Nội Dung Chính
1. Biết được đặc điểm và cách bố trí của động cơ đốt trong dùng cho xe máy. 2. Biết được đặc điểm của hệ thống truyền lực trên xe máy. |
I – ĐẶC ĐIỂM VÀ CÁCH BỐ TRÍ ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG DÙNG CHO XE MÁY
1. Đặc điểm của động cơ đốt trong dùng trên xe máy
Trên hình 34.1 thể hiện một số loại động cơ dùng trên xe máy.
Hình 34.1. Động cơ đốt trong dùng trên xe máy
a) Động cơ một xilanh nằm ngang ;
b) Động cơ hai xilanh hình chữ V.
Động cơ xe máy rất đa dạng về hình dáng, công suất, chúng thường có những đặc điểm sau :
– Là động cơ xăng hai kì và bốn kì cao tốc.
– Có công suất nhỏ.
– Li hợp, hộp số bố trí trong một vỏ chung.
– Thường làm mát bằng không khí.
– Số lượng xilanh ít (thường có một hoặc hai xilanh).
(?) Tại sao trên xe máy ít sử dụng phương án làm mát động cơ bằng nước ?
2. Bố trí động cơ trên xe máy
Động cơ thường được bố trí ở giữa xe theo hai cách sau (hình 34,2) :
– Đặt ở giữa xe.
– Đặt lệch về đuôi xe.
a) Động cơ đặt ở giữa xe (hình 34.2a)
Cách bố trí này có ưu điểm : Phân bố đều khối lượng trên xe, động cơ được làm mát tốt khi xe hoạt động. Tuy nhiên, phương án bố trí này có những nhược điểm sau : Truyền momen quay từ động cơ đến bánh sau xa nên hệ thống truyền lực phức tạp (phải thêm cụm truyền lực bằng xích), nhiệt thải từ động cơ có ảnh hưởng đến người lái xe.
Hình 34.2. Bố trí động cơ trên xe máy
b) Động cơ đặt lệch về đuôi xe (hình 34.2b)
Bố trí động cơ lệch về đuôi xe có ưu điểm sau : Hệ thống truyền lực gọn, nhiệt thải từ động cơ không ảnh hưởng đến người lái. Tuy nhiên, phương án bố trí này có những nhược điểm : Phân bố khối lượng trên xe không đều, làm mát động cơ không tốt như phương án bố trí động cơ ở giữa xe.
II – ĐẶC ĐIỂM CỦA HỆ THỐNG TRUYỀN LỰC TRÊN XE MÁY
Về nguyên tắc, hệ thống truyền lực của xe máy có những điểm giống như trên ô tô, sơ đồ được thể hiện trên hình 34.3, 34.4:
Hình 34.3. Sơ đồ khối hệ thống truyền lực trên xe máy
– Động cơ, li hợp, hộp số thường bố trí trong một vỏ chung.
– Li hợp trên xe máy thường là li hợp ma sát được điều khiển bằng tay hoặc tự động dựa vào lực li tâm theo tốc độ quay của động cơ.
– Hộp số thường có ba, bốn cấp tốc độ và không có số lùi.
– Khi động cơ đặt ở giữa xe thì truyền lực đến bánh xe sau thường bằng xích (hình 34.4).
– Khi động cơ bố trí lệch về phía đuôi xe thì momen quay từ hộp số được truyền cho bánh xe bằng trục các đăng.
Nguyên lí làm việc của hệ thống truyền lực trên xe máy như sau: Khi động cơ 1 làm việc (hình 34.4), nếu li hợp 2 đóng thì momen sẽ truyền sang hộp số 3, qua xích 4 để truyền cho bánh xe chủ động 5.
Hình 34.4. Sơ đồ hệ thống truyền lực trên xe máy
1. Động cơ ; 2. Li hợp ; 3. Hộp số ;
4. Xích ; 5. Bánh xe.
Câu hỏi
1. Nêu đặc điểm và cách bố trí động cơ trên xe máy.
2. Trình bày đặc điểm của hệ thống truyền lực trên xe máy.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn