(Trang 67)
Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ
Yêu cầu
• Cung cấp được các thông tin chung về bài thơ một cách ngắn gọn: nhan đề bài thơ, tác giả, đề tài, thể thơ,...
• Thể hiện được niềm hứng thú của bản thân đối với tác phẩm thơ.
• Nêu lên quan điểm cá nhân về vấn đề thuyết trình, thuyết phục được người nghe và đặt câu hỏi để mời gọi thảo luận.
• Thể hiện được sự tôn trọng những cách cảm nhận, đánh giá đa dạng đối với một tác phẩm thơ.
Chuẩn bị nói và nghe
Chuẩn bị nói
Lựa chọn đề tài
Đề tài của bài nói có thể được khai thác từ đề tài của bài viết ở trên.
Tìm ý và sắp xếp ý
Xem lại hệ thống luận điểm ở bài viết, lựa chọn những ý quan trọng nhất, thể hiện rõ nét quan điểm và phát hiện của bản thân cần được trình bày trong bài nói. Ví dụ, từ bài viết phân tích bài thơ Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính, có thể triển khai bài thuyết trình theo bố cục: Tại sao Mùa xuân xanh là một bài thơ xuân đáng thưởng thức? Nhan đề bài thơ có gì đặc biệt? Sự triển khai hình ảnh trong bài thơ theo trục ngang (trục văn bản ngôn từ) và theo trục dọc (trục văn bản hình tượng) được thể hiện như thế nào? Tìm những nét mới của bài thơ này so với thơ ca dân gian và thơ ca trung đại.
Xác định từ ngữ then chốt
Cần ghi nhớ những từ ngữ quan trọng đã được dùng trong bài viết nhằm phân tích một điểm sáng nào đó ở bài thơ. Ví dụ, khi chuyển bài viết phân tích Mùa xuân xanh thành bài thuyết trình, cần nhấn mạnh những phát hiện của người viết về bài thơ của Nguyễn Bính như câu thơ vắt dòng, phép nhân hoá, bút pháp chấm phá, ...
(Trang 68)
Phương tiện hỗ trợ
– Chuẩn bị bài trình chiếu PowerPoint(1) với các thông tin chắt lọc (có thể triển khai các luận điểm thành gạch đầu dòng, dùng các kí hiệu để nhấn mạnh những từ ngữ trọng tâm đã được xác định ở trên), cần cân nhắc về số lượng slide sử dụng. Có thể sử dụng các kênh âm thanh, kênh hình ảnh. (Lưu ý: hình ảnh cần phải tương thích với bài thơ đã chọn. Chẳng hạn, với bài Mùa xuân xanh, nên minh hoạ bằng những hình ảnh mùa xuân gắn liền với nông thôn, đồng quê.)
– Người nói cũng có thể chuẩn bị văn bản tác phẩm thơ sẽ thuyết trình để cung cấp
cho người nghe trước khi trình bày bài nói.
Chuẩn bị nghe
– Tìm hiểu về tác phẩm hoặc các tác phẩm thơ sẽ được thuyết trình, xem lại những tri thức ngữ văn có liên quan, đọc các tài liệu mà người nói có thể đã chuẩn bị và cung cấp.
– Chuẩn bị tâm thế lắng nghe và xác định các vấn đề chủ yếu cần đối thoại với người nói: những từ ngữ, hình ảnh nên được chú ý phân tích, cách sử dụng thao tác phân tích,...
Thực hành nói và nghe
Người nói
– Mở đầu: Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ, có thể sử dụng nhiều cách dẫn dắt khác nhau để tạo không khí cho giờ học. Ví dụ, với bài thơ Mùa xuân xanh, có thể đặt câu hỏi cho người nghe như: “Mùa xuân là nguồn cảm hứng muôn thuở của thi ca. Có lẽ nhà thơ nào cũng ít nhất một lần từng viết về mùa xuân. Trong thơ ca Việt Nam, các bạn có biết nhà thơ nào viết nhiều nhất về mùa xuân không?". Đây không phải là yêu cầu bắt buộc nhưng để tránh việc nói mà như đọc, người nói cần khơi gợi được sự tương tác từ người nghe.
Lưu ý: Có thể chỉ cần chọn một phương diện nào đó về tư tưởng, tình cảm hoặc hình thức nghệ thuật của bài thơ mà bạn thấy tâm đắc để thuyết trình.
– Triển khai: Trình bày lần lượt các thông tin có trong bài viết theo hình thức tóm lược, kết hợp nhịp nhàng với việc trình chiếu PowerPoint (nếu có). Dành nhiều thời gian hơn để nói về những giá trị nổi bật của bài thơ mà bạn đã cảm nhận được. Nên nhấn mạnh các thao tác bạn đã sử dụng để phát hiện giá trị thẩm mĩ hay tư tưởng trong bài thơ (liên tưởng, đối lập). Với bài thuyết trình về bài thơ Mùa xuân xanh, cần nhấn mạnh đến
------------------------------
(1) Ở những nơi có điều kiện dạy học phù hợp.
(Trang 69)
các phương diện: (1) Nhan đề; (2) Mạch thơ; (3) Nhịp điệu; (4) “Mùa xuân xanh”: truyền thống và hiện đại. Có thể coi đây là các mục lớn để thiết kế slide trong trường hợp người thuyết trình sử dụng phương tiện trình chiếu.
– Kết luận: Khái quát lại những điều mình cảm nhận cũng như đánh giá về giá trị của bài thơ trên các phương diện hình thức và nội dung. Có thể kết bài bằng những câu khuyến khích người nghe chia sẻ những góc nhìn khác, phát hiện khác về bài thơ.
Người nghe
Trong khi nghe bạn thuyết trình, cần:
– Có thái độ tôn trọng, đặc biệt quan tâm đến cảm xúc của người thuyết trình.
– Ghi chép những ý tưởng trong bài thuyết trình đã khiến bạn thực sự thấy hứng thú hoặc những điểm bạn còn băn khoăn muốn trao đổi.
– Chú ý đến phong thái của người thuyết trình (ví dụ: sự tự tin, khả năng điều tiết giọng nói, ngôn ngữ, cử chỉ,...).
Trao đổi
Người nghe
– Chia sẻ những điểm bạn thấy hợp lí và hấp dẫn trong bài thuyết trình.
– Nêu những điểm còn gây băn khoăn ở bài thuyết trình; góp ý, bổ sung một số nội dung giúp bài nói hoàn thiện hơn. Có thể dựa vào những tri thức ngữ văn trong bài để trao đổi về nội dung và các thao tác phân tích của người nói.
– Đưa ra góc nhìn khác hay cách cảm thụ khác của mình đối với bài thơ.
– Có thể đặt một số câu hỏi để người nói chia sẻ thêm những cảm xúc về bài thơ.
Người nói
– Trả lời những thắc mắc từ phía người nghe.
– Thể hiện thái độ tiếp thu chân thành đối với những góp ý xác đáng, nghiêm túc.
– Tự đánh giá phần trình bày của mình và chia sẻ thêm về cách trình bày đã lựa chọn.
– Phản hồi và trao đổi với các ý kiến khác với tinh thần tôn trọng và cầu thị.
Lưu ý: Cả người nói và người nghe cùng bổ sung những yêu cầu phải đảm bảo khi giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ.
(Trang 70)
Tham khảo các nội dung trong bảng sau để tự đánh giá hay đánh giá về bài trình bày:
STT | Nội dung đánh giá | Kết quả | |
Đạt | Chưa đạt | ||
1 | Lựa chọn được tác phẩm thơ phù hợp để giới thiệu, đánh giá. | ||
2 | Nêu được phương diện cần tập trung giới thiệu, đánh giá. | ||
3 | Xây dựng được bố cục hợp lí cho bài thuyết trình căn cứ vào đặc điểm của tác phẩm thơ và mục đích thuyết trình. | ||
4 | Chú ý đặc trưng của thể loại thơ khi tạo điểm nhấn cho bài thuyết trình. | ||
5 | Phát huy được ưu thế tác động của tác phẩm thơ khi tương tác với người nghe. | ||
6 | Sử dụng có hiệu quả các phương tiện phi ngôn ngữ. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn