Nội Dung Chính
I – LUYỆN TẬP TRÊN LỚP
1. Hãy nhắc lại các thao tác lập luận mà anh (chị) đã học cùng những đặc trưng cơ bản của từng thao tác.
2. Trong đoạn trích dưới đây, tác giả đã vận dụng kết hợp những thao tác lập luận nào ?
Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tuỷ, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)
3. Viết một bài văn nghị luận (vận dụng kết hợp ít nhất ba thao tác lập luận khác nhau) bày tỏ ý kiến về một vấn đề đang đặt ra trong đời sống văn hoá – tinh thần của con người.
Gợi ý :
a) Bước thứ nhất :
– Xác định chủ đề của bài văn : Anh (chị) phát biểu về vấn đề cụ thể nào ? (ăn mặc ; giao tiếp, nói năng; thưởng thức âm nhạc, điện ảnh ; đọc sách;...)
– Xác định các ý kiến sẽ đưa ra trong bài phát biểu và sắp xếp chúng theo một dàn ý rõ ràng, mạch lạc, hợp lí.
b) Bước thứ hai : Suy nghĩ cách trình bày một luận điểm trong phần thân bài của dàn ý vừa xây dựng :
– Chọn luận điểm nào để trình bày ?
– Cần vận dụng kết hợp những thao tác lập luận nào để luận điểm được sáng tỏ và có sức thuyết phục, hấp dẫn người đọc (người nghe) ?
– Trong các thao tác lập luận đó, thao tác nào đóng vai trò chủ yếu ? Vì sao ?
– Cần kết hợp thao tác lập luận chủ yếu với các thao tác lập luận khác như thế nào để đoạn văn trở thành một khối chặt chẽ và thống nhất ?
c) Bước thứ ba :
– Diễn đạt các ý đã chuẩn bị thành một chuỗi câu văn đúng ngữ pháp, liên kết với nhau và thể hiện rõ phong cách ngôn ngữ chính luận.
– Đọc phần văn bản đã viết trước nhóm học tập (hay trước lớp) ; nghe góp ý của thầy (cô) giáo và các bạn để sửa chữa lại, nhằm nâng cao chất lượng của đoạn (bài) văn.
Có thể tham khảo đoạn trích sau đây :
Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ. [...] Không đọc sách tức là không còn nhu cầu về cuộc sống trí tuệ nữa. Và khi không còn có nhu cầu đó nữa, thì đời sống tinh thần của con người nghèo đi, mòn mỏi đi, và cuộc sống đạo đức cũng mất luôn nền tảng. Đây là một câu chuyện nghiêm túc, lâu dài và cần được trao đổi, thảo luận một cách cũng rất nghiêm túc, lâu dài. Tôi chỉ muốn thử nêu lên ở đây một đề nghị : Tôi đề nghị các tổ chức thanh niên của chúng ta, bên cạnh những sinh hoạt thường thấy hiện nay, nên có một cuộc vận động đọc sách trong thanh niên cả nước và vận động từng nhà gây dựng tủ sách gia đình. Gần đây có một nước đã phát động phong trào trong toàn quốc mỗi người mỗi ngày đọc lấy 20 dòng sách. Chúng ta cũng có thể làm như thế, hoặc vận động mỗi người trong một năm đọc lấy một cuốn sách. Cứ bắt đầu bằng việc rất nhỏ, không quá khó. Việc nhỏ đấy nhưng rất có thể là việc nhỏ khởi đầu một công cuộc lớn.
(Theo Nguyên Ngọc, Một đề nghị,
tạp chí điện tử Tiasang.com.vn, ngày 19 – 7 – 2007)
II – LUYỆN TẬP Ở NHÀ
1. Sưu tầm những bài (đoạn) văn hay, trong đó tác giả đã sử dụng kết hợp thành công nhiều thao tác lập luận khác nhau.
2. Viết một văn bản nghị luận ngắn, trong đó vận dụng kết hợp ít nhất ba thao tác lập luận khác nhau để trình bày quan điểm, ý kiến của anh (chị) về :
– Nét đặc sắc mà anh (chị) đã phát hiện từ một bài thơ (một thiên truyện, một kịch bản văn học) ;
– Một tác phẩm văn học mới ra đời và đang được nhiều người quan tâm bàn luận ;
– Một nội dung kiến thức ngữ văn cần được tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn.
ĐỌC THÊM
Trong tiểu thuyết thời cổ, thường người ta chỉ kể lại các việc làm, lời nói của nhân vật. Tiểu thuyết ngày nay thì lấy cách miêu tả nhân vật từ bên trong làm chính. Nhà văn như nhập vào trong nhân vật mà nhìn, nghe, xúc cảm, suy nghĩ, nói bằng lời nói của nhân vật. Ví dụ khi miêu tả Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du(1) không phải chỉ kể lại “lúc đó nàng buồn lắm và ngơ ngẩn nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ người yêu”. Nguyễn Du đã nhập vào trong hồn Kiều mà nói lên những điều Kiều đang trông thấy, cảm thấy và suy nghĩ, thành đoạn thơ bất hủ : “Buồn trông của bể chiều hôm...”. Khi miêu tả một quang cảnh của đời sống, nếu nhà văn chỉ đứng ngoài mà ghi lại như một người chụp ảnh, thì dù ngòi bút miêu tả thật giỏi, cảnh ấy vẫn mới là một bức ảnh chết. Trong cảnh phải có tình thì cảnh mới sống lên, vì vậy nhà văn phải miêu tả những quang cảnh qua tâm trạng của nhân vật trong truyện, hoặc nếu không có nhân vật thì qua tâm trạng của chính người viết. Khi Nguyễn Du viết “Một vùng cỏ áy bóng tà – Gió hiu hiu thổi một và bông lau” thì không phải chỉ có cảnh chiều, mà trong cảnh đó man mác những ý và tình [...].
Hoạt động của tâm hồn con người có lẽ là cái gì phức tạp nhất trên thế giới. Theo tôi, các nhà tiểu thuyết lớn đều chú trọng miêu tả sự vận động rất biện chứng của tâm hồn con người ta. [...] Trong Truyện Kiều, đoạn Thuý Kiều đau khổ quằn quại vì nỗi ngang trái của đời mình, từ lúc “Một mình nàng ngọn đèn khuya” cho tới lúc Kiều nói với Thuý Vân “Cậy em, em có chịu lời – Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”, mới đầu còn là lời dặn dò nghẹn ngào với em, rồi sau Kiều nói chuyện một mình với số phận của mình cho đến lúc nỗi đau đớn càng tăng mãi, bật lên thành một tiếng kêu tuyệt vọng với người yêu ở phương xa, tất cả đoạn văn ấy miêu tả sự diễn biến của những ý nghĩ tình cảm, thật đã đến chỗ tuyệt diệu.
(Nguyễn Đình Thi, Mấy nhận xét nhỏ về nghệ thuật viết tiểu thuyết,
trong Nguyễn Đình Thi, Tiểu luận – Bút kí, Sđd)
(1) Theo tác giả, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều “với tất cả những phương pháp của nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại, từ miêu tả ngoại cảnh đến miêu tả nội tâm, từ cấu trúc đến xây dựng nhân vật điển hình” ; và đấy là điều khiến ông thấy “ngạc nhiên”.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn