Bài 7: Hợp Chủng Quốc Hoa Kì | Địa Lý 11 Nâng Cao | Phần B - Địa Lý Khu Vực Và Quốc Gia - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Địa lý 11 - Bài 7


Diện tích : 9629 nghìn km2
Dân số : 296,5 triệu người (năm 2005)
Thủ đô : Oa-sin-ton

Hoa Kì là quốc gia rộng lớn ở trung tâm Bắc Mĩ, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Dân cư được hình thành chủ yếu do quá trình nhập cư. Nền kinh tế của Hoa Kì phát triển mạnh nhất thế giới.

Tiết 1. Vị trí địa lí và tài nguyên thiên nhiên

I – LÃNH THỔ VÀ VỊ TRÍ ĐỊA LÍ

1. Lãnh thổ

Hoa Kì là quốc gia có diện tích lớn thứ ba trên thế giới. Lãnh thổ Hoa Kì gồm phần rộng lớn ở trung tâm Bắc Mĩ, bản đảo A-la-xca và quần đảo Ha-oai.

Phần đất ở trung tâm Bắc Mĩ có diện tích hơn 8 triệu km2 với chiều từ đông sang tây khoảng 4500 km và chiều từ bắc xuống nam khoảng 2500 km. Đây là khu vực rộng lớn nên thiên nhiên thay đổi rõ rệt từ ven biển vào nội địa, từ phía nam lên phía bắc. Hình dạng lãnh thổ cân đối là một thuận lợi cho phân bố sản xuất và phát triển giao thông.

2. Vị trí địa lí

Về cơ bản, vị trí địa lí của Hoa Kì có một số đặc điểm chính :

Nằm ở bán cầu Tây.

Nằm giữa hai đại dương lớn : Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Tiếp giáp Ca-na-đa và khu vực Mĩ La tinh.

Hãy cho biết vị trí địa lí Hoa Kì có thuận lợi gì cho phát triển kinh tế.

hinh-anh-bai-7-hop-chung-quoc-hoa-ki-3272-0

Hình 7.1. Địa hình và khoáng sản Hoa Kì

II – ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

1. Sự phân hoá lãnh thổ

a) Phần lãnh thổ của Hoa Kì nằm ở trung tâm Bắc Mĩ phân hoá thành 3 vùng tự nhiên

Vùng phía Tây

Vùng phía Tây còn gọi là vùng Coóc-đi-e, gồm các dãy núi trẻ cao trung bình trên 2000 m, chạy song song theo hướng bắc nam, xen giữa là các bồn địa và cao nguyên có khí hậu hoang mạc và bán hoang mạc. Đây là nơi tập trung nhiều kim loại màu như : vàng, đồng, chì. Tài nguyên năng lượng cũng hết sức phong phú. Diện tích rừng tương đối lớn, phân bố chủ yếu ở các sườn núi hướng ra Thái Bình Dương.

Ven Thái Bình Dương có các đồng bằng nhỏ, đất tốt, khí hậu cận nhiệt đới và ôn đới hải dương.

Vùng phía Đông

Gồm dãy núi già A-pa-lat và các đồng bằng ven Đại Tây Dương. Dãy A-pa-lat cao trung bình khoảng 1000m – 1500m, sườn thoải, với nhiều thung lũng rộng cắt ngang, giao thông tiện lợi. Khoáng sản chủ yếu là than đá, quặng sắt với trữ lượng rất lớn, nằm lộ thiên, dễ khai thác. Nguồn thuỷ năng phong phú.Khí hậu ôn đới, có lượng mưa tương đối lớn.

Các đồng bằng phù sa ven Đại Tây Dương có diện tích tương đối lớn, đất phì nhiêu, khí hậu mang tính chất ôn đới hải dương và cận nhiệt đới, thuận lợi cho trồng nhiều loại cây lương thực, cây ăn quả...

Vùng Trung tâm

Vùng này gồm các bang nằm giữa dãy A-pa-lát và dãy Rốc-ki. Phần phía tây và phía bắc có địa hình gò đồi thấp, nhiều đồng cỏ rộng thuận lợi cho phát triển chăn nuôi. Phần phía nam là đồng bằng phù sa màu mỡ và rộng lớn do hệ thống sông Mi-xi-xi-pi bồi đắp, rất thuận lợi cho trồng trọt. Khoáng sản có nhiều loại với trữ lượng lớn như : than đá và quặng sắt ở phía bắc, dầu mỏ, khí tự nhiên ở bang Tếch-dát và ven vịnh Mê-hi-cô. Khí hậu của vùng thay đổi từ bắc xuống nam. Các bang ven vịnh Mê-hi-cô có khí hậu cận nhiệt, còn hầu hết các bang ở phía bắc có khí hậu ôn đới.

Dựa vào đặc điểm tự nhiên, hãy xác định thế mạnh phát triển kinh tế của mỗi vùng.

b) A-la-xca và Ha-oai

A-la-xca là bản đảo rộng lớn, nằm ở tây bắc của Bắc Mĩ, địa hình chủ yếu là đồi núi. Đây là nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên lớn thứ hai của Hoa Kì.

Ha-oai là quần đảo nằm giữa Thái Bình Dương có tiềm năng rất lớn về hải sản và du lịch.

hinh-anh-bai-7-hop-chung-quoc-hoa-ki-3272-1

Hình 7.2. Ha-oai - điểm du lịch nổi tiếng của Hoa Kì

2. Tài nguyên thiên nhiên

Hoa Kì là nước có nhiều loại tài nguyên với trữ lượng hàng đầu thế giới. Trong thời kì công nghiệp hoá trước đây, các loại tài nguyên này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phát triển kinh tế.

Bảng 7.1. Một số loại tài nguyên thiên nhiên của Hoa Kì

Tên tài nguyên Trữ lượng Xếp hạng trên thế giới
Sắt (triệu tấn) 9100 4
Đồng (triệu tấn) 85 2
Thiếc (triệu tấn) 22 2
Chì (triệu tấn) 28 1
Phốt phát (tỉ tấn) 2,9 2
Than đá (tỉ tấn) 445 1
Đất nông nghiệp (triệu ha) 443 1
Diện tích rừng (triệu ha) 226 4

Dựa vào bảng 7.1, hãy cho biết Hoa Kì có thế mạnh để phát triển những ngành kinh tế nào.

Hoa Kì nằm giữa hai đại dương với đường bờ biển dài thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế biển. Ngũ Hồ có trữ lượng cá nước ngọt thuộc loại lớn trên thế giới. Các sông của Hoa Kì có nhiều giá trị về kinh tế : sông Cô-lum-bi-a và sông Cô-lô-ra-đô có trữ lượng thuỷ năng rất lớn, hệ thống sông Mi-xi-xi-pi có ý nghĩa lớn về giao thông và là nguồn cung cấp nước quan trọng.

3. Những khó khăn về tự nhiên

Do địa hình của Hoa Kì có dạng lòng máng theo hướng bắc - nam nên thời tiết bị biến động mạnh, thường xuất hiện nhiều thiên tại như : lốc xoáy, vòi rồng và mưa đá. Khu vực ven vịnh Mê-hi-cô thường bị bão nhiệt đới gây mưa và gió lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống.

Các bang trong vùng núi Coóc-đi-e và phía tây bắc của vùng Trung tâm có lượng mưa nhỏ nên thiếu nước nghiêm trọng. Vào mùa đông, các bang ở phía bắc và đông bắc thường có bão tuyết.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nêu đặc điểm của vị trí địa lí Hoa Kì và phân tích ảnh hưởng của đặc điểm này đối với sự phát triển kinh tế.

2. Nêu những điểm khác nhau về điều kiện tự nhiên đối với sản xuất nông nghiệp của các vùng ở Hoa Kì.

3. Trình bày các điều kiện tự nhiên thuận lợi đối với phát triển công nghiệp của Hoa Kì.

Tiết 2. Dân cư và xã hội

I – DÂN SỐ

1. Gia tăng dân số

Hoa Kì có số dân đông và tăng nhanh. Khi mới thành lập nước, năm 1776 số dân của Hoa Kì chỉ khoảng 3 triệu người, phân bố tập trung ở vùng Đông Bắc ven Đại Tây Dương. Hiện nay Hoa Kì có số dân đông thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Bảng 7.2. Số dân Hoa Kì

(Đơn vị : triệu người)

hinh-anh-bai-7-hop-chung-quoc-hoa-ki-3272-2

Dựa vào bảng 7.2, hãy nhận xét tình hình tăng số dân của Hoa Kì.

hinh-anh-bai-7-hop-chung-quoc-hoa-ki-3272-3

Hình 7.3. Nhập cư vào Hoa Kì giai đoạn 1820 - 1990

Dựa vào hình 7.3, hãy nhận xét tình hình nhập cư vào Hoa Kì.

Dân số Hoa Kì tăng nhanh, một phần quan trọng là do nhập cư. Số người nhập cư vào Hoa Kì từ năm 1820 đến năm 2005 là hơn 65 triệu người, riêng năm 1998 có 600 nghìn người.

Người nhập cư đã đem lại cho Hoa Kì nguồn lao động có trình độ cao, giàu kinh nghiệm. Chỉ tính đến năm 1990 đã có 850 nghìn kĩ sư, bác sĩ đến sinh sống ở Hoa Kì. Nhờ vậy, Hoa Kì tiết kiệm được chi phí đào tạo và nuôi dưỡng rất lớn.

Hoa Kì có tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên thấp, tỉ lệ dân cư trong độ tuổi lao động cao, thuận lợi để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế. Tuy nhiên điều đó cũng nảy sinh khó khăn như chi phí lớn để chăm sóc người cao tuổi.

Bảng 7.3. Một số chỉ số về dân số Hoa Kì

Năm 1950 2004
Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên (%) 1,5 0,6
Tuổi thọ trung bình (tuổi) 70,8 78,0
Nhóm dưới 15 tuổi (%) 27,0 20,0
Nhóm trên 65 tuổi (%) 8,0 12,0

Dựa vào bảng 7.3, hãy chứng minh dân số Hoa Kì đang bị già hoá.

2. Thành phần dân cư

Dân cư Hoa Kì thuộc nhiều chủng tộc : Ơ-rô-pê-ô-ít, Môn-gô-lô-it, Nê-grô-it.

Thành phần dân cư đa dạng. Hiện nay, 83% dân số Hoa Kì có nguồn gốc châu  u. Đây là nhóm người nắm giữ hầu hết quyền lợi về chính trị, kinh tế. Mức sống trung bình của người da trắng thường cao hơn người da màu.

Dân cư có nguồn gốc châu Phi hiện vào khoảng 33 triệu người, đứng thứ hai ở Hoa Kì. Trước kia, họ bị bọn thực dân mua từ châu Phi sang làm nô lệ trong các đồn điền. Gần đây, người da đen tăng nhanh do tỉ lệ gia tăng tự nhiên cao và do tiếp tục di cư từ châu Phi sang.

Bộ phận dân cư có nguồn gốc châu Á và Mi La tỉnh cũng tăng mạnh.

Dân Anh điêng (bản địa) chỉ còn khoảng hơn 3 triệu người.

3. Phân bố dân cư

Do lịch sử, dân nhập cư thường phân bố ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, còn người Anh điêng bị dồn vào sinh sống ở vùng đối núi hiểm trở phía tây.

Mật độ dân số trung bình năm 2005 của Hoa Kì là 31 người/km2. Miên Đông Bắc có mật độ dân số trung bình trên 300 người/km2, còn miền Tây mật độ dân số chỉ dưới 15 người/km2. Các bang nằm giáp biển chiếm 66% dân số Hoa Kì (ven Đại Tây Dương : 38% Thái Bình Dương: 16%, vịnh Mê-hi-cô: 12%).

hinh-anh-bai-7-hop-chung-quoc-hoa-ki-3272-4

Hình 7.4. Phân bố dân cư Hoa Kì, năm 2004

Quan sát hình 7.4, hãy nhận xét sự phân bố dân cư của Hoa Kì.

Dân cư đang có xu hướng di chuyển từ các bang vùng Đông Bắc đến các bang phía Nam và ven Thái Bình Dương nên dân số các bang này tăng nhanh.

Năm 2004, dân thành thị chiếm 79% tổng số dân của cả nước. Các thành phố vừa và nhỏ (dưới 500 nghìn người) chiếm 91,8% số dân đô thị, do vậy hạn chế được những mặt tiêu cực của đô thị hoá. Hoa Kì có nhiều thành phố có số dân trên 1 triệu người, trong đó Niu Ióoc có số dân hơn 21 triệu.

II – MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Sự đa dạng về văn hoá

Hoa Kì là quốc gia có nhiều dân tộc từ các nước trên thế giới đến và cả dân bản địa nên có nhiều phong tục, tập quán khác nhau, tạo nên nền văn hoá đa dạng. Tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn nhất định cho việc quản lí xã hội. lí

2. Sự chênh lệch về thu nhập

Một khó khăn hiện nay trong xã hội Hoa Kì là tình trạng chênh lệch rất lớn về thu nhập giữa người nghèo và người giàu, với mức độ ngày càng tăng. Thu nhập hằng năm của 2,5 triệu người giàu nhất bằng thu nhập của 100 triệu người nghèo. Sự phân hoá giàu nghèo sâu sắc là một trong những nguyên nhân của tình trạng mất an ninh xã hội.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Dựa vào bảng 7.2, vẽ biểu đồ hình cột và giải thích nguyên nhân của tình hình tăng dân số.

2. Nhận xét hiện tượng nhập cư vào Hoa Kì và phân tích ảnh hưởng của nhập cư đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

3. Nhận xét sự phân bố dân cư Hoa Kì và nêu nguyên nhân.

Tiết 3. Kinh tế

I – ĐẶC ĐIỂM CHUNG

1. Quy mô nền kinh tế

Hoa Kì thành lập năm 1776, nhưng đến năm 1890 nền kinh tế đã vượt qua Anh, Pháp để giữ vị trí đứng đầu thế giới cho đến ngày nay.

Bảng 7.4. GDP của Hoa Kì và một số châu lục - năm 2004

(Đơn vị : tỉ USD)

Toàn thế giới 40887,8
Hoa Kì 11667,5
Châu Âu 14146,7
Châu Á 10092,9
Châu Phi 790,3

Dựa vào bảng 7.4, hãy so sánh GDP của Hoa Kì với thế giới và một số châu lục. Nhận xét.

2. Nền kinh tế thị trường

Hoa Kì có nền kinh tế thị trường điển hình. Sự phát triển kinh tế của Hoa Kì phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tiêu thụ hàng hoá và sử dụng dịch vụ trong nước. Năm 2002, người tiêu dùng và các nhà đầu tư của Hoa Kì đã mua sắm lượng hàng hoá có giá trị hơn 7384 tỉ USD. Sức mua trong dân cư lớn là nhân tố chủ yếu làm tăng GDP của Hoa Kì.

Hoạt động kinh tế dựa trên cơ sở quan hệ cung cầu. Ở Hoa Kì đã hình thành hàng triệu tổ chức hợp tác với hình thức rất đa dạng. Các loại hình hợp tác tiêu thụ, tập đoàn sản xuất công nghiệp... đã tạo nên sự liên kết chặt chẽ, linh hoạt giữa sản xuất và tiêu thụ. Nguồn vốn, các phát minh, sáng chế cũng được trao đổi theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

3. Tính chuyên môn hoá của nền kinh tế

Nền kinh tế của Hoa Kì có tính chuyên môn hoá cao.

Trong công nghiệp, chuyên môn hoá được thể hiện rõ trong các ngành chế tạo máy bay, ô tô, chế biến thực phẩm... với nhiều sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng. Ví dụ : Boeing, Ford, Coca Cola,...

Trong nông nghiệp, trước đây hình thành các vùng chuyên canh điển hình, như : các vành đai rau, lúa mì, ngô, nuôi bò sữa,... tạo nên khối lượng nông sản hàng hoá rất lớn. Ngày nay, sản xuất đã trở nên đa canh phức tạp, nhưng những sản phẩm nông nghiệp chính vẫn phân bố khá tập trung.

II – CÁC NGÀNH KINH TẾ

1. Dịch vụ

Dịch vụ của Hoa Kì phát triển mạnh, tỉ trọng giá trị dịch vụ trong GDP năm 1960 là 62,1%, đến năm 2004 là 79,4%. Hoạt động dịch vụ rất đa dạng, không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng trên toàn thế giới.

a) Ngoại thương

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Hoa Kì năm 2004 là 2344,2 tỉ USD chiếm khoảng 12% tổng giá trị ngoại thương thế giới. Từ năm 1990 đến năm 2004, giá trị nhập siêu ngày càng lớn : năm 1990 nhập siêu 123,4 tỉ USD, năm 2004 nhập siêu 707,2 tỉ USD.

b) Giao thông vận tải

Hệ thống các loại đường và phương tiện vận tải của Hoa Kì hiện đại nhất thế giới. Hoa Kì có số sân bay nhiều nhất thế giới với 30 hãng hàng không lớn hoạt động, vận chuyển 1/3 tổng số hành khách trên thế giới. Năm 2004, Hoa Kì có tới 6,43 triệu km đường ô tô và 226,6 nghìn km đường sắt. Ngoài ra, vận tải biển và vận tải đường ống cũng rất phát triển.

hinh-anh-bai-7-hop-chung-quoc-hoa-ki-3272-5

Hình 7.5. Một góc thành phố Lốt An-giơ-lét

c) Các ngành tài chính, thông tin liên lạc, du lịch

Năm 2002, Hoa Kì có hơn 600 nghìn tổ chức ngân hàng, tài chính thu hút khoảng 7 triệu lao động. Ngành ngân hàng và tài chính hoạt động khắp thế giới, đang tạo ra nguồn thu lớn và nhiều lợi thế cho kinh tế Hoa Kì.

Thông tin liên lạc của Hoa Kì rất hiện đại, các vệ tinh và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cung cấp dịch vụ viễn thông cho nhiều nước trên thế giới.

Ngành du lịch phát triển mạnh. Năm 2004 có 1,4 tỉ lượt khách đi du lịch trong nước và hơn 46 triệu lượt khách nước ngoài đến Hoa Kì. Doanh thu du lịch (từ khách quốc tế) năm 2004 là 74,5 tỉ USD.

2. Công nghiệp

Công nghiệp là ngành tạo nguồn hàng xuất khẩu chủ yếu của Hoa Kì. Tuy nhiên, tỉ trọng giá trị sản lượng công nghiệp trong GDP có xu hướng giảm : năm 1960 là 33,9%, năm 2004 là 19,7%.

Bảng 7.5. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp của Hoa Kì - năm 2004

Sản phẩm Sản lượng Xếp hạng trên thế giới
Than đá (triệu tấn) 1069 2
Dầu thô (triệu tấn) 437 3
Khí tự nhiên (tỉ m3) 531 2
Điện (tỉ kWh) 3979 1
Nhôm (triệu tấn) 2,5 4
Ô tô (triệu chiếc) 16,8 1

Sản xuất công nghiệp của Hoa Kì gồm ba nhóm ngành :

Công nghiệp khai khoáng đứng đầu thế giới về khai thác phốt phát, mô- lip-đen, thứ hai về vàng, bạc, đồng, chì, than đá và thứ ba về dầu mỏ.

Công nghiệp chế biến chiếm 84,2% giá trị hàng xuất khẩu và thu hút trên 40 triệu lao động (năm 2004). Các ngành công nghiệp chế biến quan trọng nhất là : hoá chất, chế tạo máy móc, điện tử viễn thông, chế biến thực phẩm, sản xuất phương tiện giao thông vận tải.

Công nghiệp điện lực gồm nhiệt điện, điện nguyên tử, thuỷ điện và cả điện địa nhiệt, điện mặt trời, điện từ gió...

Cơ cấu giá trị sản lượng giữa các ngành công nghiệp có sự thay đổi : giảm tỉ trọng của các ngành công nghiệp luyện kim, dệt, gia công đồ nhựa,... tăng tỉ trọng của các ngành công nghiệp hàng không - vũ trụ, điện tử...

Trước đây, sản xuất công nghiệp tập trung chủ yếu ở vùng Đông Bắc với các ngành công nghiệp truyền thống như : luyện kim, chế tạo ô tô, đóng tàu, hoá chất, dệt... Hiện nay, sản xuất công nghiệp mở rộng xuống vùng phía Nam và ven Thái Bình Dương, phát triển mạnh các ngành công nghiệp hiện đại như : hoá dầu, hàng không [vũ trụ, công nghệ thông tin, cơ khí, điện tử, viễn thông,...

3. Nông nghiệp

Hoa Kì có nền nông nghiệp đứng hàng đầu thế giới. Năm 2004, nông nghiệp tạo ra giá trị là 105 tỉ USD, chiếm 0,9% GDP.

Cơ cấu giá trị sản lượng nông nghiệp có sự chuyển dịch : giảm tỉ trọng hoạt động thuần nông và tăng tỉ trọng dịch vụ nông nghiệp.

Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp là trang trại, số lượng các trang trại có xu hướng giảm, nhưng diện tích bình quân mỗi trang trại lại tăng. Năm 1935 có 6,8 triệu trang trại với diện tích bình quân là 63 ha, năm 2000 chỉ còn hơn 2,1 triệu trang trại nhưng diện tích bình quân mỗi trang trại lại là 176 ha.

hinh-anh-bai-7-hop-chung-quoc-hoa-ki-3272-6

Hình 7.6. Sử dụng phương tiện hiện đại trong sản xuất nông nghiệp ở Hoa Kì

Bảng 7.6. Sản lượng một số nông sản của Hoa Kì - năm 2004

Sản phẩm Sản lượng Xếp hạng trên thế giới
Ngô (triệu tấn) 298 1
Lúa mì (triệu tấn) 58,7 3
Lúa gạo (triệu tấn) 10,0 11
Bông (triệu tấn) 4,5 2
Đường (triệu tấn) 7,7 4
Đàn bò (triệu con) 94,9 4
Đàn lợn (triệu con) 60,4 2

Dựa vào hình 7.7, hãy trình bày sự phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp chính của Hoa Kì.

Nền nông nghiệp hàng hoá được hình thành sớm và phát triển mạnh. Các khu vực chủ yếu sản xuất nông sản hàng hoá là : miền Nam (bông, mía, lúa gạo, thuốc lá, đỗ tương...), phía nam Ngũ Hồ (lúa mì, ngô, chăn nuôi bò, củ cải đường...).

Hoa Kì là nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Hằng năm, trung bình xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn lúa mì, 61 triệu tấn ngô, 17 đến 18 triệu tấn đỗ tương... Giá trị xuất khẩu nông sản năm 2004 đạt 61,4 tỉ USD. Ngoài ra, nông nghiệp còn cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến.

hinh-anh-bai-7-hop-chung-quoc-hoa-ki-3272-7

Hình 7.7. Phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp chính của Hoa Kì

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Dựa vào bảng 7.4, vẽ biểu đồ cột so sánh GDP của Hoa Kì với thế giới và một số châu lục.

2. Chứng minh nền công nghiệp Hoa Kì có quy mô lớn nhất thế giới.

3. Trình bày những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phân hoá lãnh thổ sản xuất nông nghiệp của Hoa Kì.

Tiết 4. Thực hành: Tìm hiểu sự phân hoá lãnh thổ sản xuất của Hoa Kì

1. Phân hoá lãnh thổ nông nghiệp

Lập bảng theo mẫu sau và điền vào bảng các loại nông sản chính:

Vùng Nông sản chính Cây lương thực Cây công nghiệp và cây ăn quả Gia súc
Phía Đông      
Trung tâm Các bang phía Bắc      
Các bang ở giữa      
Các bang phía Nam      
Phía Tây      

2. Phân hoá lãnh thổ công nghiệp

hinh-anh-bai-7-hop-chung-quoc-hoa-ki-3272-8

Hình 7.8. Các trung tâm công nghiệp chính của Hoa Kì

Lập bảng theo mẫu sau và điền vào bảng các ngành công nghiệp chính của Hoa Kì.

Các ngành công nghiệp chính Vùng Vùng Đông Bắc Vùng phía Nam Vùng phía Tây
Các ngành công nghiệp truyền thống      
Các ngành công nghiệp hiện đại      

 

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 7: Hợp Chủng Quốc Hoa Kì | Địa Lý 11 Nâng Cao | Phần B - Địa Lý Khu Vực Và Quốc Gia - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.