Bài 1: Gen, Mã Di Truyền Và Quá Trình Nhân Đôi Của ADN | Sinh Học 12 Nâng Cao | Phần 5 - Chương 1: Cơ Chế Di Truyền Và Biến Dị - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Sinh học 12 Nâng cao - Bài 1


I - KHÁI NIỆM VÀ CẤU TRÚC CỦA GEN

1. Khái niệm về gen

Gen là một đoạn của phân tử ADN mang thông tin mã hoá cho một sản phẩm xác định (sản phẩm đó có thể là chuỗi pôlipeptit hay ARN).

2. Cấu trúc của gen

a) Cấu trúc chung của gen cấu trúc

Mỗi gen mã hoá prôtêin điển hình gồm 3 vùng trình tự nuclêôtit (hình 1.1)

hinh-anh-bai-1-gen-ma-di-truyen-va-qua-trinh-nhan-doi-cua-adn-3149-0

Hình 1.1. Sơ đồ cấu trúc chung của gen
(1) Vùng điều hoà ; (2) Vùng mã hoá ; (3) Vùng kết thúc.

Vùng điều hoà nằm ở đầu 3' của mạch mã gốc của gen, mang tín hiệu khởi động và kiểm soát quá trình phiên mã. Vùng mã hoá mang thông tin mã hoá các axit amin. Vùng kết thúc nằm ở đầu 5' của mạch mã gốc của gen, mang tín hiệu kết thúc phiên mã.

b) Cấu trúc không phân mảnh và phân mảnh của gen

Các gen của sinh vật nhân sơ có vùng mã hoá liên tục được gọi là gen không phân mảnh.

Phần lớn các gen của sinh vật nhân thực có vùng mã hoá không liên tục, xen kẽ các đoạn mã hoá axit amin (exôn) là các đoạn không mã hoả axit amin (intron). Vì vậy, các gen này được gọi là gen phân mảnh.

3. Các loại gen

Gen có nhiều loại như gen cấu trúc, gen điều hoà...

Gen cấu trúc là gen mang thông tin mã hoá cho các sản phẩm tạo nên thành phần cấu trúc hay chức năng của tế bào.

Gen điều hoà là những gen tạo ra sản phẩm kiểm soát hoạt động của các gen khác.

II - MÃ DI TRUYỀN

Trong ADN chỉ có 4 loại nuclêôtit (A, T, G, X) nhưng trong prôtêin lại có khoảng 20 loại axit amin.

Nếu 1 nuclêôtit xác định một axit amin thì có 41 = 4 tổ hợp, chưa đủ để mã hoá cho 20 loại axit amin.

Nếu 2 nuclêôtit cùng loại hay khác loại xác định một axit amin thì có 42 = 16 tổ hợp, vẫn chưa đủ để mã hoá cho 20 loại axit amin.

Nếu 3 nuclêôtit cùng loại hay khác loại xác định một axit amin thì có 43 = 64 tổ hợp, thừa đủ để mã hoá cho 20 loại axit amin. Do vậy, mã di truyền là mã bộ ba.

Mã di truyền trong ADN được phiên mã sang mARN. Do đó, sự giải mã mARN cũng chính là giải mã ADN. Năm 1966, tất cả 64 bộ ba trên mARN (các côdon) tương ứng với 64 bộ ba (triplet) trên ADN mã hoá cho các axit amin đã được giải mã bằng thực nghiệm.

Đặc điểm của mã di truyền

- Mã di truyền là mã bộ ba, có nghĩa là cứ 3 nuclêôtit đứng kế tiếp nhau mã hoá một axit amin. Mã di truyền được đọc từ một điểm xác định và liên tục từng bộ ba nuclêôtit (không chồng gối lên nhau).

- Mã di truyền có tính đặc hiệu, tức là một bộ ba chỉ mã hoá cho một loại axit amin.

- Mã di truyền có tính thoái hoá (dư thừa), nghĩa là có nhiều bộ ba khác nhau có thể cùng mã hoá cho một loại axit amin trừ AUG và UGG.

- Mã di truyền có tính phổ biến, có nghĩa là tất cả các loài đều có chung một bộ mã di truyền, trừ một vài ngoại lệ.

- Trong số 64 bộ ba thì có 3 bộ ba không mã hoá axit amin. Ba bộ ba này là UAA, UAG, UGA và được gọi là các bộ ba kết thúc vì nó quy định tín hiệu kết thúc quả trình dịch mã. Bộ ba AUG là mã mở đầu khi có chức năng quy định điểm khởi đầu dịch mã và quy định axit amin mêtiônin ở sinh vật nhân thực (ở sinh vật nhân sơ là foocmin mêtiônin).

III - QUÁ TRÌNH NHÂN ĐÔI CỦA ADN

1. Nguyên tắc

ADN có khả năng nhân đôi (sao chép, tái bản) để tạo thành 2 phân tử ADN con giống nhau và giống phân tử ADN mẹ.

Quá trình nhân đôi ADN ở tế bào sinh vật nhân sơ, sinh vật nhân thực và ADN của virut (dạng sợi kép) đều theo nguyên tắc bổ sung và bán bảo tồn.

2. Quá trình nhân đôi ADN

a) Nhân đôi ADN ở sinh vật nhân sơ

Có thể hình dung sơ đồ quá trình nhân đôi ADN của sinh vật nhân sơ E.coli ở hình 1.2.

Khi bắt đầu nhân đôi, nhờ các enzim tháo xoắn, phân tử ADN được tách ra tạo chạc chữ Y, để lộ ra hai mạch đơn trong đó một mạch có đầu 3'-OH còn mạch kia có đầu 5'- P. Ngày nay, người ta đã biết có nhiều loại enzim tham gia nhân đôi ADN, trong đó enzim chính là ADN pôlimeraza. ADN pôlimeraza chỉ có thể bổ sung nuclêôtit vào nhóm 3'-OH, do vậy khi nhân đôi, một mạch mới bổ sung dựa vào mạch khuôn có đầu 3'-OH thì được tổng hợp liên tục. Mạch bổ sung thứ hai được tổng hợp từng đoạn ngắn ngược với chiều phát triển của chạc chữ Y, sau đó các đoạn này được nối lại với nhau nhờ enzim nối ligaza, tạo thành mạch mới bổ sung hoàn chỉnh. Các đoạn này gọi là đoạn Okazaki. Các đoạn Okazaki ở tế bào vi khuẩn dài 1000-2000 nuclêôtit.

hinh-anh-bai-1-gen-ma-di-truyen-va-qua-trinh-nhan-doi-cua-adn-3149-1

Hình 1.2. Sơ đồ quá trình nhân đôi của ADN ở E. coli

Quan sát hình 1.2, hãy cho biết :

- Các enzim và thành phần tham gia quá trình nhân đôi ADN.

- Chức năng của mỗi enzim tham gia quá trình nhân đôi ADN.

- Chiều tổng hợp của các đoạn Okazaki và chiều của mạch mới được tổng hợp liên tục.

b) Nhân đôi ADN ở sinh vật nhân thực

Sự nhân đôi ADN ở sinh vật nhân thực có cơ chế giống với sự nhân đôi ADN ở sinh vật nhân sơ. Tuy nhiên, tế bào sinh vật nhân thực có nhiều phân tử ADN kích thước lớn. Sự nhân đôi ADN xảy ra ở nhiều điểm trong mỗi phân tử ADN tạo ra nhiều đơn vị nhân đôi (tái bản) và do nhiều loại enzim tham gia. Mỗi đơn vị nhân đôi gồm 2 chạc hình chữ Y, mỗi chạc có 2 mạch, phát sinh từ một điểm khởi đầu và được nhân đôi đồng thời. Sự nhân đôi của các phân tử ADN xảy ra ở kì trung gian (kì này kéo dài 6-10 giờ).

• Gen là một đoạn của phân tử ADN mang thông tin mã hoá cho một sản phẩm nhất định. Gen cấu trúc có 3 vùng, vùng mã hoá có thể phân mảnh hoặc không phân mảnh. Gen có nhiều loại như : gen cấu trúc mã hoá cho tổng hợp prôtêin, gen điều hoà tạo ra sản phẩm kiểm soát hoạt động của các gen khác.

• Mã di truyền là mã bộ ba, được đọc liên tục bắt đầu từ một điểm xác định theo từng cụm gồm ba nuclêôtit. Mã di truyền có tính đặc hiệu, tính thoái hoá và tính phổ biến.

• ADN được nhân đôi theo nguyên tắc bổ sung và nguyên tắc bán bảo tồn. Nhờ đó, hai phân tử ADN con được tạo ra hoàn toàn giống nhau và giống với phân tử ADN mẹ.

Câu hỏi và bài tập

1. Gen là gì ? Gen có cấu trúc như thế nào ? Có bao nhiêu loại gen ? Cho ví dụ một số loại gen đó.

2. Nêu các đặc điểm của mã di truyền.

3. Thế nào là nhân đôi ADN theo nguyên tắc bổ sung và bán bảo tồn ? Đoạn Okazaki là gì ?

4. Nêu những điểm giống và khác nhau giữa nhân đôi ADN ở sinh vật nhân sơ (E. coli) với nhân đôi ADN ở sinh vật nhân thực.

5. Hãy chọn phương án trả lời đúng. Sự nhân đôi ADN ở sinh vật nhân thực có sự khác biệt với sự nhân đôi của ADN ở E. coli về :

1. chiều tổng hợp ; 2. các enzim tham gia ; 3. thành phần tham gia ; 4. số lượng các đơn vị nhân đôi ; 5. nguyên tắc nhân đôi.

Tổ hợp đúng là

A. 1, 2.

B. 2, 3.

C. 2, 4.

D. 3, 5.

6. Hãy chọn phương án trả lời đúng. Mã di truyền mang tính thoái hoá nghĩa là

A. một bộ ba mã hoá một axit amin.

B. một axit amin có thể được mã hoá bởi hai hay nhiều bộ ba.

C. có một số bộ ba không mã hoá axit amin.

D. có một bộ ba khởi đầu.

Em có biết

BẢNG MÃ DI TRUYỀN

hinh-anh-bai-1-gen-ma-di-truyen-va-qua-trinh-nhan-doi-cua-adn-3149-2

(Gly : Glixin, Ala : Alanin, Val : Valin, Ile : Izôlơxin, Leu : Loxin,

Ser : Xêrin, Thr : Thrêônin, Asp : axit aspactic, Glu : axit glutamic, Lys : Lizin, Arg : Acginin,

Asn : Asparagin, Gln : Glutamin, Cys : Xistêin, Met : Mêtiônin, Trp: Triptôphan,

Phe : Phêninalanin, His : Histidin, Pro : Prôlin, Tyr : Tirôzin, MĐ : mã mở đầu,

KT : mã kết thúc).

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 1: Gen, Mã Di Truyền Và Quá Trình Nhân Đôi Của ADN | Sinh Học 12 Nâng Cao | Phần 5 - Chương 1: Cơ Chế Di Truyền Và Biến Dị - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Sinh Học 12 Nâng Cao

  1. Phần 5 - Chương 1: Cơ Chế Di Truyền Và Biến Dị
  2. Phần 5 - Chương 2: Tính Quy Luật Của Hiện Tượng Di Truyền
  3. Phần 5 - Chương 3: Di Truyền Học Quần Thể
  4. Phần 5 - Chương 4: Ứng Dụng Di Truyền Học
  5. Phần 5 - Chương 5: Di Truyền Học Người
  6. Phần 6 - Chương 1: Bằng Chứng Tiến Hóa
  7. Phần 6 - Chương 2: Nguyên Nhân Và Cơ Chế Tiến Hóa
  8. Phần 6 - Chương 3: Sự Phát Sinh Và Phát Triển Sự Sống Trên Trái Đất
  9. Phần 7 - Chương 1: Cơ Thể Và Môi Trường
  10. Phần 7 - Chương 2: Quần Thể Sinh Vật
  11. Phần 7 - Chương 3: Quần Xã Sinh Vật
  12. Phần 7 - Chương 4: Hệ Sinh Thái, Sinh Quyển Và Sinh Thái Học Với Quản Lí Tài Nguyên Thiên Nhiên

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.