II - TRÁCH NHIỆM GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam, trong đó có tầng lớp học sinh, sinh viên - những người thường xuyên sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp xã hội, trong học tập, nghiên cứu và trong các hoạt động nghề nghiệp sau này. Công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đòi hỏi mọi người phải có người phải có những nỗ lực về các phương diện : tình cảm, nhận thức, hành động.
1. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trước hết đòi hỏi phải có tình cảm yêu mến và ý thức quý trọng tiếng Việt. Mỗi người cần thấm nhuần sâu sắc nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh : "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp".
Mỗi âm thanh, mỗi từ ngữ, mỗi quy tắc trong tiếng Việt,... đều là di sản quý báu mà bao đời cha ông ta đã để lại. Di sản đó giúp cho mỗi người chúng ta có hiểu biết, có nhân cách, đồng thời nuôi dưỡng cho cả dân tộc trường tồn và phát triển. Cho nên muốn giữ gìn được phẩm chất trong sáng của di sản quý báu đó, cần có một tình yêu sâu sắc, lớn lao đối với di sản.
2. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng đòi hỏi mỗi người cần có những hiểu biết cần thiết về tiếng Việt. Đó là những hiểu biết về chuẩn mực và quy tắc của tiếng Việt ở các phương diện phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, tạo lập văn bản, tiến hành giao tiếp,... Các chuẩn mực và quy tắc đó, như đã biết, thể hiện sự trong sáng của tiếng Việt và là cơ sở để xác định phẩm chất trong sáng của lời nói.
Muốn có hiểu biết, cần tích lũy kinh nghiệm từ thực tế giao tiếp, từ sự trau dồi vốn ngôn ngữ qua sách báo hoặc qua việc học tập ở nhà trường. Câu châm ngôn "Học ăn, học nói, học gói, học mở" cho thấy tầm quan trọng của việc "học nói". Có thể tìm hiểu và học hỏi tiếng Việt ở mọi nơi, mọi lúc mà tiếng Việt được sử dụng. Trước một cách nói mới như "bệnh viện máy tính" (chỉ nơi xem xét và sửa chữa máy vi tính), có thể nhận thấy từ "bệnh viện" đã có một nghĩa mới do sự chuyển nghĩa theo quy tắc chung là ẩn dụ. Cách nói đó vừa mới, vừa thú vị mà vẫn trong sáng do tuân thủ quy tắc sử dụng trong tiếng Việt.
3. Công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đòi hỏi trách nhiệm cao của mỗi người trong chính hoạt động sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp (nói hoặc viết). Hoạt động sử dụng tiếng Việt yêu cầu tuân thủ đúng các chuẩn mực và quy tắc ngôn ngữ (tiếng Việt). Nói, viết đúng chuẩn mực, quy tắc là điều đầu tiên đảm bảo cho sự trong sáng. Nhưng cách nói "hơi bị đẹp" hoặc viết "vá 9" (thể hiện cách vá săm xe có dùng lửa : vá chín),... trong giao tiếp hiện nay chỉ là những cách nói vui nhộn hoặc viết tắt ko đúng chuẩn mực và không thể coi là trong sáng. Chỉ có những sự sử dụng mới, sáng tạo riêng nhưng tuân theo quy tắc chung mới đảm bảo yêu cầu trong sáng (như từ "bệnh viện" trong "bệnh viện máy tính" đã dẫn ở trên).
Sự trong sáng của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng, như đã nói, không cho phép pha tạp, lai căng, tuy vẫn cần tiếp nhận những yếu tố tích cực của tiếng nước ngoài. Đồng thời cũng cần tránh những cách nói thô tục, kệch cỡm, để cho lời nói đạt mức độ "lời hay, ý đẹp" và có văn hóa.
GHI NHỚ
Muốn đạt được sự trong sáng khi sử dụng tiếng Việt, mỗi cá nhân cần có tình cảm quý trọng, có hiểu biết về tiếng Việt, có ý thức và thói quen sử dụng tiếng Việt theo các chuẩn mực, các quy tắc chung, sao cho lời nói vừa đúng, vừa hay, vừa có văn hóa.
LUYỆN TẬP
1. Chọn câu văn trong sáng trong những câu văn sau và phân tích sự trong sáng đó.
- Muốn xóa bỏ sự cách biệt giữ thành thị và nông thôn, đòi hỏi chúng ta phải có những kế hoạch cụ thể.
- Muốn xóa bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, chúng ta phải có những kế hoạch cụ thể.
- Việc xóa bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn đòi hỏi chúng ta phải có những kế hoạch cụ thể.
- Chúng ta phải có những kế hoạch cụ thể để xóa bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn.
2. Hãy đọc lời quảng cáo sau đây và cho biết từ nước ngoài nào không cần thiết sử dụng vì đã có từ tiếng Việt có ý nghĩa và sắc thái biểu cảm thích hợp với nội dung cần biểu đạt.
Bạn chờ đợi gì trong ngày lễ Tình Nhân - một ngày hạnh phúc của những đôi lứa yêu nhau và luôn mong muốn mang đến cho nhau những gì ngọt ngào nhất ?
Ca sĩ V tiết lộ : "Tôi là con người dễ thương và lãng mạn, hiện tại tôi cũng yêu như thế". Vậy lãng mạn trong ngày Valentine của chàng hoàng tử này sẽ như thế nào ?
Còn nữ ca sĩ T vẫn luôn mở về một chàng "bạch mã hoàng tử", vậy nàng mong chờ chàng hoàng tử của mình sẽ ra sao trong ngày Tình yêu ?
ĐỌC THÊM
PHẢI GIỮ GÌN, QUÝ TRỌNG TIẾNG NÓI DÂN TỘC (trích)
Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. [...]
Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này : Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi :
Viết cho ai xem ?
Viết để làm gì ?
Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc ?
Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm.
(Hồ Chí Minh, trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt,
NXB Giáo dục, 1980)
GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT (trích)
"Trong" có nghĩa là trong trẻo, không có chất tạp, không đục ; "sáng" là sáng tỏ, sáng chiếu, sáng chói, nó phát huy cái trong, nhờ đó phản ánh được tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam ta, diễn tả trung thành và sáng tỏ những điều chúng ta muốn nói. [...]
Phải làm gì để giữ gìn sự trong sáng của tiếng ta, giữ gìn hai đức tính rất quý của nó là giàu và đẹp, hơn thế nữa, làm sao cho nó càng thêm giàu và đẹp. Và phải chủ động, tích cực, nhạy cảm, đồng thời phải kiên trì, phấn đấu lâu dài, một cách có tổ chức, có kế hoạch, vững chắc.
Ở đây phải chú ý ba khâu :
Một là giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta (tôi không muốn dùng chữ "từ vựng").
Hai là nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta (tôi muốn thay chữ "ngữ pháp").
Ba là giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kĩ thuật,...).
(Phạm Văn Đồng, trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Sđd)
SÁNG NGHĨA, TRONG LỜI
Sự trong sáng của ngôn ngữ là kết quả của một cuộc phấn đấu. Trong và sáng dính liền nhau. Tuy nhiên, cũng có thể phân tích ra để cho được rõ nghĩa hơn nữa. Theo tôi nghĩ, sáng là sáng sủa, dễ hiểu, khái niệm được rõ ràng ; cũng được minh bạch. Tuy nhiên, nhất là trong thơ, có rất nhiều trường hợp ý nghĩa sáng rồi, dễ hiểu rồi, nhưng lời diễn đạt còn thô, chưa được trong, chưa được gọn, chưa được chuốt. Do đó, tôi muốn hiểu chữ sáng là nặng về nói nội dung, nói tư duy, và chữ trong là nặng nói về hình thức, nói diễn đạt (và cố nhiên là nội dung và hình thức gắn liền). Cho nên phải phấn đấu cho được sáng nghĩa, đồng thời lại phải phấn đấu cho được trong lời, đặng cho câu thơ, câu văn trong sáng...
(Xuân Diệu, trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Sđd)
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn