Bài 27: Khai thác nguồn lợi thủy sản  | Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản) | Chương X. Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản - Lớp 12 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Công Nghệ 12 - Chương X - Bài 27


(Trang 138)

Sau khi học xong bài này, em sẽ:

- Trình bày được ý nghĩa, nhiệm vụ của việc khai thác nguồn lợi thủy sản.

- Mô tả được một số phương pháp phổ biến trong khai thác nguồn lợi thủy sản.

Mở đầu

Khai thác nguồn lợi thủy sản (Hình 27.1) có ý nghĩa gì? Thường được thực hiện như thế nào?

hinh-anh-bai-27-khai-thac-nguon-loi-thuy-san-12328-0

Hình 27.1. Khai thác nguồn lợi thủy sản

I. Ý NGHĨA, NHIỆM VỤ CỦA KHAI THÁC NGUỒN LỢI THỦY SẢN

1. Ý nghĩa

Khai thác nguồn lợi thuỷ sản có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống và phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, khai thác nguồn lợi thuỷ sản xa bờ còn có ý nghĩa trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Khai thác nguồn lợi thuỷ sản

Tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Cung cấp nguồn nguyên liệu, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến phát triển.

Đáp ứng nguồn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Giúp ngư dân bám biển, vừa phát triển kinh tế biển vừa gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

hinh-anh-bai-27-khai-thac-nguon-loi-thuy-san-12328-1

Hình 27.2. Ý nghĩa của khai thác nguồn lợi thuỷ sản

Kết nối năng lực

Quan sát Hình 27.2 và nêu ý nghĩa của khai thác nguồn lợi thuỷ sản. Liên hệ với thực tiễn ở địa phương em.

2. Nhiệm vụ

Để khai thác thủy sản đạt hiệu quả và bền vững, việc khai thác cần thực hiện đầy đủ các quy định của luật về khai thác nguồn lợi thủy sản như:

(Trang 139)

- Tuân thủ đúng các quy định về vùng khai thác, biện pháp khai thác, ngư cụ khai thác, kích cỡ loài thuỷ sản khai thác,...

- Bảo đảm an toàn cho người, tàu cá và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm khai thác; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai; phải cứu nạn khi gặp người, tàu bị nạn.

- Có nghĩa vụ tham gia cứu hộ, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự trên vùng khai thác; tố giác hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản. Phải treo cờ Tổ quốc trên tàu cá khi thực hiện hoạt động khai thác (Hình 27.3).

hinh-anh-bai-27-khai-thac-nguon-loi-thuy-san-12328-2

Hình 27.3. Treo cờ Tổ quốc trên tàu khi khai thác thủy sản

II. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP KHAI THÁC NGUỒN LỢI THỦY SẢN PHỔ BIẾN

1. Lưới kéo

Lưới kéo là phương pháp khai thác thuỷ sản chủ động, hoạt động theo nguyên lí: lọc nước, bắt thuỷ sản. Thuỷ sản (cá, tôm,...) bị lùa vào lưới bởi sự di chuyển của lưới khi kéo và bị giữ lại ở đụt lưới. Phương pháp khai thác này gồm các bước cơ bản sau:

a) Chuẩn bị

Chuẩn bị ở bờ:

- Kiểm tra tàu, máy, lưới và các ngư cụ khác đảm bảo cho quá trình khai thác.

- Chuẩn bị xăng dầu, nước đá, muối, thực phẩm, thuốc chữa bệnh,... đầy đủ cho một chuyến khai thác.

Chuẩn bị ở ngư trường:

- Lắp ráp lưới và các phụ tùng cần thiết thành một bộ ngư cụ khai thác hoàn chỉnh.

- Xác định độ sâu ngư trường khai thác bằng dây dò hoặc máy đo độ sâu để xác định độ sâu thả lưới thích hợp.

- Xem xét tốc độ và hướng của gió, hướng nước để chọn hướng thả lưới thích hợp.

b) Thả lưới

Giảm tốc độ của tàu trước khi thả lưới, có thể thả lưới ở đuôi tàu hoặc mạn tàu, độ sâu thả lưới phù hợp với độ sâu của ngư trường khai thác, cố định lưới sau khi việc thả lưới đã hoàn tất.

c) Dắt lưới (hay kéo lưới)

Thời gian dắt lưới: là thời gian lưới được kéo đi trong nước, thời gian dắt lưới thường từ 1 đến 3 giờ. Nếu thời gian dắt lưới quá ngắn, sản lượng khai thác sẽ thấp, ngược lại nếu thời gian dắt lưới quá dài sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng thuỷ sản khai thác. Đối với khai thác thăm dò, thời gian dắt từ 0,5 đến 1 giờ.

Tốc độ dắt lưới: Mỗi đối tượng khai thác khác nhau cần có tốc độ dắt lưới phù hợp. Thông thường, tốc độ dắt lưới khoảng 2-3 km/giờ đối với khai thác tôm, khoảng 6-8 km/giờ đối với khai thác cá.

(Trang 140)

Hướng dắt lưới: Khi dắt lưới nên chọn hướng dắt sao cho đúng luồng di chuyển hoặc chọn đúng độ sâu cư trú của đối tượng thuỷ sản khai thác. Ngoài ra, hướng dắt lưới còn phải tính đến các chướng ngại vật trong quá trình dắt lưới, tránh xảy ra sự cố cho tàu và lưới.

Thông tin bổ sung

Trong thời gian dắt lưới cần cử người trực lái, theo dõi tình hình hoạt động của lưới, theo dõi tàu bè xung quanh và các ngư cụ khai thác để tránh xảy ra va chạm hoặc kéo, cắt đứt các ngư cụ khác trên đường di chuyển của tàu.

d) Thu lưới và bắt thuỷ sản

Giảm tốc độ kéo, thu lưới bằng máy tời chuyên dụng. Bắt thuỷ sản từ lưới lên tàu bằng ngư cụ phù hợp; phân loại, làm sạch thuỷ sản và cho vào hầm chứa trên tàu để bảo quản. Khi bắt thuỷ sản, cần chú ý tình trạng thuỷ sản lúc bắt (còn sống, đã chết, độ tươi) để xác định vị trí thả lưới thích hợp cho lần sau.

Khám phá

Vì sao việc căn cứ vào tình trạng thủy sản lúc bắt (còn sống, đã chết, độ tươi) lại có thể xác định được vị trí thả lưới thích hợp cho lần sau?

2. Lưới rê

Lưới rê là phương pháp khai thác thuỷ sản thụ động, hoạt động theo nguyên lí: lưới được thả chặn ngang đường di chuyển của thuỷ sản, thuỷ sản trên đường di chuyển sẽ bị vướng vào lưới và bị giữ lại. Phương pháp khai thác bằng lưới rê gồm các bước cơ bản sau:

a) Chuẩn bị

Chuẩn bị ở bờ:

- Kiểm tra tàu, máy, lưới và các ngư cụ khác đảm bảo cho quá trình khai thác.

- Chuẩn bị xăng dầu, nước đá, muối, thực phẩm, thuốc chữa bệnh,... đầy đủ cho một chuyển khai thác.

Chuẩn bị ở ngư trường:

- Đo đạc hoặc dự đoán độ sâu ngư trường và độ sâu mà đối tượng khai thác có thể xuất hiện; điều chỉnh (nới dài hoặc thu ngắn) dây phao ganh nhằm đưa lưới đến đúng độ sâu nơi đàn thuỷ sản đang hoạt động.

- Dự đoán hướng di chuyển của đàn thuỷ sản để phục vụ cho việc thả lưới.

- Xem xét hướng dòng chảy (hướng nước) và hướng gió, cũng như tốc độ của gió và nước để chọn mạn thả lưới và hướng thả cho phù hợp, sao cho lưới không bị vướng vào chân vịt của tàu.

(Trang 141)

b) Thả lưới

Giảm tốc độ của tàu trước khi thả lưới. Điều khiển hướng thả lưới ngang với dòng chảy, xuôi hoặc ngang với hướng gió, đảm bảo lưới không bị rối, không bị vướng vào chân vịt của tàu.

c) Ngâm lưới

Sau khi thả, lưới được ngâm hoặc trôi trong nước, đây cũng chính là thời gian khai thác. Thời gian ngâm lưới thường kéo dài từ 2 đến 4 giờ. Trong thời gian ngâm lưới cần cử người trực để theo dõi, quan sát lưới và tình hình khu vực xung quanh.

d) Thu lưới và bắt thuỷ sản

Đây là công đoạn cần nhiều người tham gia. Một người điều khiển tàu chạy dọc theo chiều dài giềng phao với tốc độ phù hợp để giúp thu lưới nhanh và giảm được lực thu kéo lưới, khoảng 3-4 người kéo lưới, khoảng 1-2 người gỡ thuỷ sản. Kéo lưới đến đâu tiến hành gỡ đến đó, nếu gỡ không hết trong quá trình thu lưới thì sẽ gỡ tiếp sau khi thu lưới xong. Khi bắt thuỷ sản cần chú ý tình trạng thuỷ sản (còn sống, đã chết, độ tươi) để xác định thời điểm thả lưới thích hợp cho lần sau.

Khám phá

So sánh nguyên lí hoạt động của lưới kéo và lưới rê.

3. Lưới vây

Lưới vây là phương pháp khai thác thuỷ sản chủ động, hoạt động theo nguyên lí: lọc nước bắt thuỷ sản. Phương pháp này gồm các bước cơ bản sau:

a) Chuẩn bị

Chuẩn bị xăng dầu, lương thực, thực phẩm cho chuyển khai thác; kiểm tra tình trạng lưới và các ngư cụ phục vụ cho chuyến khai thác; tiến hành sửa chữa hoặc thay mới nếu cần thiết.

b) Thăm dò thuỷ sản

Có thể thăm dò dựa vào kinh nghiệm của người khai thác thông qua việc quan sát màu nước biển, hoạt động của sinh vật săn mồi,... hoặc sử dụng các thiết bị để thăm dò nhằm xác định mật độ của đàn thuỷ sản hoặc kết hợp cả hai.

c) Thả lưới

Sau khi thăm dò, cho tàu đến gần vị trí hoạt động tập trung của thuỷ sản, giữ khoảng cách phù hợp để thuỷ sản không phát hiện được. Phán đoán nhanh các thông số cần thiết như hướng và tốc độ di chuyển của đàn thuỷ sản, bán kính hoạt động của đàn thuỷ sản, tình hình sóng và gió tại thời điểm thả lưới,... để chọn vị trí và hướng thả lưới thích hợp. Tiến hành thả lưới sao cho đạt hiệu quả bủa vây cao nhất.

d) Thu lưới và bắt thuỷ sản

Sau khi kết thúc thả lưới thì tiến hành thu lưới. Khi chỉ còn phần tùng lưới nằm lại trong nước, tiến hành bắt thuỷ sản bằng dụng cụ chuyên dụng (vợt, bơm hút,...). Sau khi đã bắt thuỷ sản xong, tiến hành rửa và cho vào hầm chứa.

(Trang 142)

Kết nối năng lực

Vì sao sử dụng nguồn sáng nhân tạo lại có tác dụng tập trung đàn thủy sản đến vị trí thuận lợi cho việc vây bắt?

4. Câu

Câu là hình thức khai thác thuỷ sản có tính chọn lọc cao, không tàn phá nguồn lợi thuỷ sản và môi trường; ngư cụ khai thác đơn giản, chi phí thấp,... Thường có hai dạng câu là câu có mồi và câu không xó mồi. Câu có mồi là sử dụng mồi (thức ăn của thuỷ sản) móc vào lưỡi câu, đưa đến gần khu vực có cá, cá ăn mồi sẽ mắc câu. Câu không có mồi là sử dụng dây câu có mật độ lưỡi cao và sắc, được thả chặn ngang đường di chuyển của cá, cá đi qua vùng thả câu sẽ bị mắc vào lưỡi câu. Câu gồm các bước chính như sau:

a) Chuẩn bị

Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ (cần câu, dây, lưỡi câu,...), mồi câu (đối với câu có mồi), dụng cụ thu cá,...

b) Thả câu

Tuỳ thuộc vào hình thức câu, có các kĩ thuật thả câu khác nhau sao cho dây câu không bị vướng; mồi câu, lưỡi câu ở độ sâu phù hợp. Thời gian thả câu tuỳ thuộc vào loài thuỷ sản khai thác. Ví dụ: Câu mực thả câu vào ban đêm, câu các loài cá gần bờ thả câu sau khoảng 1-2 giờ khi thuỷ triều xuống hoặc thuỷ triều lên,...

c) Ngâm câu

Mục đích của ngâm câu là chờ thuỷ sản đến ăn mồi hoặc di chuyển qua và mắc vào lưỡi câu. Thời gian ngâm câu tuỳ thuộc vào hình thức câu và loài thuỷ sản khai thác.

d) Thu câu (thu dây câu) và bắt thuỷ sản

Thu câu sao cho thuỷ sản không làm đứt dây câu (kéo dây khi chùng, dừng lại khi căng,...). Khi bắt thuỷ sản lên mặt nước, dùng dụng cụ thích hợp (vợt, xiên, tay,...) để thu thuỷ sản. Đối với những loài thuỷ sản có kích thức lớn (cá ngừ đại dương, cá mập,...) dùng tời hoặc cầu để đưa cá lên tàu.

Kết nối năng lực

1. Tìm hiểu và mô tả kĩ thuật câu một loài thủy sản phổ biến.

2. Tìm hiểu thêm một số phương pháp khai thác nguồn lợi thủy sản khác đang được áp dụng ở Việt Nam. Nêu ưu nhược điểm của từng phương pháp đó.

Luyện tập

1. Trình bày ý nghĩa, nhiệm vụ của khai thác nguồn lợi thủy sản. Liên hệ với thực tiễn khai thác nguồn lợi thủy sản ở địa phương em.

2. Mô tả một số biện pháp phổ biến trong khai thác nguồn lợi thủy sản.

Vận dụng

Đề xuất biện pháp khai thác nguồn lợi thủy sản kết hợp với bảo vệ môi trường phù hợp với thực tiễn của địa phương em.

Tin tức mới


Đánh giá

Bài 27: Khai thác nguồn lợi thủy sản  | Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản) | Chương X. Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản - Lớp 12 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản)

  1. Chương I. Giới thiệu chung về lâm nghiệp
  2. Chương II. Trồng và chăm sóc rừng
  3. Chương III. Bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng bền vững
  4. Chương IV. Giới thiệu chung về thủy sản
  5. Chương V. Môi trường nuôi thủy sản
  6. Chương VI. Công nghệ giống thủy sản
  7. Chương VII. Công nghệ thức ăn thủy sản
  8. Chương VIII. Công nghệ nuôi thủy sản
  9. Chương IX. Phòng, trị bệnh thủy sản
  10. Chương X. Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 12

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.