Bài 11: Nhật Bản | Địa Lý 11 Nâng Cao | Phần B - Địa Lý Khu Vực Và Quốc Gia - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 11 Nâng cao - Bài 11


Diện tích : 378 nghìn km2
Dân số : 127,7 triệu người (năm 2005)
Thủ đô : Tô-ki-ô

Nhật Bản là quốc gia quần đảo, nghèo tài nguyên khoáng sản, dân cư cần cù. Từ giữa thập niên 50 của thế kỉ XX, Nhật Bản đã nhanh chóng phát triển thành một cường quốc kinh tế. Cùng với sự phát triển các ngành kĩ thuật, công nghệ cao và đầu tư tài chính ở nhiều nước trên thế giới, nền kinh tế Nhật Bản ngày càng hùng mạnh.

Tiết 1. Tự nhiên, dân cư

I – ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

hinh-anh-bai-11-nhat-ban-3276-0

Hình 11.1. Núi Phú Sĩ - một biểu tượng của đất nước Nhật Bản

Quần đảo Nhật Bản nằm ở Đông Á, trải ra theo một vòng cung dài khoảng 3800 km trên Thái Bình Dương, gồm bốn đảo lớn : Hộ-cai-đô, Hôn-su (chiếm 61% tổng diện tích), Xi-cô-cu, Kiu-xiu và hàng nghìn đảo nhỏ.

Tại các vùng biển quanh quần đảo Nhật Bản, các dòng biển nóng và lạnh gặp nhau tạo nên ngư trường lớn với nhiều loài cá (cá ngừ, cá thu, cá mòi, cá trích, cá hồi,...).

hinh-anh-bai-11-nhat-ban-3276-1

Hình 11.2. Tự nhiên Nhật Bản

Quan sát hình 11.2, hãy nêu đặc điểm chủ yếu về vị trí địa lí, lãnh thổ, địa hình, sông ngòi và bờ biển của Nhật Bản.

Đất nước Nhật Bản chủ yếu là núi, ít đồng bằng ; hiện có khoảng 80 núi lửa đang hoạt động và mỗi năm có tới hàng nghìn trận động đất lớn, nhỏ.

Nhật Bản nằm trong khu vực khí hậu gió mùa, lượng mưa tương đối cao, trung bình năm 1800 mm, cá biệt có nơi mưa đến 4000 mm. Phía Bắc có khí hậu ôn đới, mùa đông kéo dài, lạnh và có nhiều tuyết. Phía nam có khí hậu cận nhiệt đới, mùa đông không lạnh lắm, mùa hạ nóng, thường có mưa to và bão.

Nhật Bản là nước nghèo khoáng sản. Ngoài than đá (trữ lượng không nhiều) và đồng, các khoáng sản khác có trữ lượng không đáng kể.

Nêu những thuận lợi và khó khăn chủ yếu về tự nhiên của Nhật Bản đối với phát triển kinh tế.

II – DÂN CƯ

1. Dân đông, cơ cấu dân số già

Nhật Bản là nước đông dân, tốc độ tăng dân số hằng năm thấp và đang giảm dần, tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên chỉ còn 0,1% vào năm 2005. Cơ cấu dân số theo độ tuổi hiện nay có nhiều thay đổi. Tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản là 82 (năm 2005).

Bảng 11.1. Sự biến động cơ cấu dân số theo độ tuổi

Nhóm tuổi Năm 1950 1970 1997 2005 2025 (Dự báo)
Dưới 15 tuổi (%) 35,4 23,9 15,3 13,9 11,7
Từ 15 - 64 tuổi (%) 59,6 69,0 69,0 66,9 60,1
65 tuổi trở lên (%) 5,0 7,1 15,7 19,2 28,2
Số dân (triệu người) 83,0 104,0 126,0 127,7 117,0

Dựa vào bảng 11.1, hãy nhận xét về xu hướng biến động cơ cấu dân số theo độ tuổi của Nhật Bản và tác động của nó đến phát triển kinh tế xã hội.

Mật độ dân số trung bình cao, 338 người/km2 (năm 2005). Quá trình đô thị hoá và vai trò ngày càng quan trọng của các ngành công nghiệp, dịch vụ đã thu hút dân cư tập trung vào các đô thị, tạo nên các siêu đô thị.

49% số dân Nhật Bản tập trung ở 3 thành phố lớn Tô-ki-ô, Ô-xa-ca, Na-gôi-a và các thành phố lân cận. Mật độ dân số ở Tô-ki-ô là trên 5000 người/km2, trong khi ở Hô-cai-đô chỉ có 73 người/km2.

2. Người dân cần cù, có tinh thần trách nhiệm, ham học

Người lao động Nhật Bản tận dụng thời gian cho công việc, làm việc tích cực với ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm rất cao. Đặc tính này đã được phát huy trong việc tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm công nghiệp trong các nhà máy của Nhật Bản.

hinh-anh-bai-11-nhat-ban-3276-2

Hình 11.3. Su-mô - môn võ truyền thống của Nhật Bản

Người Nhật rất chú trọng đầu tư cho giáo dục. Chính phủ Nhật Bản ưu tiên chương trình đổi mới giáo dục, đề cao tính độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, khuyến khích việc "học tập suốt đời" song song với chiến lược phát triển kinh tế.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Phân tích những thuận lợi và khó khăn của vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên Nhật Bản đối với phát triển kinh tế.

2. Tại sao những đặc tính cần cù, có tinh thần trách nhiệm cao, coi trọng giáo dục, đã trở thành động lực quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế Nhật Bản ?

3. Dựa vào bảng số liệu sau :

Tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong tổng số dân Nhật Bản

(Đơn vị : %)

Năm 1960  1985  1991 1997 2005
Tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong tổng số dân 5,7 10,5  13,0 15,7 19,2

Vẽ biểu đồ và nhận xét tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong tổng số dân ở Nhật Bản trong giai đoạn trên.

Tiết 2. Kinh tế

I – TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Nhật Bản bị suy sụp nghiêm trọng, nhưng đến năm 1952, kinh tế đã khôi phục ngang mức trước chiến tranh. Giai đoạn 1955 - 1973, kinh tế đã phát triển với tốc độ cao. Mức tăng trưởng GDP trung bình năm trong suốt giai đoạn 1950 1965 đạt trên 10%. Đến năm 1973, tổng sản phẩm nền kinh tế quốc dân đã tăng gấp 20 lần so với năm 1950.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian trên là do một số nguyên nhân chủ yếu sau :

Chú trọng đầu tư hiện đại hoá công nghiệp, tăng vốn, gắn liền với áp dụng kĩ thuật mới.

Tập trung cao độ vào phát triển các ngành then chốt, có trọng điểm theo từng giai đoạn (ví dụ : thập niên 50 của thế kỉ XX, tập trung vốn cho ngành điện lực, thập niên 60 cho các ngành luyện kim, thập niên 70 cho giao thông vận tải,...).

Duy trì cơ cấu kinh tế hai tầng, vừa phát triển các xí nghiệp lớn, vừa duy trì những cơ sở sản xuất nhỏ, thủ công.

Cơ cấu kinh tế hai tầng có tác dụng như thế nào đối với phát triển nền kinh tế Nhật Bản ?

Hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973 - 1974 và 1979 - 1980 đã gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Nhật Bản, làm tốc độ tăng trưởng giảm (còn 2,6%, năm 1980). Một lần nữa, Chính phủ Nhật Bản đã phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển xoay quanh các hướng chủ yếu : đầu tư phát triển khoa học kĩ thuật và công nghệ, tập trung xây dựng các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều chất xám, trình độ kĩ thuật cao, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, hiện đại hoá và hợp lí hoá các xí nghiệp nhỏ và trung bình,... Kết quả là nền kinh tế được phục hồi, tốc độ tăng GDP trung bình đạt 5,3% trong giai đoạn 1986 - 1990. Từ năm 1991, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã chậm lại.

Bảng 11.2. Tốc độ tăng GDP của Nhật Bản

(Đơn vị : %)

Năm 1990 1995 1997 1999 2001 2003 2005
Tăng GDP  5,1 1,5 1,9 0,8 0,4 2,7 2,5

Dựa vào bảng 11.2, nhận xét về tốc độ tăng GDP của Nhật Bản trong giai đoạn 1990 - 2005.

Hiện nay, Nhật Bản là nước đứng thứ hai thế giới về kinh tế, tài chính. GDP của Nhật Bản năm 2005 đạt khoảng 4 800 tỉ USD, đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kì. Nhật Bản đang xúc tiến sáu chương trình cải cách lớn, trong đó có cải cách cơ cấu kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách, cải cách khu vực tài chính, cải cách hành chính,...

II – CÔNG NGHIỆP

Công nghiệp Nhật Bản thu hút gần 30% dân số hoạt động và chiếm khoảng 30% tổng thu nhập quốc dân. Giá trị sản lượng công nghiệp Nhật Bản đứng thứ hai thế giới (sau Hoa Kì).

Nhật Bản chiếm vị trí hàng đầu thế giới về máy công nghiệp và thiết bị điện tử, người máy, tàu biển, thép, ô tô, vô tuyến truyền hình, máy ảnh, sản phẩm tơ tằm và tơ sợi tổng hợp, giấy in báo,...

Trong cơ cấu công nghiệp, một số ngành như chế tạo, sản xuất điện tử, xây dựng và công trình công cộng, dệt... chiếm tỉ trọng lớn.

hinh-anh-bai-11-nhat-ban-3276-3

Hình 11.4. Người máy A-si-mô [một thành tựu về công nghệ mới của Nhật Bản

Dựa vào bảng 11.3, nhận xét về tình hình phát triển công nghiệp của Nhật Bản hiện nay.

Bảng 11.3. Một số ngành chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp của Nhật Bản

Ngành Sản phẩm nổi bật Hãng nổi tiếng
Công nghiệp chế tạo (chiếm khoảng 40% giá trị hàng công nghiệp xuất khẩu) Tàu biển Chiếm khoảng 41% lượng tàu biển xuất khẩu của thế giới. Mitsubishi, Hitachi, Toyota, Nissan, Honda, Suzuki.
Ô tô Sản xuất khoảng 25% lượng ôtô của thế giới, xuất khẩu khoảng 45% sản lượng.
Xe gắn máy Sản xuất khoảng 60% lượng xe gắn máy của thế giới và xuất khẩu 50% sản lượng.
Sản xuất điện tử (ngành mũi nhọn của Nhật Bản) Sản phẩm tin học Chiếm khoảng 22% sản phẩm công nghệ tin học của thế giới. Hitachi, Toshiba, Sony, Nipon, Electric, Fujitsu
Vi mạch và chất bán dẫn Đứng đầu thế giới về sản xuất vi mạch và chất bán dẫn.
Vật liệu truyền thông Đứng hàng thứ hai thế giới.
Rô-bôt (người máy) Chiếm khoảng 60% tổng số rô-bột của thế giới và sử dụng rô-bôt với tỉ lệ lớn trong các ngành công nghiệp kĩ thuật cao, dịch vụ,...
Xây dựng và công trình công cộng. Công trình giao thông công cộng Chiếm khoảng 20% giá trị thu nhập công nghiệp, đáp ứng việc xây dựng các công trình với kĩ thuật cao.  
Dệt Sợi, vải các loại Là ngành khởi nguồn của công nghiệp Nhật Bản ở thế kỉ XIX, vẫn được tiếp tục duy trì và phát triển.  

Quan sát hình 11.5, nêu nhận xét về mức độ tập trung và đặc điểm phân bố công nghiệp của Nhật Bản.

hinh-anh-bai-11-nhat-ban-3276-4

Hình 11.5. Các trung tâm công nghiệp chính của Nhật Bản

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Chứng minh rằng Nhật Bản có nền công nghiệp phát triển cao.

2. Trình bày tình hình phát triển và phân bố của các ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất điện tử.

3. Dựa vào bảng số liệu 11.2, vẽ biểu đồ thể hiện tốc độ tăng GDP của Nhật Bản giai đoạn 1990 - 2005. Kết hợp với thông tin trong bài, nhận xét tốc độ phát triển kinh tế Nhật Bản trong các giai đoạn 1950 - 1973 và 1990 - 2005.

Tiết 3. Kinh tế (tiếp theo)

III – DỊCH VỤ

Dịch vụ là khu vực kinh tế đặc biệt quan trọng, chiếm 68% giá trị GDP (năm 2004). Trong dịch vụ, thương mại và tài chính là hai ngành có vai trò hết sức to lớn.

Thương mại Nhật Bản đứng hàng thứ tư thế giới (sau Hoa Kì, CHLB Đức và Trung Quốc).

Xuất khẩu trở thành động lực của sự tăng trưởng kinh tế. Nhật Bản là nước xuất siêu với cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu như sau :

Nhập khẩu

+ Sản phẩm nông nghiệp : lúa mì, lúa gạo, đỗ tương, hoa quả, đường, thịt, hải sản,...

+ Năng lượng : than, dầu mỏ, khí tự nhiên,...

+ Nguyên liệu công nghiệp : quặng mỏ, gỗ, cao su, bông, vải, len,...

Xuất khẩu + Sản phẩm công nghiệp chế biến : tàu biển, ôtô, xe gắn máy, sản phẩm tin học,... (chiếm 99% giá trị xuất khẩu).

Quan hệ buôn bán được thiết lập với nhiều nước trên thế giới. Các bạn hàng lớn là Hoa Kì, Trung Quốc, EU, các nước Đông Nam Á, Ô-xtrây-li-a,...

Ngành giao thông vận tải biển có vị trí đặc biệt, với đội tàu biển trọng tải lớn. Các cảng biển lớn và hiện đại của Nhật Bản là : Cô-bê I-ô-cô-ha-ma, Tô-ki-ô, Ô-xa-ca, Na-gôi-a,...

Ngành tài chính, ngân hàng của Nhật Bản đứng hàng đầu trên thế giới, hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngày càng phát triển.

IV – NÔNG NGHIỆP

1. Đặc điểm

Nông nghiệp giữ vai trò thứ yếu trong nền kinh tế Nhật Bản ; tỉ trọng của nông nghiệp trong GDP ngày càng giảm, hiện chỉ chiếm khoảng 1%.

Diện tích đất nông nghiệp ít, chỉ chiếm chưa đầy 14% lãnh thổ. Nền nông nghiệp của Nhật Bản phát triển theo hướng thâm canh, ứng dụng nhanh những tiến bộ khoa học [kĩ thuật và công nghệ hiện đại để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng chất lượng nông sản.

2. Trồng trọt

Trồng trọt đóng vai trò chủ yếu, chiếm khoảng 80% giá trị tổng sản lượng nông nghiệp.

Lúa gạo là cây trồng chính, chiếm 50% diện tích canh tác. Trong những năm gần đây, một số diện tích trồng lúa được chuyển sang trồng các loại cây khác.

Bảng 11.4. Diện tích và sản lượng lúa gạo

Năm 1985  1990  1995 2000  2001  2003  2004
Diện tích (nghìn ha) 2342 2047 2188 1770 1706 1665 1650
Sản lượng (nghìn tấn) 14578  13124  13435  11863  11320  9740  11400

Dựa vào bảng 11.4, nhận xét tình hình sản xuất lúa gạo của Nhật Bản. Bằng hiểu biết của mình, hãy giải thích tại sao diện tích trồng lúa gạo giảm.

Chè, thuốc lá, dâu tằm cũng là những cây trồng phổ biến ở Nhật Bản. Sản lượng tơ tằm của Nhật Bản đứng hàng đầu thế giới. Ngành trồng rau quả đang được chú trọng phát triển.

Hãy tìm trên hình 11.6 các vùng phân bố lúa gạo, hoa quả, chè, dâu tằm. Giải thích sự phân bố đó.

hinh-anh-bai-11-nhat-ban-3276-5

Hình 11.6. Phân bố sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản

3. Chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng hải sản

Ngành chăn nuôi tương đối phát triển. Các vật nuôi chính là bò, lợn, gà được nuôi theo các phương pháp tiên tiến trong các trang trại.

Nhật Bản là một trong những nước có sản lượng hải sản đánh bắt hằng năm cao (sản lượng cả khai thác năm 2003 : 4596,2 nghìn tấn). Chủ yếu là : tôm, cua, cá thu, cá ngừ.

Nghề nuôi trồng hải sản (tôm, rong biển, sò, trai lấy ngọc,...) được chủ trọng phát triển.

Tại sao đánh bắt hải sản lại là ngành kinh tế quan trọng của Nhật Bản ?

V – BỐN VÙNG KINH TẾ GẮN VỚI BỐN ĐẢO LỚN

Vùng kinh tế/đảo Đặc điểm nổi bật
Hôn-su

- Diện tích rộng nhất, dân số đông nhất ; kinh tế phát triển nhất trong các vùng, tập trung ở phần phía nam đảo.

- Các trung tâm công nghiệp lớn : Tô-ki-ô, I-ô-cô-ha-ma, Na-gôi-a, Ki-ô-tô, Ô-xa-ca, Cô-bê, tạo nên "chuỗi đô thị".

Kiu-xiu

- Phát triển công nghiệp nặng, đặc biệt khai thác than và luyện thép. Các trung tâm công nghiệp lớn : Phu-cu-ô-ca, Na-ga-xa-ki.

- Miền Đông Nam trồng nhiều cây công nghiệp và rau quả.

Xi-cô-cư

- Khai thác quặng đồng.

- Nông nghiệp đóng vai trò chính trong hoạt động kinh tế.

Hô-cai-đô

- Rừng bao phủ phần lớn diện tích. Dân cư thưa thớt.

- Công nghiệp : khai thác than đá, quặng sắt, luyện kim đen, khai thác và chế biến gỗ, sản xuất giấy và bột xenlulô.

- Các trung tâm công nghiệp lớn : Xap-pô-rô, Mu-rô-ran.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Trình bày những đặc điểm nổi bật của nền nông nghiệp Nhật Bản.

2. Tại sao nói xuất khẩu trở thành động lực của sự tăng trưởng kinh tế Nhật Bản ?

3. Quan sát các hình 11.5, 11.6, tìm các thông tin cần thiết và điền vào bảng theo mẫu sau :

Vùng kinh tế/đảo Trung tâm công nghiệp lớn Sản phẩm công nghiệp chủ yếu Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu
       
       
       

Tiết 4. Thực hành: Tìm hiểu về hoạt động kinh tế đối ngoại của Nhật Bản

1. Vẽ biểu đồ

Cho bảng số liệu sau :

Bảng 11.5. Giá trị xuất, nhập khẩu của Nhật Bản qua các năm

(Đơn vị : tỉ USD)

Năm 1990 1995 2000 2001 2004
Xuất khẩu 287,6 443,1 479,2 403,5 565,7
Nhập khẩu 235,4 335,9 379,5 349,1 454,5
Cán cân thương mại 52,2 107,2 99,7 54,4 111,2

Vẽ biểu đồ thích hợp thể hiện giá trị xuất, nhập khẩu của Nhật Bản qua các năm.

2. Nhận xét hoạt động kinh tế đối ngoại

Đọc các thông tin sau, kết hợp với biểu đồ đã vẽ, nêu các đặc điểm khái quát về hoạt động kinh tế đối ngoại của Nhật Bản.

- Tích cực nhập khẩu công nghệ và kĩ thuật của nước ngoài.

- Có chính sách tận dụng và khai thác triệt để những thành tựu khoa học - kĩ thuật, nguồn vốn đầu tư của Hoa Kì và các nước khác nên đã rút ngắn được khoảng cách và vươn lên dẫn đầu thế giới trong nhiều ngành kinh tế.

 

Khoảng 52% tổng giá trị thương mại được thực hiện với các nước phát triển, trong đó nhiều nhất là Hoa Kì và EU. Trên 45% tổng giá trị thương mại được thực hiện với các nước đang phát triển, trong đó 18% thực hiện với các nước và lãnh thổ công nghiệp mới ở châu Á.

 

Về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA), Nhật Bản đang là nước đứng đầu thế giới.

Nhật Bản hiện chiếm vị trí quan trọng trong đầu tư vào các nước ASEAN. Giai đoạn 1995 - 2001, đầu tư của Nhật Bản chiếm 15,7% tổng đầu tư nước ngoài vào ASEAN với 22,1 tỉ USD. Viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Nhật Bản chiếm tới 60% tổng viện trợ ODA dành cho các nước ASEAN.

Từ năm 1991 đến năm 2004, ODA của Nhật Bản vào Việt Nam là gần 1 tỉ USD, chiếm 40% nguồn vốn ODA đầu tư vào Việt Nam.

hinh-anh-bai-11-nhat-ban-3276-6

Hình 11.7. Vịnh Tô-ki-ô

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 11: Nhật Bản | Địa Lý 11 Nâng Cao | Phần B - Địa Lý Khu Vực Và Quốc Gia - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.