Nội Dung Chính
TIỂU DẪN
Quang Dũng (1921 – 1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông học đến bậc Trung học ở Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, Quang Dũng tham gia quân đội. Từ sau năm 1954, ông là biên tập viên Nhà xuất bản Văn học.
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài : làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tác phẩm chính : Mây đầu ô (thơ, 1986), Thơ văn Quang Dũng (tuyển thơ văn, 1988).
QUANG DŨNG
Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như ở miền tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng, bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, miền tây Thanh Hoá và cả Sầm Nưa (Lào). Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên (như Quang Dũng), chiến đấu trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy, họ sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Đoàn quân Tây Tiến, sau một thời gian hoạt động ở Lào, trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 52. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh (một làng thuộc tỉnh Hà Đông cũ), Quang Dũng viết bài thơ Nhớ Tây Tiến. Khi in lại, tác giả đổi tên bài thơ là Tây Tiến.
Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, được in trong tập Mây đầu ô.
VĂN BẢN
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao(1) sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát(2) hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông(3) mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch(4) cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu(5) mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa(6)
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn(7) lên man điệu(8) nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
___________________
(1), (2), (3), (4), (5) : Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu : tên các địa phương trong địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến.
(6) Đuốc hoa (từ chữ Hán hoa chúc) : nến thắp trong phòng vợ chồng đêm tân hôn. Ở đây, đuốc hoa dùng để chỉ những ngọn đuốc trong đêm liên hoan ở doanh trại.
(7) Khèn : loại nhạc cụ quen thuộc của một số dân tộc ở miền núi phía bắc Việt Nam, gồm nhiều ống trúc ghép lại, một đầu cắm xuyên qua bầu gỗ hình bắp chuối làm hộp cộng hưởng thổi bằng miệng.
(8) Man điệu : ở đây chỉ điệu nhạc, điệu múa của dân tộc thiểu số ở miền núi.
Người đi Châu Mộc(1) chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc(2)
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc(3)
Quân xanh màu lá(4) dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm(5)
Rải rác biên cương mồ viễn xứ(6)
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu(7) anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành(8)
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sàm Nứa(9) chẳng về xuôi.
Phù Lưu Chanh, 1948
(Mây đầu ô, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1986)
(1) Châu Mộc : tên một địa phương trong địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến.
(2) Độc mộc : thuyền dài và hẹp, làm bằng một thân cây gỗ to, khoét trũng.
(3) Không mọc tóc : lính Tây Tiến có nhiều người cạo trọc đầu hoặc bị bệnh sốt rét làm rụng hết tóc.
(4) Quân xanh màu lá : người lính mắc bệnh sốt rét, da xanh bủng như lá cây.
(5) Dáng kiều thơm : dáng vẻ xinh đẹp, đáng yêu của người con gái.
(6) Mồ viễn xứ (viễn xứ : nơi xa) : những nấm mồ liệt sĩ rải rác ở miền xa xôi nơi biên giới.
(7) Áo bào : áo mặc ngoài của các vị tướng thời xưa. “Giã nhà đeo bức chiến bào” (Chinh phụ ngâm).
(8) Sông Mã gầm lên khúc độc hành (độc hành : đi một mình) : ở đây là tiếng gầm đơn độc của dòng sông
(9) Sầm Nứa (thường gọi là Sầm Nưa) : một trong những vùng giải phóng đầu tiên của lực lượng kháng chiến Pa-thét Lào ở Thượng Lào.
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
1. Theo văn bản, bài thơ có bốn đoạn. Nêu ý chính của mỗi đoạn và chỉ ra mạch liên kết giữa các đoạn.
2. Nét đặc sắc của bức tranh thiên nhiên được vẽ ra ở đoạn thơ thứ nhất ? Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện ra trên nền cảnh thiên nhiên ấy như thế nào ?
3. Đoạn thơ thứ hai lại mở ra một thế giới khác với những vẻ đẹp mới của con người và thiên nhiên miền Tây, khác với cảnh vật ở đoạn thơ thứ nhất. Hãy phân tích để làm rõ vẻ đẹp ấy.
4. Phân tích hình ảnh người lính Tây Tiến được tác giả tập trung khắc hoạ ở đoạn thơ thứ ba. Qua đó, hãy làm rõ vẻ đẹp lãng mạn và chất bi tráng của hình ảnh người lính Tây Tiến.
5. Ở đoạn thơ thứ tư, nỗi nhớ Tây Tiến được diễn tả như thế nào ? Vì sao nhà thơ viết “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” ?
GHI NHỚ Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng sẽ còn có sức hấp dẫn lâu dài đối với người đọc. |
LUYỆN TẬP
1. Bút pháp của Quang Dũng trong bài thơ là bút pháp hiện thực hay lãng mạn ? Phân tích, so sánh Tây Tiến với bài thơ Đồng chí của Chính Hữu để làm rõ bút pháp đó.
2. Qua bài thơ, anh (chị) hình dung như thế nào về chân dung người lính Tây Tiến ?
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn