(Trang 75)
Yêu cầu cần đạt
- Phân tích được nội dung và ý nghĩa của văn bản, mối quan hệ giữa các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng, quan hệ giữa chúng với luận đề; nhận biết và giải thích được sự phù hợp giữa nội dung nghị luận với nhan đề văn bản.
- Nhận biết và phân tích được mục đích, thái độ và tình cảm của người viết; vai trò của các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm trong văn bản nghị luận.
- Liên hệ được nội dung văn bản với một tư tưởng, quan niệm, xu thế (kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học) của giai đoạn mà văn bản ra đời để hiểu sâu hơn.
- Nhận biết được các đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói để có hướng vận dụng phù hợp, hiệu quả.
- Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội (Con người với cuộc sống xung quanh).
- Biết trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một vấn đề xã hội.
- Có thái độ trung thực, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, đất nước.
ĐỌC
TRI THỨC NGỮ VĂN
Cấu trúc của văn bản nghị luận
Một văn bản nghị luận bao gồm nhiều thành tố: luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng,... Các thành tố đó được tổ chức thành một chỉnh thể, có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhằm đạt hiệu quả thuyết phục cao nhất.
Là thành tố có tính chất bao trùm, luận đề có chức năng định hướng việc triển khai các luận điểm. Các luận điểm trong văn bản nghị luận, với sự thống nhất của lí lẽ và bằng chứng, có nhiệm vụ làm rõ từng khía cạnh và thể hiện tính nhất quán của luận đề. Mối quan hệ có tính bản chất giữa các thành tố như vậy tạo nên cấu trúc đặc thù của văn bản nghị luận.
(Trang 76)
Yếu tố bổ trợ trong văn bản nghị luận
Để tăng sức thuyết phục cho văn bản nghị luận, ngoài lí lẽ và bằng chứng, người viết còn có thể sử dụng một số yếu tố bổ trợ như: thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm,... Thuyết minh trong văn bản nghị luận có tác dụng giải thích, cung cấp những thông tin cơ bản xung quanh một vấn đề, khái niệm, đối tượng nào đó, làm cho việc luận bàn trở nên xác thực. Miêu tả được dùng để tái hiện rõ nét, sinh động hơn những đối tượng có liên quan. Tự sự chủ yếu đảm nhiệm việc kể câu chuyện làm bằng chứng cho luận điểm mà người viết nêu lên. Biểu cảm giúp người viết bộc lộ cảm xúc, tình cảm làm cho văn bản có thêm sức lôi cuốn, thuyết phục.
VĂN BẢN 1
Cầu hiền chiếu
(Chiếu cầu hiền(*))
Ngô Thì Nhậm
Khởi động
- Có không ít câu chuyện thú vị về việc vua chúa hay lãnh đạo đất nước muốn chiêu mộ hiền tài ra gánh vác trọng trách quốc gia. Hãy chia sẻ một câu chuyện mà bạn biết.
- Trong công cuộc xây dựng đất nước, việc trọng dụng người tài có ý nghĩa như thế nào?
Đọc văn bản
Phần 1 nêu vấn đề gì? |
1. Từng nghe nói rằng: Người hiền xuất hiện ở đời thì như ngôi sao sáng trên trời cao. Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần (1), người hiển ắt làm sứ giả cho thiên tử. Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy.
(*) Hiền: ở đây chỉ người có đức, có tài.
(1) Bắc Thần: sao Bắc Đẩu, tượng trưng cho ngôi vua.
(Trang 77)
Dự đoán: Việc nêu thực trạng "trốn tránh việc đời" của kẻ sĩ dẫn đến ý gì sẽ được trình bày ở phần 3? |
2. Trước đây thời thế suy vi, trung châu(1) gặp nhiều biến cố, kẻ sĩ phải ở ẩn trong ngòi khe(2), trốn tránh việc đời, những bậc tinh anh trong triều đường phải kiêng dè không dám lên tiếng(3). Cũng có kẻ gõ mõ canh cửa(4), cũng có kẻ ra biển vào sông(5), chết đuối trên cạn(6) mà không biết, dường như muốn lần tránh(7) suốt đời.
Nay trẫm đang ghé chiếu(8) lắng nghe, ngày đêm mong mỏi, nhưng những người học rộng tài cao chưa thấy có ai tìm đến. Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát(9) chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng?
3. Kìa như, trời còn tăm tối, thì đấng quân tử phải trổ tài. Nay đương ở buổi đầu của nền đại định, công việc vừa mới mở ra. Kỉ cương nơi triều chính còn nhiều khiếm khuyết, công việc ngoài biên đương phải lo toan. Dân còn nhọc mệt chưa lại sức, mà đức hoá của trẫm chưa kịp nhuẩn thấm khắp nơi. Trẫm nơm nớp lo lắng, ngày một ngày hai vạn việc nảy sinh. Nghĩ cho kĩ thì thấy rằng: Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình. Suy đi tính lại trong vòm trời này, cứ cái ấp mười nhà ắt phải có người trung thành tín nghĩa. Huống nay trên dải đất văn hiến rộng lớn như thế này, há trong đó lại không có lấy một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao? quyến buổi ban đầu của trấn
Nhận xét về lí lẽ được sử dụng. |
4. Chiếu này ban xuống, các bậc quan viên lớn nhỏ, cùng với thứ dân trăm họ, người nào có tài năng học thuật, mưu hay hơn đời, cho phép được dâng sớ tâu bày sự việc. Lời nói nào có thể chọn dùng được, thì cất nhắc không kể thứ bậc; chỗ nào không dùng được thì gác lại, không
Giữa lí lẽ trình bày ở các phần trước với kế hoạch thực thi được nêu ở phần 4 có mối liên hệ như thế nào? |
(1) Trung châu: vùng đất trung tâm, thường được dùng với nghĩa chuyển, chỉ đất nước hoặc triều đình.
(2) Ở ẩn trong ngòi khe: nói về những người ở ẩn nơi hẻo lánh.
(3) Kiêng dè không dám lên tiếng: ở đây ý nói các quan trong triều đều giữ mình không dám nói thẳng.
(4) Gô mô canh cửa: chỉ người có chức vụ thấp.
(5) Ra biển vào sông: chỉ các ẩn sĩ mỗi người đi một phương.
(5) Chết đuối trên cạn: ý nói kẻ đi ở ẩn như người chết đuối trên cạn.
(7) Lẫn tránh: ý nói kẻ đi ở ẩn.
(8) Ghé chiếu: cách nói thể hiện sự khiêm tốn.
(9) Thời đổ nát: thời kì còn lộn xộn của một triều đại mới gây dựng.
(Trang 78)
vì lời nói sơ suất vu khoát(1) mà bắt tội. Còn người có nghề hay nghiệp giỏi, có thể cống hiến cho đời, thì cho phép các quan văn, quan võ được tiến cử, nhưng vẫn dẫn vào đợi ra mắt, tuỳ tài lục dụng(2). Hoặc người nào từ trước đến nay tài năng còn bị che kín, chưa được người đời biết đến, thì cũng cho phép dâng sớ tự tiến cử, chớ hiểm vì mưu lợi mà phải bán rao.
Ý nghĩa của lời khuyến dụ. |
Này! Trong khoảng trời đất, hiền tài còn ẩn náu, trước đây thì nên như thế. Nay trời trong sáng, đất thanh bình, chính là lúc người hiền gặp hội gió mây, những ai có tài có đức hãy cùng cố gắng lên, ghi tên tại triều đình, cùng nhau cung kính, cùng nhau hưởng phúc lành tôn vinh.
Vậy bố cáo gần xa để mọi người đều biết.
(Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập II, NXB Khoa học xã hội,
Hà Nội, 2004, in trong Ngữ văn 11, tập một,
NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010, tr. 68-70)
Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) hiệu là Hy Doãn, người làng Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Năm 1775, ông đỗ tiến sĩ, từng được chúa Trịnh giao cho giữ chức Đốc đồng trấn Kinh Bắc. Năm 1788, khi chế độ Lê - Trịnh sụp đổ, Ngô Thì Nhậm theo phong trào Tây Sơn, được vua Quang Trung phong làm Lại bộ Tả thị lang, sau thăng chức Binh bộ Thượng thư. Ông là người có công lớn đối với triều đại Tây Sơn: thu phục nhiều cựu thần nhà Lê ra cộng tác với nhà Tây Sơn; hỗ trợ đắc lực cho cuộc tiến quân của vua Quang Trung ra Bắc đánh bại quân Thanh xâm lược; phụ trách việc bang giao với nhà Thanh; soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng cho triều đại Tây Sơn;...
Sau khi vua Quang Trung thiết lập triều đại mới, các sĩ phu Bắc Hà – những người vốn gắn bó với triều đại cũ (Lê - Trịnh) – chưa thực sự đồng lòng ủng hộ. Có nhiều người còn tỏ thái độ bất hợp tác. Trước tình hình đó, Quang Trung đã đưa ra chính sách thu phục nhân tâm, chiêu mộ hiền tài ra giúp vua xây dựng đất nước. Vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm thay mình viết Cầu hiền chiếu (vào khoảng năm 1788 – 1789) nhằm thuyết phục sĩ phu Bắc Hà, tức là các trí thức của triều đại cũ, ra làm việc cho triều đại Tây Sơn.
(1) Vu khoát: viễn vông, không thiết thực.
(2) Lục dụng: ghi lại (tên tuổi) để sử dụng.
(Trang 79)
Thực hiện các yêu cầu sau khi đọc văn bản
1. Cầu hiền chiếu được ban bố với lí do và mục đích gì?
2. Văn bản hướng tới đối tượng nào trong xã hội lúc bấy giờ? Khi vâng mệnh vua Quang Trung soạn chiếu này, Ngô Thì Nhậm đối diện với những khó khăn gì trong việc thuyết phục các đối tượng đó ra gánh vác việc nước?
3. Văn bản có mấy phần? Phân tích mối quan hệ giữa nội dung các phần.
4. Nghệ thuật lập luận thể hiện như thế nào qua việc dùng lí lẽ và bằng chứng, phối hợp với các yếu tố biểu cảm, thuyết minh?
5. Theo bạn, điều gì tạo nên sức thuyết phục của Cầu hiền chiếu?
6. Viết Cầu hiền chiếu trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, tác giả đã gửi gắm khát vọng lớn lao nào đối với đất nước?
Kết nối đọc – viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của bạn về ý kiến: Người có tài cần phát huy tài năng của mình để đóng góp cho cộng đồng.
VĂN BẢN 2
Tôi có một ước mơ(*)
(Trích Bước đến tự do, Câu chuyện Mon-ga-mơ-ri - Montgomery)
Mác-tin Lu-thơ Kinh (Martin Luther King)
Khởi động
- Trong lịch sử của dân tộc, có những trường hợp một văn kiện chính trị lại trở thành áng văn chương có sức lay động lớn. Bạn hãy kể tên một vài tác phẩm như vậy.
- Nhiều nhân vật lịch sử đã thể hiện niềm ước mơ về hạnh phúc cho nhân dân, bình yên cho đất nước trong những câu thơ, câu văn hoặc những lời phát biểu đầy tâm huyết. Bạn hãy nêu một ví dụ cụ thể để chứng minh ý kiến trên.
(*) Nhan đề tiếng Anh: I Have a Dream. Có dịch giả đã chuyển ngữ là: Tôi có một giấc mơ.
(Trang 80)
Đọc văn bản
Tôi rất vui được tham gia cùng các bạn ngày hôm nay vào cuộc biểu tình cho tự do như là một sự kiện tuyệt vời nhất sẽ đi vào lịch sử đất nước của chúng ta.
Xác định mục đích hướng tới của tác giả ở bài diễn văn này. |
Cách đây một thế kỉ, có một người Mỹ vĩ đại, người mà chúng ta đang đứng dưới bóng tượng của ông hôm nay đã kí Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ(1). Sắc lệnh quan trọng ấy đã trở thành ngọn hải đăng của hi vọng đối với hàng triệu người nô lệ da đen vốn đang bị thiêu rụi bởi ngọn lửa bất công đáng khinh miệt. Nó đến như một ánh bình minh hạnh phúc xoá tan màn đêm đoạ đày.
Ý nghĩa của việc dẫn ra văn kiện lịch sử nổi tiếng của nước Mỹ là gì? |
Nhưng một trăm năm sau, người da đen vẫn chưa được tự do. Một trăm năm sau, cuộc sống của người da đen vẫn bị trói trong gông cùm xiềng xích của sự phân biệt chủng tộc và kì thị một cách đáng buồn. Một trăm năm sau, người da đen vẫn phải sống cô đơn trên hòn đảo nghèo đói giữa một đại dương mênh mông thịnh vượng về vật chất. Một trăm năm sau, người da đen vẫn gầy mòn trong những ngóc ngách của xã hội Mỹ và phải tìm cách tị nạn ngay trên chính quê hương của mình. Để rồi chúng ta đã phải đến đây ngày hôm nay để thể hiện bức xúc về tình trạng đáng xấu hổ này.
Theo dõi cách tác giả nói về thời điểm cần thiết để đòi công lí. |
[...] Chúng ta cũng đến nơi thiêng liêng này để nhắc nhở nước Mỹ về tính cấp bách của thời khắc Ngay Bây Giờ. Đây không còn là lúc để lẩn tránh trong sự xoa dịu xa xỉ hay trong những liều thuốc an thần rằng mọi việc sẽ từ từ thay đổi. Đây là lúc chân thật hoá những lời hứa dân chủ. Đây là lúc chúng ta giải thoát khỏi bóng đêm và cái thung lũng hoang tàn của sự phân biệt chủng tộc để bước lên con đường chan hoà ánh nắng của sự bình đẳng về chủng tộc. Giờ đây đã là lúc cần mang đất nước ra khỏi vùng cát lún của sự bất công phân biệt chủng tộc đến tảng đá vững chắc của tình anh em. Đây là lúc hiện thực hoá công lí cho tất cả những người con của Tạo Hoá. Sẽ rất tai hại cho đất nước nếu phớt lờ vấn đề cấp bách ở thời điểm này. Mùa hè ngột ngạt của người da đen với sự bất mãn chính đáng sẽ không đi qua cho đến khi có làn gió thu của tự do và
(1) Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ: văn bản hành pháp do Tổng thống A-bra-ham Lin-côn (Abraham Lincoln) ban hành lần đầu ngày 22/9/1862, chính thức được kí và có hiệu lực ngày 01/01/1863, tuyên bố trả tự do cho tất cả nô lệ da đen thuộc các bang của nước Mỹ.
(Trang 81)
bình đẳng mát mẻ thổi đến. Năm 1963 chưa phải là năm kết thúc, mà là năm khởi đầu. Với những ai đang hi vọng rằng người da đen chỉ cần xả bớt sự bức xúc đến lúc này đã thấy thoả mãn thì sẽ phải bàng hoàng tỉnh giấc nếu như đất nước quay lại như cũ, mọi việc đâu lại vào đấy cả. Và sẽ không có sự bình yên hay ngơi nghỉ ở nước Mỹ cho đến khi người da đen được công nhận quyền công dân của mình. Những cuộc nổi dậy như những cơn lốc sẽ tiếp tục rung lắc nền móng của đất nước chúng ta cho đến ngày tươi sáng khi công lí chiếu rọi.
Và có một điều tôi phải nhắc với chiến hữu của tôi, những người đang đứng trước ngưỡng cửa gần đến lâu đài công lí, rằng trong quá trình lấy lại cương vị đúng đắn của mình, chúng ta đừng phạm lỗi bởi hành động sai trái. Đừng tìm cách thoả mãn cơn khát tự do bằng những chén hận thù và cay đắng. Chúng ta phải luôn luôn tranh đấu với nguyên tắc và lòng tự trọng cao. Chúng ta không được phép để cuộc phản kháng sáng tạo của chúng ta nhuốm màu bạo lực. Lúc nào cũng vậy, chúng ta phải tiến lên uy nghi với cả sức mạnh vật chất và tâm hồn.
Chú ý quan điểm đầu tranh của tác giả. |
Đừng để tinh thần chiến đấu kì diệu vừa phôi thai đã sục sôi trong cộng đồng người da đen làm chúng ta ngờ vực tất cả người da trắng, bởi rất nhiều người anh em da trắng minh chứng bằng sự hiện diện ở đây ngày hôm nay rằng họ đã nhận thức rõ vận mệnh của họ và của ta gắn liền với nhau, rằng tự do của họ liên quan đến tự do của ta.
Chúng ta không thể bước đi đơn độc, và trong khi bước đi, chúng ta phải thể rằng sẽ luôn tiến về phía trước. Chúng ta không thể quay lại. Có người hỏi những người hoạt động dân quyền rằng: “Bao giờ bạn hài lòng?”. Chúng ta không bao giờ hài lòng khi người da đen vẫn còn là nạn nhân của sự tàn bạo ghê rợn không tả xiết của cảnh sát.
Chúng ta làm sao có thể hài lòng khi tấm thân nặng quần mệt mỏi vì hành trình xa xôi vẫn không thuê được phòng nghỉ ngơi trên xa lộ cao tốc hay khách sạn trong thành phố. Chúng ta không thể hài lòng khi người da đen chưa được tự do di chuyển mà chỉ từ biệt khu nhỏ đến biệt khu lớn dành riêng. Chúng ta sẽ không hài lòng khi con cháu của chúng ta bị tước đi nhân phẩm và đoạt mất chân giá trị của mình bởi tấm bảng ghi: “Chỉ dành cho người da trắng”. Chúng ta sẽ không hài lòng khi một người da đen ở Mi-xi-xi-pi (Mississippi) không được quyền bầu cử, và khi người da đen ở Niu Oóc (New York) không cảm thấy có lí do gì để bầu.
Qua cách diễn đạt và đưa bằng chứng, tác giả đã thể hiện thái độ và tình cảm của mình như thế nào? |
(Trang 82)
Không, không, chúng ta không thể hài lòng, và chúng ta sẽ không thể hài lòng khi công lí chưa như mưa giăng khắp nơi và chính nghĩa chưa như dòng sông chảy mạnh. Tôi không phải vô tri không hiểu rằng có những bạn phải vượt qua nhiều gian nan và thử thách để đến được đây. Có những người chỉ vừa mới bước ra khỏi cửa xà lim chật hẹp. Có những người đến từ những nơi mà trên con đường tìm tự do đã phải lao đao vì các cuộc tấn công đàn áp hung bạo từ cảnh sát. Từ khổ đau các bạn đã trở thành những người tranh đấu kì cựu và sáng tạo. Bạn vẫn tiếp tục với niềm tin rằng khổ đau sẽ có ngày được đền đáp. Hãy về lại Mi-xi-xi-pi, về lại A-la-ba-ma (Alabama), về lại Nam Ca-rô-lai-na (Carolina), Gioóc-gia (Georgia), Lu-ít-xi-a-na (Louisiana) và về lại khu ổ chuột, biệt khu của người da đen ở thành phố phương bắc và tin rằng bằng cách nào đó tình hình có thể và sẽ thay đổi. Đừng đắm chìm sâu trong tuyệt vọng. Ngày hôm nay, tôi xin chia sẻ với các bạn của tôi rằng dù hiện tại hay tương lai phải đối diện với nhiều chướng ngại, tôi vẫn có một ước mơ. Đó là ước mơ bền chặt tha thiết lẫn trong ước mơ của nước Mỹ. Tôi mơ rằng một ngày kia đất nước của chúng ta sẽ vươn lên và sống đúng ý nghĩa với niềm tin rằng: “Con người sinh ra vốn bình đẳng, điều chúng ta tin là sự thật hiển nhiên”(1).
Chú ý ngôn ngữ và giọng điệu của tác giả khi thể hiện niềm tin và ước mơ. |
Tôi mơ rằng một ngày kia trên những ngọn đồi đỏ rực ở Gioóc-gia, con cháu của những người nô lệ năm xưa cùng con cháu háu của của các các các chủ chủ chủ nô nô nô ngày trước sẽ có thể ngồi 00 SUNG bên nhau quanh chiếc bàn của tình huynh đệ.
Tôi mơ rằng một ngày kia, dù bang Mi-xi-xi-pi ngột ngạt bởi cái nóng của sự bất công và đàn áp cũng sẽ biến thành ốc đảo của tự do và công lí.
Biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng nhằm tác động mạnh đến người đọc, người nghe? |
Tôi mơ rằng sẽ có một ngày bốn đứa con nhỏ của mình được sống trong một quốc gia, nơi chúng không bị đánh giá bởi màu da mà bởi phẩm cách của chúng.
Vâng, hôm nay tôi có một ước mơ!
[...] Đó là hi vọng của chúng ta và cũng là niềm tin tôi sẽ mang theo khi hướng về Nam. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ đập nát núi tuyệt vọng thành từng viên đá hi vọng. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ biến những nốt nhạc bất hoà của đất nước thành bản
(1) Trích Tuyên ngôn Độc lập, được Quốc hội Mỹ ban hành ngày 04/7/1776.
(Trang 83)
hoà âm tuyệt đẹp của tình anh em. Với niềm tin ấy, chúng ta cùng lao khổ, cùng cầu nguyện, cùng đấu tranh, cùng đi tù, cùng đứng lên vì tự do, biết chắc rằng một ngày chúng ta sẽ thành công. Và đó sẽ là ngày khi tất cả người con của Tạo Hoá có thể cùng hoà chung bài ca với hàm nghĩa mới: “Tổ quốc tôi, xin hát về Người, miền đất thân thương tự do, xin hát về Người, mảnh đất nơi cha ông đã nằm xuống, hành hương đến với niềm tự hào, từ mọi triền núi, ngân vang lời ca tự do.”. Và để nước Mỹ trở thành một quốc gia vĩ đại, thì điều này phải trở thành sự thật. Thế nên hãy để tự do ngân vang từ những đỉnh đổi của Niu Hem-so (New Hampshire) uy nghi. Hãy để tự do ngân vang từ những ngọn núi hùng vĩ của Niu Oóc. Hãy để tự do ngân vang trên dãy A-lơ-ghe-ny (Allegheny) của Pen-xô-vây-ni-a (Pennsylvania). Hãy để tự do ngân vang trên đỉnh núi dãy Róc-ki (Rockies) phủ tuyết của Cô-lô-ra-đô (Colorado). Hãy để tự do ngân vang trên những triền dốc mượt mà của Ca-li-pho-ni-a (California). Và không chỉ thế, hãy để tự do ngân vang từ Xtôn Mao-thờn (Stone Mountain) của Gioóc-gia. Hãy để tự do ngân vang từ Lúc-ao Mao-thờn (Lookout Mountain) của Ten-nơ-xi (Tennessee).
Hãy để tự do ngân vang trên từng triển đổi lớn nhỏ ở Mi-xi-xi-pi. Từ bất cứ triển núi nào, hãy để tự do ngân vang! Và khi điều đó xảy ra, khi chúng ta chịu để cho tự do ngân vang, từ mọi ngôi làng và thôn xóin, từ mỗi bang và mỗi thành phố là chúng ta đã tiến gần đến ngày tất cả mọi người con của Tạo Hoá dù da đen hay da trắng, tín đồ đạo Do Thái hay không, Công giáo hay Tin Lành, cùng nắm tay hát lời ca cũ thiêng liêng của người da đen:
Bạn có ấn tượng, cảm xúc gì về đoạn kết? |
“Tự do cuối cùng đã đến! Tự do cuối cùng đã đến! Tạ ơn Đức Chúa Đấng Tạo Hoá Toàn Năng, cuối cùng chúng ta đã được tự do!”.
(Mác-tin Lu-thơ Kinh, Bước đến tự do, Câu chuyện Mon-ga-mơ-ri,
Phạm Hải Quỳ - Lâm Võ Minh Quân – Ngọc Quỳnh -
Phương Thuỳ - Nguyễn Hoàng Nhật Minh dịch,
NXB Đà Nẵng – Công ti TNHH Domino Books, 2020, tr. 295 - 301)
(Trang 84)
Mác-tin Lu-thơ Kinh
Nguồn: wikipedia.org
Mác-tin Lu-thơ Kinh (1929-1968) là mục sư, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng như lịch sử đương đại của phong trào đấu tranh bất bạo động. Mác-tin Lu-thơ Kinh được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ như anh hùng, nhà kiến tạo hoà bình và hi sinh cho lí tưởng cao cả.
Năm 1964, Mác-tin Lu-thơ Kinh là nhân vật trẻ tuổi nhất được chọn để trao giải Nô-ben (Nobel) Hoà bình cho những nỗ lực chấm dứt nạn kì thị chủng tộc với quan điểm và các biện pháp đấu tranh vì hoà bình và bình đẳng.
Tôi có một ước mơ là nhan đề bài diễn văn nổi tiếng nhất của Mác-tin Lu-thơ Kinh, được ông phát biểu trên bậc thềm của đài tưởng niệm Tổng thống Lin-côn trong cuộc tuần hành ủng hộ phong trào đòi quyền công dân diễn ra vào ngày 28/8/1963. Với tài hùng biện, ông nói về ước mơ cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người da đen có thể chung sống bình đẳng.
Tôi có một ước mơ của Mác-tin Lu-thơ Kinh cho đến nay vẫn được xem là một trong những bài diễn văn xuất sắc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Những lời lẽ lay động lòng người của ông đã góp phần gây áp lực, buộc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân quyền năm 1964 dưới thời Tổng thống Lin-đơn Bai-nơ Giôn-xơn (Lyndon Baines Johnson), quy định cấm phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ.
Thực hiện các yêu cầu sau khi đọc văn bản
1. Vấn đề trọng tâm được đề cập ở văn bản Tôi có một ước mơ là gì?
2. Chỉ ra các luận điểm được tác giả triển khai trong văn bản.
3. Phân tích cách tác giả dùng lí lẽ và bằng chứng để trình bày quan điểm của mình nhằm thuyết phục người nghe, người đọc. C SONG
4. Trong đoạn kết của văn bản, tác giả đã bộc lộ ước mơ gì? Hình ảnh "tự do ngân vang từ những đỉnh đồi [...] ngọn núi" có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện ý tưởng và cảm xúc của tác giả?
5. Hãy chỉ ra và phân tích hiệu quả của các biện pháp tu từ (điệp ngữ, ẩn dụ,...) đã được tác giả sử dụng.
6. Nhận xét về thái độ, tình cảm của tác giả đối với nước Mỹ qua văn bản.
7. Theo bạn, quan điểm và ước mơ của tác giả được thể hiện trong văn bản đến nay còn có ý nghĩa không? Hãy lí giải ý kiến của bạn.
8. Từ bài diễn văn Tôi có một ước mơ, bạn rút ra được bài học gì trong việc tạo lập một văn bản nghị luận giàu sức thuyết phục?
Kết nối đọc – viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày điều bạn thấy tâm đắc khi đọc văn bản Tôi có một ước mơ.
(Trang 85)
VĂN BẢN 3
Một thời đại trong thi ca
(Trích Thi nhân Việt Nam 1932 – 1941)
Hoài Thanh
Khởi động
- Có bao giờ bạn băn khoăn khi phải phân biệt cái mới với cái cũ? Hãy chia sẻ trải nghiệm của mình.
- Bạn hãy lựa chọn và so sánh một bài thơ thuộc phong trào Thơ mới với một bài thơ thuộc thời kì trung đại để tìm ra những điểm khác biệt.
Đọc văn bản
[...] Bây giờ hãy đi tìm cái điều ta cho là quan trọng hơn: tinh thần thơ mới.
Chú ý vấn đề được nêu để bàn luận. |
Giá các nhà thơ(1) cứ viết những câu như hai câu vừa trích trên này(2) thì tiện cho ta biết mấy. Nhưng chính Xuân Diệu còn viết:
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già;
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.
Cái khó khi phân biệt rạch ròi thơ mới – thơ cũ là gì? |
Và một nhà thơ cũ(3) tả cảnh thu lại có những câu nhí nhảnh và lả lơi:
Ô hay! Cảnh cũng ưa người nhỉ!
Ai thấy ai mà chẳng ngẩn ngơ?
Giá trong thơ cũ chỉ có những trần ngôn sáo ngữ), những bài thơ chúc tụng, những bài thơ vịnh hết cái này đến cái nọ, mà các nhà thơ mới lại chỉ làm những bài kiệt tác thì cũng tiện cho ta biết mấy. Khốn nỗi, cái tầm thường, cái lố lăng chẳng phải của riêng một thời nào, và muốn hiểu tinh thần thơ cho đúng đắn, phải sánh bài hay với bài hay vậy.
Tiêu chí nào được nêu để phân biệt thơ mới – thơ cũ? |
(1) Tức là các nhà thơ mới (nghĩa trong văn bản).
(2) Ý nói hai câu thơ của Xuân Diệu: "Hôm nay tôi đã chết trong người/ Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi".
(3) Có thể là Bà Huyện Thanh Quan hoặc Hồ Xuân Hương (theo những nguồn tài liệu khác nhau).
(4) Trần ngôn sáo ngữ: thành ngữ chỉ loại ngôn từ cũ kĩ, mòn, nhàm, thiếu cá tính, không còn phù hợp với hiện tại.
(Trang 86)
Âu là ta đành phải nhận rằng trời đất không phải dựng lên cùng một lần với thế hệ chúng ta. Hôm nay đã phôi thai từ hôm qua và trong cái mới vẫn còn rớt lại ít nhiều cái cũ. Các thời đại vẫn liên tiếp cùng nhau và muốn rõ đặc sắc mỗi thời phải nhìn vào đại thể.
Chú ý cách lập luận của tác giả. |
Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa – hay thơ cũ – và thời nay – hay thơ mới có thể gồm lại trong hai chữ tôi và ta. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi. Nói giống nhau thì vẫn có chỗ giống nhau như chữ tôi vẫn giống chữ ta. Nhưng chúng ta hãy tìm những chỗ khác nhau.
Ngày thứ nhất – ai biết đích ngày nào – chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân. Xã hội Việt Nam từ xưa không có cá nhân. Chỉ có đoàn thể: lớn thì quốc gia, nhỏ thì gia đình. Còn cá nhân, cái bản sắc của cá nhân chìm đắm trong gia đình, trong quốc gia như giọt nước trong biển cả. Cũng có những bậc kì tài xuất đầu lộ diện. Thẳng hoặc họ cũng ghi hình ảnh họ trong văn thơ. Và thảng hoặc trong văn thơ họ cũng dùng đến chữ tôi để nói chuyện với người khác. Song dầu táo bạo đến đâu họ cũng không một lần nào dám dùng chữ tôi để nói chuyện với mình, hay thì cũng thế – với tất cả mọi người. Mỗi khi nhìn vào tâm hồn họ hay đứng trước loài người mênh mông, hoặc họ không tự xưng(1), hoặc họ ẩn mình sau chữ ta, một chữ có thể chỉ chung nhiều người. Họ phải cầu cứu đoàn thể để trốn cô đơn. Chẳng trách gì tác phẩm họ vừa ra đời, đoàn thể đã dành làm của chung, lắm khi cũng chẳng thèm ghi tên của họ. Ở phương Tây, nhất là từ khi có đạo Thiên Chúa, không bao giờ cá nhân lại bị rẻ rúng đến thế.
Tình trạng “cái tôi" khi mới xuất hiện trong văn học Việt Nam. |
Bởi vậy cho nên, khi chữ tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó, xuất hiện giữa thi đàn Việt Nam, bao nhiêu con mắt nhìn nó một cách khó chịu. Nó cứ luôn luôn đi theo những chữ anh, chữ bác, chữ ông đã thấy chướng. Huống bây giờ nó đến một mình!
Nhưng, ngày một ngày hai, nó mất dần cái vẻ bỡ ngỡ. Nó được vô số người quen. Người ta lại còn thấy nó đáng thương. Mà thật nó tội nghiệp quá!
(1) Suốt trong "khúc tự tình" của Cao Bá Nhạ dài 538 câu, chữ tôi không có đã đành, mà cũng không có lấy một chữ ta (chú thích của Hoài Thanh).
(Trang 87)
Thi nhân ta cơ hồ đã mất hết cái cốt cách hiên ngang ngày trước. Chữ ta với họ to rộng quá. Tâm hồn của họ chỉ vừa thu trong khuôn khổ chữ tôi. Đừng có tìm ở họ cái khí phách ngang tàng của một thi hào đời xưa như Lý Thái Bạch, trong trời đất chỉ biết có thơ. Đến chút lòng tự trọng cần để khinh cảnh cơ hàn, họ cũng không có nữa:
Nỗi đời cay cực đang giờ vuốt,
Cơm áo không đùa với khách thơ.
Không biết trong khi rên rỉ như thế Xuân Diệu có nghĩ đến Nguyễn Công Trứ, một người đồng quận, chẳng những đã đùa cảnh nghèo mà còn lấy cảnh nghèo làm vui (1),
Nhưng ta trách gì Xuân Diệu! Xuân Diệu, nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại, chỉ nói cái khổ sở, cái thảm hại của hết thảy chúng ta.
Những biểu hiện khác nhau của "cái tôi" trong Thơ mới. |
Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.
Cả trời thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta.
Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế. Cùng lòng tự tôn, ta mất luôn cả cái bình yên thời trước.
Thời trước, dầu bị oan khuất như Cao Bá Nhạ, dầu bị khinh bỏ như cô phụ trên bến Tầm Dương(2), vẫn còn có thể nương tựa vào một cái gì không di dịch. Ngày nay lớp thành kiến phủ trên linh hồn đã tiêu tan cùng lớp hoa hoè phủ trên thi tứ. Phương Tây đã giao trả hồn ta lại cho ta. Nhưng ta bàng hoàng vì nhìn vào đó ta thấy thiếu một điều, một điều cần hơn trăm nghìn điều khác: một lòng tin đầy đủ.
Ý nghĩa của "cái tôi" trong Thơ mới. |
Đó, tất cả cái bi kịch đương diễn ngấm ngầm, dưới những phù hiệu dễ dãi, trong hồn người thanh niên.
(1) Ý nói tới một số câu thơ, phú trong các bài Vui cảnh nghèo và Hàn nho phong vị phú (Bài phú về phong vị cuộc sống của nhà Nho nghèo):
- “Tin xuân đã có cành mai đó
Chẳng lịch song mà cũng biết giêng".
- "Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no
Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ".
(2) Cô phụ trên bến Tầm Dương: người ca nữ trong Tì bà hành của Bạch Cư Dị.
(Trang 88)
Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tấm hồn bạch (1) chung để gửi nỗi băn khoăn riêng.
Nhưng do đó trong thất vọng sẽ nảy mầm hi vọng.
Chưa bao giờ như bây giờ họ hiểu câu nói can đảm của ông chủ báo Nam Phong: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”.
Chú ý cách sử dụng các biện pháp tu từ trong lời văn nghị luận. |
Chưa bao giờ như bây giờ họ cảm thấy tinh thần nòi giống cũng như các thể thơ xưa chỉ biến thiên chứ không sao tiêu diệt.
Chưa bao giờ như bây giờ họ thấy cần phải tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ bảo đảm cho ngày mai.
Tháng 11/1941
(Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam 1932-1941,
in trong Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2020, tr. 103 - 107)
Hoài Thanh (1909 – 1982), tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên, quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Hoài Thanh là nhà phê bình văn học xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, là tác giả của nhiều tác phẩm có giá trị như: Văn chương và hành động (viết chung với Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư, 1936), Thi nhân Việt Nam 1932–1941 (viết chung với Hoài Chân, 1942), Có một nền văn hoá Việt Nam (1946), Quyền sống của con người trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (1949), Phê bình và tiểu luận (3 tập – 1960, 1965, 1971), Chuyện thơ (1978),... Năm 2000, Hoài Thanh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Một thời đại trong thi ca là tiểu luận mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam 1932–1941. Công trình này mang tính chất của một bản “tổng kết” về phong trào Thơ mới ngay trong thời kì phát triển đỉnh cao của nó. Từ việc xác định các hiện tượng cột mốc, mô tả quá trình phát triển, Hoài Thanh đã nhận diện một chặng đường mới của thi ca Việt Nam, lí giải những nguyên nhân, chỉ ra các khuynh hướng, gọi tên các phong cách và chỉ rõ cái "tôi" cá nhân chính là “tinh thần Thơ mới", sự thức tỉnh của cái “tôi” cá nhân trong Thơ mới đã làm nên một thời đại mới của thơ ca Việt Nam.
(1) Hồn bạch: tấm lụa hay vải được kết lại thành hình người có đầu, có chân tay đắp vào người sắp chết. Trong nghi thức dân gian, hồn bạch được coi như linh hồn người chết, đưa lên bàn thờ và rước theo quan tài khi đưa tang.
(Trang 86)
Thực hiện các yêu cầu sau khi đọc văn bản
1. Để làm sáng tỏ luận để “tinh thần thơ mới", Hoài Thanh đã nêu lên những luận điểm nào? Chỉ ra mối quan hệ giữa các luận điểm đó.
2. Ở phần đầu văn bản, tác giả đưa ra các tiêu chí so sánh thơ cũ – thơ mới nhằm mục đích gì?
3. Hãy nhận xét cách diễn giải về “cái tôi” của Hoài Thanh trong văn bản (đặc biệt chú ý đoạn: “Đời chúng ta [...] cùng Huy Cận").
4. Phân tích cách sử dụng bằng chứng trong nghệ thuật lập luận của Hoài Thanh được thể hiện qua văn bản.
5. Hãy chỉ ra và phân tích giá trị đặc sắc của những biện pháp tu từ được tác giả sử dụng ở cuối văn bản.
6. Qua văn bản, bạn hiểu được những gì về phong trào Thơ mới và lối văn phê bình của Hoài Thanh?
Kết nối đọc – viết
Hoài Thanh cho rằng: Các nhà thơ của phong trào Thơ mới đã “dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt". Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về ý kiến này.
Thực hành tiếng Việt
Đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
(tiếp theo)
1. Hãy tìm trong các bài viết của mình hoặc bạn bè một số trường hợp diễn đạt “giống văn nói” và đề xuất cách chỉnh sửa. 2. Tìm trong văn bản Chí Phèo những đoạn có sự cộng hưởng giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
| Những lưu ý trong việc sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết Tuỳ hoàn cảnh và mục đích giao tiếp, chúng ta có thể sửdụng ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết. Nhưng nếu đã sửdụng ngôn ngữ ở dạng nào thì cần đảm bảo sự nhất quán trong cách dùng từ ngữ, đặt câu phù hợp với dạng đó. Tình trạng lạc phong cách (dùng các phương tiện đặc trưng của ngôn ngữ nói cho văn bản viết và ngược lại) là điều cần tránh, ví dụ như trường hợp dưới đây: Chí Phèo là truyện ngắn đỉnh nhất của Nam Cao. Tác phẩm đã miêu tả quá ư chân thực tâm lí của người nông dân trong xã hội cũ. Trong ví dụ trên, người viết đã mắc lỗi phong cách khi sửdụng những từ ngữ mang đậm tính khẩu ngữ: “đỉnh”, “quá ư”. |
(Trang 87)
3. Chọn một cảnh có hội thoại trong một bộ phim hoặc một chương trình trên truyền hình và nhận xét đặc điểm của ngôn ngữ nói được thể hiện trong cảnh đó. Hãy đánh giá hiệu quả trình bày, truyền đạt thông tin bằng lời nói ở ví dụ mà bạn đã chọn. 4. Thể hiện nội dung của hội thoại được chọn ở bài tập 3 bằng ngôn ngữ viết và nhận xét sự khác biệt về phương tiện ngôn ngữ biểu đạt trong hai trường hợp. 5. Phân tích những ưu thế và giới hạn của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
| Trong tác phẩm truyện, sự mô phỏng, tái tạo ngôn ngữ nói bằng ngôn ngữ viết là một đối tượng khảo sát, nghiên cứu thú vị. Sự cộng hưởng giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết trong văn bản nghệ thuật tạo ra một số hiện tượng đặc biệt về lời văn như lời nửa trực tiếp (lời của người kể chuyện nhưng tái hiện ý thức, giọng điệu của nhân vật), lời độc thoại nội tâm (tái hiện tiếng nói bên trong của các nhân vật), lời nhại (lời trần thuật mô phỏng quan điểm, ý thức của nhân vật với chủ ý mỉa mai hay bông đùa),... Ví dụ: Bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà? Ai thế nhỉ? (Kim Lân, Vợ nhặt) Đoạn văn miêu tả tâm lí bà cụ Tứ trên đây có sự xuất hiện của nhiều câu văn mang hình thức lời nửa trực tiếp. Lời của người kể chuyện nương theo ý thức của nhân vật, tái hiện những “tiếng nói" đang vang lên trong nhân vật. Một số cách diễn đạt mang dấu ấn của khẩu ngữ được bảo lưu trong lời kể: Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?; Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà?;... Khả năng miêu tả ngôn ngữ gắn liền với những đặc điểm cá thể của nhân vật (xuất thân, địa phương, môi trường sống, tầng lớp xã hội,...) là một bước tiến của tự sự hiện đại. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn