VIẾT | Ngữ Văn Tập 1 | BÀI 4: TỰ SỰ TRONG TRUYỆN THƠ DÂN GIAN VÀ TRONG THƠ TRỮ TÌNH - Lớp 11 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

NGỮ VĂN - BÀI 4 - TỰ SỰ TRONG TRUYỆN THƠ DÂN GIAN VÀ TRONG THƠ TRỮ TÌNH


(Trang 114)

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

(Hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại)

Xã hội hiện đại đang đặt ra trước mỗi chúng ta nhiều thử thách mới. Để hoà nhịp một cách tích cực với cuộc sống hiện nay, bạn cần biết suy tư về một số vấn đề có khả năng tác động mạnh mẽ đến cách lựa chọn thái độ ứng xử của chúng ta trong cuộc vận động mang tính chất toàn cầu, hướng đến sự chung sống hài hoà giữa các quốc gia, dân tộc; giữa con người với toàn bộ môi trường sống. Viết văn bản nghị luận bàn về những vấn đề như vậy là một cơ hội khám phá, nhận thức đầy ý nghĩa.

(Trang 115)

Yêu cầu

  • Nêu được vấn đề thực sự có ý nghĩa, hướng đến việc hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại.
  • Triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ, phù hợp với logic của vấn đề bàn luận; sử dụng các lí lẽ thuyết phục và bằng chứng chính xác, thích hợp, đầy đủ.
  • Nêu được ý kiến về vấn đề bàn luận từ một góc nhìn khác.
  • Rút ra được ý nghĩa của việc bàn luận về vấn đề.

Bài viết tham khảo

Cư dân của hành tinh

Chúng ta đang sống trong thời đại thường được định danh bằng thuật ngữ toàn cầu hoá. Mặc dù nội hàm của thuật ngữ này hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được ngày càng rõ rệt rằng thế giới này chỉ có thể tồn tại được trong và bằng sự giao lưu, kết nối mọi người, mọi quốc gia, dân tộc với nhau. Tuy nhiên, từ cảm nhận được điều này tới việc thể hiện một thái độ tích cực đối với nó có một khoảng cách khá xa. Đây không chỉ là vấn đề của từng cá nhân, nhưng trước hết mỗi người phải chứng tỏ được bằng hành động cụ thể rằng mình đã có một “căn cước” mới: cư dân của hành tinh.

Nêu vấn đề cần bàn luận theo lối gián tiếp.

Theo nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được thừa nhận rộng rãi, loài người trên thế giới hiện nay vốn cùng chung một nguồn gốc, là loài được định danh bằng cái tên Hô-mô Xa-piên (Homo Sapiens)(1), Hiện tại, dù có nhiều màu da khác nhau và thuộc nhiều chủng tộc khác nhau, nhưng truy nguyên, con người trên toàn thế giới cùng chung một tổ tiên, không có sự tách biệt về gene. Đây chính là cơ sở đầu tiên, thuộc phương diện sinh học chứng tỏ sự thống nhất của loài người.

Luận điểm 1: Xem xét vẫn đề từ nguồn gốc chung của loài người.

Sau khi toả đi khắp mọi nơi trên thế giới và suốt một thời kì dài sống trong sự chia rẽ, từ thế kỉ XVI, xét theo quy mô rộng, con người của các dân tộc bắt đầu tìm cách liên hệ, liên kết với nhau. Quá trình toàn cầu hoá

Luận điểm 2: Xem xét văn để từ thực tiễn lịch sử cận -hiện đại của thế giới.

(1) Hô-mô Xa-piên: từ La-tinh (Latin), có nghĩa là người tỉnh khôn. Xem thêm: l-u-vô Nô-a Ha-ra-ri (Yuval Noah Harari), Sapiens: Lược sử loài người, Nguyễn Thuỷ Chung dịch, Võ Minh Tuấn hiệu đính, NXB Tri thức - Công ti cổ phần Sách Omega Việt Nam, Hà Nội, 2019.

(Trang 116)

bắt đầu từ đó và đến nay đã được nhìn nhận là một xu thế phát triển có tính tất yếu. Thế giới đang trở thành một thể thống nhất gồm nhiều bộ phận có quan hệ với nhau chặt chẽ. Những dấu ấn chung mang tính toàn cầu được thể hiện ở mọi bộ phận cấu thành của nó, từ bộ phận lớn như quốc gia, dân tộc đến những bộ phận nhỏ hơn như từng con người cá nhân. Chúng ta có thể thấy thế giới hiện hữu một cách sống động quanh mình. Tất cả các tiện nghi sinh hoạt mà ta dùng hằng ngày, từ quần áo, giày dép, đồ ăn thức uống, phương tiện đi lại đến những phương tiện liên lạc hiện đại như điện thoại thông minh, máy vi tính, rô-bốt,... là những minh chứng rõ ràng. Chúng đến từ những nơi sản xuất khác nhau trên địa cầu, tạo sự gắn kết giữa ta với thế giới. Thành quả văn minh mà nhân loại tạo ra đã được mỗi người đón nhận một cách tự nhiên. Sự giao lưu mở rộng tạo cơ hội cho ta tìm được việc làm không phải chỉ trên xứ sở của mình. Khái niệm “công dân toàn cầu” trước hết phản ánh điều đó nhưng không chỉ điều đó.

Nêu bằng chứng xác nhận sự kết nối với nhau của con người trên Trái Đất hiện nay.
Luận điểm 3: Xem xét vấn đề từ mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc.

Nhìn ở phạm vi quốc gia, dân tộc, chúng ta cũng có thể thấy rõ: không một quốc gia nào muốn phát triển, không một dân tộc nào muốn “ngẩng mặt” mà lại quay lưng với thế giới. Chúng ta phải chấp nhận những luật chơi chung và phải tôn trọng những giá trị phổ quát toàn cầu. Hợp tác cùng phát triển đã trở thành một nhu cầu tất yếu để mọi bên đều được hưởng lợi. Tất nhiên, trong cuộc chơi chung mà tất cả đều tham gia này, mỗi người, mỗi quốc gia, dân tộc, từ vị thế, điều kiện và sở trường của mình, phải có đóng góp xứng đáng. Những tiến bộ mà con người đạt được trong mọi lĩnh Thằng điên bỏ mà còn người đạt được trong mọi linh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn hoá đều đem lại niềm vui cho cả loài người và thu hút sự chú ý của mỗi chúng ta. Một mẫu điện thoại di động đời mới nhất vừa xuất hiện có thể đem đến niềm khấp khởi cho bao nhiêu triệu con người trên nhiều quốc gia, lãnh thổ. Một cú sút thần sầu của Crít-xti-a-nô Rô-nan-đô (Cristiano Ronaldo)(1) hay của Li-ô-nen Mét-xi (Lionel Messi)(2) vào khung thành cũng có thể làm hàng triệu người hâm mộ phấn khích... Đó là mới chỉ nói tới những sự kiện mang nhiều tính đại chúng nhất.

Nêu bằng chứng từ những sự kiện mang tính đại chúng.

Tuy nhiên, ta cũng không khó nhận ra rằng thế giới chúng ta sống đang gặp nhiều bất ổn và sức khoẻ của mẹ Trái Đất vẫn thường xuyên bị đe doạ. Xu thế toàn cầu hoá kéo theo nhiều hệ luỵ. Sự hướng về những giá trị chung có nguy cơ làm phai nhạt những bản sắc riêng. Phản ứng

Luận điểm 4: Xem xét vấn để từ góc nhìn khác.

(1) Crít-xti-a-no Rô-nan-đó: sinh năm 1985, cầu thủ bóng đá nói tiếng người Bồ Đào Nha.

2) Li-ô-nen Mét-xi: sinh năm 1987, cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Ác-hen-ti-na (Argentina).

(Trang 117)

Nêu bằng chứng cho ý kiến từ góc nhìn khác: toàn cầu hoá gặp nhiều thách thức.

co cụm, chối bỏ đã xảy ra mà ví dụ rõ nhất là các xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc đang có những diễn biến nguy hiểm khó lường. Nạn khủng bố, trào lưu di dân, những lời đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân,... đang làm đau đầu các nhà chính trị, các nhà hoạt động xã hội và khiến tất cả chúng ta phải lo âu, thậm chí sợ hãi. Những dịch bệnh cũng lan tràn khắp mọi nơi khiến cả loài người phải tìm cách chống đỡ một cách vất vả. Hết đại dịch AIDS đến đại dịch COVID-19, không biết lúc nào con người mới có được cảm giác sống an toàn. Tai hoạ đến từ thiên nhiên cũng ngày một nhiều hơn, thảm khốc hơn. Thiên nhiên dường như đang nổi giận về sự vô ý thức của con người, về tính kiêu ngạo vô lối của con người. Chưa bao giờ những thảm hoạ lại mang tính toàn cầu rõ nét đến vậy... Rõ ràng, không còn ai có thể quay lưng với những mối lo lớn như thế, nếu không phải là người hoàn toàn vô trách nhiệm và trơ lì, vô cảm.

Là một cư dân của hành tinh, chúng ta cần phải biết chia sẻ những niềm vui và nỗi lo mang tính toàn cầu. Trách nhiệm với cá nhân, gia đình, quốc gia, dân tộc chưa phải là tất cả. Trách nhiệm với toàn bộ sự sống trên Trái Đất, với tương lai của loài người nhất định phải trở thành mối bận tâm của mỗi người có đạo đức và lí trí. Sự lên tiếng phản đối một cuộc chiến tranh xâm lược, sự hưởng ứng lời kêu gọi giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, sự tham gia tích cực vào hoạt động quảng bá lối sống xanh,... đó đều là những việc làm thể hiện trách nhiệm nói trên.

Luận điểm 5: Ứng xử thực tế cần có của mỗi người khi nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bàn luận.

Gioóc-giơ Vơ-nát-xki (George Vernadsky)(1) từng phát biểu: “Lần đầu tiên, con người đã thực sự hiểu rằng nó là một cư dân của hành tinh này, và có lẽ nó phải nghĩ hoặc hành động dưới một vẻ mặt mới, không chỉ mặt cá thể, gia đình hoặc giống loài, nhà nước hay nhiều nhà nước mà cả mặt toàn cầu nữa(2). Đó quả là một nhận định sâu sắc mang tính chất khai mở nhận thức, cần được mỗi người chúng ta suy ngẫm để xác định được cho mình một thái độ sống tích cực, có trách nhiệm với cuộc đời và với sự sống nói chung.

Thay lời kết luận bằng một trích dẫn phù hợp.

(Nhóm biên soạn)

(1) Gioóc-giơ Vơ-nát-xki (1887 - 1973): nhà sử học người Mỹ gốc Nga.

(2) Trích dẫn theo Ét-ga Mô-ranh (Edgar Morin), Bảy trì thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai, NXB Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 81.

(Trang 118)

Thực hiện các yêu cầu sau khi xem các bài viết tham khảo

1. Nêu vấn đề chính được bàn luận trong bài viết và ý nghĩa của nó.

2. Xác định hệ thống luận điểm được triển khai trong bài viết.

3. Nhận xét về mức độ thuyết phục của các bằng chứng được người viết đưa ra.

Thực hành viết

Chuẩn bị viết

Đề tài bạn sẽ chọn, như được định hướng từ nhan đề chung của phần Viết, nên là đề tài có thể khơi dậy được thái độ sống tích cực trong hoàn cảnh sống có nhiều thách thức mới hiện nay. Cần bình tâm ngẫm nghĩ về những câu hỏi nảy sinh từ chính cuộc sống của mình, với những điều được gợi mở từ những thông tin mà các phương tiện truyền thông phổ biến vẫn truyền tải hằng ngày.

- Gợi ý một số đề tài có thể chọn: Tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội; Thực hành lối sống xanh; Đấu tranh cho bình đẳng giới; Tôn trọng sự khác biệt; Sự cần thiết của việc học ngoại ngữ; Trách nhiệm với lớp người yếu thế trong xã hội; Ý nghĩa của các diễn đàn, câu lạc bộ khởi nghiệp;...

- Khi đã xác định được đề tài, nên tìm cho bài viết một nhan đề phù hợp. Tên bài viết có thể là tên của đề tài và việc diễn đạt tường minh về đề tài sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho bạn triển khai thông suốt hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong bài.

Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

Gợi ý một số câu hỏi có thể dùng để tìm ý, huy động các bằng chứng:

- Có thể nhìn nhận vấn đề từ những góc độ và theo các cấp độ nào? Tác giả bài viết tham khảo đã triển khai vấn đề từ các góc nhìn: lịch sử, xã hội, đạo đức; đã chứng minh vấn đề theo từng cấp độ: cá nhân, quốc gia – dân tộc, nhân loại. Cách triển khai này khác với cách triển khai của bài viết tham khảo ở Bài 3 – Cấu trúc của văn bản nghị luận. Như vậy, việc xác định hệ thống luận điểm trong một bài văn nghị luận tuỳ thuộc vào vấn đề được bàn có thể nhìn nhận từ những góc độ hay theo cấp độ nào.

- Nên chọn những bằng chứng gì để làm sáng tỏ các luận điểm? (Trong bài viết tham khảo, các bằng chứng được nêu rất sinh động, phong phú, vừa gắn với sinh hoạt thường ngày, vừa gắn với những sự kiện gây ảnh hưởng lớn đến đời sống chung của nhân loại.)

- Những ý kiến sáng giá nào có thể trích dẫn? (Bài viết tham khảo đã trích một nhận định có tầm khái quát rất cao của Gioóc-giơ Vơ-nát-xki.)

- Có thể bàn về vấn đề từ góc nhìn trái chiều như thế nào? (Bài viết tham khảo nêu ý kiến từ một góc nhìn khác: Xu hướng toàn cầu hoá đưa đến nhiều hệ luỵ không mong muốn.)

- Việc nhận thức sâu sắc về vấn đề có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người, trước hết là với chính người viết?

Lập dàn ý

Mở bài: Nêu vấn đề cần bàn luận, hướng bàn luận và ý nghĩa chung của việc bàn luận về vấn đề. Bạn có thể giới thiệu vấn đề theo cách trực tiếp như bài viết tham khảo ở Bài 3 hoặc

(Trang 119)

theo cách gián tiếp như bài viết tham khảo ở Bài 4 này. Dù theo cách giới thiệu nào thì phần Mở bài không được dài dòng và cần giúp người đọc nắm rõ ngay từ đầu bài viết sẽ bàn luận về vấn đề gì.

Thân bài:

- Miêu tả khái quát hoàn cảnh đời sống làm nảy sinh vấn đề. Ví dụ: Với vấn đề ý nghĩa của các diễn đàn, câu lạc bộ khởi nghiệp, cần cho thấy được sự nở rộ của nhiều ngành nghề mới, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, sự xuất hiện của các diễn đàn về khởi nghiệp,....

- Phân tích lần lượt từng khía cạnh vấn đề theo trình tự từ hẹp đến rộng hoặc từ rộng đến hẹp với những lí lẽ và bằng chứng phù hợp. Ví dụ: Với vấn đề thực hành lối sống xanh, cần phân tích, đánh giá được ý nghĩa của những hoạt động ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và những hoạt động ở cấp độ từng cá nhân trong cộng đồng.

- Làm rõ sự cần thiết phải nhận thức đầy đủ về vấn đề. Ví dụ: Với vấn đề tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội, phải cho thấy việc hiểu được sự cám dỗ của những tệ nạn và khả năng, điều kiện tự bảo vệ mình của mỗi người có ý nghĩa như thế nào.

- Nêu trải nghiệm của bản thân với vấn đề được bàn luận. Ví dụ: Với vấn đề sự cần thiết của việc học ngoại ngữ, cần cho biết bản thân đã từng gặp khó khăn hay thuận lợi gì khi muốn giao tiếp với người nước ngoài hay khi muốn tra cứu tài liệu được viết bằng các ngôn ngữ khác.

- Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều. Ví dụ: Với vấn đề sự cần thiết của việc học ngoại ngữ, có ý kiến cho rằng, hiện nay đã có nhiều công cụ dịch tự động rất chính xác và hiệu quả. Vì vậy, việc học ngoại ngữ không còn được đặt ra một cách cấp thiết như trước đây. Bạn cần nêu các lí lẽ và bằng chứng để phản bác lại ý kiến đó.

Kết bài: Tóm tắt những luận điểm chính đã trình bày và khẳng định ý nghĩa của vấn đề trên cơ sở thu thập nhiều tư liệu và bằng chứng mới. SUNG

Viết

- Bám sát dàn ý đã lập để viết, có thể điều chỉnh các nhận xét, đánh giá cho phù hợp với những bằng chứng được đưa ra.

Mỗi luận điểm cần được triển khai thành một đoạn văn, có câu chủ đề với các ý nhỏ triển khai chủ đề.

- Thường xuyên chú ý mạch lạc và liên kết của bài viết, sử dụng chính xác và đúng chỗ các phương tiện liên kết.

- Việc trích dẫn các ý kiến bàn về vấn đề (nếu có) cần đảm bảo tính trung thực, không cắt xén, có ghi nguồn đầy đủ, chính xác (phần trích dẫn trực tiếp phải được đặt trong ngoặc kép).

Chú ý sử dụng hình thức đối thoại (với các quan điểm khác) nhằm làm cho vấn đề trở nên nổi bật và sắc nét.

- Có thể vận dụng linh hoạt các yếu tố tự sự và biểu cảm, nhất là khi để cập những trải nghiệm của bản thân để làm tăng tính thuyết phục của lập luận.

Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để:

- Bổ sung những ý cần thiết hay lược bỏ những ý đi xa vấn đề chính cần bàn luận.

- Kiểm tra tính chặt chẽ, hợp lí của bố cục; có thể đảo vị trí các đoạn, các câu nếu thấy cần thiết nhằm đảm bảo sự liền mạch, logic của lập luận.

- Triển khai hoàn chỉnh những ý còn sơ sài.

- Thay thế phương tiện liên kết chưa được dùng chính xác và bổ sung phương tiện liên kết cần thiết, phù hợp.

- Sửa các lỗi chính tả, diễn đạt và trình bày (nếu có).

Tin tức mới


Đánh giá

VIẾT | Ngữ Văn Tập 1 | BÀI 4: TỰ SỰ TRONG TRUYỆN THƠ DÂN GIAN VÀ TRONG THƠ TRỮ TÌNH - Lớp 11 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.