Bài 23: Cơ Cấu Trục Khuỷu Thanh Truyền | Công Nghệ 11 | Chương 6: Cấu Tạo Của Động Cơ Đốt Trong - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Công nghệ 11 - Bài 23


1. Biết được nhiệm vụ và cấu tạo của các chi tiết chính trong cơ cấu trục khuỷu thanh truyền.

2. Đọc được sơ đồ cấu tạo của pit-tông, thanh truyền và trục khuỷu.

I – GIỚI THIỆU CHUNG

Cơ cấu trục khuỷu thanh truyền có ba nhóm chi tiết : nhóm pit-tông, nhóm thanh truyền và nhóm trục khuỷu ; trong đó pit-tông, thanh truyền, trục khuỷu là các chi tiết chính. Khi động cơ làm việc, pit-tông chuyển động tịnh tiến trong xilanh, trục khuỷu quay tròn. Thanh truyền là chi tiết truyền lực giữa pit-tông và trục khuỷu.

II – PIT-TÔNG

1. Nhiệm vụ

Pit-tông có nhiệm vụ cùng với xilanh và nắp máy tạo thành không gian làm việc ; nhận lực đẩy của khí cháy rồi truyền lực cho trục khuỷu để sinh công và nhận lực từ trục khuỷu để thực hiện các quá trình nạp, nén và thải khí.

2. Cấu tạo

Pit-tông được chia làm ba phần chính : đỉnh, đầu và thân (hình 23.1).

hinh-anh-bai-23-co-cau-truc-khuyu-thanh-truyen-3237-0

Hình 23.1. Cấu tạo của pit-tông
1. Rãnh xecmăng khí ; 2. Rãnh xecmăng dầu ;
3. Lỗ thoát dầu ; 4. Lỗ lắp chốt pit-tông.
A. Đỉnh ; B. Đầu ; C. Thân.

hinh-anh-bai-23-co-cau-truc-khuyu-thanh-truyen-3237-1

Hình 23.2. Các dạng đỉnh pit-tông
a) Đỉnh bằng ;
b) Đỉnh lồi ;
c) Đỉnh lõm.

– Đỉnh pit-tông có ba dạng (hình 23.2) : đỉnh bằng, đỉnh lồi và đỉnh lõm.

– Đầu pit-tông có các rãnh để lắp xecmăng khí và xecmăng dầu. Xecmăng dầu được lắp ở phía dưới. Đáy rãnh lắp xecmăng dầu có khoan các lỗ nhỏ thông vào bên trong để thoát dầu.

– Thân pit-tông có nhiệm vụ dẫn hướng cho pit-tông chuyển động trong xilanh và liên kết với thanh truyền để truyền lực. Trên thân pit-tông có lỗ ngang để lắp chốt pit-tông.

III – THANH TRUYỀN

1. Nhiệm vụ

Thanh truyền là chi tiết dùng để truyền lực giữa pit-tông và trục khuỷu.

2. Cấu tạo

Thanh truyền được chia làm ba phần : đầu nhỏ, thân và đầu to (hình 23.3).

– Đầu nhỏ thanh truyền có dạng hình trụ rỗng để lắp chốt pit-tông.

– Thân thanh truyền nối đầu nhỏ với đầu to, thường có tiết diện ngang hình chữ I.

– Đầu to thanh truyền để lắp với chốt khuỷu, có thể làm liền khối hoặc cắt làm hai nửa, nửa 4 liền với thân thanh truyền và nửa rời 6. Hai nửa được ghép với nhau bằng các bulông 8.

Bên trong đầu nhỏ và đầu to thanh truyền có lắp bạc lót hoặc ổ bi. Riêng với đầu to thanh truyền loại cắt làm hai nửa chỉ dùng bạc lót 5 và bạc lót cũng được cắt làm hai nửa tương ứng.

hinh-anh-bai-23-co-cau-truc-khuyu-thanh-truyen-3237-2

Hình 23.3. Cấu tạo thanh truyền
 1. Đầu nhỏ ; 2. Bạc lót đầu nhỏ ; 3. Thân ;
4,6. Đầu to ; 5. Bạc lót đầu to ;
7. Đai ốc ; 8. Bulông.

(?) Tại sao ở đầu nhỏ và đầu to thanh truyền cần phải lắp bạc lót hoặc ổ bi ?

IV – TRỤC KHUỶU

1. Nhiệm vụ

Nhiệm vụ chính của trục khuỷu là nhận lực từ thanh truyền để tạo momen quay kéo máy công tác. Ngoài ra, trục khuỷu còn làm nhiệm vụ dẫn động các cơ cấu và hệ thống của động cơ.

2. Cấu tạo

Cấu tạo trục khuỷu (hình 23.4) tuỳ thuộc vào loại và kích cỡ của động cơ. Ngoài phần đầu và đuôi, phần thân của trục khuỷu gồm các chi tiết chính sau:

– Cổ khuỷu 3 là trục quay của trục khuỷu.

– Chốt khuỷu 2 để lắp đầu to thanh truyền.

– Má khuỷu 4 để nối cổ khuỷu với chốt khuỷu.

hinh-anh-bai-23-co-cau-truc-khuyu-thanh-truyen-3237-3

Hình 23.4. Trục khuỷu động cơ bốn xilanh
1. Đầu trục khuỷu ; 2. Chốt khuỷu ; 3. Cổ khuỷu
4. Má khuỷu ; 5. Đối trọng ; 6. Đuôi trục khuỷu.

Cổ khuỷu và chốt khuỷu có dạng hình trụ, má khuỷu có hình dạng tuỳ thuộc từng loại động cơ. Trên má khuỷu thường cấu tạo thêm đối trọng 5. Đối trọng có thể làm liền với má khuỷu hoặc làm riêng rồi hàn hoặc lắp với má khuỷu bằng gugiông.

Đuôi trục khuỷu 6 được cấu tạo để lắp bánh đà, cơ cấu truyền lực tới máy công tác.

(?) Trên má khuỷu làm thêm đối trọng để làm gì ?

Câu hỏi

1. Nêu nhiệm vụ của pit-tông, thanh truyền và trục khuỷu.

2. Trình bày cấu tạo của pit-tông, thanh truyền và trục khuỷu.

3. Tại sao không làm pit-tông vừa khít với xilanh để không phải sử dụng xecmăng ?

Thông tin bổ sung

XECMĂNG

Xecmăng có nhiệm vụ bao kín buồng cháy, xecmăng khí ngăn không cho khí trên buồng cháy lọt xuống cacte. Xecmăng dầu ngăn không cho dầu bôi trơn từ cacte lọt vào buồng cháy.

Xecmăng có cấu tạo là một vành tròn hở. Hình 23.5 giới thiệu hai loại xe măng khí và xecmăng dầu được dùng khá phổ biến.

hinh-anh-bai-23-co-cau-truc-khuyu-thanh-truyen-3237-4

Hình 23.5. Cấu tạo của xecmăng khí và xecmăng dầu

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 23: Cơ Cấu Trục Khuỷu Thanh Truyền | Công Nghệ 11 | Chương 6: Cấu Tạo Của Động Cơ Đốt Trong - Lớp 11 - Giáo Dục Việt Nam

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Công Nghệ 11

  1. Chương 1: Vẽ Kĩ Thuật Cơ Sở
  2. Chương 2: Vẽ Kĩ Thuật Ứng Dụng
  3. Chương 3: Vật Liệu Cơ Khí Và Công Nghệ Chế Tạo Phôi
  4. Chương 4: Công Nghệ Cắt Gọt Kim Loại Và Tự Động Hóa Trong Chế Tạo Cơ Khí
  5. Chương 5: Đại Cương Về Động Cơ Đốt Trong
  6. Chương 6: Cấu Tạo Của Động Cơ Đốt Trong
  7. Chương 7: Ứng Dụng Động Cơ Đốt Trong

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Giáo Dục Việt Nam

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.