(Trang 29)
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện
(Chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật)
Trước một tác phẩm truyện, mỗi người đọc có thể có những cảm nhận, quan điểm riêng biệt. Khi cần chia sẻ những cảm nhận, quan điểm đó, chúng ta có thể sử dụng kiểu bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện. Ở dạng bài viết này, bạn cần làm rõ chủ đề của truyện là gì, truyện có những nét đặc sắc nào về hình thức nghệ thuật. Để việc giải đáp các vấn đề đó có sức thuyết phục, bạn hãy chú ý vận dụng những kiến thức về thể loại đã được học trong phần Tri thức ngữ văn.
Yêu cầu
• Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm truyện (nhan đề, tên tác giả,...) và ý kiến khái quát của người viết về tác phẩm.
• Tóm tắt tác phẩm truyện (vừa đủ để người đọc nắm được nội dung chính).
• Phân tích cụ thể, rõ ràng về tác phẩm truyện (chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng) với những cứ liệu sinh động.
• Đánh giá về tác phẩm truyện dựa trên các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.
• Khẳng định giá trị của tác phẩm truyện.
(Trang 30)
Bài viết tham khảo
Giá trị hay là sự vô giá của quà tặng trong truyện ngắnQuà Giáng sinh của O. Hen-ry (O. Henry)---------------- Linh Nguyễn ---------------- Không phải ngẫu nhiên mà quà tặng cũng như chuyện tặng quà – nhận quà thường được quan tâm đặc biệt ở nhiều nền văn hoá khác nhau thuộc các thời đại khác nhau. Tặng quà không chỉ đơn thuần là hành vi cho - nhận mà quan trọng hơn, đó là sự bày tỏ mối quan tâm và chia sẻ tình cảm giữa con người với con người.
Tuy nhiên, giá trị thực sự của món quà nằm ở đâu? Giá trị vật chất của món quà hay cách thức tặng quà, thời điểm tặng quà? Điều gì quan trọng hơn: tính thiết thực của món quà hay tính biểu tượng của món quà? Đó vẫn là những chủ đề gây tranh cãi. Trong truyện ngắn Quà Giáng sinh được đăng báo lần đầu tiên tháng 12 năm 1905 và xuất bản dưới dạng sách trong một tuyển tập truyện ngắn vào năm 1906, nhà văn nổi tiếng người Mỹ O. Hen-ry đã đưa ra một quan niệm độc đáo về giá trị hay sự vô giá của quà tặng.
Câu chuyện kể về một cặp vợ chồng trẻ sống ở Niu Oóc (New York) là Gim (Jim) và Đê-la (Della). Hai vợ chồng sống trong một căn phòng nhỏ tồi tàn, Gim có việc làm nhưng tiền thù lao rất thấp, còn Đê-la vẫn chưa may mắn kiếm được việc làm. Vào ngày trước Giáng sinh, khi chỉ có trong tay một đồng tám mươi bảy xu tiền tiết kiệm, nhưng lại muốn tìm cho chồng “một món quà có ý nghĩa, một thứ có thể biểu hiện được tất cả tình yêu cô dành cho anh”, Đê-la đã quyết định bán đi suối tóc nâu dài tuyệt đẹp của mình để mua một sợi dây đeo bằng vàng cho chiếc đồng hồ quả quýt vàng gia truyền của Gim. Tuy nhiên, khi vui sướng trao tặng cho anh món quà đó, cô mới biết rằng Gim của cô đã bán chiếc đồng hồ quý giá đó đi để lấy tiền mua cho cô những chiếc kẹp tóc tuyệt đẹp mà anh biết là cô rất thích. Rốt cuộc, Gim không còn chiếc đồng hồ để mà dùng sợi dây đeo và Đê-la không còn mái tóc dài để tô điểm nó bởi những chiếc kẹp tóc. Câu chuyện kết thúc bằng chi tiết hai vợ chồng nhất trí cất hai món quà “đáng yêu” đi và cùng ngồi xuống ăn tối.
|
(Trang 31)
O.Hen-ry đã xây dựng một cốt truyện đơn giản. Nhân vật của truyện chỉ có ba người: Gim, Đê-la và người phụ nữ mua tóc của Đê-la – chủ của hiệu“Ma-đam E-loi” (“Madame Eloise”). Trong đó, hai vợ chồng Đê-la và Gim là hai nhân vật chính. Đê-la là nhân vật được miêu tả kĩ nhất: toàn bộ quá trình từ lúc cô mong muốn được tặng chồng một món quà mà anh yêu thích vào dịp Giáng sinh, cho đến khi cô có ý định hi sinh mái tóc để mua món quà đó và biến ý định này thành hiện thực. Gim chỉ xuất hiện vào đoạn sau của câu chuyện, nhưng độc giả có thể hình dung anh đã trải qua một quá trình tương tự Đê-la. Toàn bộ thời gian diễn ra câu chuyện được gói gọn vào một buổi tối trước ngày Giáng sinh và không gian hầu như chỉ bó hẹp trong căn phòng nhỏ nghèo nàn của hai vợ chồng. Những lời thoại trong truyện cũng đi theo xu hướng ngắn gọn, giản đơn. Dường như tác giả muốn độc giả tập trung mọi sự chú ý vào tình huống truyện trớ trêu với những bước ngoặt bất ngờ. Tính chất bất ngờ được duy trì liên tục qua hàng loạt chi tiết bắt đầu từ khi Đê-la quyết định bán đi mái tóc óng ả của mình cho đến khi họ cùng cất hai món quà đi và ngồi xuống ăn tối. Sự trớ trêu của tình huống nằm ở chỗ: cả hai đều đã bán đi thứ quý giá nhất của cá nhân mình để có thể tặng cho người kia một món quà hết sức giá trị (cả về độ đắt tiền, về tính thiết thực, cũng như về niềm vui tinh thần) nhưng cuối cùng hai món quà giá trị đó lại trở thành “vô giá trị” vào chính thời điểm họ trao tặng quà cho nhau: những chiếc kẹp tóc mà Gim mua cho vợ là vô dụng vì tóc vợ anh đã bị cắt cụt, còn sợi dây đeo đồng hồ không biết dùng để làm gì khi Gim không còn trong tay chiếc đồng hồ. Tình huống trớ trêu đã được tháo gỡ bởi hành động mà họ cùng thống nhất: cất đi cả hai món quà, và cùng ngồi ăn tối trong tình yêu thương.
Quà Giáng sinh được kể từ lời người kể chuyện ngôi thứ ba. Câu chuyện được diễn ra một cách khách quan trước mắt độc giả, và người kể hầu như không đưa ra bất cứ nhận xét, bình luận nào về mọi diễn biến của câu chuyện. Truyện cũng kết thúc theo hướng mở: có thể trong tương lai, như Đê-la nói, tóc cô “sẽ dài ra mà”, và biết đâu đấy, Gim có thể có lại được chiếc đồng hồ quý giá, và hai món quà lại được sử dụng nhưng cũng có thể chúng sẽ mãi mãi không được dùng đến. Tuy vậy, có thể thấy chủ đề của câu chuyện đã được thể hiện một cách rõ ràng: giá trị thực sự của món quà nằm ở những điều tưởng chừng vô hình và trừu tượng nhất là sự trân trọng, yêu thương
|
(Trang 32)
mà người tặng quà dành cho người nhận quà. Đó chính là điều làm nên “sự vô giá” của những món quà. O. Hen-ry đã chứng tỏ mình là một nhà kể chuyện bậc thầy trong câu chuyện này.
Một điểm khá đặc biệt của câu chuyện này là đoạn kết, nơi chứa đựng một thông điệp về Ma-dai (Magi) – những người thông thái đã tặng quà cho Chúa Hài đồng trong máng cỏ (Nguyên văn của truyện này là “The Gift of the Magi”) và tác giả kết luận rằng: “Tuy nhiên, lời cuối cùng dành cho những người khôn ngoan ngày nay là: trong những người tặng quà, hai người này là thông thái nhất. Trong tất cả người tặng quà và nhận quà, họ là hai người thông thái nhất. Ở nơi đâu họ cũng là người thông minh nhất. Họ là những Ma-dai”. Đó là một phương thúc để O. Henry, một lần nữa, nhấn mạnh quan niệm của ông về giá trị của những món quà. Cách thức ông dẫn dắt câu chuyện đến điểm kết khiến người đọc khó mà không đồng cảm và tán thành với đánh giá nói trên của người kể chuyện. Hiểu theo nghĩa rộng, truyện ngắn này không chỉ nói về những món quà mà chủ yếu luận về cái được gọi là “giá trị” trong cuộc sống.
Ra đời cách đây đã hơn một trăm năm, nhưng Quà Giáng sinh vẫn là một trong những truyện ngắn về Giáng sinh được yêu thích nhất và cũng là một trong những truyện ngắn được độc giả biết đến nhiều nhất của O.Hen-ry.[..] Truyện ngắn này còn được “tái sinh” nhiều lần dưới các hình thức nghệ thuật khác nhau như kịch nghệ, điện ảnh và xuất hiện trong nhiều trường học, được kể đi kể lại dưới các hình thức khác nhau trên các phương tiện truyền thông. Ngắn gọn, súc tích nhưng không kém phần bất ngờ, đơn giản mà gợi nhiều liên tưởng, tác phẩm này là một truyện ngắn mời gọi những cách đọc khác nhau trong những thời điểm khác nhau của cuộc đời.
(Theo Linh Nguyễn, tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số tháng 10/2020, tr. 11 – 14) |
1. Vấn đề chính được bàn luận là gì?
2. Bài nghị luận trên giúp người đọc có được hiểu biết gì về truyện ngắn Quà Giáng sinh?
3. Tác giả bài viết đã triển khai các luận điểm theo trình tự nào?
(Trang 33)
Thực hành viết
Chuẩn bị viết
– Lựa chọn một tác phẩm truyện mà bạn yêu thích, gợi cho bạn nhiều hứng thú và suy ngẫm (có thể là tác phẩm chưa được học). Chú ý đến yêu cầu về thể loại để lựa chọn tác phẩm phù hợp (Bài viết tham khảo về truyện ngắn Quà Giáng sinh đã thực hiện yêu cầu theo hướng đó).
– Đọc lại để nắm bắt tác phẩm ở mức độ khái quát nhất; xác định những yếu tố hay vấn đề của tác phẩm sẽ được phân tích, đánh giá (chủ đề, cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật, ngôi kể, lời thoại,... ).
Tìm ý, lập dàn ý
Tìm ý
Để tìm ý, có thể đặt ra các câu hỏi:
– Vì sao tác phẩm này được lựa chọn để phân tích, đánh giá? Điều gì khiến bạn yêu thích tác phẩm?
– Câu chuyện được kể trong tác phẩm đã diễn ra như thế nào?
– Chủ đề của truyện là gì?
– Truyện có những nét đặc sắc nào về nghệ thuật (cách xây dựng cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật; cách sử dụng ngôi kể, lời thoại,...)?
– Những câu, đoạn nào trong truyện cần được trích dẫn và phân tích để làm sáng tỏ chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật?
– Cần nhận xét, đánh giá như thế nào về thành công hay hạn chế của tác phẩm?
Lập dàn ý
Phân bố các ý tìm được ở trên vào từng phần của bài viết theo gợi ý sau:
Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tên tác giả,... ) và ý kiến khái quát của người viết về tác phẩm. Chia sẻ với người đọc lí do bạn lựa chọn tác phẩm này để phân tích, đánh giá; điều khiến bạn yêu thích tác phẩm.
Thân bài:
– Tóm tắt nội dung chính của truyện.
– Phân tích, đánh giá về chủ đề của truyện dựa trên cứ liệu dẫn ra từ tác phẩm.
(Trang 34)
– Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm. Mỗi phân tích, đánh giá đều cần có những chi tiết tiêu biểu được dẫn ra từ tác phẩm.
Kết bài: Khái quát nội dung chính đã trình bày ở thân bài, khẳng định giá trị của tác phẩm, đưa ra một số ý tưởng mở rộng,...
Viết
Viết bài theo dàn ý đã lập. Khi viết, cần chú ý:
– Mở bài phải thu hút được người đọc, nêu được lí do bạn yêu thích tác phẩm. Chẳng hạn, trong bài viết tham khảo, người viết lựa chọn Quà Giáng sinh vì tác phẩm đã đưa ra quan niệm độc đáo của nhà văn về một vấn đề gây tranh cãi là giá trị quà tặng và việc tặng quà.
– Các luận điểm triển khai ở thân bài cần tập trung vào chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện. Trật tự các luận điểm có thể linh hoạt: phân tích, đánh giá chủ đề trước và phân tích, đánh giá những điểm đặc sắc về nghệ thuật sau hoặc ngược lại. Trong bài viết tham khảo trên, người viết đã phân tích, đánh giá các đặc sắc nghệ thuật trước, sau đó mới phân tích, đánh giá chủ đề.
– Tránh lối phân tích, đánh giá chung chung. Mỗi luận điểm trong bài viết đều cần được làm sáng tỏ bằng các chi tiết, dẫn chứng cụ thể từ tác phẩm truyện.
– Thể hiện được ý kiến đánh giá riêng của người viết về tác phẩm truyện.
– Khi dẫn các ý kiến phân tích, đánh giá của người khác về tác phẩm, cần ghi rõ nguồn.
Chỉnh sửa, hoàn thiện
– Đọc lại bài và chỉnh sửa theo hai cấp độ: ý lớn và chi tiết. Rà soát lại xem các ý trong dàn ý đã được triển khai thành các đoạn văn sáng rõ và mạch lạc chưa; nếu chưa hợp lí thì cần sắp xếp lại các ý.
– Xem xét các luận điểm đã được làm sáng tỏ bằng những chi tiết cụ thể từ văn bản chưa; nếu chưa thì cần bổ sung để đảm bảo tất cả các phân tích, đánh giá đều có căn cứ thuyết phục.
– Chỉnh sửa các lỗi chính tả và ngữ pháp tồn tại trong bài viết. Chú ý cách sử dụng từ Hán Việt; nếu có từ nào còn băn khoăn vì chưa hiểu thật rõ nghĩa, hãy tra cứu lại hoặc thay thế bằng từ khác.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn