Nội Dung Chính
(Trang 114)
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại)
Con người thường có xu hướng vươn tới những điều tốt đẹp, tự hoàn thiện chính mình. Đi liền với quá trình đó, mỗi người cần rèn khả năng nhận ra thói hư tật xấu của bản thân và những người xung quanh nhằm tự điều chỉnh, loại bỏ nó. Các văn bản đọc trong bài đã giúp em nhận ra những điều đáng phê phán của con người. Ở phần Viết này, em sẽ học cách bàn về một thói xấu của con người trong xã hội hiện nay. Qua bài viết, em có cơ hội trình bày suy nghĩ nghiêm túc của mình về những phương diện chưa hoàn thiện của con người, dùng lí lẽ sắc bén và bằng chứng xác thực để thuyết phục người đọc đồng tình với suy nghĩ của em, góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.
Yêu cầu:
• Nêu được vấn đề nghị luận.
• Làm rõ vấn đề nghị luận (giải thích vấn đề đời sống được bàn luận).
• Trình bày được ý kiến phê phán của người viết, nêu rõ lí lẽ và bằng chứng để chứng minh sự phê phán là có cơ sở.
• Đối thoại với những ý kiến khác (giả định) nhằm khẳng định quan điểm của người viết.
Phân tích bài viết tham khảo
Hiện tượng học đòi trong giới trẻ hiện nay
Trong giờ sinh hoạt lớp, thầy giáo cho chúng tôi xem bức ảnh một nam học sinh mặc đồng phục, mái tóc rất lạ, một bên cắt ngắn, một bên để dài, lại nhuộm màu vàng rực, hơi giống một ca sĩ nước ngoài, Thầy hỏi cả lớp rằng các em có coi đây là một hiện tượng học đòi không. Lúc đó tôi mới thực sự suy nghĩ về thói học đòi trong giới trẻ hiện nay và tìm hiểu về nó.
Thế nào là học đòi? Học đòi là học theo những điều xấu hoặc không phù hợp. Từ điển tiếng Việt giải thích “học đòi” là “bắt chước theo những việc không hay một cách thiếu suy nghĩ”. Con người nói chung thường hay học theo người khác, nhất là những người nổi tiếng. Những điều ta học ở họ, nếu làm ta tốt hơn, thì đó là sự học hỏi, bản thân, vươn theo hình mẫu lí tưởng. Còn nếu những điều học ở họ làm ta trở nên lố bịch, kệch cỡm, không tương xứng với địa vị, tư cách của mình, không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân thì ta thành kẻ học đòi. (Trang 115)
Học đòi là hiện tượng thường thấy trong giới trẻ hiện nay. Tuy không phải là điều gì quá tai hại, nhưng học đòi cũng mang đến nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng không tốt đến lối sống của thanh thiếu niên. Bản thân tôi và các bạn trong lớp cũng từng có những lúc đua theo một vài hình mẫu mình cho là hay, là sành điệu hay là “ngầu”. Bạn học sinh mà thầy tôi lấy làm ví dụ trong giờ sinh hoạt lớp cũng vậy. Thường thấy nhất là bắt chước một thành viên ban nhạc hay một diễn viên yêu thích về kiểu tóc, kiểu móng tay, kiểu trang phục, giày dép,... Nhưng theo tôi, sắm cái áo cái quần, làm kiểu tóc giống diễn viên thì đâu phải mình biến thành người nổi tiếng. Hơn nữa, mình đang là học sinh, môi trường của mình là trường học, nếu chạy theo bề ngoài của người khác cho dù là đẹp đối với họ thì cũng không phù hợp với mình. Nó cũng không làm tăng giá trị của mình lên trong mắt bạn bè. Mẹ tôi bảo “Chiếc áo không làm nên thầy tu” quả rất đúng. Vẻ bề ngoài đâu phải lúc nào cũng phản ánh giá trị thực bên trong. Trong giới trẻ còn có hiện tượng bắt chước người khác để cho bằng bạn bằng bè. Đây cũng là một khía cạnh của học đòi. Bản thân không có tiền nhưng đòi bố mẹ mua những thứ đắt tiền như điện thoại thông minh, máy ảnh chuyên dụng, xe đạp, xe máy đời mới,... để không bị coi là kém cỏi. Trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện những diễn đàn, nhóm chia sẻ sự giàu có hoặc sành điệu, phô trương hình thức, chạy theo những thứ bề ngoài phù phiếm. Nhiều bạn học sinh thích thể hiện bản thân, muốn tạo dựng hình ảnh bản thân cũng tham gia vào các nhóm đó. Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng học đòi là chúng ta sai lầm trong cách xác lập giá trị con người. Điều làm cho một người được coi trọng là khả năng, trí tuệ, tâm hồn, nhân cách chứ không phải cái bề ngoài màu mè, phô trương. Tôi được biết có những người rất nổi tiếng, giàu có nhưng lối sống lại rất giản dị. Tôi cũng từng thấy có bạn học sinh ăn mặc sành điệu, đi xe đẹp nhưng nói năng tục tằn, thiếu văn hóa.
Có thể có bạn cho rằng bắt chước người khác không phải là điều xấu. Bắt chước, làm theo người khác vốn là bản tính tự nhiên của con người. Từ khi là đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, con người luôn có xu hướng bắt chước người khác. Học hỏi người khác cũng là một cách bắt chước. Tuy nhiên, khi bắt chước mà không suy nghĩ đến việc bản thân có phù hợp không, việc bắt chước có gây trò cười cho mọi người không, có gây hậu quả gì không,... thì sự bắt chước đó trở thành học đòi.
Như vậy, sự học đòi không hẳn đã gây nguy hại ngay lập tức cho ta, nhưng làm ta mất khả năng định hướng giá trị bản thân, khó xác định cái gì là phù hợp với mình, chạy theo người khác, làm mất đi cái riêng của mình. Tôi tin rằng, sau khi nghe thầy nêu vấn đề ở buổi sinh hoạt lớp, tôi và các bạn sẽ có dịp soi vào bản thân mình và những người xung quanh, tự điều chỉnh suy nghĩ và hành vi, không bị sa đà vào thói học đòi vô bổ. (Bài làm của học sinh, có chỉnh sửa) |
(Trang 116)
Thực hành viết theo các bước
1. TRƯỚC KHI VIẾT
a. Lựa chọn đề tài
Mục đích viết Phê phán một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại, thuyết phục người đọc đồng tình với quan điểm của mình về vấn đề đó. Người đọc Những người quan tâm đến vấn đề xã hội được bàn luận trong bài, đặc biệt là những người có thể có quan điểm khác biệt với người viết. |
Em hãy suy ngẫm về chính mình và quan sát hành vi, lối sống của những người xung quanh hoặc tìm hiểu trên sách báo, phương tiện truyền thông để nhận ra những thói xấu của con người, từ đó chọn được vấn đề để bàn luận.
Sau đây là một số đề tài gợi ý để em lựa chọn:
– Sự tuỳ tiện khi tham gia giao thông của một số người dân.
– Thói kiêu ngạo, thích chơi trội của một bộ phận thanh thiếu niên.
– Thói lười nhác, hay than vãn.
– Sự ba phải, thiếu chủ kiến khi làm việc nhóm.
– Thói ích kỉ.
– Lối sống ảo mà một số người đang theo đuổi.
b. Tìm ý
Sau khi xác định được vấn đề nghị luận, em hãy tìm ý bằng cách trả lời một số câu hỏi:
- Vấn đề được nêu ra là gì?
Cần nêu rõ vấn đề bàn luận, xác định xem thói xấu được nói tới là của những đối tượng nào, trong những hoàn cảnh nào. Ví dụ ở bài viết tham khảo, vấn đề được nêu là sự “học đòi trong giới trẻ hiện nay”. Sự học đòi không chỉ có trong giới trẻ, và cũng không phải là “căn bệnh” của thời nay mà thời nào cũng có. Nhưng trong phạm vi đề tài, bài viết chỉ dừng lại ở việc bàn về thói học đòi trong giới trẻ hiện nay, cụ thể là lứa tuổi học sinh.
- Vấn đề đó được hiểu như thế nào? Vì sao nó đáng phê phán?
Muốn phê phán một vấn đề, cần phải hiểu rõ về nó. Do vậy, việc làm rõ các khía cạnh của vấn đề là rất quan trọng. Khi đã hiểu rõ thì mới giải thích được vì sao nó đáng bị phê phán. Ví dụ, ở bài viết tham khảo, người viết đã dựa vào từ điển để giải thích thói “học đòi”, đồng thời đối sánh với “học hỏi” để thấy được sự khác biệt về bản chất giữa hai hành vi. Chỉ ra hệ luỵ của học đòi như “làm ta trở nên lố bịch, kệch cỡm, không tương xứng với địa vị, tư cách của mình, không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân”, khẳng định nó đáng bị phê phán.
(Trang 117)
- Làm thế nào để ý kiến phê phán của mình có sức thuyết phục?
Để sự phê phán có sức thuyết phục, cần nêu lí lẽ và bằng chứng cụ thể, tránh sự áp đặt chủ quan. Ví dụ ở bài viết tham khảo, người viết đưa ra những bằng chứng trong thực tế và trong sách báo, phân tích các hậu quả, thậm chí còn dẫn những trải nghiệm của bản thân. Người viết đi sâu vào một số luận điểm như “học đòi khi không biết cái gì hợp với mình, cái gì không”, “bắt chước người khác để cho bằng bạn bằng bè”, “sai lầm trong cách xác lập giá trị con người” và có sự phân tích cụ thể nhằm thuyết minh cho ý kiến phê phán.
- Liệu có ý kiến nào không đồng tình với ý kiến phê phán của mình không?
Trước một thói xấu nào đó, có người chê bai, lên án; lại có người không đánh giá như vậy. Điều này tuỳ vào góc nhìn và quan điểm. Người viết cần có chủ kiến vững vàng, hình dung các ý kiến trái ngược để đối thoại.
c. Lập dàn ý
Em hãy sắp xếp các ý tìm được thành một dàn ý.
Dàn ý - Mở bài: Nêu vấn đề nghị luận (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại). - Thân bài: + Làm rõ vấn đề nghị luận. + Trình bày ý kiến phê phán, nêu lí lẽ và bằng chứng để chứng minh sự phê phán là có cơ sở. + Nêu ý kiến không đồng tình (giả định) với ý kiến của người viết và tranh luận với ý kiến đó. - Kết bài: Khẳng định ý kiến phê phán, rút ra bài học. |
2. VIẾT BÀI
Khi viết bài, em cần chú ý:
– Lí lẽ cần sáng rõ, chặt chẽ.
– Các bằng chứng cần đa dạng, xác thực. Nêu cả những trải nghiệm của bản thân (nếu có)
– Khi phê phán cần sử dụng lời lẽ đúng mực.
3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT
Đối chiếu bài viết của em với yêu cầu của kiểu bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại), chỉnh sửa những chỗ cần thiết sao cho:
- Vấn đề nghị luận được nêu một cách rõ ràng, được giải thích đầy đủ, toàn diện.
- Ý kiến phê phán được nêu một cách mạch lạc, chắc chắn, lí lẽ xác đáng và bằng chứng thuyết phục.
- Ý kiến phê phán được khẳng định trên cơ sở đối sánh với các quan điểm khác về vấn đề.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn