Nội Dung Chính
- Tiết 1. Tự nhiên, dân cư và xã hội
- I – VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ LÃNH THỔ
- II – ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
- III – DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
- CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
- Tiết 2. Kinh tế
- I – KHÁI QUÁT
- II – CÁC NGÀNH KINH TẾ
- CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
- Tiết 3. Kinh tế (tiếp theo)
- III – MỐI QUAN HỆ TRUNG QUỐC – VIỆT NAM
- CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
- Tiết 4. Thực hành: Tìm hiểu sự thay đổi của nền kinh tế Trung Quốc
- I – THAY ĐỔI TRONG GIÁ TRỊ GDP
- II – THAY ĐỔI TRONG GIÁ TRỊ XUẤT – NHẬP KHẨU
- III – PHÁT TRIỂN VÙNG DUYÊN HẢI
Diện tích : 9572,8 nghìn km2
Dân số : 1 303,7 triệu người (năm 2005)
Thủ đô : Bắc Kinh
Trung Quốc là nước láng giềng ở phía bắc nước ta, có số dân đông nhất thế giới, với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Trong nhiều năm, Trung Quốc là một quốc gia chậm phát triển, song gần đây Trung Quốc đạt được những thành tựu kinh tế to lớn, chiếm vị trí đáng kể trong nền kinh tế thế giới.
Tiết 1. Tự nhiên, dân cư và xã hội
I – VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ LÃNH THỔ
Trung Quốc là nước có diện tích lớn thứ tư trên thế giới (sau LB Nga, Ca-na-đa, Hoa Kì). Lãnh thổ trải dài từ khoảng 20° Bắc tới 53° Bắc và khoảng 73° Đ tới 135° Đ, giáp 14 nước. Biên giới với các nước chủ yếu là núi cao, hoang mạc ; phía đông giáp biển, mở rộng ra Thái Bình Dương. Miền duyên hải rộng lớn với đường bờ biển dài khoảng 9000 km, cách không xa Nhật Bản và các quốc gia, các khu vực có hoạt động kinh tế sôi động như Hàn Quốc, Đông Nam Á. Cả nước có 22 tỉnh, 5 khu tự trị và 4 thành phố trực thuộc trung ương. Ven biển có hai đặc khu hành chính là Hồng Công, Ma Cao, hình thành trên phần đất từng được nhượng cho Anh và Bồ Đào Nha (Trung Quốc thu hồi cuối thập niên 90 của thế kỉ XX). Đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, đã tách khỏi nước này từ năm 1949. (Tuy nhiên, đảo này vẫn được coi là một bộ phận của Trung Quốc.)
II – ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Vị trí địa lí, quy mô lãnh thổ ảnh hưởng như thế nào tới địa hình và khí hậu của Trung Quốc ?
Sự đa dạng của thiên nhiên Trung Quốc được thể hiện qua sự khác biệt giữa miền Đông và miền Tây.
Hình 12.1. Địa hình và khoáng sản Trung Quốc
1. Miền Đông
Miền Đông Trung Quốc trải dài từ vùng duyên hải vào đất liền, đến kinh tuyến 105° Đông, chiếm gần 50% diện tích của cả nước. Đây là nơi có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, đất phù sa màu mỡ và là nơi dân cư tập trung đông đúc, nông nghiệp trù phú. Từ Nam lên Bắc, khí hậu chuyển từ cận nhiệt đới gió mùa sang ôn đới gió mùa. Những cơn mưa mùa hạ cung cấp nguồn nước quan trọng cho sinh hoạt, sản xuất, song cũng thường gây lụt lội ở các đồng bằng, nhất là đồng bằng Hoa Nam. Miền Đông nổi tiếng về các khoáng sản kim loại màu.
2. Miền Tây
Miền Tây Trung Quốc gồm các dãy núi cao, các sơn nguyên đồ sộ xen lẫn các bồn địa. Khí hậu ôn đới lục địa khắc nghiệt đã tạo nên những vùng hoang mạc và bán hoang mạc rộng lớn. Rừng, đồng cỏ và các khoáng sản là tài nguyên chính của miền này. Đây cũng là nơi bắt nguồn của các sông lớn chảy về phía đông như Hoàng Hà, Trường Giang.
Dựa vào hình 12.1 và kiến thức trong bài, hãy :
- Đọc tên các dạng địa hình chính, các sông lớn của Trung Quốc.
- So sánh sự khác biệt về địa hình, khí hậu, sông ngòi giữa miền Tây và miền Đông.
- Phân tích những thuận lợi và khó khăn của các điều kiện tự nhiên đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Hình 12.2. Dãy Hi-ma-lay-a
III – DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
1. Dân cư
Trung Quốc chiếm 1/5 số dân thế giới, với trên 50 dân tộc ; đông nhất là người Hán, chiếm trên 90% số dân cả nước. Ngoài ra, còn có người Choang, Ui-gua (Duy Ngô Nhĩ), Tạng, Hồi, Mông Cổ,... sống tập trung tại các vùng núi và biên giới, hình thành các khu tự trị.
Phân tích bảng 12.1, nhận xét về gia tăng dân số của Trung Quốc.
Bảng 12.1. Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên của Trung Quốc
Năm | Tỉ suất sinh (‰) | Tỉ suất tử (‰) | Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên (%) |
1970 1990 2005 | 33 18 12 | 15 7 6 | 1,8 1,1 0,6 |
- Quan sát hình 12.3. nhận xét sự thay đổi tổng dân số, dân số nông thôn và dân số thành thị của Trung Quốc.
Hình 12.3. Dân số Trung Quốc giai đoạn 1949 - 2005
Trung Quốc đã tiến hành chính sách dân số rất triệt để : mỗi gia đình chỉ có một con. Kết quả là tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên của Trung Quốc ngày càng giảm, năm 2005 chỉ còn 0,6%. Trong bối cảnh đó, tư tưởng trọng nam đã tác động tiêu cực tới cơ cấu giới tính và lâu dài sẽ ảnh hưởng tới nguồn lao động và một số vấn đề xã hội của đất nước.
Hình 12.4. Phân bố dân cư Trung Quốc
Dựa vào hình 12.4. và kiến thức trong bài, nhận xét và giải thích sự phân bố dân cư Trung Quốc.
Dân thành thị của Trung Quốc chiếm 37% số dân cả nước (năm 2005). Miền Đông là nơi tập trung nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Vũ Hán, Quảng Châu,...
2. Xã hội
Trung Quốc rất chú ý đầu tư cho phát triển giáo dục. Tỉ lệ người biết chữ từ 15 tuổi trở lên (năm 2005) đạt gần 90%. Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành cải cách giáo dục nhằm phát triển mọi khả năng (được gọi là tổ chất) của người lao động. Sự đa dạng của các loại hình trường phổ thông, chuyên nghiệp, đại học,... góp phần đáng kể trong việc chuẩn bị đội ngũ lao động có chất lượng cho công cuộc hiện đại hoá đất nước.
Phát minh nổi bật của Trung Quốc thời cổ, trung đại - La bàn - Giấy - Kĩ thuật in - ... - Thuốc súng. - ... |
Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo và nguồn nhân lực dồi dào ngày càng có chất lượng hơn, tạo tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc.
Dựa vào bài học và những hiểu biết của cá nhân, chứng minh Trung Quốc có nền văn minh lâu đời.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Phân tích những thuận lợi và khó khăn về mặt tự nhiên của miền Đông và miền Tây đối với sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp Trung Quốc.
2. Dựa vào các hình 12.3. và 12.4, nhận xét và giải thích đặc điểm phân bố dân cư của Trung Quốc.
3. Chính sách dân số đã tác động đến dân số Trung Quốc như thế nào ?
Tiết 2. Kinh tế
Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được thành lập ngày 1 tháng 10 năm 1949. Sau gần 30 năm xây dựng, phát triển, với công cuộc đại nhảy vọt, cách mạng văn hoá và các kế hoạch 5 năm, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Từ năm 1978, Trung Quốc đã có quyết sách quan trọng, tiến hành hiện đại hoá, cải cách mở cửa đưa nền kinh tế bước sang giai đoạn phát triển mới.
I – KHÁI QUÁT
Công cuộc hiện đại hoá đã mang lại những thay đổi quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Việc giữ ổn định xã hội và mở rộng giao lưu buôn bán với nước ngoài đã tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Những năm qua Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới, trung bình năm đạt trên 8%. Năm 2004, tổng GDP của Trung Quốc đạt 1649,3 tỉ USD, vươn lên vị trí thứ bảy trên thế giới. Ngành thương mại phát triển mạnh. Giá trị xuất, nhập khẩu đạt trên 1154,1 tỉ USD, chiếm vị trí thứ ba trong thương mại thế giới (sau Hoa Kì và CHLB Đức). Đời sống của nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân theo đầu người tăng khoảng 5 lân trong hơn 20 năm qua, từ 276 USD (năm 1985) lên 1269 USD (năm 2004).
Hình 12.5. Cơ cấu GDP của Trung Quốc qua một số năm (%)
Dựa vào hình 12.5, nhận xét sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc.
II – CÁC NGÀNH KINH TẾ
1. Công nghiệp
a) Đường lối phát triển
Trung Quốc tiến hành hiện đại hoá công nghiệp nhằm sản xuất nhiều hàng hoá phục vụ thị trường trong nước với trên 1,3 tỉ dân và cho xuất khẩu.
Trong quá trình chuyển đổi từ "nền kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường", các xí nghiệp, nhà máy được chủ động trong việc lập kế hoạch, sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa, tăng cường trao đổi hàng hoá với thị trường thế giới và cho phép các công ti, doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, quản lí sản xuất công nghiệp tại các đặc khu kinh tế, khu chế xuất. Năm 2004 Trung Quốc nhận được 60,6 tỉ USD do nước ngoài đầu tư.
Trung Quốc còn chủ động đầu tư, hiện đại hoá trang thiết bị và chú ý phát triển, ứng dụng công nghệ cao cho các ngành công nghiệp, đặc biệt quan tâm tới các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và chế tạo máy công cụ. Ví dụ : xây dựng các "công viên khoa học - công nghệ" với đầy đủ cơ sở hạ tầng, ưu tiên vay vốn, nhập khẩu và ưu đãi về thuế, thu hút hàng triệu lao động, trong đó có Hoa kiều và cả nhân viên các hãng công nghệ cao của nước ngoài.
Hình 12.6. Tuyến đường sắt mới được xây dựng ở Trung Quốc
b) Quá trình công nghiệp hoá
Giai đoạn đầu của công nghiệp hoá, Trung Quốc ưu tiên phát triển công nghiệp nhẹ là ngành sản xuất nhanh mang lại lợi nhuận, cần ít vốn, tận dụng được nguồn nhân công sẵn có, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa để xuất khẩu.
Sau đó phát triển các ngành công nghiệp nặng truyền thống như công nghiệp khai khoáng, luyện kim, chế tạo máy, hoá chất nhằm đảm bảo xây dựng nền công nghiệp vững chắc.
Trung Quốc có những điều kiện thuận lợi nào để phát triển các ngành công nghiệp trên ?
Từ đầu năm 1994, Trung Quốc thực hiện chính sách công nghiệp mới, tập trung chủ yếu vào 5 ngành : chế tạo máy, điện tử, hoá dầu, sản xuất ô tô và xây dựng. Đây là những ngành có thể tăng nhanh năng suất và đáp ứng được nhu cầu người dân khi mức sống được cải thiện.
Bảng 12.2. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc
Sản phẩm | Năm | 1985 | 1995 | 2004 | Xếp hạng trên thế giới |
Than (triệu tấn) | 961,5 | 1536,9 | 1634,9 | 1 | |
Điện (tỉ kWh) | 390,6 | 956,0 | 2187,0 | 2 | |
Thép (triệu tấn) | 47 | 95 | 272,8 | 1 | |
Xi măng (triệu tấn) | 146 | 476 | 970,0 | 1 | |
Phân đạm (triệu tấn) | 13 | 26 | 28,1 | 1 |
Dựa vào bảng 12.2, nhận xét sự tăng trưởng một số sản phẩm công nghiệpcủa Trung Quốc.
Sự phát triển các ngành công nghiệp kĩ thuật cao như điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất máy móc tự động đã góp phần quyết định trong việc Trung Quốc chế tạo thành công tàu vũ trụ. Tàu Thần Châu V của Trung Quốc lần đầu tiên đã đưa người bay vào vũ trụ và trở về Trái Đất an toàn (tháng 10 2003).
Trung Quốc đã sử dụng lực lượng lao động dồi dào và nguyên vật liệu sẵn có ở địa bàn nông thôn để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, đồ gốm, sứ, dệt may, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng khác. Các ngành này thu hút trên 100 triệu lao động và cung cấp tới trên 20% giá trị hàng hoá ở nông thôn.
c) Phân bố sản xuất
Hình 12.7. Các trung tâm công nghiệp chính của Trung Quốc
Dựa vào hình 12.7 nhận xét sự phân bố các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc. Những yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội nào tác động đến sự phân bố này ?
Nhằm khai thác tiềm năng của các vùng nội địa, Trung Quốc đã chú ý đầu tư cho cơ sở hạ tầng như xây dựng cầu, đường, phát triển ngành năng lượng. Cuối những năm 90, khoảng 60% số dự án phát triển công nghiệp của đất nước đã đầu tư cho các vùng này. Tuy vậy, các thành phố, trung tâm công nghiệp ở vùng duyên hải vẫn đóng góp phần lớn giá trị công nghiệp của cả nước. Các trung tâm công nghiệp chính tập trung ở miền Đông, tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Thẩm Dương,...
Hình 12.8. Khu phố Đông ở thành phố Thượng Hải
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Trình bày kết quả hiện đại hoá công nghiệp của Trung Quốc, phân tích những nguyên nhân đã đưa đến kết quả đó.
2. Sử dụng hình 12.7, nhận xét và giải thích sự phân bố công nghiệp của Trung Quốc.
3. Nhận xét về vai trò của công nghiệp nông thôn ở Trung Quốc.
Tiết 3. Kinh tế (tiếp theo)
2. Nông nghiệp
Mặc dù lãnh thổ rộng lớn nhưng Trung Quốc chỉ có khoảng 100 triệu ha đất canh tác, chiếm 7% đất canh tác của toàn thế giới, nhưng phải nuôi số dân gần bằng 20% dân số toàn cầu.
Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách, biện pháp cải cách trong nông nghiệp (giao quyền sử dụng đất cho nông dân, cải tạo, xây dựng mới đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi phòng chống khô hạn và lũ lụt, đưa kĩ thuật mới vào sản xuất, phổ biến giống mới, miễn thuế nông nghiệp...), tạo điều kiện khai thác tiềm năng lao động, tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Lãnh thổ rộng lớn, điều kiện tự nhiên đa dạng, tổ chức sản xuất thay đổi cho phép Trung Quốc sản xuất nhiều loại nông sản với năng suất cao, một số loại có sản lượng đứng đầu thế giới. Ngành trồng trọt của Trung Quốc chiếm ưu thế so với ngành chăn nuôi và đóng góp phần lớn vào giá trị sản lượng nông nghiệp. Trong số các cây trồng, cây lương thực chiếm vị trí quan trọng nhất về diện tích và sản lượng. Tuy vậy, bình quân lương thực theo đầu người vẫn thấp.
Bảng 12.3. Sản lượng một số nông sản của Trung Quốc
(Đơn vị : triệu tấn)
Sản phẩm | Năm | 1985 | 1995 | 2000 | 2004 | Xếp hạng trên thế giới |
Lương thực | 339,8 | 418,6 | 407,3 | 422,5 | 1 | |
Bông (sợi) | 4,1 | 4,7 | 4,4 | 5,7 | 1 | |
Lạc | 6,6 | 10,2 | 14,4 | 14,3 | 1 | |
Mía | 58,7 | 70,2 | 69,3 | 93,2 | 3 (sau Bra-xin, Ấn Độ) | |
Thịt lợn | - | 31,6 | 40,3 | 47,0 | 1 | |
Thịt bò | - | 3,5 | 5,3 | 6,7 | 3 (sau Hoa Kì, Bra-xin) | |
Thịt cừu | - | 1,8 | 2,7 | 4,0 | 1 |
Dựa vào bảng 12.3, nhận xét sự gia tăng sản lượng một số nông sản của Trung Quốc và nêu nguyên nhân của sự gia tăng đó.
Người nông dân khi được tự do lựa chọn cây trồng trên mảnh đất của mình đã chuyển dần từ trồng cây lương thực sang trồng các loại cây khác, vừa để tăng giá trị các nông sản xuất khẩu, vừa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường trong nước.
Bảng 12.4. Tỉ lệ diện tích các loại cây trồng so với diện tích đất canh tác
(Đơn vị : %)
Loại cây trồng | % diện tích đất canh tác toàn quốc. | |
Năm 1978 | Năm 2005 | |
Lương thực Hạt có dầu Bông Cây ăn quả Các loại khác | 79 4 4 2 11 | 66,0 9,3 3,7 6,3 14,7 |
Nhận xét số liệu ở bảng 12.4 để thấy sự thay đổi cơ cấu diện tích cây trồng của Trung Quốc.
Hình 12.9. Phân bố sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc
Dựa vào hình 12.9 và kiến thức đã học, nhận xét và giải thích sự phân bố nông nghiệp ở miền Đông và miền Tây của Trung Quốc.
Tuy đạt thành tựu to lớn, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như :
- Quá trình khai thác thiên nhiên để phát triển đã tác động tiêu cực đến môi trường làm thiên tai xảy ra thường xuyên hơn (lũ lụt, bão bụi,...).
- Chênh lệch thu nhập giữa người dân thành thị (10493 NDT/người) và người dân nông thôn (3255 NDT/người năm 2005) vẫn còn rất lớn.
III – MỐI QUAN HỆ TRUNG QUỐC – VIỆT NAM
Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ lâu đời và ngày càng phát triển trong nhiều lĩnh vực, trên nền tảng của tình hữu nghị và sự ổn định lâu dài.
Từ năm 1999 đến nay, hai nước phát triển quan hệ hợp tác theo phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".
Kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đang tăng nhanh, năm 2005 đạt 8739,9 triệu USD. Các mặt hàng trao đổi ngày càng đa dạng hơn.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Nêu những chính sách, biện pháp Trung Quốc đã thực hiện trong quá trình hiện đại hoá nông nghiệp.
2. Dựa vào số liệu của bảng 12.3, vẽ đồ thị và nhận xét về sản lượng lương thực của Trung Quốc trong thời kì 1985 [2004.
3. Vì sao sản xuất nông nghiệp Trung Quốc lại chủ yếu tập trung ở miền Đông ?
4. Lấy ví dụ về việc mở rộng hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tiết 4. Thực hành: Tìm hiểu sự thay đổi của nền kinh tế Trung Quốc
I – THAY ĐỔI TRONG GIÁ TRỊ GDP
Cho bảng số liệu sau :
Bảng 12.5. GDP của Trung Quốc và thế giới
(Đơn vị : tỉ USD)
Năm | 1985 | 1995 | 2004 |
Trung Quốc | 239,0 | 697,6 | 1649,3 |
Toàn thế giới | 12360,0 | 29357,4 | 40887,8 |
Dựa vào bảng 12.5, tính tỉ trọng GDP của Trung Quốc so với thế giới và nêu nhận xét.
II – THAY ĐỔI TRONG GIÁ TRỊ XUẤT – NHẬP KHẨU
Dựa vào bảng 12.6, vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu giá trị xuất, nhập khẩu của Trung Quốc. Nhận xét sự thay đổi trong cơ cấu giá trị xuất, nhập khẩu của nước này.
Bảng 12.6. Cơ cấu giá trị xuất, nhập khẩu của Trung Quốc
(Đơn vị : %)
Năm | 1985 | 1995 | 2004 |
Xuất khẩu | 39,3 | 53,5 | 51,4 |
Nhập khẩu | 60,7 | 46,5 | 48,6 |
III – PHÁT TRIỂN VÙNG DUYÊN HẢI
Dựa vào hình 12.10, nêu tên một số thành phố công nghiệp mới trong khu vực tăng trưởng kinh tế của vùng duyên hải. Liên hệ với kiến thức đã học và khai thác thông tin từ những đoạn văn dưới đây để giải thích việc Trung Quốc tập trung đầu tư, phát triển vùng duyên hải :
Hình 12.10. Khu vực tăng trưởng kinh tế vùng Duyên Hải
Vùng duyên hải có điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa. Trung Quốc đã xây dựng các đặc khu kinh tế trong vùng này. Tại đây, Trung Quốc đã xây dựng, cải tạo lại, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng : hệ thống giao thông, thông tin, điện, nước,... và thực hiện chế độ ưu đãi cho các hoạt động sản xuất, dịch vụ như đóng thuế thấp, tự do kinh doanh,... để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ti nước ngoài đã đầu tư xây dựng nhà máy, sản xuất hàng chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Tại vùng duyên hải đã hình thành trên 20 thành phố, khu chế xuất, tiêu biểu là đặc khu Thâm Quyến. Năm 1978, Thâm Quyến mới chỉ là một thành phố nhỏ với số dân 30 000 người nằm liền kề Hồng Công, đầu năm 1990 tăng lên 600 000 người. Số nhà máy, xí nghiệp cũng tăng từ 70 lên 1000, phần lớn do các công ti của Hồng Công đầu tư. Nhờ có cơ sở hạ tầng được xây dựng và cải tạo lại, được ưu đãi khi đầu tư, giá nhân công rẻ nên Thâm Quyến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Công nhân trong nước thấy ở đây có điều kiện làm việc tốt hơn, lương cao hơn nên số người tìm đến rất đông, càng làm cho thành phố phát triển nhanh chóng.
Việc thu hồi và tiếp tục phát triển các đặc khu hành chính Hồng Công, Ma Cao cùng với việc tăng cường các đặc khu kinh tế, các thành phố mở càng thể hiện rõ vai trò của vùng duyên hải đối với sự phát triển nền kinh tế Trung Quốc. Đây là nơi thử nghiệm cải cách kinh tế, tiếp nhận công nghệ sản xuất tiên tiến, tiếp cận nền kinh tế hiện đại của các nước phát triển ; đồng thời là nơi đào tạo, bồi dưỡng các nhà quản lí kinh tế xã hội của Trung Quốc.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn