Nội Dung Chính
I - CÁC DẠNG TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN VÀ SỰ KHAI THÁC CỦA CON NGƯỜI
Tài nguyên thiên nhiên được chia thành 3 nhóm lớn : tài nguyên vĩnh cửu (năng lượng mặt trời, địa nhiệt, thuỷ triều, gió...), tài nguyên tái sinh (đất, nước, sinh vật...) và tài nguyên không tái sinh (khoáng sản và phi khoáng sản).
Con người ngay từ khi mới ra đời đã biết khai thác tất cả các dạng tài nguyên. Chỉ hơn hai thế kỉ qua, tốc độ khai thác và sự can thiệp của con người vào thiên nhiên ngày một gia tăng, làm cho thiên nhiên biến đổi sâu sắc.
1. Sự suy thoái các dạng tài nguyên
Con người đã khai thác quá nhiều các dạng tài nguyên không tái sinh (sắt, nhôm, đồng, chì, than đá, dầu mỏ, khí đốt...) cho phát triển kinh tế. Trữ lượng của nhiều khoáng sản quý đang giảm đi nhanh chóng, một số kim loại với trữ lượng thấp có nguy cơ cạn kiệt hoàn toàn.
Các dạng tài nguyên tái sinh như đất không ô nhiễm, rừng đang bị giảm sút và suy thoái nghiêm trọng. Đất trống đồi trọc và nạn hoang mạc hoa ngày một mở rộng trên nhiều vùng do chặt phá rừng, chăn thả gia súc quá mức, tưới tiêu không hợp lí và do quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Ngay ở nước ta, độ che phủ của rừng có thời kì xuống đến 28%, dưới mức báo động. Hiện tại, nhờ khôi phục lại rừng, con số đó đã tăng trên 30%, nhưng rừng nguyên sinh chỉ còn 7% diện tích.
Nước ngọt trên hành tinh cũng không còn là tài nguyên vô tận do sử dụng lãng phí và bị ô nhiễm bởi các hoạt động của con người.
Hình 64. Nạn khai thác gỗ và động vật hoang dã trái phép đã bị kiểm lâm phát hiện và thu giữ
Trên lãnh thổ nước ta có những vùng nào và những khoảng thời gian nào nhiều nước và khan hiếm nước ?
Khai thác thuỷ hải sản đã vượt quá mức cho phép, nhiều loài bị tiêu diệt hoặc bị suy giảm. Biển ven bờ nước ta cũng rơi vào tình trạng suy kiệt. Nhiều loài đặc sản không còn cho sản lượng khai thác như : cá mòi cờ, cá cháy, trai ngọc, bào ngư, đồi mồi, vẹm vỏ xanh...
Đa dạng sinh học bị tổn thất ngày một lớn. Đến nay, khoa học mới mô tả được khoảng 2% số loài sinh vật từng có mặt trên Trái Đất, nhưng hàng nghìn loài, kể cả những loài mà khoa học chưa biết đến đã bị tiêu diệt hoặc đang rơi vào cảnh suy thoái. Nếu tốc độ thất thoát đa dạng sinh học vẫn không được ngăn chặn thì 25% tổng số loài hiện nay trên thế giới sẽ bị tiêu diệt vào năm 2050.
2. Ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm không khí do hoạt động của con người thải vào khí quyển quá nhiều khí thải công nghiệp, nhất là CO2, trong khi diện tích rừng và các rạn san hô - nơi thu hồi phần lớn lượng CO2, ngày một thu hẹp. Hậu quả của ô nhiễm không khí là làm tăng hiệu ứng nhà kính, làm cho tầng ôzôn bị thủng, gây ra mưa axit, khói mù quang hoả, ảnh hưởng lớn đến khí hậu, thời tiết, năng suất vật nuôi, cây trồng và sức khoẻ của con người.
Môi trường đất và nước còn như một "thùng rác" khổng lồ chứa tất cả các chất thải lỏng và rắn, nhiều mầm bệnh và các chất phóng xạ từ mọi nguồn.
3. Con người làm suy giảm chính cuộc sống của mình
Chất lượng cuộc sống của con người rất chênh lệch ở các nước khác nhau. Hiện tại, dân số thuộc các nước phát triển sống sung túc, trong khi 3/4 dân số nhân loại tập trung ở các nước đang phát triển còn phải sống quá khó khăn với gần 1 tỉ người không đủ ăn, 1,4 triệu người thiếu nước sinh hoạt, gần 100 triệu người bị bệnh sốt rét, hàng trăm triệu người nhiễm HIV-AIDS. Sức tiêu thụ của con người ngày một lớn, trong khi khả năng đồng hoá của môi trường lại rất hạn chế. Sự phát triển của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hoả và nông nghiệp hoá đã và đang để lại cho môi trường nhiều chất thải độc hại như : các kim loại nặng, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, các chất phóng xạ... gây cho loài người nhiều bệnh nan y.
II - VẤN ĐỀ QUẢN LÍ TÀI NGUYÊN CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Thực tế đang tồn tại mâu thuẫn : muốn nâng cao đời sống, con người phải khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế, nhưng điều đó lại gây nên sự suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến đời sống. Trước thực trạng đó, con người phải biết quản lí, khai thác tài nguyên một cách hợp lí, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ sự trong sạch của môi trường. Trước hết, con người phải tự nâng cao nhận thức và sự hiểu biết, thay đổi hành vi đối xử với thiên nhiên. Đó chính là nội dung cơ bản của chiến lược phát triển bền vững.
Phát triển bền vững là khái niệm mới được ra đời chính thức từ Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường họp ở Rio de Janeiro (Braxin) vào năm 1992 và có nội dung hoàn toàn khác với khái niệm "phát triển kinh điển". Phát triển bền vững là "sự phát triển nhằm thoả mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không ảnh hưởng đến khả năng thoả mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai".
Các giải pháp chính của phát triển bền vững là :
- Giảm đến mức thấp nhất sự khánh kiệt tài nguyên không tái sinh trên cơ sở tiết kiệm, sử dụng lại và tái chế các nguyên vật liệu ; khai thác và sử dụng hợp lí các dạng tài nguyên có khả năng tái sinh (đất, nước và sinh vật).
- Bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm bảo vệ các loài, các nguồn gen và các hệ sinh thải, nhất là những hệ có sức sản xuất cao mà con người đang sống dựa vào và những hệ sinh thái nhạy cảm với tác động của các nhân tố môi trường.
- Bảo vệ sự trong sạch của môi trường đất, nước và không khí.
- Kiểm soát được sự gia tăng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho con người, trong đó con người phải được sống bình đẳng với nhau về quyền lợi và nghĩa vụ, đồng thời con người sống hài hoà với thế giới tự nhiên.
• Tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng. Trong khai thác, con người đã làm khánh kiệt dần các tài nguyên không tái sinh, làm giảm đa dạng sinh học và làm suy thoái nghiêm trọng các dạng tài nguyên có khả năng phục hồi. • Môi trường đất, nước và không khí ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Chất lượng cuộc sống của con người cũng bị xuống cấp. • Để phát triển một nền kinh tế - xã hội bền vững, con người buộc phải thay đổi cả về nhận thức và hành động, trước hết là giảm tốc độ gia tăng dân số, sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái sinh, bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác hợp lí tài nguyên tái sinh và bảo vệ sự trong sạch của môi trường. |
Câu hỏi và bài tập
1. Hãy phân biệt các dạng tài nguyên tái sinh và không tái sinh.
2. Tài nguyên tái sinh chỉ vô tận trong điều kiện nào ?
3. Sự suy giảm diện tích rừng đưa đến những hậu quả sinh thái to lớn nào ?
4. Ô nhiễm không khí gây ra những hậu quả to lớn nào ?
5. Những giải pháp chủ yếu nào mà con người cần phải thực hiện cho sự phát triển bền vững ?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn