Nội Dung Chính
(Trang 36)
Sau khi học xong bài này, em sẽ: Trình bày được khái niệm, phân loại phương pháp gia công cơ khí. |
Hình 7.1
a) Phôi
b) Thành phẩm
Quan sát Hình 7.1 và cho biết phương pháp gia công cơ khí nào cần sử dụng để có thành phẩm (b) từ phôi tương ứng (a).
I - GIA CÔNG CƠ KHÍ
Khám phá
Quan sát Hình 7.2 và nêu tên các phương pháp gia công cơ khí. |
Gia công cơ khí là quá trình chế tạo ra sản phẩm cơ khí. Đó là việc sử dụng các máy móc, công cụ, công nghệ và áp dụng các nguyên lí vật lí để tạo ra các thành phẩm từ vật liệu ban đầu.
Hiện nay có nhiều phương pháp gia công cơ khí khác nhau như: đúc, hàn, rèn, khoan, tiện, phay, cắt laser,... Tuỳ thuộc vào yêu cầu kĩ thuật của sản phẩm mà người ta sử dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp gia công khác nhau.
Hình 7.2. Một số phương pháp gia công cơ khí
(Trang 37)
II – PHÂN LOẠI GIA CÔNG CƠ KHÍ
Có nhiều phương pháp phân loại gia công cơ khí khác nhau:
- Phân loại theo công nghệ gia công gồm: gia công cơ khí không phoi và gia công cơ khí có phoi (gia công cắt gọt).
- Phân loại theo lịch sử phát triển của công nghệ gia công gồm: gia công cơ khí truyền thống và gia công cơ khí hiện đại.
1. Gia công cơ khí không phoi
Gia công cơ khí không phoi là quá trình gia công mà khối lượng vật liệu vẫn được giữ nguyên, không có vật liệu thừa thải ra. Các phương pháp gia công cơ khí không phoi, chủ yếu gồm: đúc, rèn, dập nóng, dập nguội, cán, kéo, ép, hàn,...
Sản phẩm của các phương pháp gia công cơ khí không phoi thường là phôi, tức là sản phẩm mới được tạo hình sơ bộ với kích thước thô và độ nhẵn bề mặt thấp. Tuy nhiên, cũng có nhiều phương pháp gia công không phoi cho sản phẩm có độ chính xác cũng như độ nhẵn bề mặt cao như phương pháp đúc áp lực, đúc chính xác theo mẫu nóng chảy, rèn khuôn chính xác,...
Hình 7.3. Một số phương pháp gia công cơ khí không phoi
Khám phá
Quan sát và cho biết Hình 7.3 giới thiệu những phương pháp gia công cơ khí không phoi nào? |
Kết nối năng lực
Sử dụng internet hoặc qua sách, báo,... kể tên các sản phẩm của gia công cơ khí không phoi. |
(Trang 38)
2. Gia công cơ khí có phoi
Gia công cơ khí có phoi là quá trình gia công mà có một lượng vật liệu thừa được thải ra. Các phương pháp gia công cơ khí có phoi thông thường là tiện, phay, bào, xọc, khoan, doa, mài,...
Sản phẩm của gia công cơ khí có phoi là các chi tiết cơ khí được chế tạo theo bản thiết kế. Nguyên tắc của phương pháp này là hớt bỏ đi một lớp kim loại ở bên ngoài hoặc bên trong của phôi cho tới khi đạt được hình dạng, kích thước và độ nhẵn bề mặt cần thiết. Quá trình này được tiến hành trên máy cắt kim loại hoặc bằng các công cụ cầm tay (cưa, dũa, cạo,...).
Hình 7.4. Một số phương pháp gia công cơ khí có phoi
Khám phá
Quan sát và cho biết Hình 7.4 giới thiệu những phương pháp gia công cơ khí có phoi nào? |
Kết nối năng lực
Sử dụng internet hoặc qua sách, báo,... kể thêm tên các sản phẩm của gia công cơ khí có phoi. |
(Trang 39)
Kết nối nghề nghiệp
Nghề cắt gọt kim loại sử dụng các máy cắt kim loại (máy tiện cơ/CNC, máy phay cơ/CNC, máy khoan, máy mài,...) và các dụng cụ cắt để chế tạo các chi tiết, thiết bị cơ khí. Nghề này thường gặp ở các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, chế tạo trong lĩnh vực cơ khí. |
3. Gia công cơ khí khác
Ngoài các phương pháp gia công cơ khí nêu trên, hiện nay trong ngành chế tạo máy đã xuất hiện một số phương pháp gia công mới dựa trên nguyên tắc khác như: gia công bằng tia lửa điện, gia công bằng tia nước, gia công bằng siêu âm, gia công bằng tia laser,... Các phương pháp gia công đó có khả năng đặc biệt, tuy nhiên phạm vi áp dụng chỉ ở một số công việc nhất định. Sản phẩm của phương pháp gia công này có thể là các chi tiết cơ khí trung gian hoặc là thành phẩm.
Hình 7.5. Một số phương pháp gia công cơ khí khác
Khám phá
Quan sát và cho biết Hình 7.5 giới thiệu những phương pháp gia công cơ khí nào? |
Vận dụng
Quan sát sản phẩm cơ khí ở nhà, ở trường.... hãy cho biết sản phẩm cơ khí đó được chế tạo bằng phương pháp gia công cơ khí nào? |
Kết nối năng lực
Em hãy cho biết khi cắt sản phẩm có vật liệu là phi kim loại nên chọn phương pháp nào trong các phương pháp được giới thiệu trong Hình 7.5. |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn