Nội Dung Chính
Trang 39
Sau khi học xong bài này, em sẽ:
Trình bày được yêu cầu và triển vọng, những thông tin chính về thị trường lao động của một số ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ đánh giá được sự phù hợp của bản thân đối với những ngành nghề đó.
Hình 7.1
Hãy quan sát và cho biết những người trong Hình 7.1 làm nghề gì và thuộc lĩnh vực nào. Suy nghĩ về bản thân và cho biết em sẽ chọn nghề nào. Hãy giải thích về sự lựa chọn đó.
I - KHÁI QUÁT VỀ NGÀNH NGHỀ KĨ THUẬT, CÔNG NGHỆ
Ngành nghề kĩ thuật, công nghệ là ngành nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ. Đây là những ngành nghề hiện hữu trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Ngành nghề kĩ thuật, công nghệ bao gồm rất nhiều nghề cụ thể khác nhau thuộc các lĩnh vực sản xuất như công nghiệp, nông nghiệp và thuỷ sản, ...
Ngành nghề kĩ thuật, công nghệ có vai trò quan trọng trong phát triển xã hội; trực tiếp tạo ra của cải, phát triển kinh tế; tạo ra các dịch vụ phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời cũng là nhóm ngành phục vụ nghiên cứu, liên tục cải tiến sản phẩm đem lại cho con người một cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại.
II – MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ KĨ THUẬT, CÔNG NGHỆ
1. Nghề thuộc ngành cơ khí
a) Giới thiệu chung
Cơ khí là nhóm ngành đào tạo tập trung vào việc áp dụng các nguyên lí của toán học và khoa học để thiết kế, phát triển và đánh giá vận hành các hệ thống thiết bị cơ khí được sử dụng trong các hệ thống chế tạo và lắp ráp chuyên dụng. Một số nghề thuộc ngành này như: sửa chữa, cơ khí chế tạo, chế tạo khuôn mẫu, hàn, ...
Trang 40
Khám phá
Kể tên nghề thuộc ngành cơ khí mà em biết.
Thông tin bổ sung
Khi quyết định chọn nghề, em cần trả lời ba câu hỏi sau:
1. Em là ai (sở thích, năng lực, cá tính, giá trị nghề nghiệp);
2. Em đang đi về đâu (thông tin nghề nghiệp, thông tin thị trường tuyển dụng)
3. Làm sao để đi đến nơi em muốn tới (kĩ năng cần thiết, trình độ giáo dục).
Từ đó, em sẽ xác định được hứng thú, năng lực của em và nhu cầu xã hội với ngành nghề em đã chọn.
b) Yêu cầu và triển vọng phát triển
Người lao động thuộc ngành cơ khí là người trực tiếp tham gia thiết kế, lắp đặt, phân tích, đánh giá, vận hành, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, đề xuất sáng kiến, ý tưởng giải pháp cải tiến công nghệ, trang thiết bị máy móc, ... thuộc cơ khí.
Để làm việc trong ngành cơ khí, người lao động phải biết sử dụng, vận hành các loại dụng cụ, thiết bị; biết đọc bản vẽ, phân tích yêu cầu kĩ thuật, lập quy trình công nghệ và chế tạo, lắp ráp, sửa chữa các loại đồ gá, khuôn mẫu, máy móc, thiết bị; biết phân tích, giải quyết những vấn đề về kĩ thuật chuyên môn; biết sử dụng các phần mềm phục vụ thiết kế, mô phỏng và chế tạo; tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; có óc sáng tạo, tư duy nhanh nhạy, ...
Đặc điểm và môi trường làm việc của ngành cơ khí nói chung khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn. Vì vậy, người lao động cần có sức khoẻ tốt; cẩn thận, kiên trì; yêu thích công việc, đam mê máy móc và kĩ thuật; có tinh thần hợp tác tốt, khả năng làm việc theo nhóm và chịu được áp lực công việc cao; có phản ứng nhanh nhạy để xử lí tình huống trong quá trình lao động; tuân thủ tuyệt đối an toàn lao động, ...
Ngành cơ khí có mặt hầu hết trong tất cả các lĩnh vực từ nhà máy xí nghiệp, gia công máy móc thiết bị, công trình đang thi công cho đến các hoạt động sản xuất và sửa chữa các loại vật dụng gia đình thiết yếu, các phương tiện tham gia giao thông, ... Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, công việc dần được thay thế bằng máy móc, đây cũng chính là nền tảng để ngành cơ khí không ngừng phát triển.
2. Nghề thuộc ngành điện, điện tử và viễn thông
a) Giới thiệu chung
Luyện tập
Tóm tắt các thông tin về yêu cầu của các ngành nghề thuộc lĩnh vực cơ khí. Hãy đánh giá mức độ đáp ứng của bản thân với yêu cầu đó trên các phương diện năng lực, sở thích, cá tính và giá trị nghề nghiệp.
2. Nghề thuộc ngành điện, điện tử và viễn thông
a) Giới thiệu chung
Điện, điện tử và viễn thông là nhóm ngành đào tạo tập trung vào việc áp dụng các nguyên lí của toán học và khoa học để thiết kế, phát triển và đánh giá vận hành hệ thống điện, điện tử và viễn thông. Một số nghề thuộc ngành này như: kĩ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp; hệ thống điện; vận hành nhà máy điện gió, điện mặt trời....
Khám phá
Kể tên một số nghề nghiệp thuộc ngành điện, điện tử và viễn thông mà em biết.
Trang 41
b) Yêu cầu và triển vọng phát triển
Người lao động thuộc ngành điện, điện tử và viễn thông có khả năng thiết kế, xây dựng, vận hành, sử dụng, bảo trì hệ thống điện, điện tử và thiết bị viễn thông. Ngoài ra, họ còn có thể tiếp cận, khai thác các sản phẩm, giải pháp kĩ thuật, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực điện, điện tử và viễn thông.
Để làm việc trong ngành điện, điện tử và viễn thông, người lao động phải có hiểu biết về các thiết bị điện, biết điều khiển bộ thiết bị lập trình điện tử trong sản xuất công nghiệp; biết thiết kế hệ thống đa phương tiện, phát thanh truyền hình, sử dụng các thiết bị đo kiểm, lắp ráp mạch điện, điện tử; phân tích, giải quyết những vấn đề về kĩ thuật chuyên môn; sử dụng các phần mềm phục vụ thiết kế, mô phỏng; tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; có óc sáng tạo, tư duy nhanh nhạy, ...
Do đặc điểm và môi trường làm việc của ngành điện, điện tử và viễn thông đôi khi liên tục ở ngoài trời, trên cao nên người lao động cần có sức khoẻ tốt, cẩn thận, tỉ mỉ; bình tĩnh, phản ứng nhanh nhạy, sáng tạo; tuân thủ tuyệt đối an toàn lao động, ...
Sự phát triển của các thiết bị điện, điện tử và hệ thống mạng viễn thông, công nghệ vật liệu điện tử tiên tiến trong các dây chuyền công nghệ và các thiết bị thông minh, hệ thống mạng viễn thông phức tạp mang lại nhu cầu nhân lực ngày càng cao cho ngành điện, điện tử và viễn thông. Nhu cầu nguồn nhân lực ngành điện, điện tử và viễn thông không chỉ phục vụ trong nước mà còn cho xuất khẩu lao động.
Tóm tắt các thông tin về yêu cầu của các ngành nghề thuộc lĩnh vực điện, điện tử và viễn thông. Hãy đánh giá mức độ đáp ứng của bản thân với yêu cầu đó trên các phương diện năng lực, sở thích, cá tính và giá trị nghề nghiệp.
Kết nối năng lực
Tìm hiểu các thông tin về thị trường lao động của những nghề nghiệp em quan tâm trên trang web của Tổng cục Thống kê, của các bộ, ngành liên quan, của tổ chức Lao động Quốc tế, của các tổ chức giáo dục hướng nghiệp tại Việt Nam.
III - THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NGÀNH KĨ THUẬT, CÔNG NGHỆ
Người lao động thuộc ngành cơ khí có thể làm tại nhiều vị trí việc làm và tại nhiều cơ sở khác nhau gồm các trường học, các viện nghiên cứu; nhà máy sản xuất, công ti, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, kinh doanh.
Người lao động thuộc ngành điện, điện tử và viễn thông có thể làm việc tại trường học, viện nghiên cứu; phòng thí nghiệm; công ti điện lực, bưu chính viễn thông; cơ sở kinh doanh; nhà máy sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất công nghiệp tự động hoá và điện tử hoá.
Xu hướng phát triển của thị trường lao động nghề nghiệp kĩ thuật, công nghệ phụ thuộc vào từng lĩnh vực cụ thể. Số liệu thống kê về thị trường việc làm tính riêng cho giai đoạn 2015 – 2020 cho thấy:
Trên phương diện nghề nghiệp, nghề kĩ thuật, công nghệ thuộc lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp có sự phát triển trái chiều. Cụ thể trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, năm 2015.
Trang 42
tổng số lao động là 5,4 triệu người; đến năm 2020, số người tham gia lao động trong lĩnh vực này giảm xuống 3,9 triệu người. Ngược lại, nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, thợ lắp ráp, vận hành máy móc thiết bị lại có xu hướng tăng từ 4,6 triệu lao động năm 2015 lên tới 7,1 triệu người năm 2020 (Bảng 7.1).
Trên phương diện khu vực kinh tế, tỉ lệ lao động làm việc trong ngành nghề thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng; thấp nhất là 15,9% (năm 2015), cao nhất là 21,1% (năm 2020). Tương tự trong lĩnh vực xây dựng, tỉ lệ lao động có xu hướng tăng từ 6,2% năm 2015 đến 8,8% trong năm 2020. Số lượng lao động trong lĩnh vực khai khoáng tương đối ổn định, có xu hướng giảm nhẹ trong những năm gần đây (0,4% năm 2019, 0,3% năm 2020).
Bảng 7.1. Xu hướng việc làm của một số ngành nghề kĩ thuật công nghệ giai đoạn 2015 – 2020
Thống kê thị trường lao động nghề nghiệp kĩ thuật, công nghệ | 2015 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 |
Theo nghề nghiệp (đơn vị tính: nghìn người) |
Nông, lâm, ngư nghiệp | 5 396,5 | 5 158,9 | 4 984,6 | 4.008,1 | 3 938,2 |
Công nghiệp (thợ lắp ráp, vận hành máy móc thiết bị) | 4 605,5 | 5 275,0 | 5 494,2 | 6 603,6 | 7 100,4 |
Theo ngành kinh tế (đơn vị tính: % số lao động) | |||||
Khai khoáng | 0,4 | 0,4 | 0,4 | 0,4 | 0,3 |
Công nghiệp chế biến, chế tạo | 15,9 | 17,8 | 18,4 | 20,7 | 21,1 |
Xây dựng | 6,2 | 7,5 | 7,9 | 8,4 | 8,8 |
Niên giám thống kê Việt Nam năm 2020Vận dụng
Tham khảo Hình 7.2, em hãy khái quát ngành nghề kĩ thuật, công nghệ mà em yêu thích.
Robot và trí tuệ nhân tạo
Công việc: Thiết kế, chế tạo, tích hợp và lập trình cho robot, các thiết bị, hệ thống điện tử có sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo. Triển khai, lắp ráp, vận hành, quản lí, kinh doanh các thiết bị, Công việc hệ thống robot và trí tuệ nhân tạo.
Triển vọng: Giải pháp thúc đẩy hiệu quả kinh doanh. Ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo phục vụ con người.
Yêu cầu: Sáng tạo; đam mê nghiên cứu; chịu được áp lực công việc; có khả năng làm việc nhóm.
Môi trường làm việc: Văn phòng, xưởng chế tạo, phòng thí nghiệm.
Thị trường lao động: Cơ sở nghiên cứu; nhà máy; doanh nghiệp kinh doanh; cơ sở đào tạo khác.
Lĩnh vực liên quan: Cơ khí, điện – điện tử. Công nghệ thông tin. Cơ điện tử. Điều khiển và tự động hoá.
Hình 7.2. Khái quát về ngành robot và tri tuệ nhân tạo
Trang 43
Tổng kết Chương I
CÔNG NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG | |
Khái quát về khoa học, kĩ thuật, công nghệ | Công nghệ với tự nhiên, con người và xã hội |
HỆ THỐNG KĨ THUẬT | |
Khái niệm về hệ thống kĩ thuật | Cấu trúc của một hệ thống kĩ thuật |
CÔNG NGHỆ PHỔ BIẾN | |
Công nghệ trong lĩnh vực luyện kim – cơ khí | Công nghệ trong lĩnh vực điện – điện tử |
MỘT SỐ CÔNG NGHỆ MỚI | |
Khái quát về công nghệ mới | Một số công nghệ |
ĐÁNH GIÁ CÔNG NGHỆ | |
Khái quát về đánh giá công nghệ | Đánh giá công nghệ và sản phẩm công nghệ |
CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP | |
Khái quát về cách mạng công nghiệp | Các cuộc cách mạng công nghiệp |
NGÀNH NGHỀ KĨ THUẬT, CÔNG NGHỆ |
Khái quát về ngành nghề kĩ thuật, công nghệ | Một số ngành nghề kĩ thuật, công nghệ | Thị trường lao động ngành kĩ thuật, công nghệ |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn