(Trang 66)
CHƯƠNG VI. CÔNG NGHỆ GIỐNG THỦY SẢN
• Vai trò của giống trong nuôi thủy sản.
• Đặc điểm sinh sản của cá và tôm.
• Kĩ thuật ương, nuôi cá và tôm sống.
• Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn và nhân giống thủy sản.
(Trang 67)
BÀI 13. VAI TRÒ CỦA GIỐNG THỦY SẢN
Sau khi học xong bài này, em sẽ:
Trình bày được vai trò của giống trong nuôi thủy sản.
Mở đầu
Giống thủy sản là gì? Chúng có vai trò như thế nào trong nuôi thủy sản? Các cá thể của cùng một giống (Hình 13.1) thường có đặc điểm chung gì?
Hình 13.1. Cá giống
I. GIỐNG THỦY SẢN
Giống thủy sản là loại động vật thủy sản, rong, tảo dùng để sản xuất giống, làm giống cho nuôi trồng thủy sản, gồm: bố mẹ, trứng, tinh, phôi, ấu trùng, mảnh cơ thể, bào tử, con giống.
Các cá thể của cùng một giống thường có ngoại hình, thể chất, sức sinh sản, tính năng sản xuất tương đối giống nhau (Hình 13.2).
a) Cá rô phi giống; b) Cá tra giống; c) Tôm giống
Hình 13.2. Một số giống thủy sản
Hiện nay, hầu hết con giống thuỷ sản dùng để nuôi thương phẩm chủ yếu được sản xuất nhân tạo. Con giống thuỷ sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Thuộc danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
- Được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định.
- Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng.
- Được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.
(Trang 68)
II. VAI TRÒ CỦA GIỐNG TRONG NUÔI THỦY SẢN
1. Quyết định năng suất nuôi thủy sản
Trong cùng một điều kiện nuôi, các giống khác nhau sẽ cho năng suất và hiệu quả kinh tế khác nhau. Ví dụ: Trong ao nuôi thâm canh, sau 4 tháng nuôi, cá trê vàng đạt khối lượng từ 250 g đến 300 g/con, cá trê phi đạt khối lượng từ 500 g đến 1 000 g/con.
Kết nối năng lực
Tìm hiểu về năng suất của một số loài thủy sản phổ biến ở địa phương em.
2. Quy định chất lượng sản phẩm thủy sản
Giống có vai trò quan trọng đối với chất lượng sản phẩm thủy sản. Mỗi loài, giống thủy sản khác nhau có chất lượng sản phẩm khác nhau.
Bảng 13.1. Một số chỉ tiêu chất lượng trong phần ăn được của một số loài thủy sản
Loài thủy sản | Thành phần dinh dưỡng trong 100 g phần ăn được | Nguồn | |||||
Protein (g) | Lipid (g) | Ca (mg) | Fe (mg) | Zn (mg) | Vitamin A (µg RAE) | ||
Cá chép | 17,83 | 5,60 | 41 | 1,24 | 1,48 | 9 | Ogello & cs (2016) |
Cá da trơn | 15,60 | 7,59 | 9 | 0,5 | 0,74 | 15 | |
Cá rô phi | 20,8 | 1,70 | 10 | 0,56 | 0,33 | 1 | |
Cá măng | 20,53 | 6,73 | 51 | 0,32 | 0,82 | 30 | |
Cá ngừ | 25 | 5,4 | 5,5 | 1,2 | 0,5 | 54,8 | Farmery & cs (2020) |
Tôm biển | 20,4 | 1,2 | 89 | 1,6 | 1,31 | 27 | |
Cua | 15,7 | 1,4 | 143 | 1,3 | 3,5 | 16,2 | |
Mực | 17,2 | 1,1 | 14,5 | 0,8 | 1,4 | 21,5 |
Kết nối năng lực
Sử dụng internet, sách, báo,... tìm hiểu chất lượng của một số loài thủy sản phổ biến.
Luyện tập
Trình bày vai trò của giống trong nuôi thủy sản. Liên hệ với thực tiến nuôi trồng thủy sản ở địa phương em.
Vận dụng
Đề xuất giống thủy sản phù hợp với thực tiễn địa phương em.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn