Nội Dung Chính
(Trang 72)
Yêu cầu cần đạt
• Nhận biết và phân tích được nội dung của luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản nghị luận. Phân tích được mối quan hệ giữa các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng và vai trò của chúng trong việc thể hiện nội dung của văn bản nghị luận.
• Xác định được ý nghĩa của văn bản nghị luận; dựa vào các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng để nhận biết được mục đích, quan điểm của người viết.
• Biết nhận ra và khắc phục những lỗi về mạch lạc, liên kết trong văn bản.
• Viết được một bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm.
• Biết thảo luận về một vấn đề có những ý kiến khác nhau.
• Có thái độ quý trọng hiền tài, biết đồng cảm với người khác và sống có trách nhiệm.
TRI THỨC NGỮ VĂNVăn bản nghị luận Văn bản nghị luận là loại văn bản thực hiện chức năng thuyết phục thông qua một hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng được tổ chức chặt chẽ. Đề tài của văn bản nghị luận rất rộng, bao gồm mọi vấn đề của đời sống như chính trị, xã hội, đạo đức, triết học, nghệ thuật, văn học,... Căn cứ vào đề tài được đề cập và nội dung triển khai, có thể chia văn bản nghị luận thành nhiều tiểu loại, trong đó nghị luận xã hội và nghị luận văn học là hai tiểu loại phổ biến, quen thuộc. Ở những bối cảnh văn hoá và thời đại khác nhau, văn bản nghị luận có những đặc điểm riêng. Khi viết văn bản nghị luận, tuỳ vào tính chất của thể văn được chọn (hịch, cáo, tựa, bạt, phiếm luận,...) và nội dung bàn luận, các tác giả có thể sử dụng cả yếu tố biểu cảm và tự sự để làm tăng hiệu quả thuyết phục cho văn bản. |
(Trang 73)
Các yếu tố chính của văn bản nghị luận Luận đề là vấn đề, tư tưởng, quan điểm, quan niệm,... được tập trung bàn luận trong văn bản. Việc chọn luận đề để bàn luận luôn cho thấy rõ tầm nhận thức, trải nghiệm, sở trường, thái độ, cách nhìn nhận cuộc sống của người viết. Thông thường, luận đề của văn bản được thể hiện rõ từ nhan đề. Luận điểm là một ý kiến khái quát thể hiện tư tưởng, quan điểm, quan niệm của tác giả về luận đề. Nhờ hệ thống luận điểm (gọi đơn giản là hệ thống ý), các khía cạnh cụ thể của luận đề mới được làm nổi bật theo một cách thức nhất định. Lí lẽ, bằng chứng được gọi gộp là luận cứ. Lí lẽ nảy sinh nhờ suy luận logic, được dùng để giải thích và triển khai luận điểm, giúp luận điểm trở nên sáng tỏ và vững vàng. Bằng chứng là những căn cứ cụ thể, sinh động được khai thác từ thực tiễn hoặc từ các tài liệu sách báo nhằm xác nhận tính đúng đắn, hợp lí của lí lẽ. Bài nghị luận xã hội Bài nghị luận xã hội là một trong nhiều dạng của văn bản nghị luận, đề cập các vấn đề xã hội được quan tâm rộng rãi, không đi vào những vấn đề, lĩnh vực quá chuyên sâu, nhằm tạo được sự hồi đáp tích cực, nhanh chóng từ phía người đọc, người nghe. Đề tài của bài nghị luận xã hội rất phong phú, thường được xếp vào hai nhóm chính: bàn về một hiện tượng xã hội; bàn về một tư tưởng, đạo lí. Đáp ứng yêu cầu chung của một văn bản nghị luận, bài nghị luận xã hội cũng phải xác lập được luận đề rõ ràng; triển khai bằng hệ thống luận điểm tường minh với lí lẽ thuyết phục và bằng chứng xác đáng; có lời văn chính xác, sinh động. Lỗi về mạch lạc và liên kết trong đoạn văn, văn bản Các câu trong một đoạn văn, các đoạn văn trong một văn bản đều phải hướng về một chủ đề hay một nội dung bao trùm và phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí. Nếu không, đoạn văn hoặc văn bản đó mắc lỗi mạch lạc. Các câu trong một đoạn văn, các đoạn văn trong một văn bản còn phải được kết nối chặt chẽ với nhau trên phương diện hình thức ngôn ngữ. Lỗi liên kết thể hiện rõ khi các phép liên kết như lặp, thế, nối,... không được sử dụng trong trường hợp cần thiết hoặc bị dùng sai. |
(Trang 74)
VĂN BẢN 1
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia(*)
(Trích)
----------------------
Thân Nhân Trung
----------------------
• Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy (trực tiếp hoặc qua phim ảnh) những hàng bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)?
• Bạn đã thấy, đã nghe câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” ở đâu, trong hoàn cảnh nào?
1 [...] Tôi dẫu nông cạn vụng về, nhưng đâu dám từ chối, xin kính cẩn chắp tay cúi đầu mà làm bài kí rằng: 2 “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương(1)chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên.
|
------------------------------
(*) Nhan đề đoạn trích do người biên soạn sách giáo khoa đặt.
Hiền tài: người tài giỏi, có phẩm chất cao quý nổi bật, là thành phần ưu tú của xã hội.
Nguyên khí: chất làm nên cơ sở tồn tại và phát triển của một hiện tượng sống cụ thể hoặc của đất nước, xã hội.
(1) Thánh đế minh vương: bậc cai trị (vua, chúa) tài giỏi, sáng suốt.
(2) Khoa danh: danh tiếng của người thi đỗ.
(3) Tước trật: chức tước và cấp bậc.
(4) Tháp Nhạn: tên một ngọn tháp của chùa Từ Ân, dựng đầu thế kỉ VIII đời nhà Đường ở Tràng An (Trung Quốc), nơi có khắc tên những người đỗ tiến sĩ. Đây chỉ chung chốn lưu danh người đỗ đại khoa.
(5) Long hổ: bảng ghi tên những người đỗ tiến sĩ, gọi theo cách của người đời Đường. Danh hiệu Long hổ: danh hiệu tiến sĩ.
(6) Tiệc Văn hỉ: tiệc mừng người mới thi đỗ tiến sĩ.
(Trang 75)
3 Nay thánh minh(1) lại cho rằng chuyện hay việc tốt tuy có một thời lừng lẫy, nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ lưu vẻ sáng lâu dài, cho nên lại dựng đá đề danh đặt ở của Hiền Quan(2), khiến cho kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua. Há chỉ là chuộng văn suông, ham tiếng hão mà thôi đâu.
4 Ôi, kẻ sĩ chốn trường ốc(3)lều tranh, phận thật nhỏ mọn mà được triều đình đề cao rất mực như thế, thì họ phải làm thế nào để tự trọng tấm thân mà ra sức báo đáp? 5 Hãy đem họ tên những người đỗ khoa này mà điểm lại. Có nhiều người đã đem văn học, chính sự ra tô điểm cho cảnh trị bình suốt mấy chục năm, được quốc gia tin dùng. Cũng không phải không có những kẻ vì nhận hối lộ mà hư hỏng hoặc rơi vào hàng ngũ bọn gian ác, có lẽ vì lúc sống họ chưa được nhìn tấm bia này. Ví thử hồi đó được mắt thấy thì lòng thiện tràn đầy, ý xấu bị ngăn chặn, đâu còn dám nảy sinh như vậy được? Thế thì việc dựng tấm bia đá này ích lợi rất nhiều: kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu(4), vừa để củng cố mệnh mạch(5) cho nhà nước. Thánh thần(6)đặt ra đâu phải là vô dụng. Ai xem bia nên hiểu ý sâu này. [...] (Ngữ văn 10 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 41 – 42) |
Thân Nhân Trung (1418 – 1499) là một danh sĩ thời Hậu Lê, người tỉnh Bắc Giang. Ông đỗ tiến sĩ năm 1469, được triều đình trọng dụng, đã góp nhiều công sức trong việc tuyển chọn và đào tạo nhân tài. Ông từng là một thành viên chủ chốt của Hội Tao đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập.
Năm 1484, Thân Nhân Trung vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn Bài kí đề danh tiến sĩ(7)khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo(8)thứ ba (Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa tiến sĩ đề danh kí) để khắc lên bia đặt trong Văn Miếu, khởi đầu cho việc dựng bia ghi danh tiến sĩ sẽ thành truyền thống về sau.
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia là một đoạn trích trong bài văn bia nói trên. Trước đoạn này, tác giả nêu chủ trương bồi dưỡng, trọng dụng hiền tài của các triều vua Lê. Sau đoạn này là danh sách 33 vị đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442).
------------------------------
(1) Thánh minh: ở đây chỉ vua Lê Thánh Tông.
(2) Cửa Hiền Quan: cửa của người hiền, ở đây chỉ nhà Thái học của trường Quốc Tử Giám.
(3) Trường ốc: nơi học hành, thi cử.
(4) Sĩ phu: người trí thức.
(5) Mệnh mạch: tính mệnh (mạng) và huyết mạch, hai thứ quan trọng nhất của con người. Mệnh mạch ở đây dùng để chỉ vận mệnh đất nước.
(6) Thánh thần: ở đây chỉ vua Lê Thánh Tông.
(7) Đề danh tiến sĩ: ghi tên họ người đỗ tiến sĩ.
(8) Đại Bảo: niên hiệu vua Lê Thái Tông từ năm 1440 đến năm 1442.
(Trang 76)
Văn bia là loại văn khắc trên bia đá, gồm nhiều thể khác nhau, rất phổ biến thời trung đại, thường ghi chép những sự kiện quan trọng hoặc tên tuổi, sự nghiệp của những người có công đức lớn để lưu truyền hậu thế. Nhiều bài văn bia là những áng văn nghị luận độc đáo, giàu hình tượng, chứa đựng giá trị tư tưởng, nhân văn sâu sắc.
Trả lời câu hỏi
1. Tìm trong đoạn 2 của văn bản những từ ngữ thể hiện thái độ trọng dụng hiền tài của “các đấng thánh đế minh vương".
2. Trong văn bản có một câu trực tiếp nói về mục đích của việc dựng bia ghi danh những người đỗ tiến sĩ. Bạn hãy cho biết đó là câu nào.
3. Xác định luận đề của văn bản và cho biết vì sao bạn xác định như vậy.
4. Xét về nội dung, đoạn 3 có mối quan hệ như thế nào với đoạn 2?
5. Bạn hãy khái quát về nội dung của đoạn 4 và cho biết đoạn này đảm nhận chức năng gì trong mạch lập luận.
6. Khi viết bài văn bia, tác giả đã thể hiện ít nhất hai tư cách: một là của người truyền đạt “thánh ý”; hai là của kẻ sĩ được trọng dụng, thường suy nghĩ về việc báo đáp. Việc thống nhất hai tư cách đó đã chi phối như thế nào đến cách triển khai luận điểm của tác giả?
7. Tìm một vài dẫn chứng lịch sử (từ những tác phẩm, tài liệu đã học và tìm hiểu thêm) để làm sáng tỏ nhận định sau đây của tác giả bài văn bia: “Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên.”
8. Qua việc đọc văn bản ở trên, bạn hiểu gì về tầm quan trọng của việc xác định mục đích viết và bày tỏ quan điểm của người viết trong văn nghị luận?
Kết nối đọc – viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của bạn về sự cần thiết của việc trọng dụng hiền tài.
(Trang 77)
VĂN BẢN 2
Yêu và đồng cảm
(Trích)
--------------------
Phong Tử Khải
--------------------
• Bạn hiểu thế nào về sự đồng cảm trong cuộc sống? Khi bày tỏ sự đồng cảm với người khác hoặc khi nhận được sự đồng cảm của ai đó, bạn có tâm trạng như thế nào?
• Bạn thường có những cảm xúc gì mỗi lần tiếp xúc với một tác phẩm nghệ thuật (văn học, hội hoạ, âm nhạc, ...)? Thử lí giải vì sao bạn có cảm xúc ấy.
1 Một đứa bé vào phòng tôi, giúp tôi sắp xếp đồ đạc. Thấy cái đồng hồ quả quýt úp mặt xuống bàn, nó lật lại hộ. Thấy chén trà đặt phía sau quai ấm trà, nó chuyển đến trước vòi ấm. Thấy đôi giày dưới gầm giường một xuôi một ngược, nó đảo lại giúp. Thấy dây treo tranh trên tường buông thõng thò ra ngoài, nó bắc ghế trèo lên giấu vào trong hộ. Tôi cảm ơn: “Cháu chăm quá, toàn dọn dẹp hộ chú thôi!”. Nó trả lời “Không đâu, chẳng qua thấy chúng như thế, cháu cứ bứt rứt không yên!”. Đúng vậy, nó từng nói: “Đồng hồ quả quýt úp mặt xuống bàn, nó bức bội lắm đấy"!. “Chén trà nấp sau lưng mẹ thì làm sao uống sữa được?” “Giày chiếc xuôi chiếc ngược, làm sao chúng nói chuyện được với nhau?” “Bím tóc của bức tranh thòng ra trước, trông như con ma vậy.” Tôi phục sát đất tấm lòng đồng cảm phong phú của chú bé này. Từ đó tôi quả thực cũng để tâm tới vị trí của đồ vật, tạo điều kiện để chúng được dễ chịu. Vị trí đặt để chúng có dễ chịu, ta nhìn mới thấy thư thái. Bấy giờ tôi mới sực nhận ra đó là tâm cảnh(1) trước cái đẹp, là thủ pháp thường dùng trong văn miêu tả, là vấn đề cấu trúc thường gặp trong hội hoạ. Những thứ đó đều được phát triển ra từ sự đồng cảm. Người bình thường chỉ có thể đồng cảm với đồng loại
-------------------------------- (1) Tâm cảnh: cảnh tượng trong lòng, do lòng cảm nhận mà nên. |
(Trang 78)
hoặc cùng lắm là với động vật mà thôi, còn nghệ sĩ lại có lòng đồng cảm bao la quảng đại như tấm lòng trời đất, trải khắp vạn vật có tình cũng như không có tình.
2 Hôm sau tới trường cấp ba dạy nghệ thuật, tôi cũng giảng cho các em thế này: Mọi vật trên đời đều có nhiều mặt, mỗi người chúng ta chỉ thấy được một mặt mà thôi. Ví như cùng một gốc cây, nhưng nhà khoa học, bác làm vườn, chú thợ mộc, anh hoạ sĩ lại nhìn nhận nó dưới những góc độ khác nhau. Nhà khoa học thấy được tính chất và trạng thái của nó, bác làm vườn thấy sức sống của nó, chú thợ mộc thấy chất liệu của nó, anh hoạ sĩ thấy dáng vẻ của nó. Nhưng cái nhìn của anh hoạ sĩ lại khác hẳn ba người kia. Ba người kia đều có mục đích, đều nghĩ tới quan hệ nhân quả của cái cây, còn anh hoạ sĩ lại chỉ thưởng thức dáng vẻ của cái cây hiện tại, không còn mục đích gì khác. Thế nên anh hoạ sĩ thường nhìn thấy khía cạnh hình thức, chứ không phải khía cạnh thực tiễn. Nói cách khác là chỉ thấy thế giới của Mĩ chứ không phải thế giới của Chân và Thiện(1). Tiêu chuẩn giá trị trong thế giới của Mĩ khác hẳn trong thế giới của Chân và Thiện, chúng ta chỉ thưởng thức dáng vẻ, màu sắc, hình dạng của sự vật, chứ không quan tâm tới giá trị thực tiễn của nó. Bởi vậy một gốc cây khô, một tảng đá lạ chẳng có giá trị sử dụng gì cả, nhưng trong mắt các hoạ sĩ [...] lại là một đề tài tuyệt vời. Bông hoa dại không tên, trong mắt nhà thơ cũng đẹp đẽ lạ thường. Bởi vậy thế giới mà nghệ sĩ thấy có thể coi là một thế giới đại đồng(1), bình đẳng. Tấm lòng của nghệ sĩ đối với mọi sự vật trên đời đều đồng cảm và nhiệt thành. 3 [...] Hoạ sĩ đưa tấm lòng mình về trạng thái hồn nhiên như trẻ nhỏ để miêu tả trẻ em, đồng thời cũng đặt lòng mình vào biểu cảm đau khổ của người ăn mày để khắc hoạ ăn mày. Tấm lòng của hoạ sĩ thường đồng điệu đồng cảm, cùng buồn cùng vui, cùng khóc cùng cười với đối tượng miêu tả; nếu không có tấm lòng đồng cảm bao la như thế mà chăm chăm vào kĩ thuật vẽ thì chắc chắn không thể trở thành hoạ sĩ thực sự được. Dù có vẽ được thì tối đa cũng chỉ là thợ vẽ mà thôi.
Nhờ có tấm lòng đồng cảm bao la như thế nên hoạ sĩ cũng đồng thời có được sức mạnh tinh thần phong phú mà dư dật(1). Nếu nó không đủ khoáng đạt để đồng điệu -------------------------- (1) Mĩ, Chân, Thiện: các thuật ngữ của Mĩ học, Đạo đức học, Triết học chỉ những giá trị lớn của đời sống mà con người luôn phấn đấu đạt tới. (2) Thế giới đại đồng: thế giới có sự giao hoà, đồng cảm, chia sẻ với nhau giữa mọi đối tượng (nghĩa trong văn bản). (3) Dư dật: giàu có, tràn đầy (dư thừa ra; dật: tràn ra ngoài). |
(Trang 79)
với anh hùng thì không mô tả được anh hùng, nếu nó không đủ dịu dàng để hoà nhịp cùng thiếu nữ thì không khắc hoạ được thiếu nữ. Do đó, nghệ sĩ lớn ắt là những người có nhân cách vĩ đại.
4 Lòng đồng cảm của nghệ sĩ không chỉ dành cho đồng loại mà trải khắp sinh vật và phi sinh vật ở mọi nơi; chó ngựa cỏ hoa, trong thế giới của Mĩ đều là vật sống có linh hồn, biết cười biết khóc. Nhà thơ thường nghe thấy chim cuốc kêu ra máu, con dế mùa thu, thấy hoa đào cười gió đông, bươm bướm dắt xuân về, nếu xét dưới góc nhìn thực tiễn thì những điều đó đều là lời lảm nhảm của nhà thơ. Thực ra nếu chúng ta bước được vào thế giới của Mĩ, mở rộng lòng ra để biết đồng cảm nhiều hơn với vạn vật thì sẽ cảm nhận được rõ rệt những tình cảnh ấy. Hoạ sĩ và nhà thơ chẳng khác gì nhau, hoạ chăng là hoạ sĩ chú trọng đến hình dạng và tư thái(1)mà thôi. Chưa đích thân trải nghiệm sức sống của rồng ngựa thì chẳng vẽ được rồng ngựa, không chứng kiến vẻ đẹp rắn rỏi của tùng bách thì đâu hoạ nổi tùng bách. [...] Hoạ sĩ chúng tôi vẽ một cái bình hoa là phải để tâm vào bình hoa, để mình biến thành bình hoa, cảm nhận cái lục của bình hoa mới thể hiện được cái thần của bình hoa. Tấm lòng chúng tôi phải chiếu sáng cùng với bình minh thì mới miêu tả được bình minh, dập dờn theo sóng bể lăn tăn thì mới khắc hoạ được sóng bể. Đây là cảnh giới(2) “ta và vật một thể(3)”, vạn vật đều thu cả vào tâm trí của người nghệ sĩ. 5 [...] Người bình thường bẩm sinh ít nhiều cũng đã có sự đồng điệu đồng cảm với hình dạng tư thái của vạn vật rồi. Cách bày biện trang trí nhà cửa, hình dạng màu sắc đồ đạc, sở dĩ đòi hỏi mĩ quan(4), là để phù hợp với thiên bẩm(5) ấy. Thấy toàn những hình dạng màu sắc đẹp đẽ, tâm hồn chúng ta cũng thư thái lây; trái lại nếu chỉ thấy rặt những hình dạng, màu mè xấu xí, chúng ta cũng đâm ra khó chịu. Có điều mức độ đồng cảm nông sâu cao thấp khác nhau. Có lẽ chẳng ai trên đời hoàn toàn vô cảm với thế giới của hình dạng và màu sắc cả, có chăng là kẻ tư chất nông cạn cùng cực hoặc là nô lệ của lí trí, ấy đúng thực là người “vô tình” vậy. Về mặt này chúng ta không thể không ca tụng các em bé. Bởi trẻ em phần lớn rất giàu lòng đồng cảm. Hơn nữa, chúng không chỉ đồng cảm với con người mà bằng một cách hết sức tự nhiên, còn đồng cảm với hết thảy sự vật như chó mèo, hoa cỏ, ------------------------- (1) Tư thái: dáng vẻ, tình trạng bề ngoài. (2) Cảnh giới: tình trạng, trạng thái mà tinh thần hoặc hoạt động của con người đạt tới. (3) Ta và vật một thể: tình trạng hoà hợp làm một giữa cái chủ quan của con người và thế giới nói chung. (4) Mĩ quan: bề ngoài đẹp đẽ (nghĩa trong văn bản). (5) Thiên bẩm: phẩm chất vốn có từ khi sinh ra. |
(Trang 80)
chim cá, bướm sâu,... Chúng hồn nhiên trò chuyện với chó mèo, hồn nhiên hôn lên hoa cỏ, hồn nhiên chơi với búp bê, tấm lòng chúng chân thành mà tự nhiên hơn nghệ sĩ nhiều! Chúng thường để ý đến những việc mà người lớn không chú tâm(1) đến, phát hiện ra những điểm mà người lớn không phát hiện được. Bởi vậy bản chất của trẻ thơ là nghệ thuật.
Nói cách khác, con người ta vốn là nghệ thuật, vốn giàu lòng đồng cảm. Chỉ vì lớn lên bị cách nghĩ của người đời dồn ép, nên tấm lòng ấy mới bị cản trở hoặc hao mòn. Chỉ có kẻ thông minh mới không khuất phục, dù bên ngoài chịu đủ thứ áp bức thì bên trong vẫn giữ được lòng đồng cảm đáng quý nọ. Những người ấy chính là nghệ sĩ. 6 Các nhà phê bình nghệ thuật phương Tây khi bàn về tâm lí nghệ thuật, có cách nói gọi là “đặt tình cảm vào”, chỉ việc chúng ta đặt tình cảm của mình vào tác phẩm nghệ thuật hoặc thiên nhiên đẹp đẽ, đồng cảm với chúng, bấy giờ sẽ thể nghiệm được tư vị(2) của cái đẹp. Chúng ta lại biết hành vi hoà mình này hay gặp nhất trong cuộc sống của trẻ nhỏ. Chúng thường dốc hết hứng thú vào chơi đùa mê mải, quên cả đói rét mệt mỏi. [...] Tuổi thơ quả là thời hoàng kim trong đời người! Tuy thời hoàng kim của chúng ta đã trôi qua, nhưng nhờ bồi dưỡng về nghệ thuật, chúng ta vẫn có thể thấy lại thế giới hạnh phúc, nhân ái và hoà bình ấy. (Phong Tử Khải, Sống vốn đơn thuần, Tố Hinh dịch, NXB Hà Nội – Công ti Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2020, tr. 268 – 273) |
(Trang 81)
Trả lời câu hỏi
1. Tìm trong văn bản những đoạn, những câu nói về trẻ em và tuổi thơ. Vì sao tác giả lại nhắc nhiều đến trẻ em và tuổi thơ như vậy?
2. Mặc dù không ít lần nói tới danh xưng “hoạ sĩ”, nhưng trên thực tế, điều tác giả muốn bàn luận không chỉ bó hẹp trong phạm vi hội hoạ. Những từ ngữ nào trong văn bản giúp bạn nhận ra điều đó?
3. Xác định nội dung trọng tâm của từng phần đã được đánh số trong văn bản và đánh giá sự liên kết giữa các phần.
4. Tác giả đã nêu lên những lí lẽ, bằng chứng nào để khẳng định tầm quan trọng của sự đồng cảm trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật?
5. Tác giả đã phát hiện ra những điểm tương đồng gì giữa trẻ em và người nghệ sĩ? Sự khâm phục, trân trọng trẻ em của tác giả được hình thành trên cơ sở nào?
6. Theo bạn, nếu không có đoạn kể về chú bé giúp tác giả sắp xếp đồ đạc ở phần 1, sức hấp dẫn, thuyết phục của văn bản Yêu và đồng cảm sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
7. Nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non” (Đôi mắt xanh non, trong tập Riêng chung, NXB Văn học, Hà Nội, 1960). Dựa vào nội dung văn bản Yêu và đồng cảm, hãy nêu lí do khiến nhà thơ Xuân Diệu đề nghị như vậy.
Kết nối đọc - viết
Sự đồng cảm tạo nên vẻ đẹp gắn kết của thế giới. Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) về chủ đề này.
VĂN BẢN 3
Chữ bầu lên nhà thơ
(Trích)
-------------
Lê Đạt
-------------
• Trong hình dung của bạn, nhà thơ phải là người thế nào? Bạn có cho rằng việc làm thơ gắn liền với những phút cao hứng, “bốc đồng”?
• Bạn nhớ hoặc thích định nghĩa nào về thơ, nhà thơ hay công việc làm thơ?
1 Tôi xin phép được nhắc lại tóm tắt một số ý kiến cần thiết đã được phát biểu tại cuộc Hội thảo Văn Miếu và trong tập Bóng chữ(1): – Văn xuôi chủ yếu dựa vào “ý tại ngôn tại”(2). – Thơ khác hẳn, dựa vào “ý tại ngôn ngoại”(3). Đã “ý tại ngôn ngoại” tất nhiên phải cô đúc và đa nghĩa. – Người ta làm thơ không phải bằng ý mà bằng chữ.
– Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở “nghĩa tiêu dùng”, nghĩa tự vị(4) của nó, mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu, bài thơ.
Nói như Va-lê-ri(5), chữ trong thơ và văn xuôi tuy giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về hoá trị(6). [...] ------------------------------- (1) Bóng chữ: tập thơ của Lê Đạt, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, in lần đầu năm 1994. (2) Ý tại ngôn tại: ý nằm gọn trong lời đã nói hoặc viết ra (lời đã nói hết được ý cần nói). (3) Ý tại ngôn ngoại: ý ở ngoài lời (lời chưa nói hết được ý mà chỉ gợi mở để người nghe, người đọc tiếp tục tìm kiếm, xác định). (4) Tự vị: sách tra cứu, có chức năng tập hợp, xếp loại và giải nghĩa các đơn vị chữ thuộc một hệ thống văn tự đặc thù như chữ Hán, chữ Nôm; hiện nay thường được đồng nhất với tự điển, từ điển và được xem là cách gọi cũ của tự điển, từ điển. (5) Va-lê-ri: tên đầy đủ là Pôn Va-lê-ri (Paul Valéry, 1871 – 1945), nhà thơ, triết gia người Pháp. (6) Hoá trị: thuật ngữ hoá học, chỉ khả năng liên kết của nguyên tử hay một gốc nào đó với một số các nguyên tử hoặc gốc khác theo những tỉ lệ xác định. Ở đây, tác giả muốn lưu ý khả năng gợi liên tưởng và kết nối khác nhau giữa chữ trong thơ và chữ trong văn xuôi. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn