Nội Dung Chính
Củng cố, mở rộng
1. Nêu các thủ pháp trào phúng của thể loại hài kịch, truyện cười qua các văn bản đã học trong bài.
2. Từ các văn bản đã học đó, em nhận thấy tiếng cười có sức mạnh như thế nào đối với đời sống con người?
3. Tìm đọc một số vở hài kịch và truyện cười viết về những thói xấu của con người. Chọn trong số đó một tác phẩm em thích nhất và trả lời các câu hỏi sau:
a. Tác phẩm phê phán thói xấu nào?
b. Thủ pháp trào phúng là gì?
c. Chi tiết nào em thấy thú vị nhất?
4. “Cười là một hình thức chế ngự cái xấu.” (Phương Lựu – Trần Đình Sử – Lê Ngọc Trà,
Lí luận văn học, tập 1, NXB Giáo dục, 1986, tr. 241).
Hãy viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Thực hành đọc
Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý những vấn đề sau: • Những đặc điểm của thể loại truyện cười. • Vấn đề bị đem ra phê phán. • Thủ pháp trào phúng của truyện. |
Giá không có ruồi!
-----------------------------------
Trích, A-DÍT NE-XIN
------------------------------------
Lúc lên mười tuổi, nó bảo:
– Úi dà! Nếu tôi cũng có cặp sách như những đứa khác, cũng có đồ chơi, có những quyển tranh đẹp như chúng, thì xem tôi học giỏi không nào!... Đây tôi lại chẳng có gì cả! Thế thì làm sao mà học giỏi được!
--------------------------------------
A- dít Ne-xin (1915 – 1995) là nhà văn trào phúng nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ.
(Trang 121)
Đến năm mười ba, nó cũng có đủ sách, vở, bút, cặp và đồ chơi như những đứa trẻ khác. Nhưng nó học vẫn không được. Nó lại than phiền:
– Quần áo đẹp thì không có! Nhà cửa thì chật chội, cả mấy bố, mẹ và anh chị em tôi phải ở chung trong một buồng. Thế thì học làm sao được! Giá tôi được một cái buồng, một cái tủ sách và bàn học riêng xem! Tôi không học giỏi bằng mấy chúng nó ấy à!
Năm mười tám tuổi, người ta dành cho hắn một cái buồng riêng.
– Học giỏi thế quái nào được, nếu đến tuổi tôi mà trong túi chẳng có nổi lấy mười lia! Muốn mua sách vở nhưng lại không có tiền.
Năm hai mươi tuổi, trong túi hắn lúc nào cũng đã có ít nhất mười lia, có khi còn nhiều hơn.
– Ôi! Mong sao học chóng xong để ra đi làm! Tốt nghiệp đại học rồi tôi sẽ làm việc cật lực cho mà xem!... Tôi sẽ bắt đầu viết truyện... À không! Viết hẳn tiểu thuyết ấy chứ! Chao ôi! Ước gì tôi chóng được ra trường.
[...] Năm hăm tám tuổi, khi đã có công ăn việc làm tử tế, hắn kêu:
– Điều kiện thiếu thốn thế thì sáng tác thế quái nào được! Ít ra là phải có hai buồng và có máy thu thanh! Lúc nào làm việc mệt, mở máy ra nghe nhạc cho đỡ mệt, sau lại tiếp tục làm việc. Như thể tinh thần mới sảng khoái, làm việc mới có hiệu quả được chứ! Ôi! Giá tôi có một chiếc máy thu thanh thì hay biết chừng nào!
Năm hăm chín tuổi, hắn tậu được một căn nhà hai buồng và sắm được một cái máy thu thanh. Nhưng tác phẩm mà hắn dự định từ bao nhiêu năm nay vẫn đứng nguyên tại chỗ.
– Chao ôi là cô đơn! – Hắn thở dài. Sự cô đơn làm cho lòng tôi trống trải như một bãi sa mạc! Thử hỏi như thể làm sao tôi có thể tìm ra cảm hứng sáng tác được! Ôi! Phải có một tia nắng nào sưởi ấm được lòng ta! Phải có một ngôi sao nào đem lại cho ta nguồn vui và nguồn sức mạnh! Phải có một người nào mà vì họ ta sẵn sàng làm việc quên ăn quên ngủ chứ!... Ai là người có thể làm thần tượng cho ta, có thể làm mục đích của đời ta? Ôi, tình yêu của ta! Người ở đâu?...
Đến năm ba mươi hắn gặp được nàng. Hắn yêu nàng và cũng được nàng yêu lại. Cuộc sống của hắn bắt đầu tràn đầy ý nghĩa. Nhưng cuốn tiểu thuyết mà hắn ấp ủ từ hồi còn niên thiếu vẫn chẳng nhích thêm được một dòng nào.
– Yêu đúng là một hạnh phúc tuyệt vời! – Hắn suy nghĩ – nhưng nếu cứ yêu mãi mà không cưới thì vẫn chưa thể an tâm làm việc được. Ta phải cưới thôi. Có lấy vợ rồi thì cuộc sống mới ổn định, mới có thể hoàn toàn yên tâm lao vào sự nghiệp. Chà, mong sao ta sớm cưới được nàng! Bấy giờ ta thể sẽ lao đầu vào sáng tác, không bỏ phí lấy một phút cho mà xem!
---------------------------------------
Lia: đơn vị tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ.
(Trang 122)
Năm băm hai tuổi hắn cưới vợ. Cuộc sống vợ chồng của hắn hạnh phúc lắm. Nhưng không hiểu sao hắn vẫn không thể bắt tay vào cái sự nghiệp cả đời của hắn được. Ấy là vì hắn lại tìm thấy những lí do thật là xác đáng – bây giờ trên vai hắn có cả một gánh nặng gia đình. Quanh năm suốt tháng hắn phải lo chạy vạy kiếm miếng ăn. Thế thì thì giờ đâu để hắn ngồi sáng tác nữa?
Năm băm sáu tuổi hắn được tăng lương. Nhưng ta hãy nghe hắn nói:
– Đã đành là mình có nhà riêng đấy! Nhưng nhà cửa chật chội quá! Trẻ con lại suốt ngày nô đùa ầm ĩ, không sao làm việc được. Giá mình kiếm được ngôi nhà độ bốn, năm buồng thì tuyệt quá! Lúc ấy mình sẽ làm việc phải biết nhé! Phải xắn tay áo lên mà làm mới được!
Năm băm tám tuổi hắn dọn đến ở một biệt thự năm buồng. Song tác phẩm của hắn vẫn không tiến thêm được một tí nào. Hắn vẫn chưa thể làm việc được. Nhưng phải đâu là lỗi tại hắn?
– Làm sao mà có thể sáng tác trong một ngôi nhà ở ngay giữa khu phố đông đúc ồn ào như thế?! Các người có giỏi thì sáng tác xem nào! Không! Mình cần có một nơi yên tĩnh, nếu dọn được đến một nơi yên tĩnh thì nhất định thế nào mình cũng làm việc được, mà làm ra trò chứ không phải đùa!
Năm bốn mươi tuổi hắn dọn đến một khu phố tĩnh mịch. Ngôi nhà của hắn thật rộng rãi và thoáng mát. Từ cửa sổ nhìn ra phong cảnh đẹp tuyệt trần. Bây giờ chắc hẳn phải bắt tay vào sáng tác thực sự được rồi chứ gì nữa? Vẫn chưa à? Tại sao vậy?
– Chà! – Hắn than phiền. – Sáng tác gì được khi mà trong nhà không có những đồ vật đẹp! Không có những bức tranh quý, không có những bộ sa lông êm, không có một cái bàn viết cho ra trò, không có những tấm thảm mịn ! Muốn sáng tác thì mắt phải được nhìn những đồ đạc xinh đẹp, tai phải được nghe những điệu nhạc du dương chứ!
Than ôi! Không biết có ngày nào mình thực hiện được cái ước mơ ấy không? Được thế, mình thề sẽ dốc hết sức ra mà làm việc, cho thiên hạ biết tay!...
Năm bốn hai tuổi hắn có được tất cả những thứ hắn mơ ước những đồ đạc quý giá và tiện nghi đầy đủ. Nhưng chẳng hiểu sao hắn không tài nào tập trung tư tưởng vào công việc được. Tác phẩm của hắn vẫn không nhích thêm được chút nào.
– Trời ơi! – Hắn bảo thế – Các người có hiểu đâu hoàn cảnh của tôi! Các người cứ nhìn bên ngoài nên tưởng tôi sung sướng, mãn nguyện lắm, không còn điều gì phải phản nàn nữa... Mà kể ra tôi cũng mãn nguyện thật, vì tiền bạc lúc nào cũng rung rỉnh, không lúc nào thiếu cả, lại được vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng nữa. Đồ đạc nhà thì toàn loại quý và tiện nghi đầy đủ, thì giờ lại nhiều nữa này... Thế nhưng... mỗi cái tội là... ruồi! Ruồi nhiều quá! Ruồi không còn làm ăn gì được nữa! Nó cứ bâu vào người, cứ vo ve bên tai nghe sốt cả ruột, tư tưởng không sao tập trung được!
(Trang 123)
Ban ngày không chợp mắt nổi vì ruồi, thành ra ban đêm không còn sức để sáng tác nữa. Giá không có ruồi thì tôi làm việc phải biết ấy chứ [...]... Tôi thề như vậy! Nhưng... cái lũ ruồi khốn kiếp! Tôi không biết làm thế nào với chúng cả. Đóng cửa lại thì nóng, mà che rèm thì mất đẹp.
Các người bảo tôi làm việc về mùa đông ư? Nhưng có thực là mùa đông không có ruồi không? Trời ơi! Không hiểu ai sinh ra giống ruồi làm gì không biết? Tôi chịu không hiểu nổi.
Năm nay hắn mới bốn hai tuổi. Vì thế chúng ta vẫn chưa hết hi vọng. Một ngày kia, khi giống ruồi bị tiêu diệt hết trên thế gian này, như điều hắn mơ ước, thì chắc chắn thế nào hắn cũng sẽ làm việc không ngơi tay để tạo ra cho thế giới cái tác phẩm vĩ đại của hắn. Đấy, rồi các bạn xem!
(A-dít Ne-xin, Những người thích đùa, Thái Hà dịch,
NXB Văn học, Hà Nội, 2016, tr. 138 – 143)
ĐỌC MỞ RỘNG 1. Tìm đọc một số bài thơ trào phúng viết theo thể thất ngôn bát cú, tứ tuyệt Đường luật; một số hài kịch và truyện cười. Ghi vào nhật kí đọc sách những thông tin đáng chú ý về nội dung và hình thức nghệ thuật của các văn bản mà em đã đọc. 2. Trao đổi với các bạn về: - Chủ đề, các yếu tố thi luật của thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt Đường luật (bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối) và nghệ thuật trào phúng của tác giả. - Chủ đề và các yếu tố của hài kịch như: xung đột, hành động, nhân vật, lời thoại, thủ pháp trào phúng được sử dụng trong văn bản. - Chủ đề và các yếu tố của truyện cười như: cốt truyện, bối cảnh, nhân vật và ngôn ngữ của văn bản đã đọc. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn