Nội Dung Chính
TIỂU DẪN
Pôn Ê-luy-a (1895 – 1952), nhà thơ Pháp, tên thật là Pôn Ơ-gien Granh-đen, sinh ở Xanh Đơ-ni, một thị trấn nhỏ ở phía bắc Pa-ri. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông bị động viên vào lính và bị thương. Năm 1919, ông tham gia trào lưu siêu thực(1) nhưng dần dần, ông nhận thức được rằng nghệ thuật không thể tách rời mà phải tham gia bảo vệ cuộc sống. Các sáng tác thơ của ông trong thời kì này mang nội dung chống chiến tranh đế quốc và giàu tính nhân đạo. Ông thoát li hẳn trào lưu siêu thực, tham gia mặt trận chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ nền cộng hoà Tây Ban Nha non trẻ. Năm 1942, ông vào Đảng Cộng sản Pháp. Ông viết : “Mùa xuân 1942, tôi vào Đảng Cộng sản và bởi vì đó là Đảng của nước Pháp, tôi phụng sự bằng mọi sức lực và cả cuộc đời tôi. Tôi muốn cùng mọi người trong nước tôi tiến lên phía trước, đến tự do, đến hoà bình, cuộc sống chân chính”.
Với hơn sáu mươi thi phẩm, ông đã tạo ra một hình thức mới mẻ, giàu chất trí tuệ, tràn đầy khát vọng nhân văn. Thơ ông không chú trọng xây dựng các hình ảnh như thơ truyền thống mà hàm chứa suy luận trữ tình triết lí. Dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực thể hiện khá đậm nét ở cách quan niệm bí ẩn, siêu hình về mối tương quan hữu cơ giữa các mặt đối lập trong thực tế như sống – chết, thực – ảo, cái có thực – cái tưởng tượng, cái cao cả – cái thấp hèn, cái quá khứ – cái tương lai,... và đó là đặc điểm riêng của thơ ông.
PÔN Ê-LUY-A
(1) Trào lưu siêu thực (còn gọi là chủ nghĩa siêu thực) : khuynh hướng nghệ thuật xuất hiện ở Pháp năm 1922 và là một hình thức chống lại trật tự tư sản, hướng tới một hiện thực cao hơn, trừu tượng bí ẩn hơn (siêu thực) mà chỉ có trực giác của con người mới nắm bắt được. Chủ nghĩa siêu thực khai thác mối quan hệ giữa thực và mộng giữa vô thức và ý thức, để “giấc mơ và hiện thực sẽ chuyển hoá thành một thực tế tuyệt đối, một cái siêu thực". Chủ nghĩa siêu thực để cao lối viết “tự động tâm linh", lối viết tự động tuôn trào theo cảm xúc, tạo ra kiểu chồng chất, xáo trộn các hình ảnh và kiểu câu thơ vắt dòng.... Các hình ảnh được kết hợp không tuân theo trật tự logic thông thường hay được kiểm soát bằng li tinh mà chỉ là sự sắp xếp liền mạch ngẫu hứng để tạo ra hiệu quả ngạc nhiên, bất ngờ, phá vỡ những thói quen và khuôn mẫu sáng tác cũ.
Bài thơ Tự do được viết vào mùa hè năm 1941, trong thời kì nước Pháp bị quân đội phát xít Đức xâm lược, in trong tập Thơ ca và chân lí, 1942 (1942) và được coi là thánh ca của thơ ca kháng chiến Pháp. Ban đầu, Ê-luy-a định kết thúc bài thơ bằng tên của người phụ nữ mà ông yêu quý. Nhưng qua nhiều hoạt động giành tự do cho nước Pháp, với nhận thức mới, ông đã thay thế câu kết bằng hai chữ Tự do. Bài thơ gồm 21 khổ thơ, không kể dòng cuối cùng chỉ là chữ Tự do (được viết hoa). Mỗi khổ bốn câu, ba câu đầu viết theo thể thơ bảy âm tiết, câu thứ tư (cũng là điệp khúc của toàn bài) chỉ có bốn âm tiết. Nguyên bản bài thơ không có vần, không có các dấu chấm câu, trừ dấu chấm hết cuối bài. Bản dịch này có lược bớt một số khổ thơ rải rác ở giữa bài.
VĂN BẢN
Trên(1) những trang vở học sinh
Trên bàn học trên cây xanh
Trên đất cát và trên tuyết
Tôi(2) viết tên em
Trên những trang sách đã đọc
Trên những trang trắng chưa dùng
Đá máu giấy hoặc tro tàn
Tôi viết tên em
Trên hình ảnh rực vàng son
Trên gươm đao người lính chiến
Trên mũ áo các vua quan
Tôi viết tên em
Trên sa mạc trên rừng hoang
Trên tổ chim trên hoa trái
Trên thời thơ ấu âm vang
Tôi viết tên em
(1) Nguyên văn sur : một giới từ với nhiều nghĩa khác nhau như trên, đối với, đến, về, vào,... và được dịch tuỳ theo văn cảnh. Trong bài thơ, P. Ê-luy-a đã dùng 60 lần từ này.
(2) Nguyên văn je : đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất : tôi, tao, tớ, mình,... Trong bài, tác giả dùng 22 lần từ này.
Trên điều huyền diệu đêm đêm
Trên khoanh bánh trắng hằng ngày
Trên các mùa cùng gắn bó
Tôi viết tên em
Trên những mảnh trời trong xanh
Trên ao mặt trời ẩm mốc
Trên hồ vầng trăng lung linh
Tôi viết tên em
Trên mỗi khoảnh khắc hừng đông
Trên đại dương trên tàu thuyền
Trên vùng núi non điên dại
Tôi viết tên em
Trên áng mây trôi bềnh bồng
Trên nhễ nhại cơn bão dông
Trên hạt mưa rào nhạt thếch
Tôi viết tên em
Trên cây đèn vừa thắp sáng
Trên cây đèn đang lụi dần
Trên cả họ hàng quây quần
Tôi viết tên em
Trên nơi trú ẩn tan hoang
Trên ngọn hải đăng đổ nát
Trên mấy bức tường ngao ngán
Tôi viết tên em
Trên sức khoẻ được phục hồi
Trên hiểm nguy đã tan biến
Trên hi vọng chẳng vấn vương
Tôi viết tên em
Và bằng phép màu một tiếng
Tôi bắt đầu lại cuộc đời
Tôi sinh ra để biết em
Để gọi tên em
TỰ DO.
(Phùng Văn Tửu dịch)
HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM
1. Đọc kĩ bài Tự do để hiểu được chủ đề tác phẩm. Tìm hiểu cách liệt kê các hình ảnh trong bài thơ (chú ý tính chất hình ảnh thị giác).
2. Tìm hiểu câu kết “Tôi viết tên em” của mỗi khổ thơ, cách lặp từ theo kiểu “xoáy tròn” (Trên... trên...) và nhạc điệu bài thơ. Phân tích cách sử dụng đại từ em.
3. So sánh ý nghĩa của từ trên được sử dụng nhiều lần trong bài để chỉ không gian và thời gian.
4. Trong câu thơ “Tôi viết tên em” được lặp đi lặp lại, tôi có thể là tác giả và cũng có thể là những độc giả của bài thơ ; viết có thể hiểu là “ghi, chép”, có thể hiểu là “hành động”. Từ đó hãy suy luận để chỉ ra tính chất thánh ca của bài thơ này trong cuộc kháng chiến chống phát xít Đức.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn