Nội Dung Chính
1. Biết được phạm vi ứng dụng của động cơ đốt trong. 2. Biết được nguyên tắc chung về ứng dụng động cơ đốt trong. |
I − VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ CỦA ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG
1. Vai trò
Động cơ đốt trong là nguồn động lực được sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, quân sự,... Động cơ đốt trong dùng làm nguồn động lực cho các phương tiện, thiết bị khi cần di chuyển linh hoạt trong một phạm vi rộng và với khoảng cách khá lớn trong quá trình làm việc như máy bay, tàu thuỷ, ô tô,..
2. Vị trí
Hiện nay, trong các loại thiết bị động lực, tổng công suất do động cơ đốt trong tạo ra chiếm tỉ trọng lớn về công suất thiết bị động lực do mọi nguồn năng lượng tạo ra (nhiệt năng, thuỷ năng, năng lượng nguyên tử, năng lượng mặt trời,...). Ngành công nghiệp chế tạo động cơ đốt trong phát triển rất mạnh.
Ngành công nghiệp chế tạo động cơ đốt trong được coi là bộ phận quan trọng của ngành cơ khí và nền kinh tế quốc dân ở nhiều nước. Các nước đều rất coi trọng công tác đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ kĩ thuật, công nhân lành nghề về động cơ đốt trong nhằm đáp ứng yêu cầu về thiết kế, chế tạo, sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa chúng.
Trên hình 32.1 trình bày một số ứng dụng của động cơ đốt trong trong thực tế sản xuất và đời sống.
Hình 32.1. Một số ứng dụng của động cơ đốt trong
(?) Hãy kể tên một số phương tiện, thiết bị khác có sử dụng động cơ đốt trong mà em biết.
II – NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ ỨNG DỤNG ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG
1. Sơ đồ ứng dụng
Khi động cơ làm việc, tạo ra momen quay ở đầu trục khuỷu. Để sử dụng momen này, phải nối đầu trục khuỷu với thiết bị cần cấp năng lượng (máy công tác), thông qua một bộ phận trung gian (hệ thống truyền lực). Quá trình này được mô tả trên hình 32.2.
Hình 32.2. Sơ đồ ứng dụng động cơ đốt trong
– Động cơ đốt trong thường sử dụng là động cơ xăng và động cơ điêzen.
– Máy công tác là thiết bị nhận năng lượng từ động cơ để thực hiện một nhiệm vụ nào đó, ví dụ như bánh xe chủ động trên ô tô, chân vịt trên tàu thuỷ,...
– Hệ thống truyền lực là bộ phận trung gian nối động cơ với máy công tác. Cấu tạo của hệ thống truyền lực rất đa dạng, phụ thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện làm việc của máy công tác và loại động cơ.
2. Nguyên tắc ứng dụng động cơ đốt trong
Động cơ đốt trong, hệ thống truyền lực, máy công tác là tổ hợp thống nhất. Khi sử dụng động cơ đốt trong làm nguồn động lực cho máy công tác cần tuân thủ các nguyên tắc sau :
– Về tốc độ quay :
Trong trường hợp tốc độ quay của động cơ bằng tốc độ quay của máy công tác cần nối trực tiếp chúng thông qua khớp nối. Nếu tốc độ quay của chúng khác nhau phải nối động cơ với máy công tác thông qua hộp số, hoặc bộ truyền bằng đại, xích.
– Về công suất :
Chọn công suất của động cơ phải thoả mãn quan hệ sau :
NĐC = (NCT + NTT).K
Trong đó :
NĐC – Công suất động cơ ; NCT – Công suất máy công tác ;
NTT – Tổn thất công suất của hệ thống truyền lực ;
K – Hệ số dự trữ (K = 1,05 √ 1,5).
Câu hỏi
1. Nêu ứng dụng của động cơ đốt trong trong sản xuất và đời sống.
2. Trình bày sơ đồ và nguyên tắc chung về ứng dụng động cơ đốt trong.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn