Viết | Ngữ văn 10 - Tập 1 | Bài 5: Tích trò sân khấu dân gian - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Ngữ văn 10 - Tập 1 - Viết - Viết báo cáo nghiên cứu (Về một vấn đề văn hoá truyền thống Việt Nam). Nêu được vấn đề muốn nghiên cứu về văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.


(Trang 140)

Viết báo cáo nghiên cứu

(Về một vấn đề văn hoá truyền thống Việt Nam)

Ở Bài 4, bạn đã bước đầu tập viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề. Đến với bài này, trên cơ sở những dữ liệu mới, bạn có được cơ hội cũng cố kĩ năng viết loại văn bản quan trọng này với những nội dung có nhiều thách thức hơn. Hãy biến những thách thức đó thành một cơ hội khám phá, nghiên cứu.

Yêu cầu

• Nêu được vấn đề muốn nghiên cứu về văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.

• Xây dựng được hệ thống luận điểm sáng rõ; làm nổi bật được các kết quả nghiên cứu với những cứ liệu minh hoạ cụ thể, sát hợp.

• Sử dụng ngôn ngữ khách quan, khoa học để trình bày kết quả nghiên cứu và thể hiện quan điểm đánh giá riêng.

• Khái quát được ý nghĩa của vấn đề văn hoá truyền thống Việt Nam đã chọn nghiên cứu.

• Thể hiện được thái độ trung thực khi kế thừa kết quả nghiên cứu của những người khác.

Bài viết tham khảo

Ngôn ngữ đối thoại trong chèo

Trích

----------------

Hà Văn Cầu

----------------

Ở tất cả mọi loại hình sân khấu, về phương diện kịch bản – và cả trong diễn xuất, ngôn ngữ đối thoại luôn luôn giữ vai trò quan trọng nhất.

Nêu vấn đề nghiên cứu. 

Ở chèo cũng vậy.

Tác giả chèo xưa có thể là một trí thức bình dân, cũng có thể là người nông dân thất học, bước vào chiếu diễn mới “lợi khẩu thành văn”. Do đó, trong ngôn ngữ sân khấu chèo, đoạn này có thể là những câu thơ chữ Hán đầy điển cố, khó hiểu, đoạn khác lại gần như một câu ca dao nuột nà, phơi phới tình người. Bất kì vở chèo cổ nào cũng đều do “tập thể” tác giả ấy sáng tạo nên. Vì vậy, tình trạng “nửa nôm, nửa tự"(1) là hiện tượng đặc biệt trong ngôn ngữ của chèo cổ.

--------------------------

(1) Nửa nôm, nửa tự: thành ngữ (ít dùng) chỉ cách diễn đạt, nói năng vừa dùng những từ quen thuộc, thông dụng của người Việt (Nôm: chữ Nôm, tiếng Nôm – tiếng của người Việt) vừa dùng những thành ngữ, điển tích lấy từ các kinh sách chữ Hán (tự: chữ, ở đây chỉ Hán văn; trước đây, người Việt coi “nói chữ” là cách nói có sử dụng từ ngữ, chữ nghĩa trong kinh sách Hán văn).

(Trang 141)

Không thể lấy các quy tắc thơ văn Hán học để phân tích toàn bộ văn chương của chèo cổ mà phải từ những thành tựu văn học cụ thể của chèo, rút ra những quy tắc riêng biệt của nó.

Nêu định hướng nghiên cứu.

Một vở chèo cổ được sáng tác ra là để diễn và chỉ để diễn, không phải để in hay để đọc và giảng dạy, do đó, xem xét các câu văn trong chèo, phải đánh giá chúng theo quan điểm của người hoạt động sân khấu, chứ không thể theo quan điểm của người nghiên cứu văn bản học đơn thuần. Bởi vì, trong chèo cổ, người đọc luôn luôn bắt gặp những câu thơ phá cách, sai cả niêm, luật, vần điệu, song chúng lại rất hoàn chỉnh, rất phù hợp với nhân vật và tình huống khi được biểu diễn trước khán giả.

Chúng tôi xem xét văn học trong chèo cổ luôn luôn với ý nghĩa là ngôn ngữ sân khấu, lấy diễn xuất và hiệu quả truyền cảm của chúng trong diễn xuất làm tiêu chuẩn đánh giá. Đương nhiên, trong quá trình phân tích, chúng tôi không bỏ qua các quy tắc văn chương đã được vận dụng vào việc sáng tác từ lâu đời.

Trong những nét chung lớn, chúng tôi thu hoạch được những điều sau đây:

Ngôn ngữ trong một vở chèo là phương tiện để xác định thân phận nhân vật đồng thời lại là sự thể hiện hành động của nhân vật đó.

Trình bày kết quả nghiên cứu.

Một câu đối thoại hay luôn luôn là câu nói vừa giải thích được những đặc điểm riêng của nhân vật đồng thời lại vừa nói lên được hành động của nhân vật đó. Ví dụ nhân vật Xuý Vân khi giả điên, gặp chồng:

Nêu luận điểm – kết quả nghiên cứu.

KIM NHAM:

Đương cơn lửa cháy

Lại đổ thêm dầu

Con có vì đâu

Hoặc tà tí hay là khí huyết(1)

Dẫn cứ liệu để khẳng định luận điểm.

 XÚY VÂN:

Nham chàng,

Tà gì mà tà

Tí gì mà tí

Tà tí khí huyết

Đàn đàn việt việt(2)

------------------------------

(1) Hoặc tà tí hay là khí huyết: do bị tà ma (bên ngoài) ám hay do khí huyết (bên trong) bị thương tổn.

(2) Đàn việt: bố thí, người bố thí; đây chỉ việc đi khấn vái, cầu cúng mong tai qua nạn khỏi (đàn đàn việt việt chính là đàn việt được nói với giọng đay nghiến, chì chiết).

(Trang 142)

Thuốc thuốc thang thang

Tang tính tình tang

Hỡi người tình nhân kia hỡi, lại đây chị hát cho mà nghe:

(Hát):

Tai nghe lệnh ngự(1)

Ta lới(2) gỗ sênh(3)

Bỏ con thơ dại ta lới đem mình ra đi

Ai đua sông Cái thì đua

Có miếu có chùa, ta lới linh thiêng...

Phân tích sâu và triển khai thêm luận điểm đã nêu.

Rõ ràng, thông qua ngôn ngữ của các nhân vật, tác giả đã phát hiện được phẩm chất chủ quan trong hành động của Xuý Vân, một con người đầy dằn vặt bên trong, được thể hiện bằng các trổ(4) câu ngắn, phá luật, với tiết tấu thơ gấp vội. Ngôn ngữ đó, kết hợp với diễn xuất và vũ đạo, làm nổi bật lên bố cục thứ hai của đối thoại tức là những ý ngầm ẩn giấu đằng sau lời trò. Đó là những yếu tố tạo cho tính cách nhân vật và hành động của nhân vật có một sức chứa đựng lớn về tư tưởng tâm lí, khiến cho trong diễn xuất, người diễn viên có tiền đề biểu hiện nhân vật.

Do đó, chẳng những khán giả thấy được nhân vật “đang làm gì” mà còn thấy nhân vật đó “làm như thế nào” một cách hết sức sinh động. Hành động của nhân vật nhờ đó mà trở thành điều có thể trông thấy được”, điều mà chúng ta quen gọi là tính tạo hình sân khấu.

Chính vì thế mà những đoạn ngôn ngữ hay trong chèo xưa đều là những ngôn ngữ hành động gắn liền với tình huống. Ở đó, nhân vật được đặt trước tình huống, đánh giá tình huống và phản ứng với tình huống. Như bà Sùng trong lớp đánh Thị Kính:

Giải kiếp, giải kiếp(5)

Cả gan thật cả gan

May con tao sực tỉnh giấc vàng

Đỉnh đình đinh nữa còn gì mà chẳng chết

Mày có trót say hoa đắm nguyệt

Trót trong dâu, trên bộc hẹn hò

Thú với bà, bà cũng thứ đi cho

Can gì phải dụng tình bất trắc(6)...

------------------------------

(1) Lệnh ngự: lệnh, lời truyền của vua ban xuống.

(2) Ta lới: tiếng đệm trong hát chèo.

(3) Sênh: nhạc khí cổ làm bằng hai thỏi gỗ cứng, dùng để điểm nhịp khi biểu diễn hay khi xem ca vũ.

(4) Trổ: đoạn nhạc trong một điệu hát hay một bài hát được hợp thành từ phần chính (giai điệu của bài ca) và các phần khác, tạo nên lối biểu hiện riêng biệt của hát chèo.

(5) Giải kiếp: cụm từ thường dùng trong khẩu ngữ, chỉ sự may mắn thoát khỏi kiếp nạn.

(6) Can gì phải dụng tình bất trắc: việc gì phải bày những trò khó lường, nguy hiểm.

(Trang 143)

Hành động và tình huống làm sâu thêm ý nghĩa của ngôn ngữ, làm cho ngôn ngữ có một giọng điệu cá biệt, rõ ràng, có ý nghĩa độc đáo, gây nên trong lòng người nghe, ngoài khái niệm trực tiếp ra, còn cả một loạt những cảm xúc buồn, vui, yêu, giận. [...]

Đó là cách khêu gợi ở người xem một sự thụ cảm tích cực mang tính chất sáng tạo nghệ thuật chứ không ru ngủ người xem.

Xét ngôn ngữ trong một vở chèo, trước hết chúng ta thấy đó là ngôn ngữ mang tính tư tưởng. Đó là sức sống bên trong của nhân vật, đồng thời lại là chiếc xe chở tư tưởng của tác giả. Xuý Vân bước ra sân khấu với tất cả sự sôi nổi, thèm khát hạnh phúc:

Nêu luận điểm – kết quả nghiên cứu.

Đau thiết thiệt van

Than cùng bà Nguyệt.

Đánh cho lê liệt,

Chết mệt con đồng.

Bắt đò sang sông,

Bớ đò, bớ đò.

Dẫn cứ liệu để khẳng định luận điểm.

(Hát):

Cách con sông nên tôi phải luỵ đò,

Bởi ông trời tối phải lụy cô bán hàng.

Chả nên gia thất thì về,

Ở làm chi mãi cho chúng chê, bạn cười.

Rõ ràng trong lời trò của Xuý Vân, tác giả muốn gửi gắm một lời kêu gọi giải phóng cá nhân, trước hết là giải phóng phụ nữ.

Tất cả các nhân vật đều nói chung một tiếng nói dân tộc, nhưng tuỳ tính cách, tuỳ tình huống, tuỳ tư tưởng (trong hành động), mỗi nhân vật có một giọng điệu riêng, một hệ thống từ ngữ không lặp lại của nhân vật khác. [...]

Nêu luận điểm – kết quả nghiên cứu.

Trong khi viết ngôn ngữ cho nhân vật, các tác giả xưa rất chú ý đến nhịp điệu và âm luật của câu văn. Ở mỗi vở, chúng ta đều tìm được những đoạn thơ hết sức giản dị nhưng lại hết sức trữ tình và trong sáng. Ví dụ: bức thư của Thị Kính để lại sau khi chết (được trình bày dưới hình thúc nói hạnh(1) lời thơ lắng rất sâu trong lòng người nghe:

Ơn sơn hải một chút gì chưa báo

Ở sao đành mà đi có sao đành

Dẫn cứ liệu để khẳng định luận điểm.

------------------------------------

(1) Nói hạnh: một lối nói riêng trong nghệ thuật chèo, giống như hình thức đọc kinh, âm điệu chậm rãi, thể hiện tình cảm bi thương.

(Trang 144)

Phận liễu bồ mười có cũng là không

Sống cũng tủi, thác thời cũng tủi ...

Qua các kịch bản cũ, ta thấy được công phu của cha ông chúng ta trong khi viết nên những câu văn hết sức cân nhắc về tiết tấu và vần luật. Đó là những câu tràn đầy mồ hôi và công sức. Xuý Vân phá phách với những câu ngắn gọn:

Điên điên dại dại

Dại dại điên điên

Roi này chị quất rẽ duyên cùng chàng!
,
Trịnh Nguyên đau xót tuyệt vọng với những lời than vãn kể lể tưởng như không dứt với người chồng đã qua đời:

(Rỉ vong)(1):

Ới anh ơi,

Thảm thiết nhường này anh có biết không?

Lòng tôi chí tín, chí trung

Trực tiết thờ chồng, nuôi lấy hai con 

Ới anh ơi

(Vỉa ba than)(2):

Anh có khôn thiêng xin anh phù hộ

Cho thiếp ra kinh kì

Thiếp khấn anh rồi thiếp mới rời chân...

[...] Các lời trò ấy, tuy đã phá vỡ các quy định về số chữ của câu, về niêm luật, vần điệu và cách ngắt hơi, nhưng đã có sức sống thật mãnh liệt. Ngày nay trong khi học tập truyền thống, người diễn viên chỉ cần quên một câu, thậm chí quên đôi ba chữ, là lập tức tiết tấu, nhạc điệu của toàn đoạn lời trò bị phá vỡ ngay. [...]

Nêu luận điểm – kết quả nghiên cứu.

Cũng trong phạm vi ngôn ngữ nhân vật, ở một số vở chèo xưa, có những nhân vật không hề nói tiếng nói của bản thân họ mà nói bằng một loại ngôn ngữ nâng cao; ở đó, tác giả chỉ nhằm tả ý mà không tả chân, chủ thần mà không nệ thực(3). Ngôn ngữ nhân vật thoát ra khỏi tính chất khẩu ngữ hằng ngày mà vươn tới chỗ nửa tượng trưng. Ví dụ nhân vật Thị Kính, vốn là “con nhà của ốc” mà lại nói bằng thứ ngôn ngữ gọt dũa của trí thức phong kiến, giàu điển cố: đạo tam tòng, cõi linh thông, chồi đan quế, thân Lão Lai, chữ tòng phu, thừa hoan tất hạ, ...

----------------------------

(1) Rỉ vong: một làn điệu chèo, có tiết tấu tự do, thể hiện nỗi buồn thương, ngậm ngùi.

(2) Vỉa ba than: một làn điệu chèo, dùng trong trường hợp kể lể nỗi buồn.

(3) Chủ thần mà không nệ thực: cốt làm toát được tinh thần chứ không quá câu nệ vào việc làm sao cho giống thực.

(Trang 145)

Nơi đây, chúng tôi không còn thấy ở nhân vật, một tính cách hay một hình tượng mà chỉ còn thấy một diện mạo trong tình cảnh giả định hết sức chọn lọc, chọn lọc đến mức độ nửa tượng trưng, khiến cho người xem đi vào một thế giới thơ đầy xúc động. [...]

Nêu luận điểm – kết quả nghiên cứu.

Một đặc điểm nữa của ngôn ngữ đối thoại trong chèo là tính ước lệ. Vì chèo là hình thức ca kịch, cung cách biểu diễn là cung cách ước lệ và cách điệu. Đó là những đặc điểm nổi bật trong tính hoàn chỉnh của loại thể và phong cách tự sự dân tộc của chèo. Phong cách đó quán xuyến toàn bộ mọi yếu tố của chèo. Ngôn ngữ văn học là yếu tố đầu tiên cho nên nó phải là yếu tố cơ sở làm tiền đề cho nghệ thuật biểu diễn cách điệu và ước lệ. [...]

Về mặt hình thái văn học, ngôn ngữ trong chèo được trình bày dưới ba dạng sau đây:

Nói thường: dùng trong những khi trao đổi, dẫn chuyện, đặc biệt dùng cho các nhân vật hề.

Nói có tuyền luật(1): dùng để trình bày tư tưởng tình cảm, ý đồ, hành động của nhân vật cốt truyện. Loại này rất phong phú, song quan trọng nhất là các loại nói sử.

Hát: dùng trong những lớp trữ tình, kịch tính, những lớp cần bộc lộ tâm trạng, những lớp cần tranh luận, trao đổi tâm tình, những lớp cần gây không khí, trình bày dưới các hình thúc hát lẻ, hát đôi hoặc hát tập thể.

Nêu luận điểm – kết quả nghiên cứu.

Câu nói thường trong chèo, tuy là được trình bày theo hình thái tự nhiên trong khi dẫn trò, nó cũng yêu cầu phải vần vè và mang tính hình ảnh. [...] Câu nói có tuyền luật và câu hát được xây dựng dưới các hình thức thơ và trong các khuôn nhạc nhất định. Chúng có một vị trí rất quan trọng trong toàn bộ phong cách chèo. [...]

Những vấn đề nghiên cứu về nghệ thuật chèo ngày nay thật nhiều vô kể. Giải quyết các vấn đề đó không phải là công việc của một người, cũng không phải là công việc làm trong một thời gian ngắn. [...] Trong khi chờ đợi những công trình lớn [...] chúng tôi cố gắng phát biểu những thu hoạch bước đầu trong việc học tập truyền thống, nhằm góp những nhát cuốc đầu vào việc khơi nguồn, chắc còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc.

Kết luận, nêu ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu.

(Hà Văn Cầu, Mấy vấn đề trong kịch bản chèo, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1977, tr. 20 – 35, 228)

1. Nhan đề của báo cáo nghiên cứu cho biết điều gì về nội dung và phạm vi nghiên cứu?

2. Báo cáo nghiên cứu có những luận điểm chính nào?

3. Tác giả đã sử dụng cứ liệu như thế nào để làm sáng tỏ các luận điểm?

4. Cuối báo cáo nghiên cứu không có danh mục tài liệu tham khảo. Hãy cho biết suy nghĩ của bạn về điều này.

---------------------------------

(1) Nói có tuyền luật: nói theo các hình thức thơ có luật lệ riêng.

(Trang 146)

Thực hành viết

Chuẩn bị viết

Lựa chọn đề tài

– Bài viết tham khảo ở trên giúp bạn hình dung cách triển khai báo cáo nghiên cứu về một đề tài cụ thể. Dựa vào các văn bản vừa học và kết quả tìm kiếm, khám phá thông tin từ nhiều nguồn, trước hết có thể viết về các đề tài: hình tượng Xuý Vân qua lớp chèo Xuý Vân giả dại, nhân vật tri huyện qua cảnh tuồng Huyện đường; nội dung thường gặp trong các tích chèo, tuồng; cách bài trí sân khấu chèo, tuồng; trống và các loại nhạc cụ khác của chèo, tuồng; việc vận dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao trong lời thoại của nhân vật chèo;... Ngoài ra, bạn có thể viết về các đề tài khác gần gũi với trải nghiệm của mình như: thói quen ẩm thực của người Việt; nét đẹp của một số trang phục truyền thống; lễ tục ngày Tết; trò chơi dân gian trong các lễ hội;... (Lưu ý: Khi viết về các đề tài trên, cần thể hiện được đòi hỏi riêng của báo cáo nghiên cứu so với một văn bản thuyết minh thông thường).

– Đề tài được lựa chọn nên gắn liền với một vấn đề nào đó (tức là câu hỏi nghiên cứu) còn khiến bạn băn khoăn tìm lời đáp, từng gây cho bạn ít nhiều khó khăn khi bạn muốn tìm hiểu về văn hoá truyền thống Việt Nam.

– Đề tài có thể được nảy sinh qua trao đổi với bạn bè hoặc người khác. Tất cả các ý kiến thu thập được, dù thể hiện niềm đam mê hoặc thờ ơ với văn hoá truyền thống Việt Nam, đều có thể gợi nhiều suy nghĩ, mở đường cho việc nghiên cứu, khám phá của bạn.

Lưu ý: Đề tài càng có tính xác định cao thì việc triển khai bài viết càng thuận lợi, không nên đặt ra và giải quyết một vấn đề quá lớn hoặc nhiều vấn đề cùng một lúc. Chỉ nên chọn đề tài nào mà với nó, bạn có thể nêu được những cảm nhận, phát hiện mới hay cách đánh giá mới của mình, dù ít ỏi.

Thu thập thông tin

Để có được những ý tưởng và luận điểm cần thiết cho báo cáo nghiên cứu, cần tìm đọc, xem các tài liệu, sách, báo, các phương tiện thông tin và truyền thông,... có liên quan để nắm được những ý kiến bàn luận đã có. Cũng có thể gặp trực tiếp các chuyên gia nghiên cứu văn hoá Việt Nam, các nghệ nhân, diễn viên sân khấu truyền thống để học hỏi, tham khảo ý kiến.

Xây dựng đề cương

• Trong đề cương nghiên cứu, thành phần quan trọng nhất là hệ thống luận điểm khái quát. Để xây dựng luận điểm cho báo cáo nghiên cứu, cần tập trung suy nghĩ về các câu hỏi sau:

– Vấn đề được chọn nghiên cứu có ý nghĩa gì? (Câu đầu tiên trong báo cáo nghiên cứu tham khảo đã khẳng định ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu: ngôn ngữ đối thoại luôn giữ vai trò quan trọng nhất.)

– Cần xác định hướng nghiên cứu như thế nào? (Đoạn từ “Không thể lấy...” đến “từ lâu đời” trong báo cáo nghiên cứu tham khảo đã thể hiện yêu cầu này. )

(Trang 147)

– Những khía cạnh nào của vấn đề cần được tập trung phân tích? (Báo cáo nghiên cứu tham khảo cho thấy tác giả ý thức rất rõ về điều này khi lần lượt nêu các luận điểm đầu mỗi phần phân tích.)

– Những cứ liệu minh hoạ nào có thể huy động? (Báo cáo nghiên cứu tham khảo đã chú ý nêu các cứ liệu minh hoạ rất chọn lọc lấy từ nhiều kịch bản chèo khác nhau; với những đề tài khác, có thể sử dụng tranh ảnh, sơ đồ,...)

– Thái độ nên có trước các đối tượng được đề cập là gì? (Báo cáo nghiên cứu tham khảo đã chú ý làm rõ vấn đề này cuối phần trình bày từng luận điểm. )

• Cần sắp xếp các luận điểm đã có vào đúng vị trí trong bố cục của báo cáo nghiên cứu:

Đặt vấn đề: Nêu động cơ, niềm hứng thú, sự thôi thúc ở người viết khi quyết định chọn đề tài để nghiên cứu (bao hàm trong đó việc gọi tên vấn đề).

Giải quyết vấn đề: Lần lượt đánh giá hay trình bày quan điểm về từng khía cạnh của vấn đề (đánh giá bao quát, phân tích từng mặt của đối tượng, tranh luận với các quan điểm đánh giá khác, nêu khuyến nghị,...).

Kết luận: Khái quát ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu và kết quả nghiên cứu đạt được.

Viết

– Bám sát đề cương đã lập để viết. Ngay từ đầu, cần thể hiện thái độ trân trọng đối với kho báu văn hoá truyền thống mà ông cha để lại.

– Mỗi luận điểm cần được triển khai thành một đoạn văn, trong đó có câu chủ đề, những ý nhỏ, các cứ liệu phù hợp (tức là bằng chứng về đối tượng được đề cập hay nhận định của những người nghiên cứu đi trước). Các cứ liệu được trích dẫn, phân tích phải đảm bảo độ chính xác tối đa, có xuất xứ rõ ràng.

– Cần chọn hình thức diễn đạt khách quan, cô đọng; tránh dùng các thán từ và lối kể lể lan man, không xoáy vào các luận điểm then chốt.

– Để làm tăng tính thuyết phục của báo cáo nghiên cứu cần chọn đưa vào một số sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh,... phù hợp.

Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đọc lại báo cáo nghiên cứu, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và đề cương đã lập để chỉnh sửa, hoàn thiện trên các mặt chủ yếu sau:

– Sự tường minh của lí do chọn đề tài.

– Sự nhất quán trong cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề.

– Sự khách quan, chặt chẽ trong lập luận.

– Sự tinh gọn và đầy đủ của các cứ liệu, bằng chứng.

– Sự minh bạch trong việc dẫn nguồn tài liệu hay ghi chú xuất xứ của các ý kiến được trích dẫn.

– Sự tuân thủ các quy tắc ngữ pháp và những quy định về chính tả, cách trình bày văn bản.

Tin tức mới


Đánh giá

Viết | Ngữ văn 10 - Tập 1 | Bài 5: Tích trò sân khấu dân gian - Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Môn Học Lớp 10 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Ngữ văn 10 - Tập 1

Giáo Dục Kinh Tế Và Pháp Luật 10

Giáo dục thể chất cầu lông

Giáo dục thể chất bóng đá

Hoạt Động Trải Nghiệm, Hướng Nghiệp 10

Công Nghệ 10

Địa Lí 10

Toán 10 - Tập 1

Toán 10 - Tập 2

Lịch Sử 10

Mĩ thuật_Thiết kế thời trang 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh 10

Mĩ thuật_Thiết kế công nghiệp 10

Mĩ thuật_Thiết kế đồ hoạ 10

Mĩ thuật_Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện 10

Mĩ thuật_Lí luận và lịch sử mĩ thuật 10

Mĩ thuật _Điêu khắc 10

Mĩ thuật_Đồ hoạ (tranh in) 10

Mĩ thuật_Hội hoạ 10

Mĩ thuật_Kiến trúc 10

Tin Học 10

Giải bài tập Sinh học 10

Giải bài tập Hóa học 10

Giải bài tập Vật lý 10

Bộ Sách Lớp 10

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.