Bài 13: Cộng Hòa Ấn Độ | Địa Lý 11 Nâng Cao | Phần B - Địa Lý Khu Vực Và Quốc Gia - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 11 Nâng cao - Bài 13


Diện tích : 3287,6 nghìn km2
Dân số : 1103,6 triệu người (năm 2005)
Thủ đô : Niu Đê-li

Với tinh thần độc lập, tự cường, Ấn Độ đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức để trở thành một nước có nền công nghiệp đa dạng và vững mạnh, nền nông nghiệp phát triển, đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong "cách mạng xanh".

Tiết 1. Tự nhiên, dân cư và xã hội

I – VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

hinh-anh-bai-13-cong-hoa-an-do-3278-0

Hình 13.1. Tự nhiên Nam Á

Ấn Độ là nước lớn, đứng thứ bảy về diện tích và thứ hai về dân số trên thế giới. Nằm án ngữ trên đường biển quốc tế từ Địa Trung Hải qua Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương và ngược lại, đồng thời có nhiều cảng biển lớn nên Ấn Độ có nhiều thuận lợi trong việc thông thương và mở rộng hợp tác quốc tế. Ấn Độ còn là một cửa ngõ quan trọng để đi vào các nước Nam Á.

Hãy xác định vị trí địa lí của Ấn Độ trên hình 13.1 và bản đồ khu vực Nam Á (hoặc bản đồ châu Á).

Lãnh thổ Ấn Độ phân hoá thành những khu vực tự nhiên có tiềm năng phát triển kinh tế khác nhau. Hệ thống núi Hi-ma-lay-a đồ sộ ở biên giới phía bắc, có nhiều rừng và cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, hấp dẫn khách du lịch. Với diện tích rộng, đất phù sa màu mỡ, nguồn nước tưới khá dồi dào, lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, đồng bằng sông Hằng đã trở thành khu vực nông nghiệp trù phú nhất của Ấn Độ. Cao nguyên Đề-can rộng lớn, ít mưa chỉ thích hợp với việc trồng các loại cây chịu hạn. Dọc bờ biển có dải đồng bằng hẹp nhưng tương đối màu mỡ, thích hợp với việc trồng các loại cây nhiệt đới.

Điều kiện tự nhiên có thuận lợi và khó khăn gì đối với sản xuất nông nghiệp của Ấn Độ ?

Về khoáng sản, Ấn Độ có nhiều quặng sắt (hơn 22 tỉ tấn, chiếm 1/4 trữ lượng thế giới), dầu mỏ, than đá và mangan,...

II – DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI

1. Đặc điểm chung

Ấn Độ là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Sự đa dạng về văn hoá, sự phong phú, đặc sắc về phong tục tập quán, tôn giáo, cùng nhiều công trình kiến trúc và các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật lớn đã tạo được nhiều ấn tượng mạnh mẽ cho các du khách nước ngoài đến Ấn Độ.

hinh-anh-bai-13-cong-hoa-an-do-3278-1

Hình 13.2. Đền Tát Ma-han - một công trình kiến trúc nổi tiếng

Với số dân đứng thứ hai thế giới và cơ cấu dân số trẻ, Ấn Độ có lực lượng lao động dồi dào, thị trường có sức mua lớn. Đội ngũ cán bộ khoa học [kĩ thuật của Ấn Độ hùng hậu, các kĩ sư được đánh giá là năng động, có trình độ chuyên môn cao nhưng tiền lương lại thấp hơn so với các đồng nghiệp ở nhiều nước. Đây là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Đội ngũ khoa học - kĩ thuật của Ấn Độ :

- 3 triệu chuyên gia có bằng cấp, đứng thứ ba thế giới sau Hoa Kì và LB Nga.

- 5 học viện công nghệ quốc gia có trang thiết bị hiện đại, cùng với 1200 trường đại học và cao đẳng kĩ thuật, phân bố rộng khắp cả nước, đào tạo trên 55000 kĩ sư hằng năm.

Vì sao có thể nói lực lượng khoa học - kĩ thuật của Ấn Độ là một yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài ?

2. Sức ép của bùng nổ dân số

Năm 2000, dân số Ấn Độ đã vượt qua ngưỡng 1 tỉ người. Theo dự đoán sau 20 năm nữa Ấn Độ có thể trở thành nước đông dân nhất thế giới với 1,53 tỉ người, vượt Trung Quốc lúc đó sẽ có số dân khoảng 1,52 tỉ người.

Hiện tại, tuỳ theo từng vùng, có tới 40 - 70% số dân nông thôn sống dưới mức nghèo khổ. Lao động trẻ thường nhận được tiền lương và công lao động thấp vì hằng năm có thêm 18 triệu người đến độ tuổi lao động. Hiện tại ở Ấn Độ, nhiều trẻ em phải tham gia lao động để góp phần nuôi sống gia đình.

Sức ép của bùng nổ dân số :

- Mỗi ngày có hơn 51 nghìn trẻ em được sinh ra và mỗi năm dân số Ấn Độ tăng thêm hơn 15 triệu người.

- Hằng năm, Ấn Độ phải xây thêm 13500 trường học, đào tạo thêm 350 nghìn giáo viên, tạo thêm 6 triệu việc làm và xây dựng thêm 2,5 triệu căn nhà,... Yêu cầu này đã vượt quá khả năng của nền kinh tế.

Từ năm 1951, Ấn Độ đã thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch này còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ những luật lệ riêng của tôn giáo và các hủ tục lạc hậu.

hinh-anh-bai-13-cong-hoa-an-do-3278-2

Hình 13.3. Dân số Ấn Độ (1901 - 2005)

Dựa vào hình 13.3, nhận xét về sự gia tăng dân số của Ấn Độ.

3. Sự đa dạng, phức tạp về xã hội

Ấn Độ có 22 bang, 9 lãnh địa liên bang, hơn 200 dân tộc với hàng trăm ngôn ngữ khác nhau, trong đó 15 ngôn ngữ được công nhận là ngôn ngữ chính thức. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong các công sở và trường học. Tôn giáo ở Ấn Độ cũng rất đa dạng, trong đó Ấn Độ giáo và Hồi giáo là hai tôn giáo lớn nhất và có thể lực nhất.

Tỉ lệ dân số theo các tôn giáo ở Ấn Độ (%)
Ấn Độ giáo 80
Hồi giáo 11
Thiên chúa giáo 2
Đạo Xích 2
Đạo Phật 0,8
Các đạo khác 4,2

Trong những năm qua, nhiều mâu thuẫn, xung đột tôn giáo dưới các dạng khác nhau đã xảy ra ở một số nơi. Xung đột tôn giáo, sắc tộc đã dẫn đến bạo loạn, đòi li khai tại các bang Gia-mu và Ka-xmia, Pun-giáp và ở vùng Đông Bắc Ấn Độ. Sự phân biệt đẳng cấp chưa được xoá bỏ triệt để. Vì vậy, đoàn kết, hoà giải giữa các tôn giáo, dân tộc là vấn đề sống còn đối với đất nước này.

Hiện tại, Ấn Độ có tới 600 đảng phái lớn nhỏ đại diện cho quyền lợi của các giai cấp, tầng lớp, tôn giáo. Sự bất đồng chính kiến của các đảng phải về chính sách đối nội nhiều khi làm chậm tiến trình cải cách ở Ấn Độ.

Vì sao có thể nói sự đoàn kết, hoà hợp giữa các sắc tộc, tôn giáo là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Ấn Độ ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Điều kiện tự nhiên đã tạo nên những thuận lợi và khó khăn gì đối với sản xuất nông nghiệp ở Ấn Độ ?

2. Nêu những tác động tiêu cực của bùng nổ dân số đối với phát triển kinh tế xã hội ở Ấn Độ.

3. Sự đa dạng, phức tạp về dân tộc, tôn giáo, đảng phái có ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội ở Ấn Độ ?

Tiết 2. Kinh tế

I – CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

Sau khi giành được độc lập năm 1947, Ấn Độ đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng đất nước thành quốc gia độc lập, hùng mạnh và thịnh vượng trên cơ sở tự lực, tự cường. Quá trình phát triển kinh tế của Ấn Độ có thể chia làm ba giai đoạn như sau :

Từ thập niên 50 đến thập niên 70 của thế kỉ XX : Phát triển theo nguyên tắc hướng nội là chính.

Những năm 80 của thế kỉ XX : Thực hiện chiến lược hỗn hợp (vừa hướng nội, vừa hướng ngoại).

Từ năm 1991 đến nay : Thực hiện những cải cách kinh tế toàn diện, theo hướng tự do hoá kinh tế, coi trọng nhiều hơn tới thị trường, kinh tế đối ngoại và các ngành công nghệ cao.

Chiến lược phát triển kinh tế của Ấn Độ trong các giai đoạn có gì khác nhau ?

II – NÔNG NGHIỆP

Sau khi giành được độc lập, Ấn Độ đã tiến hành cải cách ruộng đất và đẩy mạnh sản xuất lương thực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp không cao, năng suất cây trồng thấp. Vào những năm đầu của thập niên 60, Ấn Độ phải nhập khá nhiều lương thực.

Từ năm 1967, Ấn Độ bắt đầu tiến hành cuộc "cách mạng xanh" ở các bang Pun-giáp, Ha-ri-a-na, và sau đó lan ra các bang khác. Trọng tâm của cách mạng xanh là ưu tiên sử dụng các giống lúa mì và lúa gạo cao sản, tăng cường thuỷ lợi hoá, hoá học hoá (phân bón, thuốc trừ sâu), cơ giới hoá (sử dụng máy cày, máy kéo, máy gặt đập liên hợp...) ; ban hành chính sách giá cả lương thực hợp lí và trong những năm gần đây đã ứng dụng công nghệ gen trong sản xuất nông nghiệp.

Nhờ cách mạng xanh, Ấn Độ đã tăng nhanh sản lượng và tự túc được lương thực ; đầu thập niên 80 và trong nhiều năm gần đây, luôn thuộc nhóm bốn nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cuộc "cách mạng xanh" mới được tiến hành ở một số bang có điều kiện thuận lợi, nhiều vùng nông thôn nghèo chưa được hưởng lợi nhiều từ phong trào này.

hinh-anh-bai-13-cong-hoa-an-do-3278-3

Hình 13.4. Vùng được tưới tiêu nước và trọng điểm "cách mạng xanh"

Vì sao Ấn Độ phải tiến hành "cách mạng xanh" ? Dựa vào hình 13.4 cho biết "cách mạng xanh" được tiến hành chủ yếu ở những vùng nào ? Tại sao ?

Ấn Độ nổi tiếng thế giới về sản xuất hoa quả, chè, mía, lạc, bông, cao su. Năm 2001, Ấn Độ đứng đầu thế giới về sản lượng chè, thứ hai thế giới về sản lượng mía, lạc, hoa quả, thứ ba thế giới sản lượng bông, thứ tư thế giới về sản lượng cao su.

Bảng 13.1. Sản lượng lương thực của Ấn Độ qua một số năm

(Đơn vị : triệu tấn)

Năm 1950 1985 1990 1995 2000 2004
Sản lượng 20,6 166 194 210 235 226

Đồng thời với "cách mạng xanh", Ấn Độ còn tiến hành "cách mạng trắng" với trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất sữa - một nguồn cung cấp đạm thay thịt rất quan trọng đối với người Ấn Độ giáo không ăn thịt bò và người Hồi giáo không ăn thịt lợn. Chăn nuôi trâu, bò, dê phát triển mạnh. Ấn Độ có đàn trâu đông nhất thế giới với các giống trâu Su-ri, Mu-ra cho nhiều sữa (1500 kg/năm) và đàn dê lấy sữa rất lớn. Năm 1970, Ấn Độ sản xuất được 20,8 triệu tấn sữa, đến năm 1993 đạt 58 triệu tấn. Hiện nay, Ấn Độ đứng đầu châu Á về sản xuất sữa.

III – CÔNG NGHIỆP

1. Chiến lược công nghiệp hoá

Ấn Độ đã theo đuổi mục tiêu xây dựng một nền công nghiệp đa dạng và vững mạnh trên cơ sở tự lực, tự cường. Từ thập niên 50 đến thập niên 80 của thế kỉ XX, Ấn Độ đã đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp nặng, xây dựng các ngành công nghiệp trụ cột như luyện kim, chế tạo máy và các ngành công nghiệp mũi nhọn có kĩ thuật cao như điện tử, tin học, công nghiệp vũ trụ và năng lượng hạt nhân. Gần đây, Ấn Độ đầu tư mạnh vào công nghiệp điện tử [tin học.

2. Thành tựu của công nghiệp hoá

Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành một trong 15 nước có giá trị sản lượng công nghiệp lớn nhất thế giới.

Ấn Độ đã xây dựng được hệ thống các ngành công nghiệp cơ bản, đa dạng, có khả năng tự sản xuất được các máy móc thiết bị công nghiệp, hàng hoá tiêu dùng cần thiết cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu cùng một số ngành công nghiệp có trình độ kĩ thuật cao như công nghiệp năng lượng hạt nhân, điện tử, hoá dầu, luyện kim, hàng không - vũ trụ và công nghệ thông tin. Hiện nay, Ấn Độ nổi tiếng trên thế giới về sản xuất các sản phẩm phần mềm với một đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin hùng hậu, trình độ cao.

Các vùng công nghiệp quan trọng của Ấn Độ :

- Vùng công nghiệp Đông Bắc với hai trung tâm công nghiệp lớn là Giam-sét-pua về luyện kim, cơ khí và Côn-ca-ta về luyện kim, dệt may, chế biến thực phẩm.

hinh-anh-bai-13-cong-hoa-an-do-3278-4

Hình 13.5. Các trung tâm công nghiệp chính của Ấn Độ

- Vùng công nghiệp Tây Bắc với trung tâm quan trọng nhất là Mum-bai, nơi phát triển các ngành chế tạo máy bay, ô tô, đóng tàu, dệt vải, năng lượng nguyên tử. Ngoài ra, công nghiệp dệt phát triển mạnh ở A-ma-đa-bat, Pu-na và dầu khí được khai thác ở vịnh Cam-bây (Bắc Mum-bai).

- Vùng công nghiệp Nam Ấn phát triển các ngành luyện kim, chế biến chè và nông sản xuất khẩu. Ban-ga-lo là trung tâm sản xuất và xuất khẩu phần mềm nổi tiếng thế giới, lớn nhất ở châu Á.

Hãy xác định trên hình 13.5 các trung tâm công nghiệp chủ yếu của Ấn Độ và các ngành công nghiệp ở từng trung tâm.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nêu những điểm chủ yếu của chiến lược phát triển kinh tế Ấn Độ trong các thời kì khác nhau.

2. Hãy cho biết những thành tựu và những hạn chế của cuộc "Cách mạng xanh" trong nông nghiệp của Ấn Độ.

3. Hãy nêu rõ chiến lược phát triển công nghiệp của Ấn Độ và những thành tựu Ấn Độ đạt được trong quá trình công nghiệp hoá.

hinh-anh-bai-13-cong-hoa-an-do-3278-5

Hình 13.6. Thành phố Mum-bai (Bom-bay)

Tiết 3. Thực hành: Tìm hiểu về kinh tế của Ấn Độ

1. Tìm hiểu cơ cấu kinh tế

Dựa vào bảng số liệu dưới đây :

Bảng 13.2. Cơ cấu kinh tế của Ấn Độ

(Đơn vị : %)

Năm Khu vực Khu vực I Khu vực II Khu vực III

1985

2004

29,4

21,8

25,1

26,1

45,5

52,1

– Hãy vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu kinh tế của Ấn Độ trong hai năm 1985 và 2004.

– Nhận xét về sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế của Ấn Độ, trong giai đoạn 1985 - 2004.

2. Phân tích sự phân bố công nghiệp

Dựa vào hình 13.5 và kiến thức đã học, cho biết các trung tâm công nghiệp lớn của Ấn Độ phân bố chủ yếu ở đâu ?

Giải thích sự phân bố đó.

hinh-anh-bai-13-cong-hoa-an-do-3278-6

Hình 13.7. Thành Đỏ – một công trình kiến trúc cổ của Ấn Độ

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 13: Cộng Hòa Ấn Độ | Địa Lý 11 Nâng Cao | Phần B - Địa Lý Khu Vực Và Quốc Gia - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.