Nội Dung Chính
(Trang 124)
Một số điều cần lưu ý khi đọc văn bản:
• Phân tích giọng điệu của người trần thuật xưng “tôi” và mạch liên kết các sự kiện.
• Chú ý đến sức gợi của những chi tiết dệt nên “khúc đồng quê” của kí ức.
• Hiểu được giá trị, ý nghĩa văn chương trong việc làm giàu nội tâm, nuôi dưỡng không gian tinh thần riêng ở mỗi người.
Khúc đồng quê
(Trích Cô bé nhìn mưa)
Đặng Thị Hạnh(1)
Tôi ở một cái làng mà thời gian dường như không trôi(2), khí hậu Thanh Hóa ôn hòa tới mức nhớ lại, tôi không còn nhận thức gì về xuân hạ thu đông. Diễn biến của mùa thể hiện rõ hơn theo các vụ lúa, mùa thu là rõ nét nhất bởi đấy là lúc thu hoạch lúa, sân gạch nhà bác Chủ đầy những đọn lúa(3) tươi, bác gái và mấy cô con gái chít khăn lên đầu để đỡ bụi rồi bắt đầu đập lúa, quạt lúa, phơi thóc. Chỉ ít lâu sau đấy từ sớm, tôi đã có thể thấy những đụn rơm cao trong vườn, và tôi có nhiều thì giờ tới mức có thể tựa lưng vào vách hàng giờ để nhìn thấy những cọng rơm xẹp và ướt do sương đêm dần dần gối nhau nở ra, rõ từng cọng một dưới ánh mặt trời. Thật là đẹp.
Buổi sáng tôi thường ra sông Chu giặt. Giặt xong ngâm bàn chân dưới nước, tôi đứng hồi lâu nhìn dòng sông trôi, có lúc sau những trận mưa nguồn, còn mang theo ít bọt, củi khô, bèo và rong rêu. Còn ngay ở Yên Lộ(4), hình như không có mưa rào hay mưa dầm như kiểu ở làng Quỳnh(5). Sau đó về nhà tôi đọc truyện cho đến gần trưa, rồi tôi lên khung cửi thay mẹ tôi dệt để mẹ tôi đi nấu cơm, dệt cửi lúc này đã xuống cấp nghiêm trọng, chẳng còn lụa là gì như thời Quỳnh Đôi mà chỉ là vải thô, sang là vải rồng, rồi sẽ nhuộm nâu non để các cô thanh nữ Thanh Hóa may áo vạt và khăn chít đầu. Buổi chiều nếu không đọc truyện, tôi lang thang một mình trên con đê Yên Lộ, giữa các cánh đồng và cảm thấy thế giới của tôi - với những nhân vật tiểu thuyết tôi luôn nung nấu trong đầu - thế là hoàn toàn đầy đủ. [...]
__________________________
(1) Đặng Thị Hạnh (1930 – 2023) quê ở tỉnh Nghệ An, là nhà giáo, nhà văn chuyên gia nghiên cứu về văn học Pháp; các tác phẩm chính: Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XX, tập III (Chủ biên, 1993), Một vài gương mặt văn xuôi pháp thế kỉ XX (2000), Tiểu thuyết Huy-gô (Hugo) (2002), Cô bé nhìn mưa (2021),...
(2) Tác giả hồi tưởng về những ngày sống ở tỉnh Thanh Hóa trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp; lúc đó, Thanh Hóa là vùng tự do, làm thành một trong những hậu phương rộng lớn và vững chắc của cuộc kháng chiến.
(3) Đọn lúa: thân và bông lúa đã cắt, được bó lại thành bó nhỏ.
(4) Yên Lộ: thuộc địa phận huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
(5) Làng Quỳnh: tức xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An – quê ngoại của tác giả.
(Trang 125)
Có thể nói mấy năm đó, tôi chỉ đối mặt với tôi. Mẹ tôi ở trong căn nhà như một hiện diện thân yêu, che chở và giúp đỡ tôi về mọi mặt, có thể hiểu tôi ở mọi ý muốn mà không bao giờ phải hỏi tôi một điều gì. Sau này tôi mới biết không ai còn hiểu tôi và yêu tôi đến như vậy. Về ăn mặc, tôi không đòi hỏi gì và nhất nhất làm theo ý mẹ tôi. Những áo dài lụa vân của mẹ tôi thời còn ở Hà Nội màu gỗ hồng, màu hương khói,... (nghĩa là hơi già so với tuổi tôi), thỉnh thoảng khi cần đi đâu, mẹ tôi lấy trong hòm ra, tôi đều mặc. Những áo ngắn để mặc với quần đen, bằng đũi(1) màu ngà có một vẻ đẹp và một mùi thơm riêng tôi đều rất thích. Khi phải nhuộm áo màu sẫm để tránh máy bay, vốn là con gái dệt lụa làng Quỳnh, mẹ tôi thường tự tay nhuộm lấy: nếu nhuộm bằng vỏ cây đa, áo sẽ có màu nâu nhạt, gọi đúng tên là màu rose-thé (hồng chè) hợp với da tôi, còn nếu nhuộm phẩm đỏ rồi nhấn qua vài nước củ nâu cho “cắn” màu thì chiếc áo đũi sẽ thành màu rượu chát, cũng là một màu tôi rất thích. Sau này ít tháng, bác Ngọc, bạn của ba mẹ tôi sẽ cho tôi một cái áo màu xác pháo, chất đũi mềm, sợi to hơn lụa với những sọc ngang dọc ẩn hiện, đó là chiếc áo đỏm dáng nhất của tôi trong kháng chiến. Dù là chiến tranh, cũng vẫn có thể có những áo đẹp. Mẹ tôi là một người đàn bà giản dị, tâm hồn ngây thơ, nhưng vẫn thấu hiểu những sở thích của tôi có khi hơn cả tôi, tôi nghĩ thế.
Một cuộc sống điền viên thật sự, nhưng chẳng có gì giống với các tiểu thuyết đồng quê Pháp đầu thế kỉ XVII – ở đấy các mục đồng là những quý tộc trá hình thành những người chăn cừu đàm thoại và mơ mộng không thôi về tình yêu. Đây đơn giản chỉ là một thời mà bây giờ nhìn lại thấy thật xa xôi và quý giá, khi tất cả đều sống trong những ngôi nhà mà của gỗ đến đêm chỉ khép hờ, không hề chốt. Cũng là điền viên khi ta ít biết đến buôn bán, mấy ngày mới có một phiên chợ. Từ bé tôi đã nghe nói mẹ tôi rất mát tay: các rau ăn hằng ngày mẹ tôi trồng xanh mơn mởn. Các bữa cơm đều thanh đạm mà ngon lành. Món chủ chốt là rau muống luộc hoặc ăn sống mẹ tôi trồng tưới toàn bằng nước lã. Bụi kinh giới cạnh bếp cao chưa từng thấy. Để làm rau muống sống, mẹ tôi không tỉa mà chỉ tước bớt lá, bóp cuộng cho mềm rồi chấm tương, tương cũng do mẹ tôi tự làm, tương thời ấy chưa xay thành bột như hiện nay mà bao giờ cũng lăn tăn hạt nếp trắng lẫn đậu tương. Thêm một đĩa tép chắn ngoài đồng hoặc cá đồng kho mặn, ở đây làm gì có “cá bể kho lạt” như ở làng Quỳnh của mẹ tôi? Thực đơn đều đặn này cứ đến phiên chợ lại thay đổi: mẹ tôi ra chợ mua nửa cân thịt thăn, một ít bún, và chúng tôi ăn bún chan với nước thịt thăn nấu cà chua. Đó là kí hiệu của bữa cơm phiên chợ mà tôi sẽ còn nhớ mãi cho tới sau này, khi lên Việt Bắc và xa mẹ tôi: thịt thăn thời đó thơm và ngọt hơn bây giờ, dĩ nhiên vì lợn chưa ăn “tăng trọng”, nhưng dù không tính tới quy luật của xã hội tiêu thụ cứ khiến mọi thứ quay vòng ngày càng nhanh (để càng có nhiều lợi nhuận) – thì điều ai cũng biết là bát canh rau, củ khoai luộc,... mẹ nấu từ “ngày xửa ngày xưa” bao giờ cũng ngon hơn mọi thứ ta ăn sau này.
__________________________
(1) Đũi: loại tơ thô được kéo từ tơ gốc của áo nhộng.
(Trang 126)
Sống gần như một mình, giữa một đồng quê yên tĩnh, tôi chỉ được nghe vẳng lại từ xa, âm hưởng của một cuộc sống khác. Âm thanh của chiến tranh đến với tôi thường là muộn, qua những bài hát mang tên những trận đánh, tôi nghe được nhờ cái đài bé tí của ba tôi, thời ấy có đài đã là rất đặc biệt. Khi đài ba tôi phát bài “Sông Lô, nước đục trời trong…” trận đánh hẳn đã qua lâu rồi, dù sao câu hát cũng vẫn thật đẹp chính ở chỗ nó đảo lại trật tự thông thường của màu sắc: nước thường trong và trời thường vẩn mây (tôi nghe sai câu hát).
Hằng ngày đi lang thang trên đê Yên Lộ, tôi ôn lại những truyện tôi vừa đọc. Bằng những con đường khác nhau, sách lại về trong nhà tôi, phần lớn là sách Pháp: tiểu thuyết Pháp, nhất là tiểu thuyết Nga (thời kì này là của Liên Xô) dịch ra tiếng Pháp: Pa-ri thất thủ của Ê-ren-bua (Ehrenburg), Người mẹ của Go-rơ-ki (Gorky), Thép đã tôi thế đấy của A-xtơ-rốp-xki (Ostrovsky), Đội Cận vệ trẻ của Pha-đê-ép (Fadéev),... Các nhân vật anh hùng trẻ tuổi của thời cách mạng Nga đã nghiễm nhiên trùng khít với nhân vật anh hùng của chủ nghĩa lãng mạn Pháp thậm chí với hoàng tử xứ Đan Mạch, người tôi “tôn thờ” từ khi còn rất ít tuổi: cũng vẫn những gương mặt xanh xao, những tâm hồn cao quý. Nhưng Pa-ven Coóc-sa-ghin (Pavel Korchagin)(1) không còn do dự như Hăm-lét (Hamlet) và Ô-phê-li-a (Ophélia) thay vì tự vẫn đã trở thành Li-da (Lisa)(2) thanh mảnh và kiên nghị.
Tôi còn phác ra những chuyện mới trong đó nhân vật chính là một cô thiếu nữ không xác định về hình hài, tên tuổi. Duy có điều, trong các khâu nối tiếp của câu chuyện tình mà Mô-li-e (Molière) đã định nghĩa một cách hài hước qua lời của một nhân vật trong Những nàng cầu kì rởm (gặp gỡ, tỏ tình, cản trở của bố mẹ, kết hôn), tôi không bao giờ vượt qua được khâu đầu tiên. Và xung quanh khâu “gặp gỡ”, tôi thêu dệt không biết bao nhiêu nơi chốn và tình huống khác nhau, "le prince charmant(3)" cũng giống như nữ nhân vật chính đều không có mặt, ý tôi nói không có dung nhan cụ thể. (Còn các khâu tiếp sau, tìm hiểu, nói chuyện, tỏ tình vân vân... và vân vân... thì tôi chịu chết). Có thể nói đó là “một sự bắt đầu trở lại vô tận”. Nói như Xác-tơ-rơ (Sartre) khi ông viết về những truyện kể ông tưởng tượng ra khi còn bảy tuổi: “Tôi lại xoá tất, rồi tôi bắt đầu trở lại... Giấc mơ là một truyện kể ngàn lần được lặp lại”. Những “tiểu thuyết" của tôi chỉ dừng lại ở bước phôi thai của thể loại, nó giống những khúc đồng quê “hướng tới một lí tưởng về sự đơn sơ vô tội”.
[...] Thực sự cuốn tiểu thuyết thời tuổi trẻ của tôi cũng chưa phải là một tiểu thuyết, mà mới chỉ là một khúc đồng quê – ở đấy thậm chí không có mục đồng và những đàn cừu – có lẽ nó chỉ có chung một điểm với các khúc nhạc đồng quê hay các tiểu thuyết điền viên: đó là mộng tưởng về một cái gì đó giản dị và ngây thơ, trong trắng.
(Đặng Thị Hạnh, Cô bé nhìn mưa, NXB Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, 2021, tr. 159 – 163, 173)
__________________________
(1) Pa-ven Coóc-sa-ghin: nhân vật trong tiểu thuyết tự thuật Thép đã tôi thế đấy.
(2) Li-da: một nhân vật trong tiểu thuyết Đội cận vệ trẻ (hay Đội Cận vệ thanh niên, theo bản dịch tiếng Việt phổ biến ở nước ta mấy chục năm nay).
(3) Le prince charmant: hoàng tử quyến rũ.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn