(Trang 111)
Sau khi học xong bài này, em sẽ: - Trình bày được vai trò của ô tô trong đời sống và sản xuất. - Mô tả được cấu tạo chung của ô tô. |
Hình 21.1
Hình 21.1 cho thấy ô tô được tạo thành từ nhiều bộ phận khác nhau. Em hãy kể tên một số bộ phận chính của ô tô.
I - VAI TRÒ CỦA Ô TÔ TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SẢN XUẤT
Khám phá
Hãy quan sát Hình 21.2 và nêu vai trò của ô tô đối với đời sống và sản xuất.
Hình 21.2. Phương tiện đi lại và vận chuyển hàng hoá xưa (a) và nay (b)
(Trang 112)
Trước khi ô tô ra đời, hoạt động giao thông vận tải đường bộ rất khó khăn. Ngày nay, ô tô là phương tiện giao thông vận tải giữ vai trò quan trọng đối với đời sống và sản xuất:
- Ô tô là phương tiện giao thông vận tải chủ yếu trên đường bộ;
- Ô tô giúp thực hiện cơ giới hoá một số hoạt động lao động sản xuất (như vệ sinh môi trường đô thị, nâng chuyển cấu kiện xây dựng, cứu hộ cứu nạn,...).
Bên cạnh vai trò to lớn đối với sản xuất và đời sống xã hội, ô tô cũng có mặt tiêu cực như: gây ra nhiều tai nạn giao thông đường bộ, ô nhiễm môi trường sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên,... Người sử dụng ô tô cần có ý thức trách nhiệm cao đối với xã hội và môi trường thiên nhiên của đất nước.
II - CẤU TẠO CHUNG CỦA Ô TÔ
Ngành công nghiệp ô tô đã ra đời từ cuối thế kỉ XIX và liên tục phát triển nhằm nâng cao hơn nữa tính năng kinh tế và an toàn khi sử dụng của ô tô. Mặc dù ô tô điện đang ngày càng được hoàn thiện và trở nên quen thuộc, ô tô sử dụng động cơ đốt trong vẫn đang rất phổ biến hiện nay. Bài này chỉ giới thiệu ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Cấu tạo chung của ô tô bao gồm các bộ phận chính sau đây (Hình 21.3):
Khám phá
Hãy đọc nội dung mục II và thực hiện yêu cầu sau: - Kể tên các bộ phận chính của một ô tô. - Nêu chức năng của mỗi bộ phận đó. |
Hình 21.3. Sơ đồ cấu tạo chung của ô tô
1. Động cơ
2. Hệ thống truyền lực
3. Bánh xe
4. Hệ thống treo
5. Hệ thống lái
6. Hệ thống phanh
7. Khung vỏ xe
- Động cơ (1): có chức năng tạo ra nguồn mô men chủ động giúp ô tô chuyển động.
- Hệ thống truyền lực (2): có chức năng truyền và biến đổi mô men chủ động đến các bánh xe chủ động để bánh xe quay và ô tô chuyển động. Các cụm chính của hệ thống truyền lực bao gồm li hợp, hộp số, trục các đăng, truyền lực chính và bộ vi sai (Hình 21.4).
Hình 21.4. Hệ thống truyền lực trên ô tô
Động cơ
Hộp số
Vi sai
Bán trục
Li hợp
Trục các đăng
(Trang 113)
- Bánh xe (3) và hệ thống treo (4) có chức năng đỡ toàn bộ trọng lượng của xe, tiếp nhận các lực tác dụng từ mặt đường dụng lên để ô tô có thể chuyển động êm dịu và an toàn (Hình 21.5).
Hình 21.5. Bánh xe và hệ thống treo
- Hệ thống lái (5): dùng để điều khiển hướng chuyển động của ô tô. Sự hoạt động ổn định và tin cậy của hệ thống lái có vai trò rất quan trọng đối với sự an toàn trong chuyển động của ô tô.
- Hệ thống phanh (6): được dùng để điều khiển giảm tốc độ chuyển động của xe hoặc dùng xe lâu dài, có vai trò rất quan trọng đối với sự an toàn trong chuyển động của ô tô. Hệ thống này bao gồm hai bộ phận chính (Hình 21.6): cơ cấu phanh và bộ phận dẫn động điều khiển phanh (gồm bàn đạp phanh, xi lanh chính, ống dẫn dầu, xi lanh công tác).
Hình 21.6. Hệ thống phanh
- Khung vỏ (7) đóng vai trò là giá đỡ chính để lắp đặt các bộ phận của ô tô, tạo các khoang chức năng (khoang chứa động cơ, khoang hành khách, khoang chở hàng....) của ô tô (Hình 21.7).
- Hệ thống điện, điện tử giúp cho ô tô hoạt động an toàn, hiệu quả và tiện nghi. Ngoài ra, trên ô tô còn có thể có hệ thống điều hoà không khí và các thiết bị tiện nghi khác.
Hình 21.7. Khung vỏ ô tô
(Trang 114)
Thông tin bổ sung
Cấu tạo của xe chuyên dụng cũng bao gồm các bộ phận chính tương tự như trên ô tô. Ngoài ra, chúng còn có máy công tác khác để thực hiện nhiệm vụ chuyên biệt nhất định. |
Luyện tập
Hãy nêu tên các bộ phận chính của ô tô được đánh số trên Hình 21.8.
Hình 21.8 |
Kết nối năng lực
Thông qua thông tin trên sách bảo hoặc internet, em hãy cho biết chức năng của các bộ phận được viết tắt là ABS, TCS, ECT trên ô tô. |
Vận dụng
Xe máy có những bộ phận chính nào tương tự như trên ô tô? |
Bình Luận
Để Lại Bình Luận Của Bạn