thơ.

5. Ở hai câu kết, hình ảnh con người hiện lên trong tư thế, trạng thái như thế nào? Qua đó, em cảm nhận được nỗi niềm tâm sự gì của tác giả?

6. Nêu chủ đề của bài thơ. Chủ đề ấy giúp em hiểu thêm điều gì về tâm hồn tác giả?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích hai câu thơ khiến em có ấn tượng nhất trong bài thơ Thu điếu.

----------------------

(1) Ba kì thi tuyển chọn nhân tài thời phong kiến: thi Hương (mở ở một số tỉnh), thi Hội (mở ở kinh đô cho những người đã đỗ kì thi Hương), thi Đình (mở ở sân điện nhà vua cho những người đã đỗ thi Hội).

(Trang 42)

Thực hành tiếng Việt

TỪ TƯỢNG HÌNH VÀ TỪ TƯỢNG THANH

1. Chỉ ra các từ tượng hình và từ tượng thanh trong những trường hợp sau:

a. Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

[...] Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

(Nguyễn Khuyến, Thu điếu)

b. Líu lo kìa giọng vàng anh

Mùa xuân vắt vẻo trên nhành lộc non.

(Ngô Văn Phú, Mùa xuân)

c. Tôi không nhớ tôi đã nghe tiếng chồi non tách vỏ vào lúc nào, tôi cũng không nhớ tôi đã nghe tiếng chim lích chích mổ hạt từ đâu, nhưng tôi cảm nhận tất cả một cách rõ rệt trong từng mạch máu đang phập phồng bên dưới làn da.

(Nguyễn Nhật Ánh, Tôi là Bê-tô)

2. Xác định và phân tích tác dụng của các từ tượng hình, từ tượng thanh trong những đoạn thơ sau:

a. Năm gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

(Nguyễn Khuyến, Thu ẩm)

b. Sáng hồng lơ lửng mây son,

Mặt trời thức giấc véo von chim chào.

Cổng làng rộng mở. Ồn ào,

Nông phu lững thững đi vào nắng mai.

(Bàng Bá Lân, Cổng làng)

Nhận biết đặc điểm và tác dụng của từ tương hình, từ tượng thanh.

• Từ tượng hình

Trong làn nắng ửng, khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

(Hàn Mặc Tử, Mùa xuân chín)

Từ lấm tấm gợi hình ảnh những đốm nắng rải qua vòm cây, in trên những mái nhà tranh, gợi khung cảnh bình yên của buổi bình minh mùa xuân nơi làng quê.

• Từ tượng thanh

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may.

(Nguyễn Đinh Thi, Đất nước)

Từ xao xác gợi âm thanh thoảng nhẹ, mơ hồ của tiếng lá và tiếng gió trong không gian im vắng, tĩnh lặng của một Hà Nội cổ kính, êm đềm.

(Trang 43)

3. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Giữa vùng cỏ tranh khô vàng, gió thổi lao xao, một bầy chim hàng nghìn con vụt cất cánh bay lên. Chim áo già màu nâu, chim manh manh mỏ đỏ bóng như màu thuốc đánh móng tay, lại có bộ lông xám tro điểm những chấm trắng chấm đỏ li ti rất đẹp mắt... Những con chim nhỏ bay vù vù kêu líu ríu lượn vòng trên cao một chốc, lại đáp xuống phía sau lưng chúng tôi.

(Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam)

a. Liệt kê các từ tượng hình và từ tượng thanh trong đoạn văn trên.

b. Phân tích tác dụng của một từ tượng hình và một từ tượng thanh trong đoạn văn.

VĂN BẢN 2

TRƯỚC KHI ĐỌC

Em có thích ngắm cảnh hoàng hôn không? Vì sao?

ĐỌC VĂN BẢN

Thiên Trường(1) vãn vọng

(Ngắm cảnh Thiên Trường trong buổi chiều tà)

-----------------------------

TRẦN NHÂN TÔNG

-----------------------------

Phiên âm:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên, 

Bán vô bán hữu tịch dương biên.

Mục đồng địch lí quy ngưu tận,

Bạch lộ song song phi hạ điền

Dịch nghĩa:

Trước thôn, sau thôn đều mờ mờ như khói phủ,

Bên bóng chiều cảnh vật nửa như có, nửa như không

Trong tiếng sáo, mục đồng lùa trâu về hết,

Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng.

hinh-anh-bai-1-doc-8668-1

(1) Thiên Trường, phủ Thiên Trường, quê hương của các vua Trần, nay thuộc tỉnh Nam Định. Tại đây, nhà Trần đã cho xây dựng một hành cung (cung điện ở ngoài kinh thành).

(Trang 44)

Dịch thơ:

Trước xóm sau thôn tựa khói(1) lồng,

Bóng chiều dường có lại dường không.

Mục đồng(2) sáo vẳng, trâu về hết,

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Theo dõi

Biện pháp tu từ điệp ngữ và hình thức đối trong hai câu thơ đầu.

Hình dung

Hình ảnh con người và thiên nhiên.

(Ngô Tất Tố dịch, in trong Thơ văn Lý – Trần, tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989, tr 464 – 465)

SAU KHI ĐỌC

  • Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là vị vua thứ ba của nhà Trần. Ông là vị hoàng đế anh minh đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng hai cuộc xâm lược của quân Nguyên và khôi phục nền kinh tế, văn hoá Đại Việt. Trần Nhân Tông còn là vị thiền sư sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời là một tác giả có đóng góp quan trọng cho nền văn học dân tộc.
  • Thơ Trần Nhân Tông tràn đầy cảm hứng yêu nước và hào khí Đông A(3); cảm xúc rất tinh tế, lãng mạn, sâu sắc mà vẫn gần gũi, thân thuộc; ngôn ngữ thơ hàm súc; hình ảnh vừa chân thực, bình dị vừa giàu ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng. Đặc biệt, thơ ông luôn thể hiện cái nhìn trìu mến, nâng niu; tình cảm gắn bó với cảnh sắc thiên nhiên đất nước và cuộc sống của nhân dân.

hinh-anh-bai-1-doc-8668-2

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Hãy xác định thể thơ của bài Thiên Trường vãn vọng và cho biết em dựa vào các yếu tố nào để nhận biết thể thơ đó.

2. Cảnh vật ở hai câu thơ đầu được tái hiện vào khoảng thời gian nào? Chỉ ra mối liên hệ giữa thời gian và các hình ảnh được miêu tả.

3. Những hình ảnh ở hai câu thơ cuối đã gợi lên một bức tranh cuộc sống như thế nào?

4. Bài thơ tái hiện cảnh vật và cuộc sống con người trong nhiều khoảng không gian. Em hãy chỉ ra những khoảng không gian đó theo trình tự được miêu tả trong bài thơ.

5. Theo em, qua bức tranh thiên nhiên và cuộc sống được tái hiện trong bài thơ, tác giả đã bộc lộ cảm xúc, tâm trạng gì?

-------------------------

(1) Khói: ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ, vào mùa thu và mùa đông, khi chiều xuống thường có lớp sương bao quanh thôn xóm giống như làn khói.
(2) Mục đồng: trẻ chăn trâu, chăn bò.
(3) Hào khí Đông A: hào khí thời nhà Trần (Đông A là chiết tự của chữ Trần trong tiếng Hán), một thời đại rực rỡ trong lịch sử dân tộc.

(Trang 45)

6. Câu kết trong bài thơ tứ tuyệt Đường luật thường để lại dư âm. Hãy cho biết câu kết trong Thiên Trường vãn vọng có thể gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì.

7. Tác giả Thiên Trường vãn vọng còn là một vị vua. Điều đó gợi cho em những suy nghĩ gì khi đọc bài thơ?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày cảm nhận của em về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong bài thơ Thiên Trường vãn vọng.

Thực hành tiếng Việt

BIỆN PHÁP TU TỪ

   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 1: Đọc | Ngữ Văn 8 - Tập 1 | Bài 2: VẺ ĐẸP CỔ ĐIỂN - Lớp 8 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 8

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.