Kiểm Tra Tổng Hợp Cuối Học Kì I | Ngữ Văn 12 - Tập Một | Tuần 18 - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 - Tập 1 - Tuần 18


I – HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Những nội dung cần chú ý

a) Về Văn học

– Những đặc trưng cơ bản và các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến hết thế kỉ XX.

– Giá trị nội dung và nghệ thuật của một số tác phẩm, đoạn trích được học trong học kì I : Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh), Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng), Tây Tiến (Quang Dũng), Việt Bắc (Tố Hữu), Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm), Sóng (Xuân Quỳnh), Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo), Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân), Ai đã đặt tên cho dòng sông ? (Hoàng Phủ Ngọc Tường),...

– Quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học, bản chất và những biểu hiện của phong cách văn học.

b) Về Tiếng Việt

– Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, các loại văn bản khoa học và đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học, luật thơ.

– Thực hành một số phép tu từ về ngữ âm và cú pháp.

c) Về Làm văn

– Thực hành vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt, các thao tác lập luận trong bài văn nghị luận.

– Luyện tập diễn đạt và chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận.

– Cách làm các kiểu bài nghị luận về : một tư tưởng, đạo lí ; một hiện tượng đời sống; một ý kiến bàn về văn học ; một bài thơ, đoạn thơ.

2. Cách ôn tập và làm bài kiểm tra

a) Cách ôn tập

– Đọc lại các văn bản văn học, vở ghi và hệ thống hoá các kiến thức đã học ; học thuộc lòng các đoạn văn và khổ thơ hay.

– Nắm chắc lí thuyết về phong cách ngôn ngữ khoa học, về yêu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và luật thơ.

– Chú trọng thực hành, luyện tập (xem lại các bài tập trong cả ba phần : Văn học, Tiếng Việt và Làm văn).

– Chú ý nắm được cách làm bài kiểm tra tổng hợp, ôn lại cách làm bài kiểm tra tổng hợp cuối lớp 11.

b) Cách làm bài

– Bài kiểm tra gồm hai phần : trắc nghiệm khách quan và tự luận. Tỉ lệ điểm đánh giá giữa hai phần này là 3/7. Bởi vậy, cần bố trí thời gian hợp lí cho từng phần. Cố gắng làm nhanh phần trắc nghiệm khách quan (khoảng 15 đến 20 phút).

– Khi làm bài trắc nghiệm khách quan, nên cân nhắc nhanh nhưng thận trọng để tìm một phương án đúng trong bốn phương án đưa ra.

– Cách làm phần tự luận giống như cách viết các bài làm văn định kì. Càn chú ý nắm chắc yêu cầu của đề bài, lập dàn ý đại cương trước khi viết và kiểm tra, sửa chữa bài viết cẩn thận trước khi nộp bài.

II – GỢI Ý ĐỀ BÀI

(Thời gian làm bài 90 phút, không kể thời gian giao đề)

Phần trắc nghiệm (3 điểm)

1. Đặc điểm nào sau đây không phải là đặc điểm của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 ?

A – Nền văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hoá, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước

B – Nền văn học luôn hướng về đại chúng

C – Nền văn học có nhịp độ phát triển hết sức mau lẹ

D – Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn

2. Nhận định nào dưới đây khái quát đúng và đầy đủ giá trị bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ?

A – Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá, một áng văn chính luận mẫu mực.

B – Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá, một bản án chế độ thực dân Pháp.

C – Tuyên ngôn Độc lập là một mẫu mực về nghệ thuật lập luận, một bản án chế độ thực dân Pháp.

D – Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận xuất sắc, một mẫu mực về nghệ thuật lập luận.

3. Chủ đề bài Tây Tiến của Quang Dũng là gì ?

A – Cảm hứng lãng mạn và bi tráng về người lính Tây Tiến

B – Cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội mà mĩ lệ

C – Cuộc chiến đấu đầy cam go, gian khổ và vô cùng anh dũng của các chiến sĩ Tây Tiến

D – Tình yêu thiên nhiên, quan hệ gắn bó giữa người lính Tây Tiến với nhân dân

4. Chủ đề bài Việt Bắc của Tố Hữu là gì ?

A – Thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp của núi rừng Việt Bắc

B – Khúc tình ca về cách mạng và con người kháng chiến

C – Khúc hùng ca và tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến

D – Tình cảm gắn bó keo sơn giữa các chiến sĩ cách mạng với đồng bào Việt Bắc, giữa quần chúng với lãnh tụ

5. “Hồ Chí Minh coi văn chương trước hết là vũ khí chiến đấu, là một hành vi chính trị, xã hội, có đối tượng và mục đích rõ ràng. Khi viết, nhà văn phải tự hỏi viết về ai, viết để làm gì, sau đó mới quyết định viết cái gì và viết như thế nào.”

       Đoạn văn trên đây nói về [...] của Hồ Chí Minh.

Chọn cụm từ phù hợp nhất dưới đây điền vào chỗ trống trong câu in nghiêng trên.

A – Mục đích sáng tác

B – Quan điểm sáng tác

C – Phương pháp sáng tác

D – Nội dung sáng tác

6. Nhận định dưới đây nói về nhà thơ nào ?

“Các chặng đường thơ của ông luôn gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng của dân tộc. Những tư tưởng, tình cảm lớn của con người, những vấn đề lớn lao của đời sống đã được ông thể hiện qua giọng thơ mang tính chất tâm tình rất tự nhiên, đằm thắm, chân thành”.

A – Hồ Chí Minh

B – Tố Hữu

C – Nguyễn Đình Thi

D – Chế Lan Viên

7. Đọc đoạn văn sau và cho biết trường hợp nào chỉ bao gồm các thuật ngữ khoa học ?

“Nói một cách tổng quát, ngữ nghĩa học hiện đại nghiên cứu không chỉ những ý nghĩa hiển ngôn mà cả những ý nghĩa hàm ẩn, nghiên cứu ý nghĩa không chỉ của các đơn vị có đoạn tính, mà cả của các yếu tố không có đoạn tính, nghiên cứu ý nghĩa không chỉ của các đơn vị lập thành hệ thống mà cả của các hành vi sử dụng chúng, của những quan hệ giữa các đơn vị hệ thống với hoàn cảnh giao tiếp”. (Đỗ Hữu Châu, Cơ sở ngũ nghĩa học từ vựng)

A – Tổng quát, ngữ nghĩa học, hiện đại, hiển ngôn, hàm ẩn, đơn vị đoạn tính, ý nghĩa, hoàn cảnh giao tiếp

B – Ngữ nghĩa học, hiển ngôn, hàm ẩn, đơn vị có đoạn tính, yếu tố không có đoạn tính, đơn vị hệ thống, hoàn cảnh giao tiếp

C – Ngữ nghĩa học, nghiên cứu, ý nghĩa, hệ thống, đơn vị, quan hệ, sử dụng, hoàn cảnh giao tiếp

D – Tổng quát, hiện đại, nghiên cứu, hệ thống, hiển ngôn, hàm ngôn, hoàn cảnh giao tiếp

8. Đặc điểm nào sau đây không phải là đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học ?

A – Tính khái quát, trừu tượng

B – Tính truyền cảm, thuyết phục

C − Tính lí trí, lôgíc

D − Tính khách quan, phi cá thể

9. Khổ thơ sau đây không sử dụng phép tu từ ngữ âm nào ?

             Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
             Heo hút cồn mây súng ngửi trời
             Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
             Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

(Quang Dũng, Tây Tiến)

A – Thay đổi nhịp điệu các dòng thơ

B – Phối ứng thanh điệu

C – Điệp khúc

D – Điệp phụ âm đầu và vần

10. Đề tài nào sau đây không thuộc đối tượng nghị luận ở Trung học phổ thông?

A – Một hiện tượng đời sống

B – Một phát minh, một công trình khoa học

C – Một tư tưởng, đạo lí

D – Một ý kiến bàn về văn học

11. Nếu những thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn văn sau.

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa...”. Nguyễn Du, Bạch Cư Dị so tiếng đàn với tiếng suối. Thế Lữ lại so sánh tiếng hát trong với nước ngọc tuyền. Những người này không miêu tả trực tiếp tiếng suối. Chỉ có Nguyễn Trãi cho tiếng suối là tiếng đàn cầm. Có lẽ đó là hình ảnh gần nhất với hình ảnh trong câu thơ này. Có thể chẳng phải ngẫu nhiên. Nguyễn Trãi sành âm nhạc. Bác Hồ cũng thích âm nhạc. Tiếng hát của một danh ca Pháp từng thích nghe thời trẻ, đến tuổi bảy mươi Bác còn nhờ chị Ma-đơ-len Ríp-phô tìm lại hộ. Tiếng suối ngàn của đất nước hay đó là tiếng hát của trái tim người nghệ sĩ yêu đời ?

(Theo Lê Trí Viễn, trong Làm văn 12, NXB Giáo dục, 2000)

A – Bác bỏ và bình luận

B – Phân tích và bác bỏ

C – So sánh kết hợp với phân tích và bác bỏ

D – So sánh kết hợp với bình luận

12. Lập luận dưới đây mắc lỗi nào ?

Sách [...] thật là vừa hay lại vừa lành : hay vì nó không đến nỗi vô vị vô duyên, lành vì nó không có ảnh hưởng xấu đến tinh thần người đọc.

A – Không đủ lí do

B – Mâu thuẫn

C – Không nhất quán

D − Không có luận cứ

Phần tự luận (7 điểm – chọn một trong hai đề)

Đề 1

1. Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (2 điểm)

2. Phân tích nghệ thuật lập luận trong tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (5 điểm)

Đề 2

1. Giới thiệu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. (2 điểm)

2. Đồng cảm và sẻ chia trong xã hội ta ngày nay. (5 điểm)

Tin tức mới


Đánh giá

Kiểm Tra Tổng Hợp Cuối Học Kì I | Ngữ Văn 12 - Tập Một | Tuần 18 - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 - Tập Một

  1. Tuần 1
  2. Tuần 2
  3. Tuần 3
  4. Tuần 4
  5. Tuần 5
  6. Tuần 6
  7. Tuần 7
  8. Tuần 8
  9. Tuần 9
  10. Tuần 10
  11. Tuần 11
  12. Tuần 12
  13. Tuần 13
  14. Tuần 14
  15. Tuần 15
  16. Tuần 16
  17. Tuần 17
  18. Tuần 18

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.