Nội Dung Chính
(Trang 95)
Một số điều cần lưu ý khi đọc văn bản: • Cách nhìn nhận về thế giới mạng thông qua một trải nghiệm cá nhân. • Việc xác định thái độ chủ động trước thế giới mạng. • Sức hấp dẫn riêng của cách nghị luận dưới hình thức tâm sự, thổ lộ. Thế giới mạng & tôi(Trích) ------------------- Nguyễn Thị Hậu(1) -------------------- Mỗi ngày lướt mạng ta có thể nhận ra muôn mặt của cuộc sống, và có khi, bất ngờ nhận ra khả năng “biến hóa” của chính mình. Trên thế giới mạng ảo mà thật (lúc này lúc khác) bạn sẽ thể hiện sự kiêu ngạo/ yếu đuối/ hài hước/ lãng mạn/ nghiêm trang/ nhạt nhẽo/ thú vị/ độc đoán... Có thể bạn sẽ như một con người khác: nhà khoa học/ nhà thơ/ nhà văn/ nhà phê bình thoải mái bình luận về văn hoá nghệ thuật/ nhân vật/ sự kiện... Ở đó, bạn có thể trở về thế hệ tuổi teen(1)khi bày tỏ cảm xúc “sến như con hến” về mùa thu về mưa về nắng... có thể bạn sẽ tự tin thể hiện mình giỏi giang/ duyên dáng/ đẹp trai/ xinh gái/ ... Ở đó, bạn bình đẳng với tất cả khi được tự do tỏ bày/ bộc lộ/ búc xúc/ tán thưởng/ phản đối/tranh luận/ đồng tình... Có khi sau những lúc lang thang trên mạng như thế, bạn thấy nỗi cô đơn nén chặt trong mình dường như được loãng ra, nhạt đi và nhẹ đi,... Ở trên mạng, bạn có thể nhảy từ “nhà” này sang “nhà” khác, ngó nghiêng nhìn ngắm các chủ nhà và những mối quan hệ của họ. Có khi bạn làm quen với người này người khác, cũng có khi bạn “cắt đứt” không thương tiếc với một ai đó... Có khi bạn tham gia vào câu chuyện của nhà này nhà kia, có khi đi qua không để lại dấu vết gì nhưng cũng như ngoài đời, những gì nhận được từ thế giới mạng có thể sẽ để lại trong bạn một ấn tượng khó phai. ---------------------------- (1) Nguyễn Thị Hậu: sinh năm 1958, là nhà nghiên cứu khảo cổ học, văn hoá học. (2) Tuổi teen: tuổi mới lớn (khoảng từ mười ba đến mười chín tuổi). |
(Trang 96)
Có khi sau những lúc lang thang như thế, dường như bạn càng thấy “cô đơn trên mạng" nhiều hơn... Ở trên mạng bạn có thể nói/viết bằng thứ ngôn ngữ do bạn lựa chọn [...], chỉ cần được là chính mình trong/tại thời điểm đó. Dù viết gì và viết thế nào, những gì bạn viết trên mạng chắc chắn là một phần con người bạn. Và cũng như trong cuộc sống, những status(1)và comment(2), những note(3) và entry(4) của bạn cũng phải chịu sự va đập của thế giới mạng. Bạn “ném” ra cái gì thì thế giới mạng sẽ trả lại bạn cái đó. Thật đấy! Thế giới mạng rất “tinh tướng”, không phải cứ đạo mạo lên mặt dạy đời chê bai tất cả thì “mạng” sẽ vì nể, hay bỗ bã tếu táo thậm chí “chửi” như hát hay thì “mạng” sẽ coi thường xa lánh. Và cũng như trong đời sống, cái gì cũng có giới hạn của nó. Để nhận ra được cái giới hạn này, ở trên mạng hay ngoài đời, đều không dễ. Quá đi một chút, từ bỗ bã tấu táo trở nên đanh đá hỗn hào, từ nhận xét khen chê sẽ thành tâng bốc hay mạt sát,... Sự tương tác tức thời và “không biên giới” của thế giới mạng có sức quyến rũ mê hoặc ghê gớm đồng thời là một sức mạnh có thể “huỷ diệt” một cá nhân chỉ trong chốc lát. Thế giới mạng như một tấm gương của cuộc sống, chỉ có điều cần lưu ý, nó là tấm gương phóng đại nhiều lần những tốt đẹp hay xấu xa của mỗi con người, của một xã hội. Nhưng cái làm cho con người cần đến “mạng” chính là khả năng chia sẻ và cộng hưởng nhiều lần, từ những mối quan hệ “ảo” ở trên mạng ta có thể sẽ tìm thấy những người bạn thật sự. Tình bạn trên mạng cũng phải chịu sự thử thách va đập, có khi còn hơn ở ngoài đời. Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi qua một thời gian, có người bạn “thật” lại trở thành “ảo”, mối quan hệ tưởng bền chặt bỗng hoá như mưa bóng mây,... Biết vậy nhưng tôi vẫn lướt mạng mỗi ngày vì mạng cho tôi một cuộc sống phong phú, đa dạng, luôn đặt tôi trước thử thách khi đối diện tấm gương phóng đại ấy: tỉnh táo để biết nhìn ra chân giá trị của mình, của người. Sài Gòn, 5/10/2012 (Nguyễn Thị Hậu, Thế giới mạng & tôi, NXB Văn học – Công ti cổ phần Sách Thái Hà, Hà Nội, 2014, tr. 15 – 18) ------------------------------------ (1) Status: dòng trạng thái được đăng lên mạng xã hội của một tài khoản cụ thể nào đó. (2) Comment: ý kiến bình luận về dòng trạng thái. (3) Note: bài viết trên trang mạng xã hội. (4) Entry: bài viết trên trang nhật kí trực tuyến (blog). |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn