Viết | Ngữ Văn Tập 2 | Bài 7: Sự Thật Trong Tác Phẩm Kí - Lớp 11 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Kết nối tri thức Ngữ văn tập 2 lớp 10 Bài 7: Sự Thật Trong Tác Phẩm Kí Viết: Viết bài văn nghị luận bàn về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ (Cách ứng xử trong các mối quan hệ gia đình, xã hội)


Trang 52

Viết bài văn nghị luận bàn về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ (Cách ứng xử trong các mối quan hệ gia đình, xã hội)

Ở thời đại nào, cuộc sống của mỗi cá nhân cũng đều không thể tách rời các mối quan hệ gia đình và xã hội. Hình thành cách ứng xử đúng đắn, tốt đẹp trong các mối quan hệ ấy có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển, hoàn thiện con người cá nhân, nhất là với tuổi trẻ. Hãy vận dụng các thao tác, kĩ năng cơ bản đã được hình thành, rèn luyện ở Bài 3 – Lập luận trong văn bản nghị luận để bàn luận về quan niệm và cách ứng xử trong mối quan hệ mà bạn quan tâm.

Yêu cầu

• Giới thiệu được vấn đề có ý nghĩa, liên quan đến cách ứng xử của tuổi trẻ trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

• Thể hiện được quan điểm cá nhân và đưa ra được các lí lẽ, bằng chứng thuyết phục về cách ứng xử trong mối quan hệ được bàn luận.

• Nêu được ý kiến trái chiều và phản bác bằng lập luận chặt chẽ, sắc bén.

• Khẳng định được tầm quan trọng của cách ứng xử đối với việc phát triển, hoàn thiện con người cá nhân và xây dựng cộng đồng.

Bài viết tham khảo

Yêu là biết sống đẹp hơn

Nêu vấn đề cần bàn luận.


Tình yêu là vấn đề của mỗi người và của muôn đời. Từ ngàn xưa đến mai sau, trái tim con người đã và sẽ cử bồi hồi, xao xuyến, khắc khoải, thao thức,... trước tiếng gọi của tình yêu. Dẫu biết tình yêu không có tuổi nhưng có lẽ thần Kiu-pít (Cupid)hinh-anh-viet-12521-0

vẫn dành sự “ưu tiên” hàng đầu cho những chàng trai, cô gái đương độ thanh xuân. Vì vậy, tình yêu có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của giới trẻ. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, vấn đề cách ứng xử của tuổi trẻ với tình yêu càng cần được bàn luận, suy ngẫm một cách thấu đáo.

________________________________________________________________

hinh-anh-viet-12521-1Kiu-pít: thần Tinh yêu trong thần thoại Hy Lạp.

Trang 53

Tuổi trẻ và tình yêu trong cảnh xã hội hiện đại những thuận lợi và hạn chế.


Có thể nói, so với các thế hệ trước, con người hiện đại đã có được sự bình đẳng, tự do trong tình yêu. Hầu hết mọi người được tự do lựa chọn và có thể chủ động trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Các bạn trẻ không còn phải chịu cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy"; cũng không bị trói buộc bởi các hủ tục khắt khe. Người phụ nữ cũng đã thoát khỏi thân phận bị lệ thuộc và không phải gánh chịu “búa rìu dư luận” nghiệt ngã như thời xưa.

Nhưng cũng chính cuộc sống hiện đại đã làm nảy sinh không ít quan niệm về tình yêu và cách ứng xử lệch lạc, thậm chí “xấu xí” trong tình yêu. Chẳng hạn, có người cho rằng tình yêu thời hiện đại phải khác tình yêu theo quan điểm truyền thống, dẫn đến thực trạng chuyện đến và đi trong tình yêu có chiều hướng ngày càng dễ dãi và không hiếm bạn trẻ yêu theo “trào lưu”, cho khỏi “tụt hậu”. Có người coi việc chinh phục được đối tượng là một chiến tích, càng nhiều "chiến công” càng tự hào về tài “chinh chiến” của mình! Không ít đôi dễ dàng “sống thử” một cách ngẫu hứng, tuỳ tiện, không cần biết tới ngày mai. Kết quả là nhiều thứ tình cảm “giống như tình yêu” ấy nhanh chóng tan vỡ, để lại nỗi thất vọng, chán chường và có khi là sự căm ghét, hận thù. Đáng buồn nhất là cách ứng xử của một số bạn trẻ khi tình yêu không được đáp lại hoặc đổ vỡ, chia li nhẹ thì lăng mạ, bôi xấu, nặng thì “cho một trận dằn mặt”; thậm chí có kẻ nhẫn tâm huỷ hoại hình hài hoặc cướp đi sinh mạng của người yêu. Tôi hoàn toàn không tin những kẻ đó chỉ vì “quá yêu” mà không thể kiểm soát bản thân, mà hoa thành mù quáng. Bởi vì, tình yêu thực sự không bao giờ song hành với thói vị kỉ, sự tàn nhẫn, độc ác. Trái lại, tình yêu sâu sắc, mãnh liệt luôn gắn liền với lòng bao dung, vị tha, cao thượng. Tình yêu phải trở thành nguồn sức mạnh kì diệu giúp mỗi người vượt qua khó khăn, thử thách trên đường đời và vượt lên chính mình.

Phản bác ý kiến trái chiều và những cách ứng xử tiêu cực trong tình yêu.

 

Khẳng định những cách ứng xử đúng đắn trong tình yêu.

Yêu không chỉ là nhớ nhung da diết, đắm say, nồng nàn mà trước hết phải biết sống có trách nhiệm với mình, với người yêu. Người “biết yêu” thực sự sẽ luôn đặt cuộc sống và hạnh phúc của người yêu lên vị trí hàng đầu. Ở trường tôi, có một đôi thường được nhiều lứa “đàn em” kể lại với lòng ngưỡng mộ, mơ ước. Anh và chị đều là học sinh sống trong khu nội trú. Khi anh học lớp Mười hai thì chị vào lớp Mười. Mọi người xung quanh chỉ thấy anh quan tâm, săn sóc chị như cô em gái cùng quê mà không có chuyện hò hẹn,

Trang 54

cặp kè như nhiều đôi khác. Ra trường rồi, anh vẫn thường xuyên trở về thăm các em, giúp đỡ từ chuyện học hành đến việc đóng lại cái mắc áo, treo lại cái giá sách cho cả phòng. Ngày chị vào trường đại học, anh mới trao cho chị cuốn nhật kí – được viết từ những ngày đầu trái tim anh bồi hồi, xao xuyến trước gương mặt ngơ ngác của cô bé lớp Mười vừa nhập trường; ghi lại biết bao lần anh gắng kìm giữ lòng mình, không thổ lộ tình yêu, để giữ cho cô bé ấy những ngày tháng hồn nhiên, êm đềm của tuổi học trò. Tôi cũng từng biết câu chuyện có thật về một chàng trai miền biển, đến bệnh viện chăm sóc người thân, tình cờ gặp cô gái đang mang bệnh hiểm nghèo và đem lòng yêu thương cô. Anh đã vượt qua sự phản đối của gia đình, sự mặc cảm của cô gái để họ được thành đôi và hạnh phúc bất chấp những nhọc nhằn, gian khó của cuộc sống đời thường.

Yêu còn là phải biết sống sao cho xứng đáng với tình yêu. Tình cảm vốn rất riêng tư, cá nhân này không hề tách biệt mà hoà quyện với những tình cảm khác: tình yêu gia đình, yêu quê hương xứ sở, trách nhiệm với cộng đồng. Trong những cuộc kháng chiến giữ nước, đã có biết bao chàng trai, cô gái mang theo hình ảnh người yêu ra trận. Những người lính trên con đường chiến đấu vẫn “bồn chồn nhớ mắt người yêu”, “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, nhớ thương “người vợ chờ/ bé bỏng chiều quê”,... Trên những trang nhật kí tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm,... cũng đầy ắp những nhớ nhung da diết, trăn trở, khắc khoải, thao thức. Chính tình yêu ấy đã thôi thúc họ lên đường chiến đấu, bất chấp chia li, xa cách, mất mát, hi sinh: “Em ơi rất có thể/ Anh chết giữa chiến trường/ Đôi môi tươi đạn xé/ Chưa một lần được hôn!/ Nhưng dù chết em ơi/ Yêu em anh không thể/ Hôn em bằng đôi môi/ Của một người nô lệ” (Phùng Quán, Hôn).

Nhấn mạnh cách ứng xử đúng đắn khi tình yêu không thành.

Đặc biệt, khi tình yêu không được đền đáp hoặc tan vỡ vì lí do nào đó, con người càng phải có trách nhiệm cao hơn. để xứng đáng với tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng này. Tôi nhớ chàng trai với tâm hồn bị giằng xé bởi bao nhiêu cảm xúc trái ngược của mối tình đơn phương vô vọng trong bài thơ tình nổi tiếng thế giới của A. Pu-skin – A. Pushkin (Tôi yêu em). Biết không được đáp lại mà vẫn cứ yêu chân thành đằm thắm, khi âm thầm, lặng lẽ, lúc hậm hực ghen tuông. Vậy mà chàng trai ấy đã bày tỏ ý định giã từ vì không muốn người con gái mình yêu“phải bận lòng thêm nữa”. Anh từ biệt cô với lời chúc phúc ẩn chứa niềm kiêu hãnh và tràn đầy tình yêu: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”

Trang 55

hay như chàng trai trong bài ca dao Mình nói dối ta, đã vượt qua những giận hờn, thất vọng, đau đớn khi “Ta đi qua ngõ, thấy con mình bò”, để ứng xử thật nhân hậu, bao dung: “Con mình những trấu cùng tro,/ Ta đi xách nước rửa cho con mình”. Trong cuộc sống, cũng có bao cặp đôi dẫu không nên duyên chồng vợ vẫn có thể là bạn hoặc vẫn nhớ về nhau với những kỉ niệm tốt lành. Họ đã vượt lên nỗi đau khổ, thất vọng của riêng mình mà không làm tổn thương người khác, không xúc phạm tình yêu.

Khẳng định ý nghĩa của việc ứng xử đúng đắn trong tình yêu.

 

Mỗi một thời đại có thể thêm và bớt đi những “tiêu chí” định giá con người và cuộc sống nhưng riêng với tình yêu, có lẽ “chuẩn giá trị” vẫn là một hằng số không đổi. Con đường đến với tình yêu muôn màu vẻ và tình yêu có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc; cũng có thể khiến ta thất vọng, đau khổ, xót xa, tiếc nuối song tình cảm ấy mãi mãi là món quà vô giá của cuộc sống. Tất nhiên, tuỳ vào cách mỗi chúng ta trao và nhận tình yêu. Với tôi, yêu là phải biết sống đẹp hơn!

(Nhóm biên soạn)

hinh-anh-viet-12521-2 1. Vấn đề được bàn luận trong bài viết là gì?

2. Những luận điểm nào được đưa ra trong bài viết

3. Người viết đã sử dụng những loại lí lẽ, bằng chứng nào?

4. Ý kiến trái chiều nào đã được phản bác? Lí lẽ và bằng chứng được người viết dùng để phản biện có sức thuyết phục không?

Thực hành viết

Chuẩn bị viết

– Chọn đề tài: Nhan đề chung của phần Viết đã định hướng phạm vi đề tài mà bạn có thể chọn lựa. Nếu Bài 3 bàn luận về vấn đề khát vọng, hoài bão, ý chí của tuổi trẻ thì Bài 7 sẽ tập trung vào vấn đề tuổi trẻ với các mối quan hệ gia đình, xã hội. Bạn căn cứ vào trải nghiệm cá nhân và tình hình thực tế để lựa chọn đề tài hấp dẫn, có ý nghĩa với lứa tuổi của mình.

– Có thể chọn một số đề tài như: Cách giải quyết vấn đề khác biệt thế hệ trong gia đình; Cách ứng xử khi nảy sinh mâu thuẫn, xung đột với bạn bè; Hình thành, gìn giữ một tình bạn đẹp; Có cần tạo thiện cảm với mọi người xung quanh.

Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

Sau khi xác định được đề tài, có thể trả lời một số câu hỏi sau để tìm ý:

Bạn muốn bàn luận về quan điểm và cách ứng xử trong mối quan hệ nào? Cần nêu được tầm quan trọng của vấn đề được bàn luận với tuổi trẻ. Ví dụ, ở bài viết tham khảo, người viết đã chỉ ra vị trí của tình yêu trong đời sống tình cảm của con người nói chung và giới trẻ nói riêng; từ đó nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của việc bàn luận về nhận thức, cách ứng xử đúng đắn trong tình yêu.

Quan điểm cá nhân của bạn về vấn đề như thế nào? Cần đưa ra những quan điểm riêng, nêu lên những cách ứng xử đúng đắn, tốt đẹp khi giải quyết các vấn đề nảy sinh từ mối quan hệ gia đình, xã hội. Ví dụ, bài viết tham khảo nêu quan điểm về tình yêu và cách ứng xử khi yêu, khi tình yêu không thành.

Bạn sẽ đối thoại với những ý kiến trái chiều nào? Cần giả định một số ý kiến trái chiều liên quan trực tiếp đến vấn đề bàn luận. Có thể đối chiếu, so sánh những cách ứng xử khác nhau; từ đó khái quát, nhấn mạnh quan điểm của bản thân. Chẳng hạn, bài viết tham khảo đã nêu ra và phản bác nhận thức lệch lạc, cách ứng xử sai lầm trong tình yêu (dễ dãi, ích kỉ, tàn nhẫn,..).

Bạn sẽ đưa ra những lí lẽ gì và huy động những bằng chứng nào? Chú ý sử dụng các lí lẽ thuyết phục và huy động nhiều loại bằng chứng phù hợp. Ví dụ, bài viết tham khảo đưa ra các bằng chứng từ sách vở, thực tế đời sống, trải nghiệm cá nhân.

Lập dàn ý

Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần bàn luận (quan điểm và cách ứng xử của giới trẻ trước vấn đề gì).

Thân bài:

– Nêu ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề được bàn luận.

– Trình bày quan điểm và đề xuất cách ứng xử đúng đắn, tốt đẹp trước vấn đề được đề cập.

– Sử dụng lí lẽ và bằng chứng để chứng minh cho quan điểm của mình.

– Phản biện một số quan điểm trái chiều.

Kết bài: Khẳng định được tầm quan trọng của vấn đề.

Viết

– Mở bài không chỉ giới thiệu được vấn đề mà cần tạo được sức cuốn hút.

– Thân bài cần có các luận điểm rõ ràng, hợp lí, triển khai được nội dung cơ bản của vấn đề. Mỗi luận điểm phải thể hiện được một khía cạnh nào đó trong quan điểm của người viết. Bằng chứng cần đa dạng, phong phú, huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Chú ý nêu ý kiến trái chiều và phản biện để thể hiện cách nhìn nhận vấn đề toàn diện và đa chiều của người viết. Tuy vậy, người viết cũng cần đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để bàn luận về vấn đề. Điểm nhìn đó giúp cho người viết tăng thêm sức thuyết phục với người đọc.

– Kết bài khẳng định được ý nghĩa của vấn đề và khơi gợi được những điều cần tiếp tục bàn luận.

Trang 57

Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đối chiếu bài viết với yêu cầu của kiểu bài để bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện (Tham khảo hướng dẫn trong các bài viết trước).

Tin tức mới


Đánh giá

Viết | Ngữ Văn Tập 2 | Bài 7: Sự Thật Trong Tác Phẩm Kí - Lớp 11 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Tổng số sao của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 / 5 sao

Bình Luận

Để Lại Bình Luận Của Bạn

Tin tức mới

Môn Học Lớp 11 - Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Bộ Sách Lớp 11

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Lớp 1

Sách giáo khoa dành cho lớp 1

Lớp 6

Sách giáo khoa dành cho lớp 6

Lớp 5

Sách giáo khoa dành cho lớp 5

Lớp 4

Sách giáo khoa dành cho lớp 4

Lớp 2

Sách giáo khoa dành cho lớp 2

Lớp 3

Sách giáo khoa dành cho lớp 3

Lớp 7

Sách giáo khoa dành cho lớp 7

Lớp 8

Sách giáo khoa dành cho lớp 8

Lớp 9

Sách giáo khoa dành cho lớp 9

Lớp 10

Sách giáo khoa dành cho lớp 10

Lớp 11

Sách giáo khoa dành cho lớp 11

Lớp 12

Sách giáo khoa dành cho lớp 12

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.