Nội Dung Chính
1. Biết được nhiệm vụ và phân loại hệ thống đánh lửa. 2. Biết được nguyên lí làm việc và đọc được sơ đồ của hệ thống đánh lửa điện tử không tiếp điểm loại đơn giản. |
I – NHIỆM VỤ VÀ PHÂN LOẠI
1. Nhiệm vụ
Hệ thống đánh lửa có nhiệm vụ tạo ra tia lửa điện cao áp để châm cháy hoà khí trong xilanh động cơ xăng đúng thời điểm.
2. Phân loại
Có nhiều cách phân loại hệ thống đánh lửa, hiện nay thường phân loại dựa theo cấu tạo của bộ chia điện (hình 29.1).
Hình 29.1. Sơ đồ phân loại hệ thống đánh lửa
Hệ thống đánh lửa điện tử không tiếp điểm có nhiều ưu điểm nên được sử dụng phổ biến.
II – HỆ THỐNG ĐÁNH LỬA ĐIỆN TỬ KHÔNG TIẾP ĐIỂM
1. Cấu tạo
Cấu tạo của hệ thống đánh lửa điện tử không tiếp điểm rất phức tạp. Vì vậy, để thuận lợi cho việc tìm hiểu nguyên lí làm việc của hệ thống, phần này chỉ giới thiệu một hệ thống đơn giản sử dụng nguồn là manhê-tô (máy phát điện), dùng trên động cơ một xilanh.
– Cuộn nguồn WN là cuộn dây stato của ma-nhê-tô. Cuộn điều khiển WĐK được đặt ở vị trí sao cho khi tụ CT đầy điện thì cuộn WĐK cũng có điện áp dương cực đại.
– Bộ chia điện có cấu tạo gồm hai điôt thường để nắn dòng điện xoay chiều, một tụ điện và một điôt điều khiển. Đặc điểm của điôt điều khiển là chỉ mở khi được phân cực thuận và có điện áp dương đặt vào cực điều khiển.
Hình 29.2. Hệ thống đánh lửa điện tử không tiếp điểm
1. Ma-nhê-tô ; 2. Biến áp đánh lửa
3. Bugi ; 4. Khoá điện
WN - Cuộn nguồn ; WĐK - Cuộn điều khiển ;
Đ1, Đ2 - Điôt thường ; ĐĐK - Điôt điều khiển ;
CT - Tụ điện ; W1 - Cuộn sơ cấp ;
W2 - Cuộn thứ cấp.
2. Nguyên lí làm việc
Khi khoá điện 4 mở và roto của ma-nhê-tô quay, trên các cuộn dây WN và WĐK xuất hiện các sức điện động xoay chiều.
Nhờ điôt Đ1, nửa chu kì dương của sức điện động trên cuộn WN được nạp vào tụ CT (do khi đó ĐĐK vẫn ở chế độ khoá). Với thiết kế đã định trước, khi tụ CT đã tích đầy điện thì cũng có nửa chu kì dương của sức điện động trên cuộn WĐK qua điôt Đ2, đặt vào cực điều khiển của ĐĐK, điôt điều khiển sẽ mở. Đó cũng chính là thời điểm cần đánh lửa.
Điôt điều khiển mở cho phép tụ CT phóng điện qua nó, dòng điện phóng đi theo mạch : Cực (+) CT → ĐĐK → “Mát” → W1 → Cực (–) CT .
Do có dòng điện với trị số khá lớn phóng qua cuộn sơ cấp W1 trong thời gian cực ngắn nên ở cuộn thứ cấp W2 xuất hiện sức điện động lớn, tạo ra tia lửa điện ở bugi.
Khi muốn tắt động cơ, đóng công tắc 4, điện từ cuộn WN sẽ ra “mát”, hệ thống đánh lửa ngừng làm việc.
Câu hỏi
1. Trình bày nhiệm vụ và phân loại hệ thống đánh lửa.
2. Nêu cấu tạo của hệ thống đánh lửa điện tử không tiếp điểm.
3. Trình bày nguyên lí làm việc của hệ thống đánh lửa điện tử không tiếp điểm.
Thông tin bổ sung
1. Sơ lược về nguyên lí làm việc của điôt
Có thể hiểu một cách đơn giản như sau :
a) Điôt thường b) Điôt điều khiển
Hình 29.3. Sơ đồ điệt thường và điôt điều khiển
− Với điôt thường (hình 29.3a) : Mắc điôt vào mạch có điện áp thuận (phân cực thuận) thì điôt cho phép dòng điện đi qua, khi đó có thể coi điôt như một dây dẫn bình thường. Nếu mắc điôt vào mạch có điện áp ngược (phân cực ngược) thì điôt không cho dòng điện ngược đi qua nó, khi đó gọi là điôt khoá. Chính nhờ đặc điểm này mà điôt thường được dùng để nắn dòng điện xoay chiều thành dòng điện một chiều.
− Với điôt điều khiển Đok (hình 29.3b) : Mắc điôt vào mạch có điện áp thuận và cực điều khiển có điện áp dương (UĐK > 0) thì điôt cho phép dòng điện đi qua, khi đó có thể coi điôt như một dây dẫn bình thường. Nếu mắc điôt vào mạch có điện áp ngược hoặc UĐK '' 0 thì điôt khoá không cho dòng điện đi qua nữa.
2. Phân loại hệ thống đánh lửa
Ngoài cách phân loại theo cấu tạo của bộ chia điện như đã trình bày trong bài, hệ thống đánh lửa còn được phân loại theo nguồn điện, chia ra hai loại :
– Hệ thống đánh lửa dùng acquy.
– Hệ thống đánh lửa dùng ma-nhê-tô.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn