(Trang 125)
Yêu cầu cần đạt
- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của bi kịch như: xung đột, hành động, lời thoại, nhân vật, cốt truyện, hiệu ứng thanh lọc.
- Phân tích được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, sự kiện, nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm; nhận xét được những chi tiết quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.
- Viết được báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội; biết sử dụng các thao tác cơ bản của việc nghiên cứu; biết trích dẫn, cước chú, lập danh mục tài liệu tham khảo và sử dụng các phương tiện hỗ trợ phù hợp.
- Trình bày được báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề đáng quan tâm; biết sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ với phương tiện phi ngôn ngữ để nội dung trình bày được rõ ràng, hấp dẫn.
- Biết sống có mục đích, có khát vọng cống hiến, làm chủ được bản thân và biết vượt lên mọi trở ngại.
ĐỌC
TRI THỨC NGỮ VĂN
Bi kịch
Bi kịch là một thể loại thuộc về kịch. Thông qua sự dàn cảnh, luân chuyển lời đối thoại, độc thoại, hành động của nhân vật trên sâu khấu, bi kịch tập trung diễn tả những xung đột hệ trọng, đạt tới mức căng thẳng tột độ giữa những mong muốn, hành động cao đẹp, hào hùng của con người với những tình thế bi đát không thể đảo ngược của thực tại hay với những trở ngại tồn tại ngay trong bản tính con người. Việc thắt nút, triển khai và giải quyết những xung đột như vậy làm nên cốt truyện bi kịch. Bi kịch thường kết thúc bằng thảm cảnh hay bằng cái chết của một loạt nhân vật. Trong bi kịch, việc cái đẹp, cái hùng bị thất bại đã đưa đến nỗi đau khổ cùng cực. Song chính từ đó, bi kịch trở thành tiếng nói khẳng định sự bất tử của ý chí, khát vọng và chiến thắng tinh thần của con người trong cuộc đấu tranh chống lại những tình thế bi đát của thực tại và những yếu hèn của cá nhân con người.
Nhân vật và xung đột trong bi kịch
Nhân vật chính trong bi kịch mang khát vọng cao đẹp, có tính cách mạnh mẽ, có khả năng lựa chọn hành động tự do xuất phát từ chính kiến, đức tin của mình, song lựa chọn này xung đột với hoàn cảnh thực tế hoặc gặp phải những trở ngại ngay trong bản tính cố hữu.
(Trang 126)
Do vậy, nhân vật chính trong bi kịch thường phải trải qua những trạng thái giằng xé, bế tắc, rơi vào những tình huống hết sức nặng nề và có kết thúc bi thảm. Tương ứng với sự phức tạp của nhân vật, lời thoại trong bi kịch thường căng thẳng, chất chứa biện luận, thể hiện suy tư trăn trở và ý chí của những nhân cách mạnh mẽ, không khuất phục.
Xung đột trong bi kịch là những mâu thuẫn gay gắt giữa lựa chọn hành động tự do của nhân vật như một nhân cách mạnh mẽ với cái tất yếu vốn được thể hiện qua những thế lực như định mệnh, bản tính tự nhiên, định kiến thời đại, thực tại xã hội,...
Hiệu ứng thanh lọc của bi kịch
Khi theo dõi hành động kịch căng thẳng, gay gắt, kết cục bi thảm, người tiếp nhận bi kịch có thể sợ hãi, kinh hoàng, thương cảm, xót xa như chính mình đang trải nghiệm những bế tắc trong cuộc sống cùng nhân vật, để rồi sau đó thấy căm ghét cái đê tiện, giả dối; ngưỡng mộ, cảm phục cái cao cả; tâm hồn như được thanh lọc, trở nên hài hoà, thăng bằng hơn. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại A-rít-xtốt (Aristotle) gọi đó là hiệu ứng thanh lọc của bi kịch.
VĂN BẢN 1
Sống, hay không sống – đó là vấn đề(*)
(Trích Hăm-lét - Hamlet)
Uy-li-am Sếch-xpia (William Shakespeare)
Khởi động
Theo bạn, việc ý thức về tình trạng bi đát của hoàn cảnh có khi nào ngăn trở con người hành động quyết đoán trong cuộc đời?
Đọc văn bản
Tóm tắt bi kịch Hăm-lét:
Hồi I – II: Được tin thân phụ là quốc vương Đan Mạch đột ngột băng hà, thái tử Hăm-lét đang học ở Đức vội vã về nước để chịu tang. Về đến nơi, chàng được biết mẹ là hoàng hậu Giéc-trút (Gertrude) đã tái giá cùng Clô-đi-út (Claudius) - chú ruột của chàng, hiện là nhà vua mới. Hồn ma vua cha hiện lên báo cho Hãm-lét biết chính chú của chàng đã mưu sát anh trai để chiếm đoạt ngai vàng. Lúc này, Đan Mạch còn đứng trước nguy cơ bị hoàng tử xứ Na Uy là Pho-tin-brát (Fortinbrat) dấy binh tiến đánh (nhằm trả thù cho vua cha vốn bị quốc vương Đan Mạch giết chết trong một trận đấu thượng võ). Mang trong mình lí tưởng về con người cao quý – "vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài", Hăm-lét thực sự đau đớn khi nhận ra những sự trái ngang trong hoàng tộc, những sự “đảo điên” của cả thời đại. Chàng ý thức sứ mệnh của mình không chỉ là trả mối thù cha, mà còn vạch mặt chỉ tên cái ác, “dẹp yên mọi sự bất bằng”. Bước đầu, chàng giả điên để nói lên sự thật và đánh lạc hướng kẻ thù. Những lời nói, cử chỉ tưởng như điên dại của Hăm-lét khiến
(*) Nhan đề văn bản được lấy theo sách giáo khoa Văn học 10, tập hai, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr. 71.
(Trang 127)
vua Clô-đi-út lo ngại. Để biết thực hư về bệnh điên của Hăm-lét, vua sai hai người bạn cùng học với chàng là Rô-den-cran (Rosencrantz), Ghin-đơn-xtơn (Guildenstern), cùng với viên cận thần Pô-lô-ni-út (Polonius) dò la.
Hồi III: Vua cùng Pô-lô-ni-út rình nghe trộm cuộc trò chuyện của Hãm-lét với Ô-phê-li-a (Ophélia) con gái của Pô-lô-ni-út, cũng là người yêu của chàng. Ô-phê-li-a trả lại những kỉ vật tình yêu và Hăm-lét nói với nàng những lời tàn nhẫn, cốt để nàng rời xa mình. Hăm-lét bố trí cho một gánh hát vào trong cung diễn vở kịch Cái bẫy chuột có nội dung ám chỉ vụ mưu sát, khiến nhà vua hoảng hốt bỏ ngang buổi diễn, vội vã vào hậu cung. Hăm-lét theo sau định hạ sát vua nhưng buộc phải dừng tay vì thấy vua đang cầu nguyện. Hãm-lét tìm đến phòng hoàng hậu để trách cứ mẹ. Thấy động sau rèm, tưởng nhà vua rình nấp ở đó, Hăm-lét bèn rút gươm đâm, hoá ra lại giết chết Pô-lô-ni-út.
Hồi IV – V: Vua cho Hăm-lét sang nước Anh nhưng ngắm gửi mật thư nhờ vua Anh giết chàng. Lên đường sang Anh, Hãm-lét tự nhủ: "Từ giờ phút này, ý nghĩ ta phải đẫm máu, nếu không chẳng có giá trị gì!". Dọc đường, gặp cướp biển, Hãm-lét tình cờ phát hiện ra bức mật thư mượn tay vua Anh giết chàng trong bọc đồ của hai kẻ đồng hành. Chàng tráo vào đó một bức thư khác để vua Anh giết chính những kẻ đưa thư. Sau tai hoạ, chàng một mình trở về Đan Mạch. Đúng thời điểm đó, chàng chạm trán con trai của Pô-lô-ni-út là La-ớc-tơ (Laertes) – người đang tìm chàng để quyết đấu nhằm trả thù cho cha và em gái (Ô-phê-li-a hoá điên vì những đau khổ trong tình yêu và vì cái chết của cha mình, đã bị ngã xuống suối chết đuối). Trong cuộc giao đấu, Hăm-lét bị trúng một nhát kiếm có tẩm thuốc độc của La-ớc-tơ (do Clô-đi-út bố trí), rồi sau đó La-ớc-tơ cũng bị chàng đâm bằng chính thanh kiếm có tẩm thuốc độc này. Khi theo dõi cuộc đấu, hoàng hậu đã uống nhầm li rượu độc mà Clô-đi-út dành sẵn cho Hăm-lét và nhận cái chết tức tưởi. Trong giây phút đợi tử thần mang đi, La-ớc-tơ đã giảng hoà với Hăm-lét và vạch tội nhà vua. Hăm-lét giết Clô-đi-út khi toàn bộ âm mưu ác độc bị phanh phui. Trước lúc nhắm mắt, Hăm-lét dặn bạn mình là Hô-ra-xi-ô (Horatio) kể cho người đời biết rõ ngọn ngành câu chuyện và trăng trối việc bàn giao ngai vàng cho Pho-tin-brát. Thi hài Hăm-lét được Pho-tin-brát cho an táng theo nghi thức dành cho một chiến sĩ.
Sống, hay không sống – đó là vấn đề là đoạn trích từ cảnh 1, hồi III của bi kịch Hăm-lét.
HỒI III
CẢNH 1
Một gian phòng trong lâu đài.
(Vua, hoàng hậu, Pô-lô-ni-út, Ô-phê-li-a. Rô-den-cran và Ghin-đơn-xtơn ra.)
VUA - Thế trong khi chuyện trò cùng thái tử, các khanh lại không lựa được cơ hội nào để tìm hiểu tại sao người rối loạn tâm thần, để cho chuỗi ngày xanh êm đẹp bị tan nát vì những cơn điên dữ dội, hiểm nghèo hay sao?
Lời thoại của các nhân vật trước khi Hăm-lét xuất hiện cho thấy điều gì về bầu không khí xã hội bao quanh chàng? |
(Trang 128)
RÔ-DEN-CRAN - Tâu bệ hạ, thái tử cũng biết mình bị mất trí, nhưng duyên do tại đâu thì nhất định người không nói.
GHIN-ĐƠN-XTƠN - Thực ra thì thái tử cũng không để cho tìm hiểu sâu hơn. Người cứ đánh trống lảng bằng những cơn điên khôn khéo, mỗi khi chúng thần tìm cách gọi người tỏ bày thực trạng tâm hồn mình.
HOÀNG HẬU - Thái tử tiếp các khanh có tử tế không?
RÔ-DEN-CRAN - Thật đúng như một người lịch thiệp.
GHIN-ĐƠN-XTƠN - Nhưng bên trong vẫn có vẻ gì gượng gạo.
RÔ-DEN-CRAN - Người hỏi rất ít, nhưng trả lời những câu hỏi của chúng thần thì huyên thuyên dài dòng.
HOÀNG HẬU - Thế các khanh có kiếm cách gì cho thái tử tiêu khiển không?
RÔ-DEN-CRAN - Tâu lệnh bà, trên đường đi tình cờ chúng thần gặp một bọn đào kép. Chúng thần có thưa bày và thái tử tỏ vẻ vui thích lắm. Bọn họ hiện ở quanh quẩn trong cung này và hình như đã nhận được lệnh trình diễn đêm nay hầu thái tử.
PÔ-LÔ-NI-ÚT - Thưa, đúng như vậy. Chính thái tử có khẩn khoản nhờ thần mời bệ hạ và lệnh bà tới ngự lãm đêm nay.
VUA - Trẫm rất vui lòng. Trẫm hài lòng khi biết thái tử tìm được nguồn thích thú như vậy. Các khanh ạ, nên khuyến khích thêm thái tử nữa vào những trò giải trí ấy.
RÔ-DEN-CRAN - Tâu bệ hạ, chúng thần xin tuân thượng lệnh.
RÔ-DEN-CRAN – Tâu bệ hạ, chúng thần xin tuân thượng lệnh.
(Rô-den-cran và Ghin-đơn-xtan vào.)
VUA - Ái khanh nữa, xin mời ái khanh cũng tạm lui. Trẫm đã ra mật lệnh cho tìm Hăm-lét tới đây, làm như thể tình cờ y bắt gặp Ô-phê-li-a ở nơi này. Trẫm sẽ đích thân cùng tướng công Pô-lô-ni-út, như hai thám tử hợp pháp, ngồi vào một nơi kín, nhìn thấy hết mà không ai nhìn thấy mình, để tận mắt quan sát mọi cử chỉ của y qua cuộc gặp gỡ, xem có phải chính bệnh tương tư là nguyên nhân làm y quẫn trí chăng.
HOÀNG HẬU - Xin vâng lệnh bệ hạ, còn Ô-phê-li-a con, ta mong rằng chính nhan sắc yêu kiều của con là nguyên nhân tốt lành của bệnh hoạn của Hăm-lét và ta hi vọng đức hạnh của con sẽ làm cho nó trở lại bình thường; vì danh dự của cả hai con đấy!
Ô-PHÊ-LI-A - Tâu lệnh bà, con cũng mong như thế.
(Hoàng hậu vào.)
PÔ-LÔ-NI-ÚT - Ô-phê-li-a, con cứ đi đi lại lại ở chỗ này - Xin bệ hạ cùng thần lánh vào đây. (nói với Ô-phê-li-a) Con hãy cầm cuốn sách này và đọc đi. Như thế mới thêm vẻ tự nhiên trong lúc cô đơn. Đời vẫn thường chê trách rằng ta khoác cái vẻ trầm mặc thành kính và bộ điệu chân tu nhiều khi cũng đường mật đánh lừa được cả ma quỷ. Điều đó đã được chứng tỏ quá nhiều rồi.
(Trang 129)
VUA - Ôi, đúng quá thật! Lời nói như roi quất vào lương tâm ta. Đôi má của gái hồng lâu(1), rực rỡ vì son tô phấn điểm, cũng không thể xấu xa hơn hành động của ta được điểm phấn tô son bằng những lời hoa gấm mĩ miều. Ôi, gánh nặng của tội ác!
(Vua và Pô-lô-ni-út vào. Hăm-lét ra.)
Sự xung đột với cả thời đại đã để lại dấu ấn như thế nào trong nội tâm Hàm-lét? |
HĂM-LÉT - Sống, hay không sống(2) – đó là vấn đề. Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng, hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn? Chết, là ngủ. Không hơn. Và tự nhủ rằng ngủ đi tức là chấm dứt mọi đau khổ của cõi lòng và muôn vàn vết tử thương mà hình hài phải chịu đựng, kết liễu cuộc đời như thế, chẳng đáng mong muốn sao? Chết, ngủ. Ngủ, có thể chỉ là mơ. Hừ! Đây mới là điều khó khăn. Vì, trong giấc ngủ của cõi chết ấy, khi ta đã thoát khỏi cái thể xác trần tục này, những giấc mơ nào sẽ tới, điều đó làm cho ta phải ngừng lại mà suy nghĩ. Chính điều đó gây ra bao tai hoạ cho cuộc sống dằng dặc này! Bởi vì, ai là người có thể chịu đựng những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì chậm của công lí, hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với đức tài nhẫn nhục, khi chỉ cần với một mũi dùi là có thể đủ đưa mình đến chỗ yên nghỉ. Có ai đành cam chịu, than vãn rên rỉ, đổ mồ hôi dưới gánh nặng của cuộc đời mệt mỏi, nếu không phải chỉ vì sợ một cái gì mênh mang sau khi chết, cả một thế giới huyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách nào còn quay trở lại, nỗi sợ làm cho tâm trí rối bời và bắt ta phải cam chịu mọi khổ nhục trên cõi thế này còn hơn là bay tới những nỗi khổ nhục khác mà ta chưa hề biết tới? Đấy, chính nỗi vướng mắc của tâm tư ấy làm cho chúng ta trở thành hèn mạt tất cả, và ngọn lửa của quyết tâm vừa bùng lên đã mờ nhạt ốm yếu đi trước ánh leo lắt của ý nghĩ đó, bao dự kiến lớn lao, cao quý cũng phải xoay chiều đổi hướng, chẳng thể biến thành hành động. - Thôi khẽ chứ! Kìa Ô-phê-li-a yêu kiều! Nữ thần của ta ơi, khi nàng cầu nguyện, xin nàng đừng quên những tội lỗi của ta.
Chú ý sự khác biệt giữa lời Hăm-lét nói với Ô-phê-li-a trong độc thoại và đối thoại. |
Ô-PHÊ-LI-A - Kính thưa điện hạ, chẳng hay sức khoẻ của người bấy lâu nay ra sao?
HĂM-LÉT – Xin đa tạ cô em, tôi vẫn được như thường, như thường, như thường.
Ô-PHÊ-LI-A - Thưa điện hạ, thiếp còn giữ những kỉ vật người trao tặng, đã từ lâu thiếp vẫn mong được gửi lại, mong người nhận cho.
HĂM-LÉT – Không, không, tôi nào có hề tặng cô em cái gì bao giờ.
(1) Gái hồng lâu: ca kĩ, gái điếm (hồng lâu: lầu hồng – hình ảnh ước lệ chỉ chốn sang trọng quý phái, có khi chỉ chốn chơi bời phóng đăng).
(2) Câu này dịch giả dịch là “Sống, hay không nên sống". Người biên soạn sách giáo khoa lược bỏ chữ “nên" cho sát hơn với nguyên tác.
(Trang 130)
Ô-PHÊ-LI-A - Thưa điện hạ tôn kính, điện hạ cũng thừa biết là có và Người đã gửi gắm theo những kỉ vật ấy những lời xiết bao tình tứ làm cho chúng càng tôn thêm giá. Nhưng bây giờ hương đã tàn phai, xin chàng giữ lấy; bởi vì đối với một tâm hồn cao quý, quà tặng quý giá đến đâu chăng nữa, nào còn có ý nghĩa gì một khi người trao đã thờ ơ lạnh nhạt. Thưa đây, điện hạ.
HĂM-LÉT - A ha! Cô em có phải là người đức hạnh không?
Ô-PHÊ-LIA - Thưa điện hạ!...
HĂM-LÉT - Cô em có phải là người nhan sắc không?
Ô-PHÊ-LI-A - Điện hạ định nói gì?
HĂM-LÉT - Nếu cô vừa là người đức hạnh lại vừa nhan sắc, thì đức hạnh làm sao có thể nói chuyện được với nhan sắc của cô?
Ô-PHÊ-LI-A - Sao, thưa điện hạ, nhan sắc còn có thể hoà hợp với cái gì hơn là đức hạnh?
HĂM-LÉT - Chứ sao! Vì nhan sắc có mãnh lực biến đức hạnh thành phóng đãng, nhưng đức hạnh không thể nào khép nhan sắc vào khuôn khổ nết na. Ngày xưa, đó là điều nghịch lí, nhưng ngày nay thì đã được chứng thực rồi. Có một thời, tôi đã yêu cô em.
Chú ý việc thể hiện ý thức của Hăm-lét về mối quan hệ giữa nhan sắc và đức hạnh trong thời đại đảo điên. |
Ô-PHÊ-LI-A - Thực thế, thưa điện hạ, chính Người đã làm cho thiếp tưởng như vậy.
(Theo Uy-li-am Sếch-xpia, Hăm-lét, Đào Anh Kha(1) – Bùi Ý – Bùi Phụng dịch,
VỚI CƯỢC SONXB Văn học, Hà Nội, 1986, tr. 89–94)
Uy-li-am Séch-xpia,
tranh của Mác-tin Đrô-sút
(Martin Droeshout), 1623
Nguồn: wikipedia.org
Uy-li-am Sếch-xpia (1564-1616) là nhà soạn kịch, nhà thơ nổi tiếng nhất của nước Anh thời Phục hưng. Ông sinh ra và lớn lên tại thị trấn Xtơ-rét-phớt (Stratford) ở tây nam nước Anh, trong một gia đình buôn bán len, dạ. Khi mới mười bốn tuổi, do gia đình sa sút, Sếch-xpia phải thôi học. Từ khoảng năm 1585, ông lên thủ đô Luân Đôn kiếm sống, tham gia giúp việc cho một đoàn kịch, trở thành diễn viên, nhà soạn kịch kiêm đạo diễn, rồi người đồng sở hữu đoàn kịch. Năm 1599, Sếch-xpia tham gia dựng nên Nhà hát Địa Cầu. Năm 1608, đoàn kịch của ông sở hữu thêm nhà hát có mái che đầu tiên ở Luân Đôn. Tên tuổi của Sếch-xpia bắt đầu được nhắc đến trong giới nghệ thuật từ năm 1592. Sáng tác của ông gồm 37 vở kịch, 4 bản trường ca và 154 bài thơ xon-nê (sonnet), cho đến nay vẫn được coi là những kiệt tác hàng đầu của văn học thế giới.
Kịch của Sếch-xpia bao gồm nhiều thể loại (kịch lịch sử, hài kịch, bi kịch, bi hài kịch), trong đó nổi bật là bi kịch với nhiều kiệt tác như: Rô-mê-ô (Romeo) và Giu-li-ét (Juliet), Vua Lia (Lear), Ô-ten-lô (Othello), Mắc-bét (Macbeth) và đặc biệt là Hăm-lét. Bi kịch của ông
(1) Bản in Hăm-lét, NXB Văn học, Hà Nội, 1986 ghi là Bùi Anh Kha. Người biên soạn chỉnh lại theo thông tin của bản in Hamlet & Romeo và Juliet, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018.
(Trang 131)
chứa đựng những suy ngẫm mang tính nhân văn sâu sắc, được thể hiện qua các hình tượng nhân vật phóng khoáng, tự do, có tính cách mạnh mẽ; qua lời thoại sắc sảo, tinh tế; qua nghệ thuật triển khai, đan xen các tuyến xung đột, các tuyến hành động kịch mang tính chất dồn nén, tập trung. Sếch-xpia thường xây dựng các vở bi kịch của mình dựa trên một số cốt truyện, truyền thuyết có sẵn, nhưng ông đã mở rộng, khơi sâu chủ đề để dựng nên những hình tượng bất tử.
Bi kịch năm hồi Hăm-lét là sáng tác đỉnh cao của Sếch-xpia, được viết trong khoảng thời gian 1599-1601. Câu chuyện hoàng tử xứ Đan Mạch thời Trung cổ là Ăm-lét (Amleth) trả thù cho cha từng được ghi lại trong biên niên sử từ cuối thế kỉ XII của Xắc-xơ Gram-ma-ti-cút (Saxo Grammaticus), được Phơ-răng-xoa đơ Ben-phóc (François de Belleforest) kể lại vào năm 1576. Sếch-xpia có lẽ đã dựa vào bản kể này để xây dựng vở bi kịch của mình với nhiều sáng tạo: Ông đặt nhân vật vào bối cảnh hậu kì Phục hưng, khi lí tưởng nhân văn chủ nghĩa lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc bởi xung đột với thực tại lịch sử nghiệt ngã. Cảm quan u tối về thực tại và ý chí đấu tranh khẳng định lí tưởng nhân văn chủ nghĩa của nhân vật trong vở kịch bắt nguồn từ đó.
Sống, hay không sống – đó là vấn đề là màn kịch nổi tiếng nhất trong Hăm-lét. Nó không chỉ góp phần khơi sâu tư tưởng chủ đề của vở kịch, mà còn gợi nhiều suy ngẫm về bản tính con người, về những “nỗi vướng mắc tâm tư" và trăn trở muôn đời của con người trong cuộc sống. Đoạn độc thoại của Hăm-lét trong màn kịch này đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đời sau.
Thực hiện các yêu cầu sau khi đọc văn bản
1. Xác định ý nghĩa lời thoại của các nhân vật trước khi Hăm-lét xuất hiện.
2. Nêu nhận xét chung về tâm trạng của Hăm-lét thể hiện qua lời độc thoại. Theo mạch suy tưởng của Hăm-lét, lời độc thoại có thể chia làm mấy phần, nội dung từng phần là gì?
3. Có thể xác định cách hiểu của Hăm-lét về “sống” và “không sống" như thế nào?
4. Nêu lí do khiến Hăm-lét cho rằng “chết” đáng “mong muốn” mà cũng là “điều khó khăn" buộc người ta phải "ngừng lại mà suy nghĩ".
5. Phân tích ý thức của Hăm-lét về những “khổ nhục trên cõi thế" mà con người phải gánh chịu. Theo bạn, Hăm-lét sợ “nỗi khổ nhục" gì ở cõi "mênh mang sau khi chết"?
6. Hăm-lét đã nhận thức như thế nào về nguyên nhân tình trạng do dự, không thể hành động quyết đoán của chính mình? Dựa vào phần tóm tắt vở kịch, hãy cho biết Hăm-lét đã làm gì sau khi nhận thức được bản chất vấn đề.
7. Chỉ ra tính chất bi kịch của xung đột được thể hiện qua lời độc thoại của Hăm-lét. Theo bạn, trong xã hội hiện đại, xung đột đó có còn tồn tại hay không? Căn cứ để bạn nêu ý kiến về vấn đề này là gì?
Kết nối đọc – viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu cảm nhận của bạn về con người Hăm-lét được thể hiện qua lời độc thoại trong Sống, hay không sống – đó là vấn đề.
(Trang 132)
VĂN BẢN 2
Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài(*)
(Trích Vũ Như Tô)
Nguyễn Huy Tưởng
Khởi động
Phải chăng giá trị của nghệ thuật là ở chỗ nó có ích cho đời sống?
Đọc văn bản
HỒI THỨ NĂM
Một cung cấm
LỚP I
Vũ Như Tô - Đan Thiềm
VŨ NHƯ TÔ - Có việc gì mà bà chạy hớt hơ hớt hải? Mặt bà cắt không còn hột máu.
ĐAN THIỀM (thở hổn hển) - Nguy đến nơi rồi... Ông Cả!
VŨ NHƯ TÔ - Lạ chưa, nguy làm sao? Đài Cửu Trùng chia năm đã được một phần.
ĐAN THIẾM - Ông trốn đi, mau lên không thì không kịp.
VŨ NHƯ TÔ - Sao bà nói lạ? Đài Cửu Trùng chưa xong, tôi trốn đi đâu. Làm gì phải trốn?
Lời thoại và hành động thể hiện thái độ gì của các nhân vật? |
ĐAN THIẾM - Ông nghe tôi! Ông trốn đi! Ông nghe tôi! Ông phải trốn đi mới được!
VŨ NHƯ TÔ - Làm sao tôi cần phải trốn? Bà nói rõ cho là vì sao? Khi trước tôi nhờ bà mách đường chạy trốn, bà khuyên không nên, bây giờ bà bảo tôi đi trốn, thế là nghĩa gì?
ĐAN THIẾM - Có nghĩa lắm. Tôi không làm một việc gì vô lí cả. Khi trước trốn đi thì ông nguy, bây giờ trốn đi thì ông thoát chết.
VŨ NHƯ TÔ - Sao thế?
ĐAN THIẾM - Loạn đến nơi rồi. Dân gian đói kém nổi lên tứ tung. Giặc Trần Cao trước đã bị quan quân đuổi đánh, nay lại về đóng ở Bồ Đề, thanh thế rất mạnh. Trong triều, Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản vì can vua mà bị đánh, nay mưu với mấy tên đồng chí, giả mượn tiếng đi dẹp giặc rồi quay binh về làm loạn.
Tình huống kịch được miêu tả trong lớp 1 là gì? |
(*) Nhan đề văn bản được lấy theo sách giáo khoa Ngữ văn 11 Nâng cao, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr. 216.
(Trang 133)
VŨ NHƯ TÔ - Tôi làm gì nên tội?
ĐAN THIỀM - Vậy mà ai ai cũng cho ông là thủ phạm. Vua xa xỉ là vì ông, công khố hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán giận là vì ông, thần nhân trách móc là vì ông. Cửu Trùng Đài, họ có cần đâu? Họ dấy nghĩa cốt giết ông, phá Cửu Trùng Đài.
VŨ NHƯ TÔ - Phá Cửu Trùng Đài? Không đời nào? Mà tôi thì không làm gì nên tội. Họ hiểu nhầm.
Bối cảnh nào được tái hiện thông qua các chỉ dẫn sân khấu? |
ĐAN THIỀM - Ông phải trốn đi. (có tiếng quân ẩm ẩm, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng tù và, tiếng ngựa hí) Ông phải trốn đi. (lời có vẻ van lơn) Trong lúc biến cố này, ông hãy tạm lánh đi. Khi dân nổi lên, họ nông nổi vô cùng. Họ không phân biệt phải trái. Ông trốn đi. Tài kia không nên để uổng. Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai tô điểm nữa.
VŨ NHƯ TÔ - Bà không nên lo cho tôi. Tôi không trốn đâu. Người quân tửkhông bao giờ sợ chết. Mà vạn nhất có chết, thì cũng phải để cho mọi người biết rằng công việc mình làm chính đại quang minh. Tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết cũng với Cửu Trùng Đài. Tôi không thể xa Cửu Trùng Đài một bước. Hồn tôi để cả đây, thì tôi chạy đi đâu?
ĐAN THIỀM - Ông Cả! Ông nghe tôi. Trốn đi để chờ cơ hội khác. Đại sự hỏng rồi.
VŨ NHƯ TÔ - Đa tạ bà. Tấm lòng của bà, chỉ có lòng cha mẹ tôi mới sánh kịp. Nhưng tôi đã quyết, không chịu rời Cửu Trùng Đài một bước. Tôi quyết ở đây.
ĐAN THIẾM (thất vọng) - Ông Cả ơi!
LỚP II
Những người trên, thêm Nguyễn Vũ
NGUYỄN VŨ (lật đật và xộc xệch) - Kìa, thầy Cả.
VŨ NHƯ TÔ - Lạy Cụ lớn.
NGUYỄN VŨ – Thấy có biết việc gì không?
VŨ NHƯ TÔ - Bẩm Cụ lớn, không. Duy có bà Đan Thiểm đây vừa mới bảo với chúng tôi rằng Nguyên Quận công làm phản.
NGUYỄN VŨ (hất hàm hỏi Đan Thiềm) – Thế nào?
ĐAN THIỀM - Chúng tôi cũng không rõ. Nghe như Quận công làm phản. Cụ lớn có biết tin gì thêm không?
(Trang 134)
NGUYỄN VŨ - Đúng thế đấy. Ta vừa chạy đến đây. Thiên tử đâu? Chiều hôm kia ta còn uống rượu trong nội điện với Hoàng thượng.
ĐAN THIềM (rú lên) – Cái gì đó? (có tiếng động ẩm ẩm ở xa) Họ tiến lại đây chăng? (quay bảo Vũ Như Tô) Ông trốn đi, mau lên, khổ lắm. (lắng tai) Có tiếng quân reo... (líu lưỡi)
NGUYỄN VŨ – Ta lo cho Hoàng thượng lắm. Duy Sản là một đứa tiểu nhân. Nó vẫn căm giận Hoàng thượng và ta. Ta hối không can Hoàng thượng, lại để cho ngài sai đánh nó quá đau, mà lại ở ngay giữa chợ. Thẹn quá hoá giận, đứa tiểu nhân thì nghĩ chỉ đến nghĩa vua tôi!
Chú ý thái độ của Vũ Như Tô, Đan Thiểm khi Nguyễn Vũ xuất hiện. |
ĐAN THIỀM (quay bảo Vũ Như Tô) - Ông định chết ở đây sao? Ông gần quá. Quận công có ưa gì ông đâu?
VŨ NHƯ TÔ (xẵng) – Bà để mặc tôi. Tôi tự có cách khu xử.
ĐAN THIỀM – Đấy, tiếng reo mỗi lúc một gần. Kìa, thái giám, chắc có tin gì?
Nội giám(1) hoảng hốt vào.
LỚP III
Những người trên, thêm Lê Trung Mại
LÊ TRUNG MẠI - Bẩm Cụ lớn, nguy đến nơi rồi. Kìa mụ Đan Thiểm sao lại ở đây? Mụ ra là giống quái,...
NGUYỄN VŨ - Có việc chi, Trung Mại?
LÊ TRUNG MẠI - Bẩm Cụ lớn, Trịnh Duy Sản mưu với lũ Lê Quảng Đô, Trịnh Tri Sâm lập vua khác, đêm qua đã kéo quân vào cửa Bắc Thần...
NGUYỄN VŨ – Thiên tử đâu?
LÊ TRUNG MẠI - Bẩm, nguyên Trịnh Duy Sản sắm sửa thuyền bè khí giới, họp ở bến đò Thái Cực, nói reo lên là đi đánh Trần Cao, rồi đương đêm đem ba nghìn quân Kim Ngô hộ vệ vào cửa Bắc Thần đốt lửa cho sáng....
Sự kiện nào được miêu tả trong lớp III? |
NGUYỄN VŨ (nóng ruột, giậm chân gắt) – Thiên tử đâu? Nói mau lên.
LÊ TRUNG MẠI - Hoàng thượng trông thấy lửa sáng, hốt hoảng tưởng là giặc ập đến vội lên ngựa lẻn ra cửa Bảo Khánh, trời thì tối mà cứ lao mình đi không đèn đuốc gì cả. Khi ngài qua cửa Thái Học đến ao Chu Tước ở phường Bích Câu thì vừa gặp Duy Sản...
(1) Nội giám (hay thái giám, hoạn quan): một chức quan hầu cận trong cung vua.
(Trang 135)
NGUYỄN VŨ - Gặp Duy Sản? Trời! Thế thì còn gì? Nói mau lên.
LÊ TRUNG MẠI - Ngài hỏi nó: Giặc ở đâu? Nó không đáp, ngoảnh mặt đi cười nhạt. Ngài quất ngựa về phía tây, nó sai võ sĩ là tên Hạch đuổi theo, đâm vua ngã ngựa rồi giết chết. (khóc)
NGUYỄN VŨ (khóc) – Hoàng thượng ơi! Hạ thần mới nghe câu chuyện đã đoán ngay có sự này. (cảm động quá, ngã xuống)
LÊ TRUNG MẠI (nức nở) – Khốn nạn, Khâm Đức Hoàng hậu thương vua cũng nhảy vào lửa chết... (không nói được nữa)
VŨ NHƯ TÔ – Xin Cụ lớn hãy để nghe xem có thực không đã. Không có lẽ... (vực Nguyễn Vũ dậy) Bẩm Cụ lớn.
NGUYỄN VŨ (vẫn khóc) – Thực đấy rồi. Thôi để mặc ta. Duy Sản ta đã biết, nó tàn nhẫn vô cùng. Hoàng thượng ơi! Ơn tri ngộ mới được tám năm... Hoàng thượng băng hà lão thần cũng không yên được với chúng. Ăn lộc của vua, xin chết vì nạn của vua. Lão thần không muốn kéo dài kiếp sống tàn làm gì nữa. (rút dao đâm cổ tự tử và ngã lăn ra)
LÊ TRUNG MẠI - Trời ơi! Cụ lớn Đông các! (vực dậy, máu me đầm đìa)
NGUYỄN VŨ - Thôi mặc ta cho ta chết. Sống chỉ thêm nhục nhã. (ngất đi)
VŨ NHƯ TÔ (nhìn Đan Thiềm, nhìn thây Nguyễn Vũ) – Thảm não chưa?
LÊ TRUNG MẠI (sờ người Nguyễn Vũ) – Có lẽ Cụ lớn chết rồi. Sao chóng thế được? Chết thực rồi!
ĐAN THIẾM (thở dài) – Biến đến thế là cùng!
Một bọn nội giám nữa vào.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn