Nội Dung Chính
(Trang 43)
Yêu cầu cần đạt
• Phân tích và đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ như từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, đối, nhân vật trữ tình (chủ thể trữ tình).
• Liên hệ để thấy được một số điểm gần gũi về nội dung giữa các tác phẩm thơ thuộc hai nền văn hoá khác nhau.
• Nhận biết được lỗi dùng từ và lỗi về trật tự từ, biết cách sửa những lỗi đó.
• Viết được một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của một tác phẩm thơ.
• Biết thuyết trình (giới thiệu, đánh giá) về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ.
• Biết nuôi dưỡng đời sống tâm hồn phong phú, có khả năng rung động trước những vẻ đẹp đa dạng của cuộc sống.
TRI THỨC NGỮ VĂN Thơ và thơ trữ tình Thơ là hình thức tổ chức ngôn từ đặc biệt, tuân theo một mô hình thi luật hoặc nhịp điệu nhất định. Mô hình này làm nổi bật mối quan hệ giữa âm điệu và ý nghĩa của ngôn từ thơ ca. Với hình thức ngôn từ như thế, thơ có khả năng diễn tả được những tình cảm mãnh liệt hoặc những ấn tượng, xúc động tinh tế của con người trước thế giới. Thơ trữ tình là loại tác phẩm thơ thường có dung lượng nhỏ, thể hiện trực tiếp cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình. |
(Trang 44)
Nhân vật trữ tình Nhân vật trữ tình (còn gọi là chủ thể trữ tình) là người trực tiếp bộc lộ rung động và tình cảm trong bài thơ trước một khung cảnh hoặc sự tình nào đó. Nhân vật trữ tình có mối liên hệ mật thiết với tác giả song không hoàn toàn đồng nhất với tác giả. Hình ảnh thơ Hình ảnh thơ là các sự vật, hiện tượng, trạng thái đời sống được tái tạo một cách cụ thể, sống động bằng ngôn từ, khơi dậy cảm giác (đặc biệt là những ấn tượng thị giác) cũng như gợi ra những ý nghĩa tinh thần nhất định đối với người đọc. Vần thơ, nhịp điệu, nhạc điệu, đối, thi luật, thể thơ Vần thơ: sự cộng hưởng, hoà âm theo quy luật giữa một số âm tiết trong hay cuối dòng thơ. Vần có chức năng liên kết các dòng thơ và góp phần tạo nên nhịp điệu, nhạc điệu cũng như giọng điệu của bài thơ. Nhịp điệu: những điểm ngắt hay ngừng theo chu kì nhất định trên văn bản do tác giả chủ động bố trí. Nhịp điệu chứa đựng sự lặp lại có biến đổi của các yếu tố ngôn ngữ và hình ảnh nhằm gợi ra cảm giác về sự vận động của sự sống và thể hiện cảm nhận thẩm mĩ về thế giới. Nhạc điệu: cách tổ chức các yếu tố âm thanh của ngôn từ để lời văn gợi ra cảm giác về âm nhạc (âm hưởng, nhịp điệu). Trong thơ, những phương thức cơ bản để tạo nhạc điệu là gieo vần, ngắt nhịp, điệp, phối hợp thanh điệu bằng – trắc,... Đối: cách tổ chức lời văn thành hai vế cân xứng và sóng đôi với nhau cả về ý và lời. Căn cứ vào sự thuận chiều hay tương phản về ý và lời, có thể chia đối thành hai loại: đối cân (thuận chiều), đối chọi (tương phản). Thi luật: toàn bộ những quy tắc tổ chức ngôn từ trong thơ như gieo vần, ngắt nhịp, hoà thanh, đối, phân bố số tiếng trong một dòng thơ, số dòng trong cả bài thơ,... Thể thơ: sự thống nhất giữa mô hình thi luật và loại hình nội dung của tác phẩm thơ. Các thể thơ được hình thành và duy trì sự ổn định của chúng trong quá trình phát triển của lịch sử văn học. Lỗi dùng từ và lỗi về trật tự từ trong câu Khi sử dụng tiếng Việt, cần tránh những lỗi cơ bản trong cách dùng từ như lỗi lặp từ, lỗi dùng từ không đúng nghĩa, lỗi dùng từ không đúng phong cách của kiểu, loại văn bản. Trong cụm từ hay trong câu tiếng Việt, các từ được sắp xếp theo một trật tự có quy tắc riêng. Việc vi phạm trật tự này sẽ khiến thông tin muốn truyền đạt bị hiểu nhầm, hiểu sai và theo đó, hiệu quả giao tiếp bị hạn chế. |
(Trang 45)
VĂN BẢN 1, 2, 3
Chùm thơ hai-cư (haiku) Nhật Bản
Bài thơ ngắn nhất mà bạn đã từng đọc là bài nào? Điều gì khiến nó được bạn nhớ tới?
1. Trên cành khô cánh quạ đậu chiều thu.
(Ba-sô – Basho, Nhật Chiêu dịch, Ba-sô và thơ hai-cư, NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 23) 2. Ôi hoa triêu nhan(1)! Dây gàu vương hoa bên giếng Đành xin nước nhà bên.
(Chi-y-ô – Chiyo, Nhật Chiêu dịch, Ba nghìn thế giới thơm, NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr. 314) 3. Chậm rì, chậm rì Kìa con ốc nhỏ Trèo núi Phu-gi (Fuji).(2)
(Ít-sa – Issa, Nhật Chiêu dịch, Ba nghìn thế giới thơm, Sđd, tr. 385) ---------------------------------- (1) Triêu nhan: loài hoa rất phổ biến ở Nhật Bản, được người Nhật gọi bằng nhiều cái tên gợi cảm như “kim tuyến của ban mai”, “trăng lúc chiều tà”, “cô gái đậu tía”,... Hoa triêu nhan cũng là hình ảnh xuất hiện nhiều trong thơ Chi-y-ô. (2) Phu-gi: ngọn núi cao nhất Nhật Bản (3 776m), ở Việt Nam thường được gọi theo âm Hán Việt là Phú Sĩ. Từ lâu, ngọn núi này đã khơi gợi cảm hứng sáng tác cho nhiều nghệ sĩ và là điểm đến quen thuộc của nhiều người Nhật và du khách nước ngoài. |
(Trang 46)
Hai-cư là thể thơ truyền thống có vị trí quan trọng trong văn học Nhật Bản, đồng thời được xem là một trong những hình thức cô đọng nhất của thơ ca thế giới. Bài thơ hai-cư trong tiếng Nhật chỉ gồm 3 dòng (dòng 1 và dòng 3 có năm âm tiết; dòng 2 có bảy âm tiết). Bản dịch tiếng Việt trong sách giáo khoa tuy không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của luật thơ nêu trên nhưng vẫn đảm bảo sự ngắn gọn, hàm súc đặc trưng của thể thơ này. Thơ hai-cư thường biểu hiện những rung cảm của con người trước thiên nhiên bằng những hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng nhưng cũng đậm tính tượng trưng.
Khởi nguồn từ Nhật Bản, ngày nay, hai-cư đã trở thành thể thơ được sáng tác bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Thơ hai-cư hiện đại tuy có những đặc điểm riêng về bút pháp nhưng vẫn bảo lưu một số nguyên tắc quan trọng của tư duy và mĩ cảm thơ hai-cư truyền thống như bài thơ được cấu tứ quanh một phát hiện mang tính chất “bừng ngộ” về mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng, về sự tương thông đầy bí ẩn giữa thế giới và con người; thơ thiên về khơi gợi hơn là miêu tả và diễn giải. Sức sống và sự hấp dẫn của thơ hai-cư nằm ở khả năng kiệm lời mà vẫn gợi nhiều cảm xúc và suy tưởng.
Mát-chư-ô Ba-sô (Matsuo Basho, 1644 – 1694) là nhà thơ nổi tiếng của văn học Nhật. Ông có công lớn trong việc hoàn thiện thơ hai-cư, đưa nó trở thành thể thơ độc đáo nhất của Nhật Bản.
Phư-cư-ma-xư-y-a Chi-y-ô (Fukumasuya Chiyo, 1703 – 1775) là người đánh dấu sự hiện diện của các tác giả nữ trong truyền thống thơ hai-cư. Trước bà, thơ hai-cư của tác giả nữ thường bị coi thường và quên lãng. Bà đã trở thành một tiếng nói thơ ca độc đáo, được nhiều người yêu thích.
Cô-ba-y-a-si Ít-sa (Kobayashi Issa, 1763 – 1828) là nhà thơ kiêm tu sĩ Phật giáo. Ông còn là hoạ sĩ tài ba, nổi tiếng với những bức tranh có đề các bài thơ hai-cư do chính ông sáng tác.
Trả lời câu hỏi
1. Hãy nhận diện hình ảnh trung tâm ở từng bài thơ hai-cư và cho biết đặc điểm chung của các hình ảnh ấy.
2. Xác định mối quan hệ giữa hình ảnh trung tâm trong bài thơ của Ba-sô với các yếu tố thời gian và không gian.
3. Bài thơ của Chi-y-ô được triển khai xoay quanh phát hiện nào? Theo bạn, vì sao phát hiện này lại dẫn dắt nhân vật trữ tình sang “xin nước nhà bên”?
4. Từ những đặc điểm thường được liên hệ khi hình dung về “con ốc" và “núi Phu-gi”, hãy nhận xét về tương quan giữa hai hình ảnh này.
5. Khoảnh khắc được thể hiện trong bài thơ của Ba-sô có thể khơi gợi những cảm xúc gì ở người đọc?
6. Từ bài thơ của Chi-y-ô, hãy bình luận về ý nghĩa triết lí trong cách ứng xử của con người đối với thiên nhiên mà bài thơ gợi ra.
7. Bạn cảm nhận như thế nào về hành trình “chậm rì” của con ốc trong bài thơ của Ít-sa?
Kết nối đọc – viết
Từ việc đọc ba bài thơ trong chùm thơ hai-cư, hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày về điều bạn cảm thấy thú vị nhất ở thể thơ hai-cư.
(Trang 47)
VĂN BẢN 4
Thu hứng
(Cảm xúc mùa thu)
---------------
Đỗ Phủ
---------------
• Bạn đã được làm quen với một số bài thơ Đường luật trong sách giáo khoa Ngữ văn cấp Trung học cơ sở. Hãy chia sẻ ấn tượng của bạn về đặc điểm hình thức cũng như nội dung của những bài thơ thuộc thể loại này.
• Bạn đã bao giờ xa gia đình và thấy nhớ nhà? Nếu có thể, hãy chia sẻ về trải nghiệm ấy của bạn.
Phiên âm Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm. Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng, Tái thượng phong vân tiếp địa âm. Tùng cúc lưỡng khai thu nhật lệ, Cô chu nhất hệ cố viên tâm. Hàn y xứ xứ thôi đạo xích, Bạch Đế thành cao cấp mộ châm. | Nguyên văn Thu hứng (bài 1) trong bản in khắc gỗ chùm tám bài Thu hứng ở Toàn Đường thi |
Dịch nghĩa
Sương móc trắng xoá làm tiêu điều cả rừng cây phong
Núi Vu(1), kẽm Vu(2) hơi thu hiu hắt.
Giữa lòng sông, sóng tung vọt trùm bầu trời,
Từ trên cửa ải, gió mây sà xuống khiến mặt đất âm u.
Khóm cúc nở hoa đã hai lần làm tuôn rơi nước mắt ngày trước,
Con thuyền lẻ loi thắt chặt mãi tấm lòng nhớ về vườn cũ.
Chỗ nào cũng rộn ràng dao thước để may áo rét,
Về chiều, từ trên thành Bạch Đế(3)cao, tiếng chày nện vải nghe càng dồn dập.
-----------------------------
(1) Núi Vu: nay thuộc thành phố Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
(2) Kẽm Vu: hẻm núi kéo dài từ huyện Vu Sơn (thành phố Trùng Khánh) đến huyện Ba Đông (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
(3) Bạch Đế: toà thành được xây trên núi cao, ở bờ bắc sông Trường Giang, thuộc thành phố Trùng Khánh.
(Trang 48)
Dịch thơ Bản dịch 1 Lác đác rừng phong hạt móc sa Ngàn non hiu hắt, khí thu loà. Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm, Mặt đất mây đùn cửa ải xa. Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ, Con thuyền buộc chặt mối tình nhà. Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước, Thành Bạch, chày vang bóng ác tà. (Nguyễn Công Trứ dịch, Ngữ văn 10, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2014, tr. 146)
Bản dịch 2 Móc trắng rừng phong vẻ úa gầy, Vu sơn, Vu giáp khí thu dày. Lòng sông sóng tận lưng trời nhảy, Đầu ải mây sà mặt đất bay. Lệ cũ nở hai mùa cúc đó, Lòng quê buộc một chiếc thuyền đây. Nơi nơi áo lạnh đòi dao thước, Bạch Đế thành hôm rộn tiếng chày. (Khương Hữu Dụng dịch, Thơ Đỗ Phủ, NXB Văn học, Hà Nội, 1962, tr. 229)
|
Thơ Đường luật còn gọi là thơ cận thể. Đó là thể thơ ngũ ngôn hay thất ngôn làm theo những nguyên tắc thi luật được đặt ra từ thời Đường.
Thơ Đường luật có ba dạng chính: thơ bát cú (8 câu), thơ tuyệt cú (4 câu) và thơ bài luật (dạng kéo dài của thơ Đường luật), trong đó thơ bát cú (đặc biệt là thất ngôn bát cú) được xem là dạng cơ bản nhất.
Về bố cục, một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật gồm bốn cặp câu thơ (liên thơ), tương ứng với bốn phần: đề – thực – luận – kết. Bài thơ chỉ gieo một vần (thường là vần bằng) ở các câu 1 – 2 − 4 – 6 – 8 (chữ cuối của câu thứ nhất có thể gieo vần hoặc không). Về luật bằng trắc, thơ Đường luật có quy định về sự hoà thanh trong từng câu và trong cả bài để đảm bảo sự cân bằng, hài hoà cho âm hưởng của toàn bộ bài thơ. Về đối, thơ Đường luật bát cú yêu cầu đối ở câu thực và luận.
Thơ Đường luật có một mô hình thi luật chặt chẽ, hướng tới sự cân đối, hài hoà về cấu trúc của toàn bộ bài thơ. Mô hình thi luật này phản ánh cảm quan về vũ trụ của người Trung Quốc thời trung đại, theo đó, vũ trụ là một thể thống nhất và giữa các bộ phận của vũ trụ có sự liên thông, tương ứng với nhau.
(Trang 49)
Về mặt ngôn từ, nét đặc sắc của thơ Đường luật thể hiện ở chỗ: có thể chỉ bằng một vốn từ ngữ hữu hạn, thậm chí quen thuộc, các nhà thơ vẫn tạo nên được những cách biểu đạt hết sức tinh tế, gợi ra nhiều liên tưởng và ý nghĩa. Về cấu tứ, thơ Đường luật có đặc trưng nổi bật là xây dựng tứ thơ theo các mối quan hệ tương đồng hoặc đối lập, tả ít gợi nhiều, tả gián tiếp hơn là trực tiếp, nhờ đó, mở ra không gian cho người đọc cảm nhận bài thơ. Đỗ Phủ (712 – 770) tên chữ là Tử Mỹ, người tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Những biến cố chính trị dữ dội của thời đại, cảnh li tán, khốn khó của gia đình, tình trạng bệnh tật liên miên đã tác động mạnh đến nhận thức và cảm hứng của Đỗ Phủ, khiến âm điệu thơ ông có phần bi thương. | Đỗ Phủ, tranh của Tưởng Triệu Hoà |
Thơ Đỗ Phủ nổi lên ba chủ đề lớn: nhiệt huyết yêu nước, phản kháng cường quyền, cảm thông với số phận dân đen. Ông sáng tác ở nhiều thể thơ, cả cổ thể và cận thể. Đỗ Phủ được người đời sau tôn làm Thi thánh (Thánh thơ). Thơ ông hiện còn trên 1.000 bài.
Năm 763, loạn An – Sử tới hồi kết thúc nhưng tình hình xã hội vẫn chưa yên. Mùa thu năm 766, Đỗ Phủ vẫn đang sống những tháng ngày phiêu bạt, ốm đau, khốn khó tại Quỳ Châu (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) nên cảm thời thế và viết một chùm tám bài thơ thất ngôn bát cú nổi tiếng có nhan đề chung là Thu hứng. Văn bản được học là bài đầu tiên của chùm thơ này.
Trả lời câu hỏi
1. Mô tả một số đặc điểm cơ bản của thơ Đường luật (bố cục, cách gieo vần, luật bằng – trắc, phép đối) được thể hiện trong bài thơ Thu hứng.
2. Đối chiếu hai bản dịch thơ với nguyên văn (thông qua bản dịch nghĩa), từ đó, chỉ ra những chỗ hai bản dịch thơ có thể chưa diễn đạt hết sắc thái và ý nghĩa của nguyên văn.
3. Những hình ảnh và từ ngữ nào được dùng để gợi không khí cảnh thu trong bốn câu đầu của bài thơ? Khung cảnh mùa thu này có thể gợi cho bạn những ấn tượng gì?
4. Qua các từ ngữ và hình ảnh ở hai câu thơ 5 – 6, người đọc có thể nhận biết được điều gì về nhân vật trữ tình?
5. Việc mô tả khung cảnh sinh hoạt của con người ở hai câu thơ kết có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình?
6. Thu hứng được viết trong một hoàn cảnh đặc biệt của cuộc đời Đỗ Phủ. Phải chăng tác phẩm chỉ thể hiện nỗi niềm thân phận cá nhân của nhà thơ?
7. Có ý kiến cho rằng câu thơ nào trong bài thơ cũng thể hiện cảm xúc về mùa thu, nỗi niềm tâm sự của tác giả trong mùa thu. Bạn suy nghĩ gì về ý kiến này?
Kết nối đọc – viết
Những yếu tố làm nên đặc trưng và sức hấp dẫn của thơ Đường luật và thơ hai-cư có nhiều điểm gần gũi nhau. Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) về những điểm tương đồng ấy.
(Trang 50)
VĂN BẢN 5
Mùa xuân chín
--------------
Hàn Mặc Tử
--------------
• Bạn có nhớ những bài thơ, những câu thơ nào về mùa xuân mà mình đã từng đọc?
• Điều gì khiến bạn có ấn tượng hay thích thú ở những bài thơ, câu thơ ấy?
Trong làn nắng ửng khói mơ tan Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng Sột soạt gió trêu tà áo biếc Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang. Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời. Bao cô thôn nữ hát trên đồi – Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi. Tiếng ca vắt vẻo lung chừng núi Hổn hển như lời của nước mây Thầm thĩ(1) với ai ngồi dưới trúc, Nghe ra ý vị và thơ ngây. Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín Lòng trí bâng khuâng sục nhớ làng – Chị ấy, năm nay còn gánh thóc Dọc bờ sông trắng nắng chang chang? (Thơ Hàn Mặc Tử, Sở Văn hoá và Thông tin Nghĩa Bình, 1988, tr. 78)
--------------------------------- (1) Thầm thĩ: thầm thì, tha thiết. |
(Trang 51)
Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, sinh ra ở huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Năm mười tám tuổi, ông theo gia đình vào sống tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Hàn Mặc Tử qua đời trong thời gian trị bệnh phong tại nhà thương Quy Hoà.
Hàn Mặc Tử sáng tác với nhiều bút danh như Lệ Thanh, Phong Trần, Minh Duệ Thị,... Ông là một đại diện độc đáo của phong trào Thơ mới, là nhân vật trụ cột của Trường thơ Loạn Bình Định – một nhóm thi sĩ cùng chia sẻ nhiều quan điểm thẩm mĩ táo bạo, bao gồm Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan, Bích Khê, Hoàng Diệp,...
Thơ Hàn Mặc Tử bộc lộ một thế giới nội tâm mãnh liệt với những cung bậc cảm xúc được đẩy đến tột cùng. Ngôn ngữ thơ của ông giàu cảm giác mạnh với nhiều hình ảnh độc đáo, thể hiện trí tưởng tượng phóng khoáng, thậm chí dị kì.
Một số tập thơ tiêu biểu của Hàn Mặc Tử: Gái quê (1936), Thơ Hàn Mặc Tử (1942), Chơi giữa mùa trăng (thơ không vần, 1944),...
Phong trào Thơ mới (1932 – 1945) được xem là sự kiện mở ra “một thời đại mới trong thi ca” Việt Nam. Thơ mới đánh dấu sự chấm dứt của mười thế kỉ thơ ca trung đại, đưa thơ Việt Nam vào quỹ đạo hiện đại. Thơ mới chịu ảnh hưởng của thơ ca Pháp, đặc biệt là chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng, nhưng về cơ bản, Thơ mới là hiện tượng được nảy sinh và phát triển từ khát vọng giải phóng cái tôi cá nhân và nhu cầu đổi mới nghệ thuật của các nhà thơ Việt Nam.
Về mặt nội dung, Thơ mới bộc lộ những tình cảm, cảm xúc cá nhân cũng như ý thức cá tính của con người với nhiều biểu hiện đa dạng, độc đáo.
Về mặt hình thức, Thơ mới đã thực hiện một cuộc đột phá mạnh mẽ vào những nguyên tắc thi pháp chi phối mười thế kỉ thơ trung đại Việt Nam. Bài thơ được tổ chức theo dòng chảy tự nhiên của cảm xúc thay vì theo mô hình luật thơ đã định sẵn từ trước. Câu thơ và các phương thức gieo vần, ngắt nhịp, tạo nhạc điệu trở nên linh hoạt, tự do hơn. Hình ảnh thơ thể hiện rõ nét dấu ấn chủ quan trong cách nhà thơ quan sát, cảm nhận và tưởng tượng về thế giới.
Với những cách tân quan trọng cả về nội dung và hình thức, Thơ mới đã mở ra nhiều khả năng phát triển đa dạng của thơ Việt Nam hiện đại.
(Trang 52)
Trả lời câu hỏi
1. Nhan đề bài thơ Mùa xuân chín được cấu tạo bởi những từ thuộc từ loại nào và có thể gợi ra cho bạn những liên tưởng gì?
2. Trạng thái “chín" của mùa xuân trong bài thơ được thể hiện bằng những từ ngữ nào?
3. Hãy nhận xét về ngôn từ của bài thơ trên hai khía cạnh sau:
– Bài thơ có những sự lựa chọn và kết hợp ngôn từ nào khiến bạn đặc biệt chú ý? Hãy nói cụ thể hơn cảm nhận của bạn về điều này.
– Ngôn từ của bài thơ đã gợi lên một khung cảnh mùa xuân như thế nào?
4. Mô tả cách ngắt nhịp và gieo vần trong bài thơ. Chỉ ra những điểm mà cách ngắt nhịp, gieo vần này có thể gây được ấn tượng đặc biệt với người đọc (chú ý đến vai trò của các dấu câu, sự biến hoá của cách ngắt nhịp, vị trí gieo vần). Từ đó, hãy so sánh mức độ chặt chẽ trong cách ngắt nhịp và gieo vần trong bài thơ này với một bài thơ trung đại làm theo thể Đường luật.
5. Con người trong bài thơ hiện diện qua những hình ảnh nào? Hình ảnh nào gắn với nhân vật trữ tình? Hình ảnh nào là đối tượng quan sát hay nằm trong tâm tưởng của nhân vật trữ tình?
6. Hình ảnh, nhịp và vần trong bài thơ có mối liên hệ như thế nào với mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình?
7. Hãy nêu cảm nhận của bạn về nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Kết nối đọc – viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày cảm nhận về một câu thơ hoặc một hình ảnh trong bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử đã gợi cho bạn nhiều ấn tượng và cảm xúc.
(Trang 53)
VĂN BẢN 6
Bản hoà âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư (*)
----------------
Chu Văn Sơn(1)
----------------
Qua những bài đã học về thơ, hãy chia sẻ những điều bạn thấy thú vị và khó khăn khi tiếp cận một bài thơ trữ tình.
1 Từng có câu: “Thu là thơ của đất trời, thơ là thu của lòng người”. Có thể còn ai đó hoài nghi cái chân lí này của người xưa. Nhưng nếu một lần đọc những bài như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư thì nỗi hoài nghi vẩn vơ kia dễ dàng tan biến. “Hồn thơ” và “hồn thu” ở đây đã đồng vọng mà thành Tiếng thu: Tiếng thu Em không nghe mùa thu dưới trăng mờ thổn thức? Em không nghe rạo rực hình ảnh kẻ chinh phu trong lòng người cô phụ? Em không nghe rừng thu lá thu kêu xào xạc, con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô?
------------------------------ (*) Nhan đề do người biên soạn sách giáo khoa đặt. Lưu Trọng Lư (1911 – 1991) sinh tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, được xem là một trong những thi sĩ đầu tiên khởi xướng và tích cực cổ vũ cho phong trào Thơ mới. Trong phong trào Thơ mới, Lưu Trọng Lư được ghi nhận là một hồn thơ sầu mộng, ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên, dễ gợi sự cảm động. Các tác phẩm chính của ông: Tiếng thu (thơ, 1939), Người sơn nhân (tập truyện ngắn, 1933), Chiếc cáng xanh (truyện dài, 1941), Khói lam chiều (truyện dài, 1941), Toả sáng đôi bờ (thơ, 1959), Hồng Gấm, tuổi hai mươi tới rồi (kịch thơ, 1973), Bao la sầu (thơ, 1989). (1) Chu Văn Sơn (1962 – 2019) là nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm chính đã xuất bản: Ba đỉnh cao Thơ mới: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử (2005), Thơ – điệu hồn và cấu trúc (2007), Tự tình cùng cái Đẹp (2019). |
(Trang 54)
2 Con người cổ điển vốn xem tĩnh là gốc của động, là gốc của sự vận động trong tạo vật. Cho nên người ta đã có cả một quan niệm triết học và mĩ học về cái tĩnh. Tĩnh được xem là trạng thái vĩnh viễn, là nét đẹp vĩnh hằng của tạo vật thiên nhiên trường cửu không di dịch này. Vì thế, bước vào thơ thiên nhiên xưa là bước vào một thiên nhiên tĩnh lặng, miên viễn. Yên bình, thanh vắng trở thành một đặc tính của vẻ đẹp thiên nhiên trong nghệ thuật cổ điển. Ấy là cái tĩnh đầy an nhiên minh triết của thi nhân xưa. 3 Thơ mới không thế! Nếu như gom toàn bộ Thơ mới lại để mà lắng nghe, thì cái âm hưởng đặc trưng nhất vang lên từ đáy hồn Thơ mới chính là tiếng XÔN XAO. Các thi sĩ Thơ mới ít nhìn thiên nhiên bằng cái nhìn chiêm nghiệm. Họ muốn vào dò la cái sự sống tiềm tàng chất chứa bên trong lòng tạo vật. Bằng mối liên hệ tương ứng vi diệu giữa tâm hồn cá nhân và tâm hồn tạo vật, họ đã khám phá ra sự sống bí mật đầy xôn xao trong lòng thiên nhiên. Bên trong mỗi tạo vật kia chất chứa bao biến thái tinh vi và bí mật. Bên trong mỗi tạo vật là cả một thế giới riêng vừa mơ hồ vừa hiển hiện mà người ta chỉ nắm bắt được bằng thi cảm: thế giới huyền diệu! Nó là cái cựa mình của nụ hoa, là tiếng thở dài của lá, là nỗi rạo rực của nhuỵ phấn, tiếng đập cánh của những giấc mơ, tiếng rung của những đường trăng, là tiếng ngân của những làn ánh sáng, là sự hổn hển nước mây, là sự run rẩy bâng khuâng của thứ nắng lỡ thì,... Thế giới Thơ mới là vạn vật lên men say, là tạo vật ở trạng thái thăng hoa. Vì thế mà XÔN XAO đã thành điệu hồn riêng của Thơ mới. [...]
4 Tiếng thu không phải là một âm thanh riêng rẽ nào, cũng không phải là một tập hợp giản đơn nôm na của nỗi thổn thức trong đất trời, nỗi rạo rực trong lòng người và tiếng xạc xào của lá rừng. Tiếng thu là một điệu huyền. Tiếng thu là cả một bản hoà âm vừa mơ hồ vừa hiển hiện của bao nỗi xôn xao ngấm ngầm trong lòng tạo vật đang hoà điệu với nỗi xôn xao huyền diệu của hồn thi nhân. [...]
5 Có lẽ bởi sự cộng hưởng ấy mà “bản hoà âm mùa thu” đã tìm thấy cho mình một “bản hoà âm ngôn từ để cất lên thành Tiếng thu. Vâng, ta đang nói đến một trong những nét đặc sắc nhất của thi phẩm này: âm điệu. Tiếng thu đã được kí thác vào một cấu trúc ngôn từ chứa chan tính nhạc. Nghe trong tổng thể, thậm chí còn thấy bài thơ từa tựa một ca khúc. Sao lại né tránh, lại xem nhẹ việc cảm thụ phương diện âm nhạc của Tiếng thu? |
(Trang 55)
Bên cạnh câu “Thi trung hữu hoạ”, người xưa chẳng đã từng nói “Thi trung hữu nhạc” đó thôi! Vả chăng áng thơ ca chân chính nào cũng xâm chiếm tâm hồn người đọc trước hết bằng âm điệu của nó. Âm điệu thơ bao giờ cũng là sự cất cánh, sự hiển hiện của cái ta gọi là hồn thơ. Nghe được âm điệu riêng thì xem như đã cảm nhập được cái hồn, cái thần của thơ rồi vậy. Mà ở đây, dường như nhạc lại là cái hình thức của Tiếng thu, là cái chân dung của thi phẩm. Xem nhẹ điều này chẳng phải là bỏ qua phần hồn mà chỉ chú trọng đến phần thân xác của thơ hay sao? Điều cốt yếu là cảm nhận nhạc tính trong sự hoà điệu giữa TIẾNG THU và TIẾNG THƠ thế nào thôi! 6 Có thể khi in, bài thơ được sắp xếp thành khổ, cũng có thể in liền không chia khổ. Nhưng điều này không có ý nghĩa quyết định, nó chỉ thuần tuý là sự trình bày bề ngoài. Cấu trúc ngôn từ tự nó đã chia bài thơ thành ba phần nội dung tương ứng với ba câu hỏi. Và như thế, dù muốn hay không, tự nó cũng hình thành ba khổ, bất chấp sự tán đồng hay phản bác của người phân tích. Ba phần nội dung hợp thành một chỉnh thể theo kết cấu rất âm nhạc. 7 Chúng ta đều biết “lặp lại” và “phát triển” là một quy luật rất thông thường của âm nhạc. Âm nhạc của ngôn từ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Tiếng thu quả là một chỉnh thể chặt chẽ và nhuần nhuyễn, đẹp như một giai điệu thu. Có thể ví với một giai điệu, bởi sự hoà nhập tự nhiên hài hoà giữa “vần” và “nhịp”. Tiếng thu hiệp vần bằng cả hai hệ thống: vần bằng (mùa thu – trăng mờ – chinh phu – rừng thu – vàng khô) và vần trắc (thổn thức – rạo rực – xào xạc – ngơ ngác),... Vần điệu nhờ vậy vừa giàu có vừa nhất quán. Bởi “bằng” cũng chỉ một vần (vần u), “trắc" cũng chỉ một vần (vần ưc – ac). Sức quyến rũ của bài thơ, trước hết, nằm ở sự quyện hoà của hai chuỗi vần bằng và vần trắc này. Còn nhịp điệu có lẽ được tạo ra trước hết bởi thể loại. Bài thơ thuộc thể ngũ ngôn, gồm chín câu, mỗi câu năm chữ, tạo ra bước nhịp lớn đều đặn, êm đềm suốt toàn bài. Ba khổ thơ, khổ nào cũng mở đầu bằng cụm từ Em không nghe, tạo nên điệp khúc rõ rệt. Đúng hơn là như một khúc thức gồm ba lời. Khúc thức không chỉ lặp lại mà còn phát triển. Ba khổ thì khổ một: 2 dòng, khổ hai: 3 dòng, và khổ ba: 4 dòng. Sự gia tăng tương ứng với từng mảng nội dung, từng bước đẩy cảm xúc lên cao trào. 8 Người viết vừa phân tách, mô tả cấu trúc ngôn từ mang tính nhạc của thi phẩm này. Nhưng điều đó phỏng có ích gì nếu như không làm vang lên được cái “ tiếng thu?
9 Có phải mùa thu là mùa nhạy cảm nhất trong năm? Có phải vào mùa thu ngay cả những người vô tâm nhất cũng có thể nghe thấy những rung động tinh vi của trời đất? |
(Trang 56)
Lưu Trọng Lư đang muốn chia sẻ, muốn tìm kiếm sự đồng điệu, hay đang muốn phô bày những cảm nhận huyền diệu mình mới nghe được trong hư hoảng qua một thoáng nghiêng tại thi sĩ? Ba khổ thơ nói đến ba thứ tiếng của mùa thu. Chẳng biết là ngẫu nhiên hay được sắp đặt một cách tinh vi, nhuần nhị mà ba “tiếng” ấy lần lượt cất lên theo một trật tự phát triển: từ tiếng thổn thức của mùa thu dưới ánh trăng mờ, đến tiếng rạo rực của lòng người cô phụ đến tiếng lá thu kêu xào xạc – nghĩa là từ xa đến gần, từ mơ hồ đến cụ thể, từ toàn thể đến cá thể, từ cảnh vật đến nhân vật, từ hình sắc đến thanh âm, từ bề sâu đến bề ngoài, từ kín khuất đến phát lộ. Nhưng lắng kĩ mà xem, thực ra thổn thức và rạo rực chưa thực là âm thanh. Những tiếng ấy hiện hữu mà mơ hồ. Toàn bài chỉ có duy nhất một từ tượng thanh: xào xạc. Vậy Tiếng thu là bao gồm cả những tiếng có thể nghe được một cách trực quan cả những tiếng chỉ nhận được bằng linh cảm, thi cảm. Nhưng trong ba tiếng trên dường như chứa đựng một tương quan khác. Thổn thức và rạo rực là những âm nền còn xào xạc là âm nổi: Phải chăng nỗi thổn thức của tạo vật, nỗi rạo rực của lòng người đã cộng hưởng thành nỗi xôn xao mênh mang đang rung lên bên trong lòng trời đất này. Còn tiếng xào xạc kia chỉ là sự phát lộ thành tiếng ra bên ngoài của nỗi xôn xao ngấm ngầm đó thôi? Hồn thu bàng bạc trong toàn bài nhưng nó hiện hình sống động nhất là ở cái tiếng xào xạc ấy. Nghe cái tiếng thu này, ta dễ nhớ đến một tiếng thu khác của Nguyễn Đình Thi về sau này: Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội Những phố dài xao xác hơi may. (Đất nước) 10 Xao xác và xào xạc thực chỉ là một âm thôi, khác nào như một nốt nhạc chơi ở hai cung khác nhau. Ấy thế mà không thể thay thế được. Xao xác đanh và cao, gợi được tiếng lá quét mình trên đường phố, nó là cái hơi thu phố phường. Còn xào xạc lại trầm và đục, trong không khí này, đã gợi được vẻ âm u và huyền bí của rừng già: Em không nghe rừng thu lá thu kêu xào xạc, 11 Tiếng thổn thức của đất trời còn mơ hồ, tiếng rạo rực của lòng người cô phụ có phần rõ rệt hơn! Có thể em không nghe! Nhưng còn tiếng xào xạc gần gũi thế, lẽ nào em không nghe? Cấu trúc lời thơ vừa lặp lại vừa phát triển như thế khiến cho tiếng thu ngày một xốn xang hơn và lòng thi nhân (người cất lên tiếng hỏi tìm sự đồng điệu) cũng ngày một khắc khoải hơn! |
(Trang 57)
12 Sự hoà điệu giữa TIẾNG THU và TIẾNG THƠ còn tỏ ra tinh tế hơn trong âm hưởng của nó. Toàn bài có thể ngắt thành 18 tiết tấu, thì số tiết tấu bằng là 11, còn tiết tấu trắc là 7. Bằng chiếm ưu thế. Toàn bài có 45 âm thì có tới 33 âm bằng âm trắc chỉ có 12. Bằng cũng chiếm ưu thế! Lại nữa, toàn bài có những câu hoàn toàn viết bởi âm bằng: : “Em không nghe mùa thu”, “Em không nghe rừng thu”. Vậy là âm điệu chung đã nghiêng hẳn về bằng. Bởi thế chúng ta thấy Tiếng thu có một điệu êm đềm, thanh thoát mà tiêu tao. Cái nền bằng của âm hưởng dường như mang trong nó cái không khí âm u bàng bạc, mơ màng cái nhịp rung trầm trong lòng cõi thu mênh mông. Nhưng điều độc đáo chưa phải ở phần bằng, mà ở phần trắc. Đáng kể nhất là những vần chân thuộc về âm trắc. Chúng đều là những từ láy. Bản thân từ láy đã gợi được sự điệp âm, sự nhấn nhá, luyến láy. Chúng lại đi liền thành chuỗi càng làm cho sắc thái ngân luyến vang vọng hơn, lên cao hơn. Khác nào trên cái nền bằng thanh tĩnh mơ màng của đất trời chợt ngân lên những Tiếng thu. Khác nào trên cái nền mơ hồ những thổn thức rạo rực xốn xang vô hình thấy động lên một tiếng xạc xào của lá! Sự tương phản bằng trắc ấy lại chính là sự hài hoà, sự hài thanh để cho Tiếng thu thành một bản hoà âm đó vậy? 13 Tôi cứ nghĩ, Lưu Trọng Lư chính là chú nai kia, bởi cái nghiêng tai ngơ ngác thi sĩ của nó. Nó ngơ ngác vì không nghe ra hay vì tiếng thu quá đỗi lạ lùng. Nó chỉ
(Theo Chu Văn Sơn, Thơ – điệu hồn và cấu trúc, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 45 – 53) |
(Trang 58)
Trả lời câu hỏi
1. Theo phân tích của tác giả, “tiếng thu” và “tiếng thơ" tương ứng với những bình diện nào trong bài thơ của Lưu Trọng Lư?
2. Trình tự của bài viết đi từ “tiếng thu” hay “tiếng thơ"? Theo tác giả, “tiếng thu" trong bài thơ của Lưu Trọng Lư là gì?
3. Đánh giá về tính hợp lí của cách tổ chức và triển khai ý tưởng trong bài viết.
4. Theo tác giả, sự khác biệt lớn nhất trong cách miêu tả thiên nhiên của Thơ mới so với thơ cổ điển là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến sự khác biệt ấy?
5. Khi phân tích ngôn từ trong bài thơ Tiếng thu, những thao tác nào được nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn thường xuyên sử dụng? Theo bạn, tại sao những thao tác ấy lại rất cần thiết trong việc cảm thụ giá trị thẩm mĩ của ngôn từ thơ?
6. Từ gợi ý trong bài viết của Chu Văn Sơn, theo bạn, sức hấp dẫn của một bài thơ nằm ở những yếu tố nào?
Kết nối đọc – viết
Qua các tác phẩm được giới thiệu trong Bài 2: Vẻ đẹp của thơ ca, hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) chia sẻ về điều làm bạn thấy thú vị, hấp dẫn khi đọc thơ.
Thực hành tiếng Việt: Lỗi dùng từ, lỗi về trật tự từ và cách sửa
1. Hãy tìm lỗi dùng từ trong các câu sau và nêu cách sửa lỗi thích hợp: a. Nhà thơ Cô-ba-y-a-si Ít-sa là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thơ hai-cư Nhật Bản. b. Đề tài, chủ đề, cảm hứng cũng như nội dung của các bài thơ hai-cư rất đa dạng, khác nhau. | Lỗi dùng từ và cách sửa • Lặp từ – Trường hợp một từ ngữ được dùng nhiều lần trong một câu, một đoạn khiến câu, đoạn đó trở nên nặng nề, rườm rà được coi là lỗi lặp từ. Cách sửa: bỏ từ ngữ bị lặp hoặc thay bằng đại từ hay từ ngữ đồng nghĩa. – Chẳng hạn, câu Có lẽ thơ hai-cư dường như là thể thơ kiệm lời bậc nhất mắc lỗi |
(Trang 59)
c. Bài thơ Thu hứng là một trong những thi phẩm nổi tiếng của Đỗ Phủ. d. Nhà thơ đã mượn trí tưởng tượng của mình để tái hiện bằng ngôn từ một khung cảnh thiên nhiên tràn đầy sức sống. e. Được sinh ra trong một gia đình tri thức, từ nhỏ, nhà văn X đã là một cậu bé say mê đọc sách. g. Bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử kết lại bằng hình ảnh của nhân vật trữ tình - người phụ nữ nhọc nhằn gánh thóc trên bãi cát trắng. h. Hình ảnh hoa triêu nhan vướng dây gàu khiến nhân vật trữ tình trong bài thơ của Chi-y-ô rất ư bất ngờ. 2. Trường hợp nào dưới đây được xem là mắc lỗi về trật tự từ ? a. Một bộ phận độc giả đông đảo đã không cảm nhận được cái mới ngay trong thơ Hàn Mặc Tử. b. Là thể thơ ngắn nhất thế giới, hai-cư được xem như một “đặc sản” của văn chương Nhật Bản. c. Nói chung, người đọc thơ trữ tình cần quan tâm đến mạch sự kiện hơn là mạch cảm xúc của bài thơ. | lặp từ, có thể viết lại như sau: Có lẽ hai -cư là thể thơ kiệm lời bậc nhất. – Cần phân biệt lỗi lặp từ với phép lặp trong liên kết câu và lặp tu từ (điệp ngữ). Lỗi lặp từ thể hiện sự vụng về, thiếu cẩn thận trong việc sử dụng ngôn ngữ. • Dùng từ không đúng nghĩa – Nguyên nhân đưa đến lỗi này là người viết không hiểu đúng nghĩa của từ ngữ mình dùng, nhất là các thành ngữ, từ Hán Việt, thuật ngữ khoa học. – Để khắc phục lỗi này, cần biết sử dụng thường xuyên từ điển tiếng Việt, từ điển Hán Việt, từ điển thuật ngữ chuyên ngành có uy tín. • Dùng từ không đúng phong cách ngôn ngữ của kiểu, loại văn bản – Lỗi này thường do người viết chưa ý thức được những ràng buộc của ngữ cảnh hay tính đặc thù của kiểu, loại văn bản, từ đó lựa chọn từ ngữ không thích hợp, làm giảm hiệu quả giao tiếp. Chẳng hạn, trong câu Bài thơ có nhiều lối diễn đạt hơi bị lạ so với ngôn ngữ thông thường, cụm từ “hơi bị lạ” có tính khẩu ngữ, không nên dùng ở một bài viết có tính trường quy. Có thể viết lại câu này như sau: Bài thơ có nhiều lối diễn đạt khác lạ so với ngôn ngữ thông thường. – Để khắc phục, người viết cần phải quan tâm thực sự đến hoàn cảnh giao tiếp, nắm vững đặc điểm phong cách ngôn ngữ của kiểu, loại văn bản được sử dụng. Lỗi trật tự từ và cách sửa – Nhiều cụm từ, câu trong tiếng Việt chỉ khác nhau do trật tự sắp xếp giữa các từ, ví dụ: hộp sữa/ sữa hộp; viên thuốc/ thuốc viên; |
(Trang 60)
d. Rất nhiều hình ảnh đời thường xuất hiện trong thơ hai-cư Nhật Bản. e. Thơ Đường luật mặc dù chặt chẽ bố cục nhưng vẫn có những khoảng trống liên tưởng khơi gợi. g. Điều làm thích thú người đọc ở bài thơ này là cách độc đáo gieo vần. h. Trong bài thơ Tiếng thu, đóng vai trò quan trọng là các từ láy tượng thanh. i. Nhà thơ cho phép thơ lãng mạn giải phóng cảm xúc của mình một cách rất phóng khoáng. 3. Phát hiện các lỗi dùng từ và trật tự từ (nếu có) trong đoạn văn đã viết theo yêu cầu của phần Kết nối đọc – viết. 4. Sưu tầm các trường hợp vi phạm lỗi dùng từ và trật tự từ trong một số văn bản báo chí. Phân tích lỗi và đưa ra phương án sửa lỗi. |
Cỏ non xanh tận chân trời Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (Nguyễn Du, Truyện Kiều) Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu Lả lả cành hoang, nắng trở chiều (Xuân Diệu, Thơ duyên) – Trong giao tiếp thông thường, các từ trong câu cần được sắp xếp theo trình tự đúng với quy tắc ngữ pháp. Nếu không tuân thủ thì câu bị coi là mắc lỗi về trật tự từ. Chẳng hạn, câu Bài thơ đã thi vị miêu tả khung cảnh mùa xuân làng quê có thể được sửa lại như sau: Bài thơ đã miêu tả khung cảnh mùa xuân làng quê một cách thi vị, hoặc: Bài thơ đã thi vị hoá khung cảnh mùa xuân làng quê. – Để khắc phục lỗi trật tự từ, cần phải nắm vững quy tắc ngữ pháp, hiểu được mục đích giao tiếp. Đặc biệt, cần thường xuyên luyện tập cách sử dụng tiếng Việt. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn