Bài 26: Bảo vệ nguồn lợi thủy sản  | Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản) | Chương X. Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản - Lớp 12 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Công Nghệ 12 - Chương X - Bài 26


(Trang 134)

CHƯƠNG X. BẢO VỆ VÀ KHAI THÁC NGUỒN LỢI THỦY SẢN

• Ý nghĩa, nhiệm vụ của việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản.

• Biện pháp phổ biến trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

hinh-anh-bai-26-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-12309-0

(Trang 135)

BÀI 26. BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Sau khi học xong bài này, em sẽ:

- Trình bày được ý nghĩa, nhiệm vụ của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Mô tả được một số biện pháp phổ biến trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Đề xuất được biện pháp nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Mở đầu

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa gì và được thể hiện như thế nào? Cần làm gì để nâng cao ý thức nguồn lợi thủy sản cho người dân?

hinh-anh-bai-26-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-12309-1

Hình 26.1. Nguồn lợi thuỷ sản

I. Ý NGHĨA, NHIỆM VỤ CỦA VIỆC BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN

1. Khái niệm nguồn lợi thuỷ sản

Nguồn lợi thuỷ sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên có giá trị kinh tế, khoa học, du lịch, giải trí. Nguồn lợi thuỷ sản thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lí. Tổ chức, cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thuỷ sản theo quy định của pháp luật.

Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bao gồm bảo vệ các loài thuỷ sản, môi trường sống của các loài thuỷ sản, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thuỷ sản còn non tập trung sinh sống và đường di cư của loài thuỷ sản.

2. Ý nghĩa của việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển thuỷ sản và bảo vệ đa dạng sinh học (Hình 26.2).

Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

- Bảo vệ các loài thủy sản (đặc biệt là các loài thủy sản quý hiếm).

- Phục vụ phát triển kinh tế, khoa học và du lịch.

- Phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và góp phần phát triển thủy sản bền vững.

- Bảo vệ đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái trong thủy vực.

hinh-anh-bai-26-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-12309-2

Hình 26.2. Ý nghĩa của việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

(Trang 136)

Khám phá

Quan sát Hình 26.2 và nêu ý nghĩa của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

3. Nhiệm vụ của bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Xây dựng, ban hành kế hoạch và biện pháp quản lí nguồn lợi thuỷ sản; thực hiện bảo vệ và khai thác thuỷ sản theo quy định của pháp luật.

Tạo đường di cư hoặc dành hành lang di chuyển cho loài thuỷ sản khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ công trình hoặc có hoạt động liên quan đến đường di cư của loài thuỷ sản.

Dành hành lang cho loài thuỷ sản di chuyển khi khai thác thuỷ sản bằng nghề cố định ở các sông, hồ, đầm, phá.

Khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra khi xả thải, thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất, dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thuỷ sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thuỷ sản còn non tập trung sinh sống và đường di cư của loài thuỷ sản.

Tuân theo quy định của pháp luật khi tiến hành hoạt động thuỷ sản hoặc có hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, đường di cư, sinh sản của loài thuỷ sản.

Kết nối năng lực

Nêu một số việc nên làm và không nên làm để góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp với thực tiễn của địa phương em.

II. MỘT SỐ BIỆN PHÁP BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN

1. Khai thác thuỷ sản đúng quy định của pháp luật, thân thiện với môi trường

Khai thác thuỷ sản với ngư cụ phù hợp, đúng quy định, sử dụng ngư cụ khai thác thân thiện môi trường. Nghiêm cấm đánh bắt thuỷ sản bằng những phương pháp mang tình huỷ diệt như thuốc nổ, hoá chất, chích điện,... Hạn chế đánh bắt thuỷ sản ở khu vực gần bờ, mở rộng vùng khai thác xa bờ. Không khai thác trong mùa sinh sản, thuỷ sản chưa đến thời kì khai thác và các thuỷ sản cấm khai thác, không khai thác trong vùng cấm.

2. Thả các loài thuỷ sản quý, hiếm vào một số nội thuỷ, vũng và vịnh ven biển

Các loài thuỷ sản quý, hiếm thường bị con người khai thác quá mức dẫn đến số lượng ngày càng giảm, thậm chí một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, cần thả bổ sung các loài này vào các thuỷ vực tự nhiên để giúp tăng số lượng, tăng khả năng sinh sản, nhờ đó làm tăng nguồn lợi thuỷ sản, ngăn chặn giảm sút trữ lượng của những loài thuỷ sản quý, hiếm.

Khám phá

Vì sao việc thả bổ sung những loài thuỷ sản quý, hiếm vào các thuỷ vực tự nhiên có thể giúp chúng tăng khả năng sinh sản?

(Trang 137)

3. Thiết lập các khu bảo tồn biển

Thiết lập các khu bảo tồn biển như vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan (Hình 26.3) nhằm bảo vệ các loài thuỷ sản và môi trường sống của chúng trong các khu bảo tồn, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thuỷ sản sinh trưởng, phát triển và sinh sản, nhờ đó bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quốc gia.

hinh-anh-bai-26-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-12309-3

a) Khu bảo tồn biển Bái Tử Long - Quảng Ninh

hinh-anh-bai-26-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-12309-4

b) Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang

Hình 26.3. Một số khu bảo tồn biển của Việt Nam

4. Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản

Môi trường sống của các loài thuỷ sản đang bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân như các chất thải sinh hoạt (Hình 26.4), chất thải nông nghiệp, các chất thải độc hại trong sản xuất công nghiệp, chất thải trong hoạt động khai thác thuỷ sản,... làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản.

hinh-anh-bai-26-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-12309-5

Hình 26.4. Môi trường sống của thủy sản bị ô nhiễm

Việc bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản bằng các hành động cụ thể như không vứt rác bừa bãi, xả thải đúng quy định, không khai thác thuỷ sản bằng các biện pháp huỷ diệt, gây ô nhiễm môi trường,... sẽ giúp cung cấp cho các loài thuỷ sản một môi trường sống thuận lợi, nhờ đó giúp chúng sinh trưởng, phát triển và sinh sản nhanh, giúp duy trì và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Kết nối năng lực

Chia sẻ với bạn một số việc nên làm và không nên làm để bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.

Luyện tập

1. Trình bày ý nghĩa, nhiệm vụ của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Liên hệ với thực tiễn bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương em.

2. Mô tả một số biện pháp phổ biến trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nêu ý nghĩa của chúng.

Vận dụng

Đề xuất biện pháp nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp với thực tiễn của địa phương em.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 26: Bảo vệ nguồn lợi thủy sản  | Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản) | Chương X. Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản - Lớp 12 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản)

  1. Chương I. Giới thiệu chung về lâm nghiệp
  2. Chương II. Trồng và chăm sóc rừng
  3. Chương III. Bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng bền vững
  4. Chương IV. Giới thiệu chung về thủy sản
  5. Chương V. Môi trường nuôi thủy sản
  6. Chương VI. Công nghệ giống thủy sản
  7. Chương VII. Công nghệ thức ăn thủy sản
  8. Chương VIII. Công nghệ nuôi thủy sản
  9. Chương IX. Phòng, trị bệnh thủy sản
  10. Chương X. Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.