Nội Dung Chính
I - Ý nghĩa của việc tránh thai
- Hãy phân tích ý nghĩa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch trong kế hoạch hoá gia đình.
- Thực hiện cuộc vận động đó bằng cách nào?
- Cuộc vận động đó có ý nghĩa gì? Cho biết lí do.
- Điều gì sẽ xảy ra nếu có thai ở tuổi con đang đi học?
II - Những nguy cơ khi có thai ở tuổi vị thành niên
Ở nữ, có kinh lần đầu chứng tỏ đã có khả năng có thai, nếu không biết giữ gìn thì có thể mang thai ngoài ý muốn. Mang thai ở tuổi còn quá trẻ là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tử vong vì:
- Tỉ lệ sẩy thai, đẻ non cao do tử cung chưa phát triển đầy đủ để mang thai đến đủ tháng và thường sót rau, băng huyết, nhiễm khuẩn.
- Nếu sinh con thì con sinh ra thường nhẹ cân. Tỉ lệ tử vong cao.
Chưa kể mang thai và sinh con ở tuổi này sẽ ảnh hưởng đến học tập, đến vị thế xã hội, đến công tác sau này.
Nếu đã lỡ mang thai mà không muốn sinh thì phải giải quyết sớm ở những nơi có cơ sở, trang thiết bị tốt, cán bộ có chuyên môn vững vàng. Tốt nhất là phải thăm khám để quyết định sớm.
Thai dưới 6 tuần tuổi có thể hút điều hoà kinh nguyệt. Càng để chậm, thai càng to, nguy cơ rạn nứt tử cung càng cao.
Thai lớn, nhau thai bám chắc vào thành tử cung nên nạo thường gây sót rau hoặc thủng tử cung.
Hậu quả của việc nong nạo có thể dẫn tới: dính buồng tử cung, tắc vòi trứng gây vô sinh hoặc chữa ngoài dạ con; tổn thương thành tử cung có thể để lại sẹo. Sẹo trên thành tử cung thường là nguyên nhân gây vỡ tử cung khi chuyển dạ ở lần sinh sau.
Cần phải làm gì để tránh mang thai ngoài ý muốn hoặc tránh phải nạo phá thai ở tuổi vị thành niên?
III - Cơ sở khoa học của các biện pháp tránh thai
- Dựa vào những điều kiện cần cho sự thụ tinh có thể xảy ra và trứng đã được thụ tinh có thể phát triển thành thai, hãy thử nêu lên những nguyên tắc cần thực hiện để có thể tránh thai.
- Thực hiện mỗi nguyên tắc có thể có những biện pháp nào? Nêu rõ ưu, nhược điểm của mỗi biện pháp mà em từng nghe nói.
- Không đẻ sớm (đặc biệt ở tuổi vị thành niên) - Không đẻ dày, đẻ nhiều - Muốn tránh thai cần nắm vững các nguyên tắc: + Ngăn trứng chín và rụng + Tránh không để tinh trùng gặp trứng + Chống sự làm tổ của trứng đã thụ tinh. |
Câu hỏi và bài tập
1. Nêu rõ những ảnh hưởng của có thai sớm, ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên. Phải làm gì để điều đó không xảy ra?
2. Những hậu quả có thể xảy ra khi phải xử lí đối với việc mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên là gì? Làm thế nào để tránh được?
3. Hãy liệt kê các phương tiện sử dụng để tránh thai theo bảng 63.
Bảng 63. Các phương tiện sử dụng để tránh thai
Cách ngăn có thai | Phương tiện sử dụng | Có ưu, nhược điểm gì? (nếu em biết) |
Ngăn không cho trứng chín và rụng | ||
Ngăn trứng thụ tinh | ||
Ngăn sự làm tổ của trứng (đã thụ tinh) |
Em có biết?
1. Vị thành niên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là nhóm người trong lứa tuổi 10-19 tuổi.
- Vị thành niên có tỉ lệ khá lớn trong dân số thế giới, trong đó có tới 500 triệu vị thành niên tuổi từ 15 - 19, phần lớn đã hoạt động tình dục.
- Ở nước ta 50% dân số dưới 20 tuổi thì 20% có độ tuổi 10-19, tức là khoảng 15 triệu người.
- Theo thống kê chính thức năm 1995 cả nước ta có chừng 1,5 triệu ca nạo hút thai thì số vị thành niên trong đó chiếm tới 1/5 tổng số.
- Trong tổng kết toàn cầu, trong số tử vong do thai sản thì 15% là nạo phá thai.
- Số nạo phá thai bị nhiễm trùng ở độ tuổi 15-19 ước tính khoảng 5 triệu trong tổng số 50 triệu ca phá thai hàng năm.
- Khoảng 20 - 60% (tuỳ nước) những người sinh con dưới 20 tuổi là ngoài ý muốn.
2. Viên tránh thai có tác dụng như hoocmôn của thể vàng (prôgestêrôn) ngăn chặn tuyến yên tiết các hoocmôn thúc đẩy trứng chín và rụng, nên khi dùng thuốc trứng không rụng, đồng thời có cả tác dụng như hoocmôn buồng trứng (ơstrôgen) làm cho lớp niêm mạc tử cung dày, xốp. Do đó vẫn hành kinh bình thường (khi chuyển sang các viên thuốc bổ mà không có hoocmôn thể vàng nên lớp niêm mạc bị bong ra).
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn