Nội Dung Chính
1. Khái quát hoá những thông tin đã cho thành đặc điểm của nền kinh tế thế giới
- Học sinh tự đọc những thông tin dưới đây, khái quát hoá thành đặc điểm chủ yếu của nền kinh tế thế giới.
1. Trong những thập niên cuối của thế kỉ XX, ý nghĩa của các nhân tố phát triển theo chiều rộng như nguồn nguyên nhiên liệu, năng lượng, khoảng sản, nguồn lao động giá rẻ... suy giảm rõ rệt. Các quốc gia chuyển hướng vào việc tìm kiếm các biện pháp phát triển theo chiều sâu như nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu, năng lượng ; nghiên cứu phát triển các loại vật liệu mới, các kĩ thuật công nghệ cao như máy tính, điện tử, vi điện tử, tự động hoá, công nghệ sinh học... |
2. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các ngành chủ yếu như điện tử, năng lượng nguyên tử, công nghệ hoá dầu, công nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin... và hình thành nên những phương thức, mô hình sản xuất mới với năng suất và hiệu quả cao hơn, thúc đẩy sức sản xuất xã hội phát triển nhanh chóng. Trong thế kỉ XX, sản xuất công nghiệp thế giới tăng 35 lần trong khi thế kỉ XIX chỉ tăng 3 lần. Những thành tựu khoa học công nghệ đã và sẽ trực tiếp đi vào quá trình sản xuất trong khoảng thời gian rất ngắn, trở thành lực lượng sản xuất nòng cốt và trực tiếp của xã hội, tạo nên động lực chính của sự phát triển kinh tế thế giới trong những thập niên đầu của thế kỉ XXI. |
3. Chất xám, tri thức và thông tin có vai trò ngày càng lớn và mang tính quyết định đối với các quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ và đóng góp tỉ lệ ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Trong thời gian tới, tất cả các nước sẽ điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao vai trò chủ đạo và dẫn đầu của các ngành kinh tế dựa trên các công nghệ mới và có hàm lượng chất xám cao để làm động lực thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. |
4. Sự hoạt động của các công ti xuyên quốc gia về dịch chuyển vốn, công nghệ, lao động... và sự mở rộng những quan hệ kinh tế quốc tế như thương mại, đầu tư, vay nợ... ra phạm vi toàn cầu, đang thúc đẩy sự hình thành nên một thị trường thế giới thống nhất. Quá trình tự do hoá thương mại và đầu tư cũng phát triển mạnh, thúc đẩy xu thế toàn cầu hoá kinh tế phát triển. |
5. Quá trình toàn cầu hoá kinh tế đã dẫn đến sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa nền kinh tế các nước. Sự luân chuyển tự do của các dòng vốn trên thị trường thế giới bên cạnh mặt tích cực, còn có mặt tiêu cực đó là nguy cơ gây ra các bất ổn về tài chính, tiền tệ. Một cuộc khủng hoảng, nếu xảy ra ở một khu vực, dù không lớn vẫn có thể làm điêu đứng thị trường tài chính và kinh tế toàn cầu. Cuối thế kỉ XX, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính khu vực ở châu Á đã ảnh hưởng lớn đến các khu vực khác và làm chậm tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế thế giới. |
6. Việc kí kết hàng loạt thoả thuận quốc tế về môi trường, ví dụ như Nghị định thư Ki-ô-tô cụ thể hoá Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cùng với việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững (Nam Phi, ngày 26/8 đến 4/9/2002) cho thấy vấn đề phát triển bền vững đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Do vậy, trong những thập niên tới, phát triển kinh tế bền vững sẽ dần trở thành lựa chọn phổ biến của các quốc gia, nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường tự nhiên và giải quyết các vấn đề xã hội. |
Thảo luận nhóm để thống nhất các đặc điểm của nền kinh tế thế giới.
2. Trình bày báo cáo
Trình bày các đặc điểm của nền kinh tế thế giới vừa được nhóm thống nhất thành báo cáo có tiêu đề : "Một số đặc điểm của nền kinh tế thế giới" (khoảng 200 - 300 từ).
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn