Bài 16: Ai Cập | Địa Lý 11 Nâng Cao | Phần B - Địa Lý Khu Vực Và Quốc Gia - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 11 Nâng cao - Bài 16


Diện tích : 1 triệu km2
Dân số : 74 triệu người (năm 2005)

Thủ đô : Cai-rô

Lãnh thổ Ai Cập là hoang mạc mênh mông được chia cắt bởi thung lũng và châu thổ sông Nin. Dân số trẻ, hầu hết là người Ha-mit và theo đạo Hồi. Nền kinh tế đất nước phát triển dựa vào sông Nin.

Tiết 1. Khái quát về Ai Cập

I – ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Lãnh thổ Ai Cập gồm 2 bộ phận thuộc 2 châu lục, ngăn cách nhau bởi kênh đào và vịnh Xuy-ê : phần ở Đông Bắc châu Phi và phần trên bản đảo Xi-nai thuộc tây nam châu Á. Ai Cập có vị trí rất quan trọng, là cầu nối giữa châu Phi, châu Âu và châu Á. Đường biển từ Tây Âu sang châu Á qua kênh Xuy-ê là đường ngắn nhất.

Hoang mạc chiếm 95% diện tích đất nước, 5% còn lại thuộc về thung lũng và châu thổ sông Nin. Đường bờ biển dài 2450km.

Mùa hạ, nhiệt độ trung bình 26 - 34°C ; ở các sa mạc, nhiệt độ ban ngày có thể lên đến 40°C, ban đêm xuống 6°C. Mùa đông, có gió cát với tốc độ 150 km/h. Lượng mưa rất thấp, phổ biến là 200 mm/năm, có nơi 80 mm/năm, hoặc ít hơn.

Khí hậu Ai Cập rất khô, có hai mùa rõ rệt. Ven bờ Địa Trung Hải khí hậu ôn hoà hơn.

Sông Nin dài 6695 km, là dòng sông dài nhất thế giới, với đoạn chảy qua địa phận Ai Cập là 1545 km, được xem là người mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng nền văn minh Ai Cập. Tuy đất nước rộng tới một triệu km2, nhưng nền văn minh Ai Cập chỉ chủ yếu tập trung dọc theo thung lũng và châu thổ sông Nin.

hinh-anh-bai-16-ai-cap-3281-0

Hình 16.1. Sông Nin chảy qua vùng hoang mạc

Hãy nêu những thuận lợi của thung lũng và châu thổ sông Nin đối với việc phát triển kinh tế Ai Cập.

II – DÂN CƯ

99% số dân Ai Cập sống ở thung lũng và châu thổ sông Nin.

Bảng 16.1. Số dân Ai Cập - giai đoạn 2000 - 2005

Năm 2000 2001 2003 2005
Số dân (triệu người) 67,8 69,1 71,9 74,0

 

- Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên : 2% (năm 2005)

- Tuổi thọ bình quân (tuổi) : 70 (Nam : 67 ; Nữ : 72)

- Tỉ lệ dân thành thị : 43%

- Ngôn ngữ chính thức : tiếng A-rập.

- Người Ha-mit (người Ai Cập, người A-rập du cư và người Bec-be) chiếm 99% dân số. Các dân tộc khác chỉ chiếm 1%.

- Đạo Hồi thu hút 94% dân cư, 6% số dân còn lại theo đạo Thiên Chúa và các tôn giáo khác.

Dựa vào bảng 16.1, và thông tin ở trên, hãy nêu một số đặc điểm của dân cư Ai Cập.

Nền văn minh cổ đại Ai Cập đã cống hiến cho nhân loại nhiều thành tựu : cách tính diện tích, thể tích, tìm ra lịch, chế tạo đồng hồ Mặt Trời để tính thời gian trong một ngày... Người Ai Cập xưa đã biết dệt vải, chế tạo dụng cụ sản xuất từ kim loại đồng, sáng tạo ra chữ viết, chữ số, giấy, bút và đã biết đắp đập, đào kênh, xây dựng các thành phố, lăng tẩm, đền đài với nghệ thuật kiến trúc tuyệt vời.

hinh-anh-bai-16-ai-cap-3281-1

Hình 16.2. Tượng nhân sư bên Kim Tự Tháp Kê-phơ-ran

III – KINH TẾ

Ai Cập là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất châu Phi. Châu thổ sông Nin rộng 24 nghìn km2 được gọi là "vườn rau xanh vĩ đại nhất Trái Đất", nổi bật với những cánh đồng lúa mì, rau, đậu, khoai tây,... Nhờ đập At-xu-an xây dựng trên sông Nin mà diện tích đất được tưới nước tăng lên đáng kể.

Nông nghiệp đóng góp 15,5% GDP (năm 2004). Sản phẩm chủ yếu là bông, lúa mì, lúa gạo, khoai tây, đậu, rau quả, cừu, dê. Ai Cập là một trong những nước sản xuất nhiều bông nhất thế giới, xuất khẩu bông đứng thứ 6 thế giới. Năng suất lúa cao, từ 7 đến 8 tấn/ha/vụ.

Dựa vào hình 16.3, xác định các vùng phân bố của lúa gạo, bông. Giải thích tại sao nông nghiệp Ai Cập tập trung ở thung lũng và châu thổ sông Nin.

hinh-anh-bai-16-ai-cap-3281-2

Hình 16.3. Kinh tế Ai Cập

Các ngành công nghiệp quan trọng là khai thác dầu mỏ, chế biến thực phẩm, dệt, gang thép, điện, xi măng. Sản lượng dầu mỏ đạt trên 45 triệu tấn/năm, sản lượng dầu và khí tự nhiên đáp ứng khoảng 90% nhu cầu năng lượng trong nước.

Quan sát hình 16.3, nhận xét sự phân bố các ngành công nghiệp của Ai Cập.

Ngành du lịch phát triển mạnh dựa trên cảnh quan tự nhiên của sông Nin cùng các công trình kiến trúc nổi tiếng : các kim tự tháp, đền thờ Hồi giáo cổ (ở thủ đô Cai-rô,...), kênh Xuy-ê,...

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Trình bày những đặc điểm chủ yếu của dân cư Ai Cập.

2. Phân tích vai trò của sông Nin đối với nền kinh tế Ai Cập.

3. Dựa vào bảng số liệu sau :

Bảng 16.2. Giá trị xuất, nhập khẩu của Ai Cập - giai đoạn 1990 - 2004

(Đơn vị : tỉ USD)

Năm 1990 1995 2000 2001 2002 2003 2004
Xuất khẩu 5,0  3,5  4,7  4,1  4,7 6,3 7,5
Nhập khẩu 16,8 11,8 14,0 12,8 12,6 11,1 12,9

Vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu xuất, nhập khẩu của Ai Cập và rút ra nhận xét.

hinh-anh-bai-16-ai-cap-3281-3

Hình 16.4. Thành phố Cai-rô

Tiết 2. Thực hành: Phân tích ảnh hưởng của tự nhiên đối với phát triển kinh tế Ai Cập

1. Phân tích những thuận lợi và khó khăn của tự nhiên đối với phát triển kinh tế

Dựa vào hình 16.3, các tư liệu của bài Ai Cập và phần thông tin bổ sung để phân tích những thuận lợi và khó khăn của tự nhiên đối với việc phát triển kinh tế Ai Cập. (Lưu ý : kết hợp phân tích tác động của tự nhiên đối với sự phân bố một số ngành kinh tế của Ai Cập).

hinh-anh-bai-16-ai-cap-3281-4

Hình 16.5. Đền thờ nữ thần Ihis

Một số thông tin về tự nhiên

Tài nguyên khoáng sản : dầu mỏ, khí tự nhiên, quặng sắt, phốt phát, mangan, đá vôi, thạch cao, amiăng, chì, kẽm.

Đất sử dụng : canh tác thời vụ : 3%, canh tác hằng năm : 2%, đồng cỏ : 0%, rừng và đất rừng : 0%, hoang mạc, bán hoang mạc : 95%. Thiên tai : hạn hán, lũ lụt, động đất, lở đất, bão cát, gió nóng.

Vấn đề môi trường hiện nay : đất nông nghiệp đang thu hẹp dần do đô thị hoá và nạn cát bay, đất dưới đập At-xu-an Thượng ngày càng mặn hoá, diện tích sa mạc ngày càng mở rộng, nước rất hiếm ở vùng nằm xa sông Nin, ô nhiễm dầu đe doạ các vỉa san hô, bãi biển và môi trường biển.

Sông Nin

Dọc theo sông Nin (phần chảy trên lãnh thổ Ai Cập), từ thượng nguồn xuôi về cửa sông, cảnh quan thay đổi đa dạng :

+ Hồ Na-se được tạo nên bởi đập At-xu-an trên sông Nin, có diện tích 2000km2. Đây là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất thế giới, là kho dự trữ nước cho một đất nước mênh mông sa mạc.

+ Đập At-xu-an Thượng và At-xu-an Hạ, nằm ở thành phố At-xu-an. Tác dụng của đập là điều chỉnh dòng nước chảy về châu thổ phía bắc, tưới tiêu cho nhiều vùng đất và trang trại. Nơi đây, một nhà máy thuỷ điện được xây dựng, đóng góp 24% sản lượng điện của cả nước.

+ Khu vực trung lưu sông Nin có thành phố cổ Lu-xơ, là nơi mà huyền thoại cho rằng bờ đông của sông Nin là vùng đất của sự sống với những cánh đồng xanh tươi và bờ tây là vùng đất của cái chết với các lăng mộ vua Ai Cập - các Kim tự tháp. Thành phố Lu-xơ rất hấp dẫn khách du lịch.

Thủ đô Cai-rô cũng là thành phố có sức hấp dẫn rất lớn du khách nước ngoài,...

+ Hạ lưu sông Nin là châu thổ màu mỡ, nổi tiếng với các nông sản (cam, quýt, lúa mì và các loại rau quả khác).

2. Nhận xét khái quát ảnh hưởng của tự nhiên đối với phát triển kinh tế

(Nêu những nhận xét chung về thuận lợi và khó khăn về tự nhiên đối với phát triển kinh tế của Ai Cập).

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 16: Ai Cập | Địa Lý 11 Nâng Cao | Phần B - Địa Lý Khu Vực Và Quốc Gia - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.