Bài 10: Giới thiệu về môi trường nuôi thủy sản  | Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản) | Chương V. Môi trường nuôi thủy sản - Lớp 12 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Công Nghệ 12 - Chương V - Bài 10


(Trang 51)

CHƯƠNG V. MÔI TRƯỜNG NUÔI THỦY SẢN

• Yêu cầu chính của môi trường nuôi thủy sản, các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường nuôi thủy sản.

• Biện pháp cơ bản xử lí môi trường trước và sau nuôi thủy sản; các biện pháp quản lí môi trường nuôi thủy sản.

• Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lí môi trường nuôi thủy sản.

• Thực hành xác định một số chỉ tiêu cơ bản của nước nuôi thủy sản.

hinh-anh-bai-10-gioi-thieu-ve-moi-truong-nuoi-thuy-san-12228-0

(Trang 52)

BÀI 10. GIỚI THIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG NUÔI THỦY SẢN

Sau khi học xong bài này, em sẽ:

- Trình bày được các yêu cầu chính của môi trường nuôi thủy sản.

- Phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường nuôi thủy sản.

Mở đầu

Vì sao nhiệt độ của nước nuôi thủy sản lại có ảnh hưởng trực tiếp đến hô hấp, tiêu hoá, sinh sản, ... của động vật thủy sản.

hinh-anh-bai-10-gioi-thieu-ve-moi-truong-nuoi-thuy-san-12228-1

Hình 10.1. Môi trường nước ao nuôi thủy sản

I. CÁC YÊU CẦU CHÍNH CỦA MÔI TRƯỜNG NUÔI THỦY SẢN

1. Yêu cầu về thủy lí

a) Nhiệt độ nước

Hầu hết động vật thuỷ sản là động vật biến nhiệt, thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ của môi trường. Chính vì vậy, nhiệt độ môi trường nuôi có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sống quan trọng của động vật thuỷ sản như: hô hấp, tiêu hoá, sinh sản,...

Mỗi loài thuỷ sản sẽ có yêu cầu về nhiệt độ môi trường nuôi khác nhau (Bảng 10.1). Vì vậy, khi nuôi thuỷ sản cần quan tâm đến nhiệt độ của môi trường nuôi để xác định loài thuỷ sản nuôi phù hợp.

Bảng 10.1. Yêu cầu nhiệt độ nước nuôi của một số loài động vật thủy sản nuôi phổ biến

STT Loài động vật thủy sản nuôi Khoảng nhiệt độ giới hạn (°C) Khoảng nhiệt độ thích hợp (°C)
1 Cá rô phi 10 - 39 25 - 30
2 Cá chép 4 - 35 23 - 28
3 Cá tầm 5 - 31 18 - 25
4 Tôm càng xanh 22 - 33 28 - 30
5 Cua biển 18 - 32 25 -29

Khám phá

Vì sao nhiệt độ của nước nuôi thủy sản lại có ảnh hưởng trực tiếp đến hô hấp, tiêu hoá, sinh sản,... của động vật thủy sản.

(Trang 53)

b) Độ trong và màu nước

Độ trong của nước có liên quan đến một số yếu tố như các hạt sét lơ lửng, sự phân tán của sinh vật phù du, các chất hữu cơ dạng hạt. Độ trong của nước tác động đến sự truyền ánh sáng trong nước cũng như sự quang hợp. Độ trong thấp ngăn cản sự quang hợp của sinh vật phù du, làm giảm lượng oxygen trong ao, ảnh hưởng đến động vật thuỷ sản. Ngược lại, nếu độ trong quá cao, sinh vật phù du kém phát triển sẽ hạn chế nguồn thức ăn tự nhiên của động vật thuỷ sản. Mỗi loài có yêu cầu về độ trong của nước ao nuôi khác nhau, độ trong của nước ao nuôi thích hợp cho hầu hết các loài cá là từ 20 cm đến 30 cm, của tôm là từ 30 cm đến 45 cm.

Màu nước nuôi phù hợp nhất cho các loài thuỷ sản nước ngọt là màu xanh nhạt (xanh nõn chuối, Hình 10.2a) do sự phát triển của tảo lục (Chlorophyta). Tảo lục trong nước nuôi là nguồn thức ăn cho một số loài thuỷ sản, cung cấp oxygen hoà tan, làm giảm lượng khí độc trong ao. Đối với các loài thuỷ sản nước lợ, mặn, màu nước nuôi thích hợp là vàng nâu (màu nước trà).

Các màu nước không phù hợp cho nuôi thuỷ sản như nước có màu xanh rêu (do sự phát triển quá mức của tảo lam, Hình 10.2b), màu vàng cam (do bị nhiễm phèn), màu đỏ gạch (nước có nhiều phù sa).

hinh-anh-bai-10-gioi-thieu-ve-moi-truong-nuoi-thuy-san-12228-2

Hình 10.2. Màu nước phù hợp (a) và không phù hợp (b) trong nuôi thủy sản

Kết nối năng lực

Sử dụng internet, sách, báo,... để tìm hiểu yêu cầu về nhiệt độ, độ trong và màu nước ao nuôi của một số loài động vật thủy sản phổ biến.

2. Yêu cầu về thủy hóa

a) Độ pH

Mỗi nhóm động vật thủy sản có yêu cầu khác nhau về pH nước, ví dụ: các loài tôm thích hợp với điều kiện pH nước dao động từ 6,5 đến 8,5. pH quá cao hoặc thấp đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của động vật thủy sản.

b) Hàm lượng NH3

NH3 hình thành trong quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ thông qua sự chuyển hóa của nhiều nhóm sinh vật. Hàm lượng NH3 cho phép trong nước nuôi thủy sản nhỏ hơn 0,5 mg/L. Hàm lượng NH3 cao có thể gây ngộ độ hoặc làm chết động vật thủy sản.

(Trang 54)

c) Độ mặn

Mỗi nhóm động vật thủy sản có yêu cầu khác nhau về độ mặn của nước. Độ mặn không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật thủy sản. Độ mặn trong nước thích hợp của một số động vật thủy sản được ra trong Bảng 10.2.

Kết nối năng lực

Sử dụng internet, sách, báo,... để tìm hiểu độ pH và độ mặn thích hợp của một số loài động vật thủy sản phổ biến.

Bảng 10.2. Yêu cầu độ mặn cho một số loài thủy sản nuôi phổ biến

STT Loài thủy sản Khoảng độ mặn giới hạn (‰) Khoảng độ mặn thích hợp (‰)
1 Cá rô phi 0 - 30 0 - 5
2 Cá trắm đen 0 - 13 0 - 3
3 Cá song 5 - 50 20 - 30
4 Tôm thẻ chân trắng 0 - 40 10 - 25

(Nguồn: Kim Văn Vạn & cs., năm 2020)

Khám phá

Nêu độ pH và độ mặn thích hợp đối với một số loài động vật thủy sản nuôi ở địa phương em

d) Oxygen hòa tan

Oxygen hoà tan là oxygen tồn tại trong nước nuôi thuỷ sản, chủ yếu có nguồn gốc từ oxygen khí quyển. Ngoài ra, một phần oxygen hoà tan trong nước nuôi thuỷ sản được cung cấp nhờ quá trình quang hợp của một số nhóm thực vật thuỷ sinh và vi khuẩn lam.

Hàm lượng oxygen hoà tan trong nước nuôi thuỷ sản là một chỉ tiêu quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến thuỷ sản, đặc biệt là các loài động vật thuỷ sản. Hàm lượng oxygen trong nước ao nuôi thay đổi nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của động vật thuỷ sản. Mỗi loài thuỷ sản có yêu cầu về hàm lượng oxygen hoà tan khác nhau, ví dụ: hàm lượng oxygen hoà tan trong nước thích hợp đối với tôm là khoảng 3 mg/L,  đối với các loài cá dao động khoảng từ 4 đến 5 mg/L.

Khám phá

Nêu một số biện pháp để cung cấp oxygen hòa tan cho nước nuôi thủy sản.

Kết nối năng lực

Sử dụng internet, sách, báo,... tìm hiểu về những biểu hiện của động vật khi môi trường bị thiếu oxygen hòa tan.

(Trang 55)

3. Yêu cầu về thủy sản

a) Thực vật thủy sinh

Thực vật thuỷ sinh (Hình 10.3) cung cấp oxygen hoà tan cho nước nhờ quá trình quang hợp, cung cấp nơi trú ngụ cho động vật thuỷ sản, duy trì ổn định nhiệt độ môi trường nước, hấp thụ một số kim loại nặng làm giảm ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, mật độ thực vật thuỷ sinh quá cao sẽ cạnh tranh oxygen hoà tan với động vật thuỷ sản; các thực vật nổi bao phủ bề mặt nước ngăn cản oxygen khí quyển khuếch tán vào nước. Vì vậy, cần đảm bảo chủng loại, mật độ thực vật thuỷ sinh phù hợp đối với từng loài động vật thuỷ sản.

hinh-anh-bai-10-gioi-thieu-ve-moi-truong-nuoi-thuy-san-12228-3

a) Bèo tây (lục bình); b) Rong đuôi chồn; c) Súng

Hình 10.3. Một số loài thực vật thủy sinh trong ao nuôi thủ sản

Khám phá

Kể tên các loài thực vật thủy sinh thường gặp trong ao nuôi cá hoặc đầm nuôi tôm. Nêu vai trò của chúng đối với môi trường nuôi thủy sản.

b) Sinh vật phù du

Sinh vật phù du là những động vật, thực vật sống trôi nổi trong nước (Hình 10.4). Chúng đóng vai trò quan trọng trong lưới thức ăn dưới nước, là nguồn thức ăn chính cho các loài thuỷ sản tự nhiên. Ngoài ra, thực vật phù du đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định hệ sinh thái môi trường nuôi thuỷ sản, cung cấp oxygen hoà tan, làm giảm các chất độc hại trong nước, ngăn chặn sự phát triển của tảo sợi.

hinh-anh-bai-10-gioi-thieu-ve-moi-truong-nuoi-thuy-san-12228-4

a) Thực vật phù du; b) Động vật phù du

Hình 10.4. Một số loại sinh vật phù du trong ao nuôi thủ sản

c) Vi sinh vật

Vi sinh vật là nhân tố sinh học rất quan trọng đối với môi trường thủy sản, chúng tồn tại ở mọi nơi trong môi trường, đặc biệt là ở lớp bùn đáy, nơi có nhiều chất hữu cơ.

(Trang 56)

Một số vi sinh vật có lợi (một số loài thuộc chi Bacillus, Lactobacillus, Nitrosomonas, Nitrobacter,...) tham gia vào quá trình phân giải thức ăn dư thừa, chất thải của thủy sản nuôi; chuyển hóa một số khí độc (NH3, NO2 và H2S) thành chất không độc. Tuy nhiên, nhiều vi sinh vật có hại (ví dụ: một số loài thuộc các chi Pseudomonas, Aeromonas, Klebsiella, Enterobacter, Serratia, Vibrio, Proteus,...) có thể gây bệnh cho thủy sản nuôi; ngoài ra một số nhóm vi khuẩn kị khí sinh ra độc như NH3, H2S trong quá trình trao đổi chất (ví dụ: một số loài thuộc các chi: Clostridium, Desulfovibrio, Methanosarcina,...); sự phát triển quá mức của vi sinh vật hiếu khí có khả năng làm giảm lượng oxygen hòa tan trong nước. Trong quá trình nuôi thủy sản, cần có biện pháp làm giảm số lượng vi sinh vật có hại, tăng số lượng vi sinh vật có lợi.

III. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG NUÔI THỦY SẢN

1. Nguồn nước

Nguồn nước là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong nuôi thuỷ sản. Nguồn nước khác nhau sẽ mang những đặc điểm thuỷ lí, thuỷ hoá và thuỷ sinh khác nhau.

Môi trường nuôi trồng thuỷ sản ở Việt Nam hiện tại phân ra hai loại nguồn nước chính là: môi trường nước ngọt và môi trường nước biển ven bờ (QCVN 01-80:2011/BNNPTNT), trong đó:

- Nước ngọt gồm nước máy, nước ngầm, nước giếng, nước sông, nước suối tự nhiên hoặc nước từ hệ thống thuỷ nông, có độ mặn < 5‰.

- Nước biển ven bờ gồm nước biển, nước ngầm, nước ruộng muối, có độ mặn ≥ 5‰.

Các nguồn nước khác nhau sẽ phù hợp với việc nuôi những nhóm thuỷ sản khác nhau.

2. Tính lưu động của nước

Nước trong môi trường nuôi thuỷ sản phải đảm bảo có tính lưu động nhằm tạo ra sự cân bằng động của các yếu tố vật lí, hoá học, sinh học. Việc lưu động của nước cũng giúp cho hệ sinh thái nuôi thuỷ sản duy trì ở trạng thái mở với môi trường bên ngoài.

Nuôi thuỷ sản trong môi trường nước chảy (sông, suối,...) (Hình 10.5a), dòng nước luôn lưu động một cách tự nhiên dẫn đến các thành phần môi trường thay đổi. Tuy nhiên, hạn chế của nước chảy là có khả năng làm trôi thức ăn của thuỷ sản.

Nuôi thuỷ sản trong môi trường nước đứng (ao, hồ, đầm,...), nước lưu động chậm và rất dễ bị ô nhiễm. Cần phải hỗ trợ sự lưu động của nước bằng các phương pháp khác nhau như bơm, sục khí, khuấy đảo nước (Hình 10.5b), thay nước.

hinh-anh-bai-10-gioi-thieu-ve-moi-truong-nuoi-thuy-san-12228-5

Hình 10.5. Nuôi cá lồng trên sông (a) và sử dụng máy quạt nước trong ao nuôi thủy sản (b)

(Trang 57)

Khám phá

Theo em, tính lưu động của nước có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường nuôi thủy sản?

3. Thổ nhưỡng

Thổ nhưỡng là tổng hợp các yếu tố vật lí, hoá học và sinh học của đất. Mỗi vùng địa lí khác nhau sẽ có các đặc điểm thổ nhưỡng khác nhau, chúng ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến môi trường nuôi thủy sản. Do môi trường nuôi thuỷ sản có sự liên hệ trực tiếp với đất nên các thành phần trong đất sẽ khuếch tán vào nước, làm thay đổi đặc tính thuỷ lí, thuỷ hoá và thuỷ sinh.

4. Thời tiết

Môi trường nuôi thuỷ sản là hệ sinh thái mở, chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ bởi các yếu tố thời tiết như nhiệt độ, mưa, nắng, gió, áp suất khí quyển, độ ẩm, sương mù,... Mỗi sự thay đổi của các yếu tố này, dù lớn hay nhỏ đều có tác động đến môi trường nuôi thuỷ sản. Sự thay đổi nhiệt độ dẫn tới việc thay đổi về tốc độ bốc hơi nước, nồng độ các chất hoà tan trong nước và nhiệt độ nước trong môi trường nuôi thuỷ sản. Sự thay đổi nhiệt độ dẫn tới việc thay đổi về tốc độ bốc hơi nước, nồng độ các chất hòa tan trong nước và nhiệt độ nước trong môi trường nuôi thủy sản. Mưa bão ảnh hưởng tới tính lưu động của nước, nồng độ các chất hoà tan đặc biệt là oxygen, độ trong của nước. Gió tác động mạnh mẽ đến tính lưu động của nước.

5. Quy trình nuôi thuỷ sản

Mỗi loài động vật thuỷ sản sẽ có những phương thức nuôi khác nhau. Trong đó, mật độ nuôi và quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc là những yếu tố ảnh hưởng rõ rệt đến môi trường.

Mật độ nuôi phù hợp sẽ đảm bảo sự cân bằng các yếu tố của môi trường. Trong trường hợp nuôi thuỷ sản thâm canh với mật độ lớn sẽ phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi do lượng chất thải phát sinh nhiều, thiếu hụt oxygen hoà tan,... Do đó, cần phải có những giải pháp để xử lí như bổ sung chế phẩm vi sinh, sục khí, quạt.

Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc đối tượng nuôi cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường. Nếu quy trình không phù hợp có thể dẫn đến tình trạng dư thừa thức ăn, đối tượng nuôi bị bệnh hoặc chết không được xử lí.

Luyện tập

Trình bày các yêu cầu chính của môi trường nuôi thủy sản dưới dạng một sơ đồ tư duy.

Vận dụng

Đề xuất một số việc nên làm để hạn chế các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường nuôi thủy sản.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 10: Giới thiệu về môi trường nuôi thủy sản  | Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản) | Chương V. Môi trường nuôi thủy sản - Lớp 12 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.