Viết Bài Làm Văn Số 3: Nghị Luận Văn Học | Ngữ Văn 12 - Tập Một | Tuần 11 - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Ngữ văn 12 - Tập 1 - Tuần 11


I – HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Ôn lại kiến thức văn học sử trong bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX và kiến thức về các văn bản : Tây Tiến (Quang Dũng), Việt Bắc (Tố Hữu), đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm).

2. Ôn lại kiến thức và kĩ năng tiếng Việt trong bài Luật thơ để có thể vận dụng phân tích giá trị biểu cảm, gợi hình tượng của nhạc điệu trong các bài thơ, đoạn thơ trữ tình.

3. Ôn lại kiến thức và kĩ năng nghị luận trong bài Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ và vận dụng các thao tác : phân tích, so sánh, bác bỏ, bình luận,...

4. Xem lại bài làm văn số 2 để tránh những lỗi về diễn đạt, lập luận thường mắc.

II – GỢI Ý MỘT SỐ ĐỀ BÀI

1. a) Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) được biểu hiện cụ thể ở những phương diện nào ? Trình bày vắn tắt và nêu dẫn chứng minh hoạ.

b) Phân tích tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền tây Bắc Bộ và những người đồng đội trong đoạn thơ sau:

                     Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
                     Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
                     Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
                     Mường Lát hoa về trong đêm hơi
                     Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
                     Heo hút cồn mây súng ngửi trời
                     Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
                     Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
                     Anh bạn dãi dầu không bước nữa
                     Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
                     Chiều chiều oai linh thác gầm thét
                     Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
                     Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
                     Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

(Quang Dũng, Tây Tiến)

2. a) Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

b) Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ sau :

                     Ta về, mình có nhớ ta
             Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
                     Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
             Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
                     Ngày xuân mơ nở trắng rừng
             Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
                     Ve kêu rừng phách đổ vàng
             Nhớ cô em gái hái măng một mình
                     Rừng thu trăng rọi hoà bình
             Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

(Tố Hữu, Việt Bắc)

3. a) Câu thơ “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” (Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm) có nét tương đồng với những lời ca dao nào ? Phân tích ngắn gọn ý nghĩa câu thơ này trong sự đối chiếu, so sánh với những bài ca dao mà anh chị đã liên tưởng

b) Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

4. a) Phân tích và so sánh hình tượng đất nước trong đoạn trích Đất Nước (trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm) và bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi.

b) Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau :

                    Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
                    Quân xanh màu lá dữ oai hùm
                    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
                    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
                    Rải rác biên cương mồ viễn xứ
                    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
                    Áo bào thay chiếu anh về đất
                    Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

(Quang Dũng, Tây Tiến)

III – GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI

Các đề bài trong bài viết này được cấu tạo thành hai phần tương ứng với hai câu nhằm mục đích giúp học sinh vận dụng kiến thức và kĩ năng linh hoạt, toàn diện trong quá trình làm bài (câu a : 3 điểm, câu b : 7 điểm). Vì vậy, khi làm bài, cần nắm vững yêu cầu của từng phần trong đề để sử dụng tốt kiến thức, phân bố thời gian khoa học, tránh viết lan man, rườm rà.

Tham khảo một số gợi ý sau đây :

Đề 1

a) – Giới thiệu ngắn gọn hoàn cảnh ra đời, đề tài của bài thơ.

– Phân tích những biểu hiện cụ thể của tính dân tộc trong bài thơ (về nội dung, nghệ thuật).

b) – Giới thiệu khái quát đoạn thơ.

– Nỗi nhớ núi rừng, làng bản và đồng đội.

– Sự kết hợp giữa cảm xúc bi tráng và thi vị, bay bổng trong tâm trạng trữ tình.

– Đánh giá chung về đoạn trích.

Đề 3

a) – Cách sử dụng thi liệu, xây dựng hình tượng mang âm hưởng dân gian trong bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm.

– Chỉ ra sự tiếp thu văn học dân gian một cách sáng tạo của tác giả.

b) – Vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến.

– Vẻ đẹp tâm hồn hào hoa, lãng mạn của người lính Tây Tiến.

ĐỌC THÊM

VỀ BÀI THƠ ĐẤT NƯỚC (NGUYỄN ĐÌNH THI) VÀ ĐOẠN TRÍCH ĐẤT NƯỚC (TRÍCH TRƯỜNG CA MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM)

Ở chương Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng), khi hình dung về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm thường dựa vào hai bình diện, hai hình ảnh chính là Đất và Nước (Đất là nơi anh đến trường – Nước là nơi em tắm... Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” – Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”... Đất là nơi Chim về – Nước là nơi Rồng ở). Trong khi đó, hai bình diện chính, hai hệ thống hình ảnh chính mà Nguyễn Đình Thi lấy làm điểm tựa để hình dung về một đất nước toàn vẹn, lại là Đất và Trời (Đất nước đổi đời : Gió thổi rừng tre phấp phới – Trời thu thay áo mới.... ; Đất nước giành lại chủ quyền : Trời xanh đây là của chúng ta – Núi rừng đây là của chúng ta... ; Đất nước đau thương : Ôi những cánh đồng quê chảy máu – Dây thép gai đâm nát trời chiều...). Ở đây cũng thế, hình ảnh đất nước Việt Nam vùng lên được nhìn nhận ở cả hai phía : Bầu trời và Mặt đất :

                    Súng nổ rung trời giận dữ
                    Người lên như nước vỡ bờ

Cả hai hợp lại thành một Tổ quốc Việt Nam tràn đầy hào khí.

Nguyễn Đình Thi đã dụng công trong việc tiết chế ngòi bút, dồn khí lực vào bên trong để cuối cùng bùng lên thành sự công phá. Tương ứng với điều này là hình tượng một nước Việt Nam nung nấu đau thương, tích tụ căm hờn, âm thầm biến tất cả thành sức mạnh để cuối cùng quật khởi vùng lên. Ban đầu là cái nấu nung bên trong phát lộ ra thành nỗi bồn chồn : Những đêm dài hành quân nung nấu – Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu. Nó bật lên thành tiếng : Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu – Đã bật lên những tiếng căm hờn. Rồi nó phát lộ ra thành tiếng kèn gọi quân : Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng, nó hiện ra trong vàng trán cháy rực : Trán cháy rực nghĩ trời đất mới... Đó là quá trình chuyển hoá kì diệu bên trong của sức sống dân tộc, quá trình những người áo vải hoá thành những anh hùng : Ôm đất nước những người áo vải – Đã đứng lên thành những anh hùng. Nhưng tất cả những điều đó chỉ nhằm vào cái đích cuối cùng là quật cường đồng khởi. Bốn câu cuối cùng này là đỉnh điểm của cảm xúc thơ, cũng là những nét vẽ cuối cùng hoàn tất hình tượng đất nước. [...]

Bức tranh hoành tráng sử thi về đất nước được vẽ bằng những nét bút lớn, đầy tính khái quát, tượng trưng : Súng nổ rung trời giận dữ. Lời thơ cũng đạt đến một độ hàm súc cao. Hai chữ giận dữ khiến cho ý thơ thật đa nghĩa. Bởi nó có tới hai chủ từ. Đó là tiếng súng giận dữ của con người hay bầu trời cũng đang nổi giận với kẻ thù ? Có lẽ là cả hai. Tội ác của chúng gieo rắc bao năm khiến cho trời không dung đất không tha. [...]

Trên cái phông nền ấy, hình tượng đất nước hiện lên như một thực thể vừa kì ảo vừa kì vĩ:

                    Nước Việt Nam từ máu lửa
                    Rũ bùn đứng dậy sáng loà. [...]

Bài thơ mở đầu bằng hương cốm hiền hoà trong những sáng thu muôn thuở để rồi kết thúc bằng hình ảnh quật cường, vừa dữ dội vừa oai hùng. Chỉ riêng điều đó đủ cho ta thấy sức sống kì diệu đã biến một nước Việt Nam hiền hoà thành một nước Việt Nam bất khuất. Khổ thơ kết này chính là cái thời điểm chót cùng của cuộc hoá thân màu nhiệm đó.

(Chu Văn Sơn, Thơ, điệu hồn và cấu trúc, NXB Giáo dục, 2007)

VỀ BÀI THƠ TÂY TIẾN CỦA QUANG DŨNG

Tây Tiến có hai phần, phân cách bằng một đoạn thơ hai câu. Phần đầu, mười hai câu là chuyện dọc đường. Phần hai, mười sáu câu, không kể bốn câu kết là chuyện cuộc sống thường nhật của chiến sĩ Tây Tiến. Những buổi liên hoan, theo Quang Dũng kể, có cả nam đóng vai nữ rất đẹp... gái : Kìa em xiêm áo tự bao giờ. Cảnh trí nơi đóng quân cũng thật khó quên : Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa. Quang Dũng tả cảnh chỉ chấm phá, xen kẽ ngoại giới với nội tâm : hồn lau nẻo bến bờ, nên diễn biến cảnh sắc nhanh, động. Ấn tượng thơ Quang Dũng luôn luôn mới, không bị thời gian làm cũ đi là do vậy. Người ở vùng rừng phía tây sốt rét nhiều, đoàn binh không mọc tóc có cả lí do vì bệnh tật, tóc rụng. Quân xanh màu lá, màu áo hay màu da ? Chắc cả hai ! Chỗ này tả lính rất khéo, nói được lính ốm mà không thấy lính yếu. Có tóc rụng, có da xanh, nhưng ấn tượng lưu lại là dữ oai hùm. So sánh hơi ghê ghê, nhưng không phải là doạ. Cái vẻ kì dị không mọc tócmắt trừng gửi mộng rào trước đón sau nên viết dữ oai hùm người đọc thấy là thật, thật ở cái bề ngoài. Còn bên trong những con người trông dữ dằn ấy ? Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Hoá ra các “ông hùm” lại rất hiền, đa cảm, đa tình nữa. Câu thơ kiều thơm này và câu thơ Gục lên súng mũ bỏ quên đời một thời gian đã thành chứng cớ để phê phán Quang Dũng là tiểu tư sản. Quả là ở đây có chất thanh niên học sinh Hà Nội cũ, và tình cảm đó đúng là không đại diện cho đa số công nông. Nhưng nó không phải là đối kháng với công nông. Không nhất thiết và không bao giờ đạt được một kiểu vui buồn đồng nhất trong toàn xã hội, vậy cũng không nên ép buộc thơ ca. Quang Dũng đã diễn đạt tài năng cảm xúc của chính anh và lớp thanh niên Hà Nội những ngày đầu kháng chiến “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Bài thơ được công chúng cách mạng yêu mến suốt mấy chục năm nay là bằng chứng về phẩm chất của nó.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Câu thơ gợi cảm bằng những từ Hán Việt, đây là lối nói của văn chương hồi đó, khi tình yêu còn được gọi là ái tình, người trai đi lính là khách chinh phu. Tuy nhiên ở bốn câu thơ đoạn này, mấy chữ đó lại phù hợp với không khí trang nghiêm, bi tráng của sự tưởng nhớ những người đã hi sinh. Trong đời sống cũng vậy thôi, nghi thức trang trọng đòi hỏi phải dùng chữ nghĩa. Ở đây thực ra chỉ là nghi thức của lòng người. Lòng người nhìn một manh chiếu khâm liệm cũng thấy đủ cái thiêng liêng nhuốm một chút không khí oai hùng, cổ xưa, bị thương, kì vĩ. Tạo được không khí ấy trong thơ là việc khó, cảm nhận được nó trong đời càng khó hơn. Bản chất lãng mạn trong hồn thơ Quang Dũng bộc lộ rõ ở đoạn thơ tài hoa này. Bài thơ nói nhiều đến mất mát nhưng không bi luỵ. Ý kết của bài thơ là một sự tiến lên, đi tiếp :

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Ngày nay nhìn lại cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta thấy nhiều thiếu thốn gian lao, nhiều thô sơ ấu trĩ trong đời sống, nhưng vẻ đẹp lí tưởng của con người thật là rực rỡ. Người ta sống bằng lí tưởng và nhìn những gian khổ mất mát bằng cái nhìn cao cả, bất cần, đôi khi ngây thơ nữa. Vẻ đẹp ấy rất gần với phẩm chất lãng mạn của thơ. Bài thơ Tây Tiến là một kết tinh đẹp để của hiện thực đời sống đó.

(Vũ Quần Phương Thơ với lời bình, NXB Giáo dục, 2003)

 

 

Tin tức mới


Đánh giá

Viết Bài Làm Văn Số 3: Nghị Luận Văn Học | Ngữ Văn 12 - Tập Một | Tuần 11 - Lớp 12 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Ngữ Văn 12 - Tập Một

  1. Tuần 1
  2. Tuần 2
  3. Tuần 3
  4. Tuần 4
  5. Tuần 5
  6. Tuần 6
  7. Tuần 7
  8. Tuần 8
  9. Tuần 9
  10. Tuần 10
  11. Tuần 11
  12. Tuần 12
  13. Tuần 13
  14. Tuần 14
  15. Tuần 15
  16. Tuần 16
  17. Tuần 17
  18. Tuần 18

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.