Nội Dung Chính
(Trang 125)
Yêu cầu cần đạt
• Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của văn bản chèo hoặc tuồng như: đề tài, tính vô danh, tích truyện, nhân vật, lời thoại, phương thức lưu truyền; phát hiện được các giá trị đạo đức, văn hoá từ văn bản được học.
• Nêu được ý nghĩa hay tác động của văn bản thông tin đã đọc đối với bản thân.
• Viết được báo cáo nghiên cứu, có sử dụng trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ; có hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ và tránh đạo văn.
• Biết lắng nghe và phản hồi về một bài thuyết trình kết quả nghiên cứu.
• Có thái độ trân trọng đối với những di sản nghệ thuật quý báu mà ông cha truyền lại.
TRI THỨC NGỮ VĂNChèo Chèo nguyên là một loại hình kịch hát dân gian, phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thường được diễn ở sân đình trong thời gian có các lễ hội. Về sau, chèo được chuyên nghiệp hoá dần với sự hình thành của các gánh chèo, đoàn chèo. Nghệ thuật chèo mang tính tổng hợp, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nói, hát, múa với sự hỗ trợ của các đạo cụ, nhạc khí dân tộc độc đáo, trên cơ sở một tích trò (còn gọi tích truyện, chèo bản hay đơn giản là tích) có sẵn. |
(Trang 126)
Tích trò là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất của vở chèo, làm điểm tựa cho toàn bộ hoạt động biểu diễn, tuy có tính ổn định nhưng vẫn để ngỏ khả năng thêm thắt, bổ sung cho diễn viên. Vì thế, một tích trò có nhiều dị bản là một sáng tạo mang tính tập thể. Tích trò của chèo dân gian (tích chèo) thường được xây dựng dựa vào truyện cổ tích hay truyện thơ Nôm, thể hiện các đề tài sinh hoạt, đạo đức gần gũi với khán giả bình dân. Nhân vật của chèo không xa lạ với đời sống thường ngày của người dân lao động xưa, gồm nhiều hạng người trong xã hội, có địa vị, nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác khác nhau. Xét theo tính cách, nhân vật chèo được phân thành hai loại chính: vai chín (tích cực) và vai lệch (tiêu cực). Mỗi loại nhân vật thường tự biểu hiện mình bằng một số điệu hát và động tác múa đặc trưng. Gây được ấn tượng mạnh nhất trong các vở chèo thường là những vai nữ, vai hề. Tuồng Tuồng là một loại hình kịch hát cổ truyền của dân tộc, phát triển mạnh dưới triều Nguyễn ở vùng Nam Trung Bộ. Tuồng có hai bộ phận tương đối khác biệt nhau là tuồng cung đình và tuồng dân gian. Nghệ thuật tuồng mang tính tổng hợp, phối hợp cả văn học, ca nhạc và vũ đạo. Tích tuồng dân gian giàu yếu tố hài, hướng tới châm biếm các thói hư tật xấu hay đã kích một số hạng người nhất định trong xã hội. Một tích tuồng thường có nhiều dị bản, do nó được bổ sung, nắn chỉnh thường xuyên trong quá trình biểu diễn, lưu truyền. |
(Trang 127)
VĂN BẢN 1
Xuý Vân giả dại
-------------------------
(Trích chèo Kim Nham)
-------------------------
• Giữa sự nở rộ của muôn vàn phương tiện nghe nhìn và các hoạt động giải trí hấp dẫn, bạn nghĩ như thế nào nếu ai đó đề nghị bạn bỏ chút thời gian xem một vở chèo cổ?
• Bạn có thấy tò mò khi nghe đến tên lớp chèo Xuý Vân giả dại hay không? Hãy tận dụng các điều kiện hiện có của mình để xem lớp chèo này hoặc toàn bộ vở chèo Kim Nham.
Kim Nham là một nho sinh, trọ học ở Tràng An(1), Sau khi kết duyên với Xuý Vân, chàng tiếp tục lên kinh miệt mài đèn sách đợi khoa thi, để Xuý Vân sống trong cảnh cô đơn, buồn bã. Ở quê, Xuý Vân bị gã Trần Phương tán tỉnh, hứa hẹn ngon ngọt. Nàng giả điên với hi vọng thoát khỏi Kim Nham để theo Trần Phương. Sau những cố gắng chạy chữa cho vợ không thành, Kim Nham đành phải để nàng được tự do. Xuý Vân tìm đến Trần Phương nhưng bị hắn trở mặt, quay lưng. Từ chỗ giả điên, Xuý Vân đã hoá điên thật. Đoạn trích dưới đây thể hiện cảnh Xuý Vân tự dựng lên màn điên loạn của chính mình. XUÝ VÂN (Nói lệch)(2) : Đau thiết thiệt van(3), Than cùng bà Nguyệt(4). Đánh cho lê liệt, Chết mệt con đồng. Bắt đò sang sông, Bớ đò, bớ đò(5).
--------------------------------------- (1) Tràng An: nguyên là tên gọi một kinh đô cũ của Trung Quốc, ở đây dùng để chỉ Hà Nội với thái độ trọng thị. (2) Nói lệch: một lối nói có giọng điệu riêng trong chèo, thường được dùng để tạo không khí sôi nổi hoặc gấp gáp. (3) Đau thiết thiệt van: đau đớn quá đến mức phải kêu lên. (4) Bà Nguyệt: là một vị thần, cùng với ông Tơ cai quản chuyện tình yêu đôi lứa (theo quan niệm dân gian Việt Nam, gần với quan niệm về Nguyệt lão trong văn hoá Trung Quốc). (5) Bớ đò: tiếng gọi đò quen thuộc ngày xưa. |
(Trang 128)
(Vỉa)(1): Tôi kêu đò, đò nọ không thưa, Tôi càng chờ càng đợi, càng trưa chuyến đò. (Hát quá giang)(2): Nên tôi phải lụy(3) đò, Cách con sông nên tôi phải lụy đò, Bởi ông trời tối, phải lụy cô bán hàng. Chả nên gia thất thì về, Ở làm chỉ mãi cho chúng(4) chê, bạn cười. Tôi chắp tay lạy bạn đừng cười, Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng. Gió trăng thời mặc gió trăng, Ai ơi giữ lấy đạo hằng(5) chớ quên. Chi em ơi! Ra đây có phải xưng danh không nhỉ?
(Đế)(6): Không xưng danh, ai biết là ai? XUÝ VÂN: Bước chân vào tôi thưa rằng vậy, Chẳng giấu gì Xuý Vân là tôi, Tuy dại dột, tài cao vô giá, Thiên hạ đồn rằng tôi hát hay đã lạ, Ai cũng gọi là cô ả Xuý Vân. Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương, Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại.
------------------------------------ (2) Hát quá giang: một điệu hát chèo, còn được gọi là hát gọi đò, thường dùng khi diễn tả tâm trạng hụt hẫng của nhân vật. (3) Luỵ: nhún mình, tạm chiều theo ý của người khác để được việc riêng. (4) Chúng: người đời. Chúng bạn: bạn bè nói chung. (5) Đạo hằng: chuẩn mực đạo đức vững bền (nghĩa trong văn bản). (6) Đế: nói lời chêm vào hoặc tiếng nói chêm vào, phụ hoạ với lời nói của diễn viên chèo đang diễn (tiếng để xuất phát từ khán giả hay từ người đứng trong cánh gà sân khấu). |
(Trang 129)
(Hát điệu con gà rừng)(1): Con gà rừng ăn lẫn với công, Đắng cay chẳng có chịu được, ức! Mà để láng giềng ai hay? Bông bông dắt, bông bông díu, Xa xa lắc, xa xa líu, Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên(2). Chờ cho bông lúa chín vàng Để anh đi gặt, để nàng mang cơm. Bông bông dắt, bông bông díu, Xa xa lắc, xa xa líu Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên.
(Tiếng trống nhịp nổi lên, Xuý Vân múa điệu bắt nhện, xe tơ, dệt cửi. Múa xong, Xuý Vân hát lên rồi cười và hát điệu sa lệch(3)...) Rủ nhau lên núi Thiên Thai(4), Thấy hai con quạ đang ăn xoài trên cây. Ba cô bán mắm trong làng, Mắm không bán hết, còn quang với thùng... Chị em ơi, tôi than thân tôi vài câu nhé. (Đế): Ờ. XUÝ VÂN (Nói điệu sử rầu)(5): Than ôi! Tôi thương nhân ngãi, tôi nhớ nhân tình(6), Đêm năm canh tôi thức cả vừa năm.
----------------------------- (2) Xuân huyên: cha mẹ. Xuân, huyên là hai loại cây sống lâu, thường được ví với cha (xuân) và mẹ (huyên). (3) Điệu sa lệch: một điệu hát chèo, thường được dùng khi cần thể hiện tâm trạng lưu luyến, nhớ thương hay ai oán. (4) Núi Thiên Thai: một ngọn núi nhỏ thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. (5) Điệu sử rầu: một lối nói có giọng điệu ngâm nga, chậm rãi, thường được dùng ở những lớp chèo giàu tính trữ tình, khi nhân vật giãi bày tâm sự. (6) Nhân ngãi, nhân tình: người tình (dùng trong bối cảnh đang nói về quan hệ yêu đương không đứng đắn). |
(Trang 130)
(Hát sắp)(1): Than rằng nhân ngãi, cựu tình(2) tôi đâu, Con cá rô nằm vũng chân trâu, Để cho năm bảy cần câu châu vào! (Nói): Chị em ơi, tôi hát xuôi cũng được, Mà tôi hát ngược cũng hay, Tôi hát câu này cho chị em nghe nhé! (Hát ngược)(3): Chiếc trống cơm(4), ai khéo vỗ nên bông, Một đàn các cô con gái lội sông té bèo. Chuột đậu cành rào, muỗi ấp cánh dơi, Ông Bụt kia bẻ cổ con nai, Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây. Ở trong đình có cái khua, cái nhôi(5), Ở trong cái nón có cái kèo, cái cột, Ở dưới sông có cái phố bán bát, Lên trên biển ta đốn gỗ làm nhà, Con vâm(6) kia ấp trứng ba ba, Cưỡi con gà mà đi đánh giặc! (Xuý Vân vào, vừa đi vừa cười điên dại).
(Ngữ văn 10 Nâng cao, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2018, tr. 129 – 132) -------------------------------- (1) Hát sắp: một điệu hát chèo, thường có tiết tấu tươi vui, rộn ràng. (2) Cựu tình: người yêu cũ (nghĩa trong văn bản). (3) Hát ngược: một điệu hát chèo, thường được dùng khi cần diễn tả tâm trạng điên loạn của nhân vật, lời hát được khai thác từ loại ca dao nói ngược. (4) Trống cơm: một loại trống nhỏ, cũng là loại nhạc cụ thuộc bộ gõ. (5) Khua, nhôi: những bộ phận trong chiếc nón bằng cổ truyền của người Việt. (6) Con vâm: con voi. |
(Trang 131)
Kim Nham nêu cao bài học đạo lí khi thể hiện quan hệ gia đình, chồng vợ, đồng thời cũng bộc lộ sự cảm thông với thân phận của người phụ nữ trong xã hội nam quyền xưa.
Kim Nham hội tụ được những tinh hoa của nghệ thuật chèo, vừa giàu tính bi kịch, vừa đầy tiếng cười hài hước, có những lớp, những màn(1) hết sức đặc sắc, gắn liền với tài năng biểu diễn của các nghệ sĩ qua nhiều thời.
Tích trò Kim Nham có một số dị bản, kể khác nhau ít nhiều về nguồn gốc gia đình Xuý Vân, nguyên cớ chính khiến Xuý Vân giả điên và đoạn kết thúc số phận bi kịch của nàng.
Xuý Vân giả dại là lớp chèo thuộc loại đỉnh cao không chỉ của riêng vở Kim Nham mà còn của cả nền chèo cổ Việt Nam. Đã có nhiều diễn viên khẳng định tài năng xuất chúng của mình nhờ lớp chèo này như Dịu Hương, Diễm Lộc, Thuý Ngần,...
Trả lời câu hỏi
1. Nêu nguyên nhân dẫn đến hành động giả dại của Xuý Vân.
2. Trong lớp chèo Xuý Vân giả dại, đoạn lời thoại nào thể hiện rõ nhất “ngôn ngữ điên" của nhân vật? Vì sao bạn xác định như vậy?
3. Hãy chọn phân tích một đoạn lời thoại để làm rõ những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm của nhân vật Xuý Vân.
4. Đoạn lời thoại được thể hiện theo điệu “con gà rừng" cho biết những điều gì về cảnh ngộ đời sống cũng như niềm mong ước của Xuý Vân?
5. Qua đoạn xưng danh của Xuý Vân, có thể nhận ra được những đặc điểm gì của sân khấu chèo (cách xưng danh, sự tương tác giữa người xem và người diễn,...)?
6. Nêu một số đặc điểm của ngôn ngữ chèo mà bạn nhận biết được qua đoạn trích (thể thơ quen dùng; chất liệu ca dao, dân ca...)
7. Qua lớp chèo này, bạn hiểu thêm được những điều gì về đời sống văn hoá làng xã Việt Nam thuở xưa?
8. Xuý Vân giả dại để che giấu điều gì? Bạn đánh giá như thế nào về hành động này của nhân vật?
9. Với văn bản lớp chèo Xuý Vân giả dại, ta chỉ cần khoảng 3 phút để đọc xong, nhưng để diễn trên sân khấu, cần tới gần 15 phút. Từ thực tế này, có thể rút ra được nhận xét gì về nghệ thuật chèo? (Gợi ý: chức năng của tích trò; tầm quan trọng của diễn xuất gồm hát, múa và các hình thức biểu cảm khác;...)
Kết nối đọc – viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về nỗi niềm của nhân vật Xuý Vân được thể hiện qua lớp chèo Xuý Vân giả dại.
---------------------------
(1) Lớp, màn: những đoạn tương đối độc lập của tích trò hay vở diễn.
(Trang 132)
VĂN BẢN 2
Huyện đường(*)
------------------------------------
(Trích tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến)
------------------------------------
• Bạn đã xem biểu diễn tuồng bao giờ chưa? Bạn nghĩ sao khi loại nghệ thuật sân khấu truyền thống này đang gặp khó khăn trên con đường đến với khán giả hiện đại?
• Hãy tìm xem trên internet toàn bộ hoặc từng trích đoạn của vở tuồng này.
Một đêm nọ, Ốc (kẻ chuyên nghề “đào ngạch”) hợp tác với Nghêu (thầy bói) đột nhập nhà trùm Sò (địa chủ) để ăn trộm. Nghêu bị bắt giữ còn Ốc chạy thoát được. Đang khi Ốc đem đồ ăn trộm bán cho Thị Hến – một người goá chồng, làm nghề buôn bán – thì trùm Sò và lí trưởng dẫn người ập đến bắt quả tang. Lí trưởng lợi dụng chuyện này đòi Thị Hến đút lót. Việc không thành, tất cả dắt nhau lên huyện đường. Tại đây, Ốc bị phạt tù, Nghêu và lí trưởng bị đánh đòn. Riêng lí trưởng, trùm Sò còn phải chi tiền để hối lộ tri huyện(1). Nhờ có nhan sắc, Thị Hến không những không bị hạch tội, lại còn được tri huyện và đề lại(2) “chiếu cố" hẹn hò. Lũ háo sắc ấy (có thêm cả lí trưởng) rơi vào bẫy của Thị Hến khi giáp mặt nhau tại nhà chị ta và bị các bà vợ đến đánh ghen một trận tơi bời. Đoạn trích dưới đây kể lại một cảnh làm việc nơi huyện đường, vào thời điểm diễn ra cuộc kiện tụng giữa các nhân vật liên quan đến vụ trộm. Cảnh 1 – Bàn giấy của tri huyện. Trên tường chính giữa là bức hoành phi đề hai chữ “Huyện đường”. Hai bên có hai câu đối. Bên cạnh câu đối phía trái có cửa vào nhà trong.
Một chiếc bàn to để chính giữa làm bàn giấy của tri huyện, trên bàn có ống bút, nghiên mực, điếu bình. Bên trái, bàn giấy của viên đề lại để xây mặt ra khán giả phía phải của sân khấu, trên bàn cũng có nghiên bút và một chồng đơn từ. Màn mở tri huyện từ trong nhà bước ra, ngồi vào ghế. --------------------------- (*) Nhan đề đoạn trích do người biên soạn sách giáo khoa đặt. Huyện đường: nơi làm việc của bộ máy chính quyền thuộc đơn vị huyện thời phong kiến. (1) Tri huyện: chức quan cai quản một huyện ở Việt Nam thời phong kiến và được duy trì trong thời thuộc Pháp (tại những miền thực dân Pháp đặt chế độ bảo hộ). (2) Đề lại: viên thư kí ở huyện đường. |
(Trang 133)
TRI HUYỆN (Nói lối)(1) Quyền trọng(2) trấn nha môn(3) Bản chức(4) xưng tri huyện Đỉnh chung(5) đà đủ miếng Hoa nguyệt(6) cũng quen mùi Lấy của cậy ngọn roi Làm quan nhờ lỗ khẩu(7) Sự lí thường phân cẩu(8) Được thua tự đồng tiền Dân xã nếu không kiêng(9) Bỏ xuống lao(10) giam kĩ
(một lát, cười) Quan chức nghĩ nên thú vị Vào ra cũng phải chuyên cần ĐỀ LẠI (bước ra) Bẩm quan ạ! TRI HUYỆN Vâng, chào thầy. A, thầy Đề này, hôm nay sao mà (Nói lối) Nha lại vắng bẩm thân Dân xã không đấu cáo(11) ------------------------- (1) Nói lối: một kiểu nói có giọng điệu riêng của tuồng. (2) Quyền trọng: vị trí, uy thế lớn. (3) Nha môn: cửa quan, chốn làm việc của bộ máy quan lại. Nghĩa cả câu: có quyền lớn nhất ở chốn công đường. (4) Bản chức: từ tự xưng của người có chức vụ ở thời xưa với người dân. (5) Đỉnh chung: vạc và chuông. Đây chỉ lợi lộc có được nhờ chức vụ. (6) Hoa nguyệt: ẩn dụ chỉ quan hệ tình ái. (7) Lỗ khẩu: lỗ miệng. (8) Phân ẩu: phân xử tuỳ tiện. (9) Kiêng: nể sợ. (10) Lao: nơi giam giữ. (11) Đấu cáo: kêu cầu, thưa kiện, nhờ phân xử. |
(Trang 134)
ĐỀ LẠI Vâng, hôm nay chả thấy ai kiện cáo gì cả. Còn vụ Thị Hến, Nguyễn Sò quan đã định dứt khoát như thế nào chưa? TRI HUYỆN Vụ ấy à? Ý thầy thế nào? (không đợi đề lại trả lời) Tôi thì tôi nghĩ cứ để đu đưa như vậy đã. Thằng Sò này giàu lắm, chúng mình có thể “ấy” được. ĐỀ LẠI Vâng ta cứ bảo là để tra cứu đã. Thưa còn thằng Ốc, thằng Nghêu, lí trưởng, Thị Hến thì liệu xử cho xong, bọn này toàn đầu trọc cả. TRI HUYỆN Phải, nắm đứa có tóc ai nắm kẻ trọc đầu. (cười khoái trá) Xử Ốc năm năm tù, Nghêu phạt đòn năm chục trượng, lí trưởng đòi ăn lót cần phạt trùng giới(1) năm mươi quan tiền.
ĐỀ LẠI Bẩm quan xử thật sâu sắc, nhưng đã xử Nghêu và Ốc rồi thì lấy lí gì mà không xử Sò và Hến được.
TRI HUYỆN (cười) Ăn thua là những chỗ khó đấy đấy, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, nói thế nào lại chả được. Thị Hến thì cũng có thể cho về nhưng chưa nên xử vội, vì xử Hến thì phải xử Sò. Thầy hiểu chứ? ĐỀ LẠI Vâng ạ, quan xử hay lắm. (gọi) Lệ(2) đâu? LÍNH LỆ A (lễ phép bước ra) Bẩm quan dạy ạ. ĐỀ LẠI Ra đòi vụ Nguyễn Sò vào hầu, cả bên nguyên, bên bị, nhân chứng. LÍNH LỆ A Vâng ạ. (quay đi) ----------------------------- (1) Trừng giới: phạt để răn đe. (2) Lệ: lính hầu. |
(Trang 135)
TRI HUYỆN Lệ hầu đâu? LÍNH LỆ B (từ trong) Vâng. (cầm quạt lông ra hầu cạnh tri huyện) (Có tiếng lệ A nói to bên trong: “Để ba người này vào trước. Đinh Ốc, Phan Nghêu vào sau, ngồi đấy”.) LÍNH LỆ A (dắt lí trưởng, Trùm Sò và Thị Hến vào. Vừa vào, lệ A bấm mấy người đứng lại nói nhỏ) Nhắc lại ông Trùm, anh xã và chị Hến biết rằng hôm nay quan bận lắm, tôi bẩm mãi quan mới chịu xử vụ này đấy. LÍ TRƯỞNG Vâng, tôi biết anh tử tế lắm, chúng ta với nhau rồi... TRÙM SÒ Vâng, tôi xin hậu tạ, anh cứ giúp đỡ cho. LÍNH LỆ A Thế bây giờ đứng đây, tôi vào bẩm lại đã. (chạy vào chắp tay trước bàn giấy tri huyện) Bẩm con đã đòi vụ Nguyễn Sò đến hầu ạ.
(Hoàng Châu Ký chỉnh li, Nghêu, Sò, Ốc, Hến, NXB Phổ thông – Bộ Văn hoá, Hà Nội, 1957, tr. 41 – 45) Huyện đường (1963), tranh minh hoạ của Nguyễn Đức Nùng |
(Trang 136)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến thuộc loại tuồng đồ (tuồng hài), châm biếm sâu sắc nhiều thói tật trong xã hội và lật tẩy bộ mặt xấu xa của một số kẻ thuộc bộ máy cai trị ở địa phương trong xã hội xưa.
Đây là tác phẩm tiêu biểu trong di sản tuồng truyền thống và là vở tuồng đồ thuộc loại đặc sắc nhất.
Tích tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến có một số dị bản, kể khác nhau ở một vài chỗ, trong đó có tình tiết đánh ghen cuối vở.
Văn bản Nghêu, Sò, Ốc, Hến do Hoàng Châu Ký chỉnh lí (1957) gồm có tất cả ba hồi. Đoạn trích Huyện đường thuộc cảnh I của hồi thứ II, thể hiện cảnh tri huyện và đề lại bàn bạc với nhau về cách nhũng nhiễu(1) người kêu kiện.
Trả lời câu hỏi
1. Tóm tắt các sự việc trong đoạn trích.
2. Liệt kê những lời thoại cho thấy sự tương đồng về bản chất, thủ đoạn giữa các nhân vật ở huyện đường, từ tri huyện đến đề lại và lính lệ.
3. Đoạn trích cho thấy tri huyện và đề lại không cần phải giữ ý với nhau. Vì sao vậy? Phân tích sự hô ứng nhịp nhàng trong lời thoại giữa hai nhân vật.
4. Qua theo dõi cảnh tuồng Huyện đường, bạn hiểu như thế nào về thái độ và cách nhìn nhận của người dân xưa đối với chốn “cửa quan"?
5. Lời tự giới thiệu (qua hình thức nói lối) của nhân vật tri huyện đã giúp người xem, người đọc hiểu được điều gì về con người ông ta? Hãy so sánh lời tự giới thiệu đó của một nhân vật cụ thể trong tuồng với những lời tự giới thiệu thường gặp trong đời sống để rút ra nhận xét cần thiết.
6. Nếu được tham gia dựng lại cảnh Huyện đường trên sân khấu, bạn sẽ lưu ý điều gì về diễn xuất của diễn viên? Vì sao?
Kết nối đọc – viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về tiếng cười châm biếm của tác giả dân gian thể hiện qua đoạn trích.
------------------------------
(1) Nhũng nhiễu: dựa vào uy thế, vị trí của mình trong bộ máy cai trị để hạch sách, quấy rầy, đòi hỏi cái này cái nọ.
(Trang 137)
VĂN BẢN 3
Múa rối nước hiện đại soi bóng tiền nhân(*)
---------------------
Phạm Thuỳ Dung
---------------------
• Khi nghe cụm từ “con rối”, điều đầu tiên bạn nghĩ tới là gì? Vì sao như vậy?
• Bạn đã có những hiểu biết gì về rối nước? Hãy nêu những điều bạn còn thắc mắc và muốn tìm hiểu sâu thêm về loại hình nghệ thuật này.
Có một trò diễn mà sàn diễn là mặt nước còn diễn viên lại xuất thân từ những miếng gỗ. Có một trò diễn mà con người chỉ thầm lặng đứng ở hậu trường trong khi những hình nhân vô tri lại toả sáng dưới ánh đèn sân khấu. Trò diễn đó chính là múa rối nước, một loại hình nghệ thuật biểu diễn mang đậm hơi thở của nền văn minh lúa nước đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.
Hiếm người biết chính xác múa rối nước ra đời từ bao giờ, bởi nó bắt đầu nảy mầm, len lỏi trong lòng các xóm làng chiêm trũng rồi lớn dần lên giữa những sinh hoạt nhỏ bé đời thường. Tương truyền, múa rối nước được hình thành từ thế kỉ XI - XII. Theo thời gian, múa rối nước ngày càng trở nên phổ biến và hoàn thiện thông qua những đúc kết của nhiều thế hệ. Múa rối nước vốn thường được biểu diễn trong các buổi hội làng hay các dịp lễ tết, khi bà con đã thu xếp xong việc đồng áng để cùng ra đình góp vui. Sau này, rối vào thành phố, rối vào nhà hát, diễn viên vẫn là rối gỗ, sân khấu vẫn là mặt nước, người điều khiển vẫn đứng sau bức mành, nhưng không khí và quy mô của nó đã khác hơn nhiều. ---------------------------- (*) Tiền nhân: người đời trước, người xưa, người thuộc các thế hệ đã qua. |
(Trang 138)
Nghệ thuật múa rối là sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật tạo hình và kĩ thuật biểu diễn. Để diễn được trò rối nước, người ta phải dựng lên nhà rối (còn gọi là thuỷ đình) trên mặt ao làng với lối kiến trúc mái chùa cong cùng mành tre, cờ phướn, võng lọng, cổng hàng mã,... tạo nên một sân khấu sinh động. Thời nay, thuỷ đình được dựng ngay trong các nhà hát và trong các khu du lịch sinh thái,... với sân khấu là hồ nhân tạo. Khán giả làng đứng ngồi xúm xít quanh ao xem rối còn khán giả phố ngồi ghế ngay hàng thẳng lối xem rối. Khán giả làng xem rối giữa hây hây gió trời còn khán giả phố lại xem rối giữa mát mẻ điều hoà. Tuy có sự khác nhau về không gian biểu diễn, nhưng các nghệ nhân và nghệ sĩ đều cố gắng đem lại cho khán giả những nét đặc trưng của nghệ thuật rối nước Việt Nam.
Rối nước khác rối cạn (rối cạn gồm rối tay, rối que, rối dây) là người điều khiển sử dụng hệ thống sào kết hợp với dây để điều khiển con rối. Hệ thống sào, dây giúp người đứng sau bức mành (còn gọi là buồng trò) có thể điều khiển những con rối cử động theo ý muốn. Lối điều khiển đòi hỏi kĩ năng thuần thục, làm sao để các cử động của rối nhịp nhàng và phù hợp với lời thoại, âm nhạc, từ đó lột tả được thần thái nhân vật. Phần thân trên của rối nổi lên mặt nước còn phần chân chìm dưới nước được gắn đế để giữ thăng bằng và lắp bộ điều khiển. Những con rối được đẽo gọt từ gỗ sung (thứ gỗ nhẹ và nổi được trên nước), được tạo hình ngộ nghĩnh với màu sắc rực rỡ, tươi vui và dân dã. Ngoài ra, âm thanh và ánh sáng cũng là yếu tố góp phần quan trọng vào sự thành công của một tiết mục rối nước. Rối nước cần tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trống mõ, tiếng kèn sáo và cả những tiếng pháo phụ trợ để thật tròn vai.
Giữa nhịp sống tốc độ thời cách mạng Công nghiệp 4.0, nghệ thuật múa rối vẫn được duy trì và bảo tồn. Bên cạnh những sinh hoạt biểu diễn hội hè đã thành thông lệ ở nhiều làng xã, trên khắp cả nước có rất nhiều địa điểm tổ chức biểu diễn múa rối nước hấp dẫn khán giả, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi và người nước ngoài. Lớp trẻ được tiếp cận gần gũi với nghệ thuật biểu diễn dân gian còn người nước ngoài được biết thêm một nét văn hoá đặc sắc của Việt Nam. Tuy nhiên, những người tâm huyết với nghệ thuật múa rối còn kì vọng hơn thế. Bởi duy trì được nhưng đã phát triển được hay chưa? Phát triển ở đây không chỉ là
|
(Trang 139)
nhân rộng địa điểm biểu diễn, tăng số lượng suất diễn, thu hút được khán giả mua vé, mà cao hơn nữa phải là sự tìm tòi, sáng tạo để đào sâu và phát huy những giá trị vốn có của nghệ thuật múa rối nước mà các thế hệ đi trước đã gây dựng. Những người yêu nghệ thuật rối nước, những nghệ nhân múa rối nước và tạo tác con rối vẫn luôn trăn trở để gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống thấm đẫm tinh thần Việt. (Theo tạp chí Heritage, số ra tháng 7/2019, tr. 116 – 118) |
Trả lời câu hỏi
1. Tóm tắt những thông tin chính của văn bản.
2. Tìm trong văn bản những thông tin cho phép khẳng định múa rối nước là “môn nghệ thuật truyền thống thấm đẫm tinh thần Việt".
3. Nêu đặc điểm của cách triển khai thông tin trong văn bản. Hãy phân tích mức độ thuyết phục của cách triển khai ấy.
4. Nêu nhận xét về phần sa-pô của văn bản, từ đó rút ra cách viết sa-pô cho một văn bản thông tin nói chung.
5. Nếu được phép bổ sung vào văn bản những thông tin về các câu chuyện được kể trên sân khấu rối nước, bạn có thể nói điều gì?
6. Từ văn bản được học, hãy nêu cảm xúc, suy nghĩ của bạn về rối nước nói riêng và nghệ thuật cổ truyền của dân tộc nói chung.
Kết nối đọc – viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) về chủ đề: Múa rối nước – món quà kì diệu từ đồng ruộng Việt Nam.
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn