Bài 22: Bảo quản và chế biến sản phẩm thủy sản  | Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản) | Chương VIII. Công nghệ nuôi thủy sản - Lớp 12 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Công Nghệ 12 - Chương VIII - Bài 22


(Trang 108)

Sau khi học xong bài này, em sẽ:

- Trình bày được một số phương pháp bảo quản và chế biến thủy sản phổ biến.

- Nêu được một số ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến thủy sản.

- Thực hiện được một số công việc đơn giản trong bảo quản, chế biến thủy sản.

Mở đầu

Vì sao cần phải bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản (Hình 22.1)? Gia đình, địa phương em thường bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản bằng những phương pháp nào?

Hình 22.1. Chế biến thủy sản

I. PHƯƠNG PHÁP BẢO QUẢN THỦY SẢN

1. Một số phương pháp bảo quản thủy sản phổ biến

a) Phương pháp bảo quản lạnh

Nguyên lí của phương pháp bảo quản lạnh là sử dụng nhiệt độ thấp để ức chế sự hoạt động của enzyme và các vi sinh vật gây hại sản phẩm thuỷ sản trong quá trình bảo quản.

Sản phẩm thuỷ sản có thể được bảo quản trong đá lạnh (Hình 22.2a), bảo quản trong tủ lạnh hoặc kho lạnh (Hình 22.2b). Nhiệt độ bảo quản lạnh thuỷ sản thường dưới 4°C. Tuỳ thuộc vào loại thuỷ sản, nhiệt độ bảo quản mà thời gian bảo quản có thể là vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng.

a) Bảo quản trong đá lạnh

b) Bảo quản bằng kho lạnh

Hình 22.2. Bảo quản lạnh thủy sản

(Trang 109)

Khám phá

Trình bày biện pháp bảo quản lạnh một số sản phẩm thủy sản phổ biến ở gia đình địa phương em.

b) Phương pháp làm khô

Thực hiện phương pháp làm khô bằng cách phơi khô thuỷ sản dưới ánh nắng mặt trời (Hình 22.3a) hoặc sấy khô bằng các thiết bị chuyên dụng (Hình 22.3b) đến một mức độ thích hợp. Thuỷ sản sau khi làm khô được đóng gói kín bằng túi nylon hoặc túi hút chân không (Hình 22.3c), bảo quản ở nhiệt độ thường hoặc bảo quản trong tủ lạnh. Phương pháp này có thể bảo quản thuỷ sản lâu dài từ 6 tháng đến một năm.

a) Phơi cá; b) Thiết bị sấy chuyên dụng; c) Tôm khô đựng trong túi hút chân không

Hình 22.3. Bảo quản thủy sản bằng phương pháp làm khô

c) Phương pháp ướp muối

Phương pháp này dựa trên sự chênh lệch về nồng độ muối giữa môi trường ướp và tế bào vi sinh vật, làm ức chế hoạt động và sự phát triển của vi sinh vật.

Phương pháp này thường được áp dụng đối với cá và tôm. Cá và tôm sau khi được rửa sạch, sơ chế được ướp với muối khô hoặc được ngâm trong dung dịch nước muối với tỉ lệ phù hợp hoặc kết hợp hai phương pháp trên. Tuỳ vào các yếu tố như loại và kích cỡ của sản phẩm, phương pháp ướp muối, nhiệt độ môi trường, kích thước hạt muối, mục đích sử dụng,... mà thời gian ướp muối có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày, sau đó vớt sản phẩm ra, để ráo, đóng gói kín bằng túi nylon hoặc túi hút chân không, bảo quản ở nhiệt độ thường hoặc bảo quản trong tủ lạnh.

Khám phá

Mô tả các bước bảo quản một loài thủy sản bằng phương pháp làm khô đang được áp dụng ở gia đình, địa phương em.

2. Ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản thủy sản

a) Ứng dụng công nghệ nano UFB trong bảo quản cá ngừ đại dương

- Nano UFB (Ultra Fine Bubble) là công nghệ tạo bóng khí nitrogen siêu nhỏ (kích cỡ nanomet).

- Các bóng khí này khử oxygen hoà tan trong nước, làm giảm hoạt động và phát triển của vi khuẩn hiếu khí.

=> Do đó loại bỏ quá trình oxy hoá từ bề mặt ngoài và bên trong cơ thể cá:

+ Ngăn chặn được tình trạng thịt cá bị biến chất.

+ Giúp cá giữ độ tươi lâu hơn trong quá trình bảo quản.

+ Không làm hao hụt khối lượng cá.

- Các bước bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ nano UFB.

+ Bước 1: Tạo nước biển lạnh tuần hoàn.

+ Bước 2: Vận hành thiết bị tạo bọt khí nitrogen nano.

+ Bước 3: Khai thác cá ngừ.

+ Bước 4: Sơ chế cá ngừ.

+ Bước 5: Bảo quản thực phẩm.

+ Bước 6: Bốc dỡ sản phẩm.

b) Ứng dụng công nghệ polyurethane trong bảo quản thủy sản

- Vật liệu polyurethane có khả năng:

+ Cách nhiệt tốt,

+ Có độ bám dính cao.

+ Trọng lượng nhẹ.

+ Ít thấm hút nước.

+ Có độ đàn hồi, không có mối nối.

+ Dễ dàng trong việc thi công công trình.

- Sử dụng vật liệu polyurethane để đóng hầm bảo quản trên tàu khai thác thuỷ sản giúp kéo dài thời gian bảo quản, tăng chất lượng hải sản sau khai thác.

=> Nhờ đó, tàu có thể đi khai thác ở những ngư trường xa hơn, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả khai thác.

- Thời gian bảo quản thuỷ sản trong hầm làm từ vật liệu polyurethane lên đến 20 ngày (trong khi bảo quản bằng hầm truyền thống chỉ được 7 ngày), chất lượng thuỷ sản vẫn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hình 22.5. Vật liệu polyurethane

II. PHƯƠNG PHÁP CHẾ BIẾN THỦY SẢN

1. Một số phương pháp chế biến thủy sản phổ biến

a) Sản xuất nước mắm truyền thống từ cá

Hình 22.7. Nước mắm ở giai đoạn ủ chượp

- Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu: gồm cá tươi và muối sạch.

- Bước 2: Ủ chượp.

- Bước 3: Rút và lọc mắm.

- Bước 4: Đóng chai.

b) Phương pháp làm tôm chua

- Bước 1: Chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu.

- Bước 2: Chuẩn bị gia vị.

- Bước 3: Ngâm tôm cùng gia vị.

Hình 22.10. Sản phẩm tôm chua

c) Phương pháp chế biến cá fillet (phi lê) đông lạnh

- Thịt cá phi lê là phần thịt được cắt theo chiều dọc một bên của cá, song song với xương sống, kéo dài từ lồng ngực đến đuôi.

- Thịt cá phi lê thường là phần thịt thơm ngon, nạc, có độ mềm và chắc.

- Phương pháp chế biến cá phi lê đông lạnh được thực hiện theo các bước cơ bản sau:

+ Bước 1: Lựa chọn và sơ chế nguyên liệu.

+ Bước 2: Phi lê.

+ Bước 3: Rửa, sửa miếng.

+ Bước 4: Phân loại, phân cỡ.

+ Bước 5: Cấp đông.

+ Bước 6: Bao gói, đóng thùng.

+ Bước 7: Bảo quản.

d) Phương pháp chế biến thủy sản đóng hộp

- Sản phẩm thuỷ sản đóng hộp là sản phẩm thuỷ sản đã được xử lí, đóng trong các hộp kín và được thanh trùng để:

+ Tiêu diệt hoặc kìm hãm toàn bộ vi sinh vật có thể phát triển ở nhiệt độ bảo quản.

+ Làm hỏng sản phẩm hoặc có thể gây độc cho người sử dụng.

Hình 2.12. Sản phẩm thủy sản đóng hộp

(Trang 114)

- Các bước chế biến thủy sản đóng hộp:

+ Bước 1: Lựa chọn nguyên liệu, rửa, phân loại.

+ Bước 2: Chế biến cơ học.

+ Bước 3: Chế biến nhiệt sơ bộ.

+ Bước 4: Vào hộp và bổ sung nguyên liệu phụ.

+ Bước 5: Bài khí - ghép mi.

+ Bước 6: Thanh trùng.

+ Bước 7: Bảo ôn.

+ Bước 8: Dán nhãn - đóng thùng.

+ Bước 9: Bảo quản - sử dụng.

2. Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến thủy sản

- Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất surimi từ mực đại dương.

- Trong quy trình này, các enzyme xúc tác được sử dụng để hình thành liên kết ngang, tăng cường khả năng tạo gel trong quy trình sản xuất surimi.

Hình 22.14. Sản phẩm surimi chế biến từ mực đại dương

(Trang 115)

Mực đại dương nguyên con

   

Sơ chế

Loại bỏ nội tạng

Xử lí sơ bộ

Xử lí

Rửa 1: dung dịch nước muối

Rửa 2: dung dịch trung tính

Tách nước

   

Tạo gel

Xay nhuyễn

Enzyme, đường, sobitol, muối,...

Ủ gel: điều kiện lạnh

 Cấp đông ← Surimi    

Hình 22.15. Quy trình sản xuất surimi từ mực đại dương

(Nguồn: Bùi Thị Thu Hiền và cộng sự, Viện Nghiên cứu Hải sản, năm 2022)

III. THỰC HÀNH BẢO QUẢN VÀ CHẾ BIẾN THỦY SẢN

Thực hành

1. Bảo quản thủy sản bằng phương pháp phơi khô/sấy khô

a) Chuẩn bị

Nguyên liệu: thủy sản tươi sống (cá, tôm, mực,...) phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Dụng cụ: dụng cụ phơi (giá phơi, dây phơi, khai phơi,...)  hoặc dụng cụ sấy.

b) Các bước thực hành

Bước 1. Sản phẩm thủy sản (cá/tôm/mực,...) được rửa sạch, làm sạch ruột.

Bước 2. Xếp lên sàng/khay hoặc treo trên dây.

Bước 3. Phơi nắng hoặc sấy khô bằng máy sấy. Thời gian phơi nắng/sấy khô tùy thuộc vào loại thủy sản hoặc sở thích của người dùng.

Bước 4. Đóng gói, bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh.

Hình 22.16. Các bước bảo quản thủy sản bằng phơi/sấy khô

c) Thực hành

Học sinh thực hành theo nhóm. Các nhóm thực hành theo các bước ở mục b và theo hướng dẫn của giáo viên.

(Trang 116)

d) Đánh giá

Học sinh tự đánh giá kết quả thực hành của nhóm mình và đánh giá kết quả thực hành của nhóm khác theo yêu cầu của giáo viên.

Yêu cầu sản phẩm: Màu sắc và mùi vị đặc trưng cho sản phẩm, không có mùi và vị lạ. Sản phẩm ở trạng thái khô, bề mặt không dính ướt hoặc đọng nước (trừ trường hợp bảo quản lạnh); không có tạp chất là và côn trùng sống nhìn thấy bằng mắt thường.

2. Làm chả cá

a) Chuẩn bị

Nguyên liệu: cá để làm chả thường là những loại cá tươi, có thịt dày, chắc, dai, ngon như cá thu, cá rô phi, cá ba sa, cá lăng, cá thác lác,...

Các loại gia vị: hạt tiêu, nước mắm, hành, tỏi, rau thì là,...

Dụng cụ: dao, thớt, máy xay thịt, nồi hấp, chảo, đĩa, giấy thấm dầu,...

b) Các bước tiến hành

Bước 1. Sơ chế nguyên liệu

Cá tươi được rửa sạch, bỏ đầu, bỏ nội tạng, lọc lấy phần thịt, cắt thịt cá thành khúc nhỏ.

Bước 2. Đông lạnh

Thịt cá được cho vào ngăn đá tủ lạnh trong khoảng 2 giờ.

Bước 3. Xay nhỏ

Xay nhuyễn thịt cá cho đến khi được hỗn hợp mịn và dẻo, trong quá trình xay bổ sung một số gia vị phù hợp như hạt tiêu, nước mắm, hành, tỏi, rau thì là,...

Bước 4. Tạo viên

Hỗn hợp thịt cá được làm thành từng viên dẹt hoặc tròn tùy sở thích.

Bước 5. Bảo quản và sử dụng

Chiên để sử dụng hoặc bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh để sử dụng dần.

Hình 22.17. Các bước làm chả cá

c) Thực hành

Học sinh thực hành theo nhóm. Các nhóm thực hành theo các bước ở mục b và theo hướng dẫn của giáo viên.

d) Đánh giá

Học sinh tự đánh giá kết quả thực hành của nhóm mình và đánh giá kết quả thực hành của nhóm khác theo yêu cầu của giáo viên.

Yêu cầu sản phẩm: Các viên chả cá có kích thước đồng đều, không cháy khét, sản phẩm có màu vàng và mùi thơm tự nhiên.

Vận dụng

Thực hiện bảo quản hoặc chế biến một sản phẩm thủy sản phù hợp với thực tiễn địa phương em.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 22: Bảo quản và chế biến sản phẩm thủy sản  | Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản) | Chương VIII. Công nghệ nuôi thủy sản - Lớp 12 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản)

  1. Chương I. Giới thiệu chung về lâm nghiệp
  2. Chương II. Trồng và chăm sóc rừng
  3. Chương III. Bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng bền vững
  4. Chương IV. Giới thiệu chung về thủy sản
  5. Chương V. Môi trường nuôi thủy sản
  6. Chương VI. Công nghệ giống thủy sản
  7. Chương VII. Công nghệ thức ăn thủy sản
  8. Chương VIII. Công nghệ nuôi thủy sản
  9. Chương IX. Phòng, trị bệnh thủy sản
  10. Chương X. Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.